Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Vì sao Trung-Nga thắt chặt hợp tác quân sự?

(Toquoc) - Tổng thống Dmitry Medvedev mới đây tuyên bố Nga-Trung sẽ tăng cường hợp tác quân sự thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và tiến hành các cuộc tập trận chung. Giới quan sát cho rằng các kế hoạch cải thiện quan hệ này nhằm hạn chế sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á, song, đằng sau đó, còn nhiều yếu tố khác.

Thực vậy, các cam kết hợp tác mới đây giữa Nga và Trung Quốc không chỉ dựa trên mối lo ngại về sự mở rộng tầm ảnh hưởng của phương Tây như hồi năm 2001, đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Năm 2009 đã khác rất nhiều so với năm 2001, khi Mỹ, tự tin vào vị thế siêu cường duy nhất và nhân cơ hội các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, đã đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Giờ đây, chính Mỹ đang bước vào “buổi xế chiều”, và tụt dốc nhanh chưa từng thấy.

Sự trượt dốc của các công ty Mỹ là quá rõ. Chrysler, một trong những hãng xe hơi lớn nhất của Mỹ, đã phải tuyên bố phá sản, trong khi nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn khác cũng đang rục rịch theo vết xe đổ này. Ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính sẽ rất chậm chạp và thất nghiệp sẽ còn cao.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một số kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, như phát triển các dạng năng lượng thay thế và phát triển ngành đường sắt. Song, có lẽ ông vẫn cần đến một số yếu tố của một nền kinh tế có điều tiết. Đây là điều chưa từng thấy. Nước Mỹ sẽ phải tiếp tục in thêm hàng tỷ USD và nợ của nhà nước sẽ còn tăng cao.

Kinh tế suy thoái đương nhiên dẫn tới sự suy giảm về quân sự, sẽ làm ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Mỹ phải sử dụng ngày càng nhiều lính đánh thuê, trong khi ngân sách dành cho việc này ngày càng giảm. Việc liên tục phải bố trí lại quân đội cũng làm ảnh hưởng tới nhuệ khí của binh lính.

Chính trong bối cảnh tụt dốc suy thoái, Mỹ đã giảm đáng kể căng thẳng với Nga. Quan hệ Mỹ - Trung cũng tốt hơn nhiều so với năm 2001, thời gian từng xảy ra sự cố nghiêm trọng khi một máy bay do thám của Mỹ đâm phải một máy bay chiến đấu Trung Quốc trên bầu trời nước này.

Có thể nói lý do khiến Nga và Trung Quốc quan tâm tới Trung Á không phải là Mỹ có thể mà hiện đang suy yếu. Cả hai quốc gia này lo ngại rằng đợt tăng quân sắp tới của Mỹ đến Afghanistan có thể là cố gắng cuối cùng của Washington nhằm làm “gió đổi chiều” trước khi rút quân - điều có thể tạo cơ hội cho các phần tử nổi dậy mở rộng hoạt động không chỉ sang Pakistan láng giềng mà ra toàn Trung Á. Sự mở rộng của các tổ chức Hồi giáo nổi dậy có thể không chỉ làm ngưng các nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ từ khu vực, vốn rất quan trọng đối với cả Nga và Trung Quốc, mà còn gây ra một loạt vấn đề cho các khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống ở hai nước này.

Lính Mỹ sau một cuộc càn quét Taliban ở Afghanistan

Ngày càng quan tâm đến tình hình an ninh đang xuống cấp ở Afghanistan, Nga đã có ý định thành lập một lực lượng đa quốc gia với các nước Trung Á cũng như các nước công hòa cũ trong Liên bang Xô Viết như Belarus. Nhưng dễ thấy là một thỏa thuận như vậy sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực. Lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ không gửi quân ra nước ngoài, trong khi Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã ngừng hợp tác quân sự với Nga. Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon dường như cũng sẽ làm những điều tương tự. Dù sự bất ổn trong nước một phần là vì giáp ranh với Afghanistan, nhưng Dushanbe vẫn nhấn mạnh rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của Nga là một biểu hiện “không thân thiện”. Hơn nữa, Dushanbe từng tố cáo Nga xúi giục gây ra cuộc nội chiến ở Tajikistan trong những năm 1990.

Khi các kế hoạch liên minh ở Trung Á khó thành, Nga hướng đến Trung Quốc như lựa chọn duy nhất. Đáp lại, Bắc Kinh dường như rất hoan nghênh. Tuy nhiên, Moscow vẫn còn nghi ngại Trung Quốc vì nước này mạnh hơn về kinh tế và có đông dân cư hơn ở Viễn Đông. Ngược lại, Trung Quốc cũng không xem Nga như một đồng minh đáng tin cậy. Hai nước này hiện là đối thủ cạnh tranh về khí đốt và dầu mỏ ở Trung Á. Trung Quốc cũng khó chịu về cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Gruzia, cũng như việc Moscow thừa nhận hai khu vực tự trị của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia.

Các quốc gia Trung Á dù nghi ngờ và không ưa Nga nhưng cũng không thích thú gì với một sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực, bởi lo ngại rằng nước này với dân số đông nhất thế giới và nền kinh tế đang nổi lên cộng với sức mạnh quân sự có thể thâu tóm toàn bộ khu vực này trong tương lai. Tuy nhiên, vì hiểu rõ mối nguy hiểm của Taliban về mọi mặt, các quốc gia trong khu vực này muốn xem quan hệ hợp tác Nga – Trung liệu có tiêu diệt được tàn quân Taliban hay không