Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

The Lover (1992)


  • Tagline: She gave her innocence, her passion, her body. The one thing she couldn't give was her love.
  • Genre: Biography / Drama / Romance
  • Rating:
    6.7/10
  • Runtime: 115 mins
  • Release date: 30 October 1992
  • Director: Jean-Jacques Annaud
  • Cast: Jane March, Tony Leung Ka Fai, Frédérique Meininger, Arnaud Giovaninetti, Melvil Poupaud, Lisa Faulkner, Xiem Mang, Philippe Le Dem, Ann Schaufuss, Quach Van An…
Plot: It is French Colonial Vietnam in 1929. A young French girl from a family that is having some monetary difficulties is returning to boarding school. She is alone on public transportation when she…



L’amant - The lover (Người tình)
Một trong những bộ phim Pháp ăn khách nhất tại thị trường thế giới, và cũng là bộ phim phương Tây đầu tiên đến quay tại Việt Nam. Đây chỉ là một câu chuyện tình, dựa trên bối cảnh gợi nhớ Đông Dương thời thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20, nhưng được thực hiện hoành tráng mang tầm vóc sử thi.



Từ tác phẩm best - seller đến kịch bản điện ảnh

Bộ phim Người tình dựa theo cuốn tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras, đoạt giải văn chương Goncourt năm 1984, được dịch ra 43 thứ tiếng và là tác phẩm bán chạy nhất tại Pháp của Duras (2,4 triệu bản). Tiểu thuyết kể về tình yêu cuồng nhiệt và sự đam mê thể xác của chính mình, khi mới 15 tuổi rưỡi, với một thanh niên người Hoa giàu có, lớn hơn bà 12 tuổi. Câu chuyện xảy ra vào cuối những năm 1920 tại Sài Gòn, Đông Dương.

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất danh tiếng Claude Berri đã nhanh chóng mua bản quyền cuốn sách để dựng thành phim nhưng không làm đạo diễn mà giao lại cho Jean-Jacques Annaud – một đạo diễn đang được thế giới điện ảnh chú ý với những bộ phim hết sức ấn tượng như: Cuộc chiến giành lửa, Con Gấu, Tên của hoa hồng. Annaud đọc cuốn tiểu thuyết và phản ứng đầu tiên của ông là từ chối. Như ông tâm sự: “Tôi rất thích ngôn ngữ của Duras, đó là một ngôn ngữ rất phù hợp với điện ảnh. Những lời văn có thể chuyển thành lời thoại một cách rất nhẹ nhàng. Nhưng bà ta là một tên tuổi quá nổi tiếng, tôi không muốn làm việc với một tác giả mà thừa biết rằng, rất khó có thể cùng cộng tác làm việc”. May sao, “cuối cùng, tôi nhận lời, bởi vì L’amant là câu chuyện rất đặc biệt. Một câu chuyện nhỏ về một tình yêu lớn, nó giúp tôi được hòa mình vào bản sonate lãng mạn trên nền bản giao hưởng – Đông Dương thời thuộc địa”.

Để hoàn thiện kịch bản, Annaud nhờ cậy nhà biên kịch Gérard Brach – người mà theo lời Annaud – một nhà biên kịch hiếm hoi trên thế giới, có thể viết lời cho hình ảnh một cách tuyệt vời, có khả năng hình dung được những gì sẽ được thấy trên phim và kịch bản do ông viết gần như một bộ phim hoàn chỉnh. Brach cố gắng giữ lại cấu trúc và giọng điệu văn chương nguyên thủy của nguyên tác tiểu thuyết. Không ai trong số các nhân vật chính có tên, họ chỉ được gọi là “Cô gái” và “Người đàn ông” trong danh sách giới thiệu nhân vật.

Những bất ngờ đầu tiên từ Việt Nam
Để đưa toàn bộ câu chuyện trở lại với quá khứ xa xưa khoảng gần 70 năm, nhà sản xuất Claude Berri đã huy động được một khoản kinh phí khó tin đối với một bộ phim Pháp lúc ấy: 30 triệu USD! (đến nay đó vẫn là một trong những khoản kinh phí đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp). Berri quyết định phim sẽ nói tiếng Anh để dễ phát hành trên thế giới.

Năm 1989, đạo diễn Annaud cùng đoàn tiền trạm sang Việt Nam chọn cảnh. Khá thất vọng với cơ sở hạ tầng đặc biệt là khách sạn quá thiếu tiện nghi, ông thử chuyển sang Malaysia, Thái Lan và Philippines – những nước từng được sử dụng làm bối cảnh Việt Nam trong những bộ phim chiến tranh của phương Tây – tiện nghi thì có đấy, nhưng cái quan trọng nhất là chất Đông Dương thuộc địa huyền bí và kiến trúc thời Pháp thuộc lại gần như không có. Một năm sau, ông trở lại sự lựa chọn ban đầu, vì cảm thấy không nước nào khác có thể thay thế Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Và ông thực sự rất thú vị khi được trở thành người châu Âu đầu tiên sau nhiều năm chiến tranh, đến tìm hiểu và khám phá lại Đông Dương huyền bí. Ông rất ngạc nhiên khi những dấu tích của chiến tranh vẫn còn hiện diện ở khắp nơi, nhưng đặc biệt là những công trình do Pháp xây dựng vẫn còn tồn tại, nhiều công trình vẫn còn nguyên vẹn, hiện được các cơ quan nhà nước được sử dụng và bảo quản kỹ càng. Theo Annaud, Sài Gòn là một thành phố lạ thường, ở đây giống như một bảo tàng sống về kiến trúc thuộc địa cuối thế kỷ 19.

Đạo diễn Annaud và nhóm tiền trạm đã rất xúc động khi được tận mắt lại ngôi trường cấp III Lycée Chasseloup-Laubat (trường Lê Quý Đôn hiện nay) của nhân vật “Cô gái” trong tiểu thuyết (thời đó cô tên là Donadieu, sau này đổi thành Duras) và những nơi mà bà cùng “Người tình” đã từng sống. Ông còn cố công tìm hiểu và may mắn được trò chuyện với một người Việt năm xưa đã từng biết cô Donadieu: cụ Vương Hồng Sển – học giả uyên thâm về Nam bộ – nghe ông kể lại những kỷ niệm về Donadieu và người tình Hoa kiều tên Huỳnh Thủy Lê.

Tìm “Cô gái” và “Người tình ” trên khắp thế giới!


Lời mở đầu của tiểu thuyết và kịch bản: “Tôi mới 15 tuổi rưỡi”. Có nghĩa là bộ phim cần phải tìm một diễn viên lớn tuổi hơn, nhưng gương mặt phải trẻ như 15 tuổi rưỡi! Thứ nhất, nếu đúng tuổi đó khó mà tìm được người có khả năng diễn xuất. Thứ hai, phim có chủ đề nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Một thử thách không nhỏ với ban phụ trách tuyển diễn viên. Họ đã lùng sục trong rất nhiều tạp chí của thiếu nhi và thiếu niên trên khắp thế giới. Thậm chí còn đặt mua cả tạp chí của Nhật Bản, Đức, Italia... Như vậy, chỉ riêng vài chữ “Tôi mới 15 tuổi rưỡi” đã tốn kém của đoàn phim khá nhiều tiền!

Hàng loạt thông báo tuyển diễn viên được rao trên nhiều nước. Đơn và ảnh xin tham gia nhiều đến mức người ta phải đóng vào bao tải để gửi về cho ban tuyển chọn. Đạo diễn Annaud cho biết: “Tôi đã duyệt khoảng 100 người, nhưng mỗi người phụ trách tuyển diễn viên của tôi thì phải duyệt đến hàng nghìn! Có 7 người đảm nhận việc đó, nghĩa là có khoảng 7000 cô gái đã được quay thử. Tôi xem trên băng hình khoảng 300 người đã được chọn lọc, sau đó phải gặp trực tiếp từng người”.

Công việc càng lúc càng bế tắc trong nhiều tháng ròng, cuối cùng Annaud cảm thấy kiệt sức và quyết định sẽ lựa chọn cô gái nào bước vào ngày hôm đó. Đó là cô gái người Anh mảnh dẻ sống ở ngoại ô Paris, vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt, không khá hơn những người khác mà có thể còn trống rỗng hơn! Nhưng bù lại cô ấy có những rung động khác người.

Tên cô là Jane March, do chính vợ Annaud phát hiện trên một tạp chí tuổi teen. Cô nhút nhát rụt rè không biết phải làm gì, và đó chính là điều lý thú bởi Donadieu khi 15 tuổi rưỡi cũng không biết phải làm gì. Trong lần gặp đầu tiên, Annaud nhìn Jane và tự hỏi cô ấy giống Duras ở điểm nào.

Khi xem ảnh của bà Duras lúc 17 tuổi trên bìa của 1 cuốn Người tình xuất bản tại Mỹ, ông yêu cầu Jane chải tóc ngược về sau, và cả ban tuyển chọn đã thực sự sửng sốt. Jane và Duras giống nhau một cách kỳ lạ! Sau nhiều lần chụp ảnh, hóa trang và diễn thử, Jane March đã chính thức được chọn.

Việc chọn vai diễn “Người tình” Hoa kiều phức tạp hơn Annaud và ban tuyển chọn nghĩ. Họ phải rao tìm ở Mỹ và Hongkong. Đa số phong cách của các diễn viên châu Á ở đó đã bị phương Tây hóa, số còn lại thì phù hợp nhưng lại không nói được tiếng Anh. Nhưng Annaud vẫn kiên trì tìm kiếm, vì ông cho rằng bộ phim The Last Emperor của Bertolucci cũng vấp phải vấn đề tương tự nhưng cuối cùng rồi họ cũng tìm được người mình cần.

Trong số những ứng cử viên mà Annaud chấm, có một người không muốn nhận vai vì anh ta cảm thấy mình nói tiếng Anh không đủ khá. Nhưng khi biết là đoàn phim vẫn chưa chọn ai, anh ta mới đánh bạo đến gõ cửa phòng đạo diễn. Annaud ra mở cửa và lập tức trước mắt ông là chàng thanh niên quí tộc Hoa kiều mà cả đoàn cất công tìm kiếm. Đó là nam diễn viên Hongkong Lương Gia Huy.

Ngay lập tức đạo diễn Annaud đã đưa anh về Paris để thử vai cùng với Jane March. Điều mà ông cần nhất là sự kết hợp của hai diễn viên. Khi họ diễn chung trên giường, ông muốn thấy cơ thể họ phản ứng với nhau như thế nào. Annaud rất xúc động khi ngay lần đầu tiên, cả hai đã diễn rất ăn ý với nhau.

Những sự chuẩn bị cần thiết cuối cùng

Bốn tháng trước khi quay, Annaud họp đoàn làm phim lại để giải thích cặn kẽ những ý tưởng của ông và những khó khăn mà các kỹ thuật viên sẽ gặp phải khi chuẩn bị đến Việt Nam: “Chúng ta cần chuẩn bị kỹ càng cho những khó khăn sẽ gặp phải ở Việt Nam: Đó là rắc rối về khí hậu mà các bạn không thể tưởng tượng được. Người châu Âu chúng ta khó có thể hình dung được phải làm việc dưới cái nóng 35 độ C, trong điều kiện không có gió và độ ẩm xấp xỉ 100%! Ngay cả buổi tối, trời mát hơn nhưng vẫn không có gió. Tôi hi vọng là chúng ta sẽ chịu đựng được và mọi người không lăn ra ốm cùng một lúc. Việc bị ốm là không thể tránh khỏi, nhưng tôi mong rằng điều đó sẽ không làm tôi bực bội, bởi vì cáu giận là một việc rất không hay khi đứng trước người Việt Nam. Đừng quên rằng họ là những người vừa trải qua một nửa thế kỷ đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình”.

Phim khởi quay vào ngày 14/01/1991, khi ấy Jane March mới bước vào tuổi 18 được hai tháng.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Vì sao Trung-Nga thắt chặt hợp tác quân sự?

(Toquoc) - Tổng thống Dmitry Medvedev mới đây tuyên bố Nga-Trung sẽ tăng cường hợp tác quân sự thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và tiến hành các cuộc tập trận chung. Giới quan sát cho rằng các kế hoạch cải thiện quan hệ này nhằm hạn chế sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á, song, đằng sau đó, còn nhiều yếu tố khác.

Thực vậy, các cam kết hợp tác mới đây giữa Nga và Trung Quốc không chỉ dựa trên mối lo ngại về sự mở rộng tầm ảnh hưởng của phương Tây như hồi năm 2001, đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Năm 2009 đã khác rất nhiều so với năm 2001, khi Mỹ, tự tin vào vị thế siêu cường duy nhất và nhân cơ hội các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, đã đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Giờ đây, chính Mỹ đang bước vào “buổi xế chiều”, và tụt dốc nhanh chưa từng thấy.

Sự trượt dốc của các công ty Mỹ là quá rõ. Chrysler, một trong những hãng xe hơi lớn nhất của Mỹ, đã phải tuyên bố phá sản, trong khi nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn khác cũng đang rục rịch theo vết xe đổ này. Ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính sẽ rất chậm chạp và thất nghiệp sẽ còn cao.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một số kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, như phát triển các dạng năng lượng thay thế và phát triển ngành đường sắt. Song, có lẽ ông vẫn cần đến một số yếu tố của một nền kinh tế có điều tiết. Đây là điều chưa từng thấy. Nước Mỹ sẽ phải tiếp tục in thêm hàng tỷ USD và nợ của nhà nước sẽ còn tăng cao.

Kinh tế suy thoái đương nhiên dẫn tới sự suy giảm về quân sự, sẽ làm ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Mỹ phải sử dụng ngày càng nhiều lính đánh thuê, trong khi ngân sách dành cho việc này ngày càng giảm. Việc liên tục phải bố trí lại quân đội cũng làm ảnh hưởng tới nhuệ khí của binh lính.

Chính trong bối cảnh tụt dốc suy thoái, Mỹ đã giảm đáng kể căng thẳng với Nga. Quan hệ Mỹ - Trung cũng tốt hơn nhiều so với năm 2001, thời gian từng xảy ra sự cố nghiêm trọng khi một máy bay do thám của Mỹ đâm phải một máy bay chiến đấu Trung Quốc trên bầu trời nước này.

Có thể nói lý do khiến Nga và Trung Quốc quan tâm tới Trung Á không phải là Mỹ có thể mà hiện đang suy yếu. Cả hai quốc gia này lo ngại rằng đợt tăng quân sắp tới của Mỹ đến Afghanistan có thể là cố gắng cuối cùng của Washington nhằm làm “gió đổi chiều” trước khi rút quân - điều có thể tạo cơ hội cho các phần tử nổi dậy mở rộng hoạt động không chỉ sang Pakistan láng giềng mà ra toàn Trung Á. Sự mở rộng của các tổ chức Hồi giáo nổi dậy có thể không chỉ làm ngưng các nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ từ khu vực, vốn rất quan trọng đối với cả Nga và Trung Quốc, mà còn gây ra một loạt vấn đề cho các khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống ở hai nước này.

Lính Mỹ sau một cuộc càn quét Taliban ở Afghanistan

Ngày càng quan tâm đến tình hình an ninh đang xuống cấp ở Afghanistan, Nga đã có ý định thành lập một lực lượng đa quốc gia với các nước Trung Á cũng như các nước công hòa cũ trong Liên bang Xô Viết như Belarus. Nhưng dễ thấy là một thỏa thuận như vậy sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực. Lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ không gửi quân ra nước ngoài, trong khi Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã ngừng hợp tác quân sự với Nga. Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon dường như cũng sẽ làm những điều tương tự. Dù sự bất ổn trong nước một phần là vì giáp ranh với Afghanistan, nhưng Dushanbe vẫn nhấn mạnh rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của Nga là một biểu hiện “không thân thiện”. Hơn nữa, Dushanbe từng tố cáo Nga xúi giục gây ra cuộc nội chiến ở Tajikistan trong những năm 1990.

Khi các kế hoạch liên minh ở Trung Á khó thành, Nga hướng đến Trung Quốc như lựa chọn duy nhất. Đáp lại, Bắc Kinh dường như rất hoan nghênh. Tuy nhiên, Moscow vẫn còn nghi ngại Trung Quốc vì nước này mạnh hơn về kinh tế và có đông dân cư hơn ở Viễn Đông. Ngược lại, Trung Quốc cũng không xem Nga như một đồng minh đáng tin cậy. Hai nước này hiện là đối thủ cạnh tranh về khí đốt và dầu mỏ ở Trung Á. Trung Quốc cũng khó chịu về cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Gruzia, cũng như việc Moscow thừa nhận hai khu vực tự trị của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia.

Các quốc gia Trung Á dù nghi ngờ và không ưa Nga nhưng cũng không thích thú gì với một sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực, bởi lo ngại rằng nước này với dân số đông nhất thế giới và nền kinh tế đang nổi lên cộng với sức mạnh quân sự có thể thâu tóm toàn bộ khu vực này trong tương lai. Tuy nhiên, vì hiểu rõ mối nguy hiểm của Taliban về mọi mặt, các quốc gia trong khu vực này muốn xem quan hệ hợp tác Nga – Trung liệu có tiêu diệt được tàn quân Taliban hay không

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

Biên Giới Tháng Hai (2009-1979)

Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.

“Những đôi mắt”

Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.

“Cuộc Chiến 16 Ngày”

Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.

Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 trung đoàn.

Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3 sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40 tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9 quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai; chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.

Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.

Lặng Lẽ Hoa Đào

Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.

Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.

Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.

Huy Đức


Ảnh cùa Lê Quang Nhật

 Lấy từ  Blog Osin