Thứ Tư, 29 tháng 10, 2008

Sự “nổi loạn” đáng được đón nhận!

Phân tích về ngôn ngữ thời nay, PGS Hà Quang Năng, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã dí dỏm đưa ra dẫn chứng như vậy. Cũng theo PGS Hà Quang Năng, không chỉ giới trẻ “loạn ngôn” mà giới truyền thông cũng đang góp phần làm ngôn ngữ Việt Nam… nổi loạn. Nhưng đó là một sự “nổi loạn” cũng dễ thương và đáng được đón nhận.

Gì gỉ gì gi, cài gì cũng “siêu”, “tặc”!

PGS Hà Quang Năng

Xin ông có thể dẫn chứng cụ thể về việc giới truyền thông đang khiến ngôn ngữ Việt Nam “loạn”?

Chẳng hạn như với từ gốc Hán-Việt là từ “tặc” và từ “siêu”, đã xuất hiện khoảng 180 từ đi kèm với những từ này trong đời sống ngôn ngữ. Ngoài những từ cũ là nghịch tặc, phản tặc, ác tặc, không tặc, hải tặc… đã xuất hiện một loạt “tặc” mới rất buồn cười như “mông tặc” (những kẻ dùng kim tiêm đi đâm mông phụ nữ như hiện tượng từng xuất hiện ở TPHCM), khoan tặc (quảng cáo khoan cắt bê tông tuỳ tiện làm mất mĩ quan đô thị), thổ tặc, lộ tặc (kẻ ăn chặn người đi đường để kiếm tiền)…

Rồi thì sa tặc, thiếc tặc, khoáng tặc, nghêu tặc, rác tặc, cẩu tặc…!

Rồi siêu thì siêu trọng, siêu trứng, siêu nạc, siêu sạch

Lạ quá “đào bồi”, “điều nghiên” và “khẳng quyết”!

Quả thật là rất linh hoạt và “sáng tạo”. Ngoài “siêu” và “tặc” thì ngôn ngữ Việt Nam còn đang có thêm những tiết tấu bất ngờ nào nữa không, thưa ông?

Người Việt hiện đã triệt để sử dụng các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt để tạo ra những từ vựng mới. Hàng loạt từ ghép đẳng lập (từ ghép hội nghĩa, ghép hợp nghĩa, đẳng nghĩa) đã xuất hiện với nội dung khái quát nhằm diễn đạt các sự vật, hoạt động theo khái niệm mới như bỉ tiện, bi phẫn, chụp giựt

Đáng chú ý là nhiều từ ghép hợp nghĩa tạo nên những từ rất lạ như: bí nhiệm (bí ẩn và nhiệm mầu), điều nghiên (điều tra và nghiên cứu), giảng huấn (giảng dạy và huấn luyện), khẳng quyết (khẳng định và quả quyết), đào bồi (đào tạo và bồi dưỡng)…!

Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã hàng chục năm nay, cảm nghĩ của ông trước sự ngày một “sáng tạo” của ngôn ngữ Việt?

Theo tôi, trong sự phát triển của xã hội luôn nảy sinh những hiện tượng, đối tượng, khái niệm, quan hệ mới, xảy ra những biến đổi phát triển của những sự kiện, đối tượng khái niệm đã có. Ngôn ngữ đã phát huy tối đa đặc điểm tiết kiệm của mình trong việc gọi tên, biểu thị những khái niệm, những đối tượng tồn tại và phát triển của xã hội.

Tất nhiên, trong sự thay đổi đó có tồn tại những mặt này mặt khác nhưng cùng với sự phát triển của xã hội thì ngôn ngữ cũng biến đổi và phát triển để thực hiện tốt hơn, hoàn thiện hơn vai trò là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, đồng thời là công cụ tư duy đắc lực của con người.

Xu hướng làm giàu vốn từ vựng của ngôn ngữ

Tức là theo ông nên có một cái nhìn độ lượng và sẵn sàng dung nạp những từ ngữ “lạ” đang xuất hiện ngày càng nhiều như là một sự phát triển tất yếu của xã hội?

Đúng vậy! Sự biến đổi và phát triển nghĩa của các đơn vị từ vựng đã có để tăng cường khả năng biểu thị của chúng; là một xu hướng làm giàu vốn từ vựng của ngôn ngữ. Từ vựng là một bộ phận cần phát triển nhanh nhất để có chức năng là tấm gương phản chiếu một cách trực tiếp đời sống xã hội, sự biến đổi và phát triển của xã hội.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng, tính năng động, nhậy bén trong tư duy, trong nhận thức của mỗi người đã làm nên những kỳ tích, làm cho đất nước ta thay đổi từng ngày.

Môi trường, hoàn cảnh đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ, đặc biệt là sự xuất hiện của một số lượng lớn các từ ngữ mới nhằm biểu thị những sự vật, hiện tượng mới, những biểu hiện tâm lý, tình cảm, hành động, những nhận thức ngày càng sâu sắc, càng phong phú của con người thời đại mới.

Xã hội phát triển rất nhiều sự vật, hiện tượng mới cần được đặt tên, cần được đưa vào ngôn ngữ. Tại sao chúng ta lại phải từ chối những từ ngữ “sáng tạo” đó?

Theo báo Dân Trí

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Người nói lý ở Lao Chải

Lý A Cứ người Lao Chải (bản già, lâu đời của người Mông ở Sa Pa, Lào Cai). Tuy không phải là già nhất bản nhưng Lý luôn được người trong bản tôn trọng, bởi anh ta biết nói lý và là người có cái lý cứng nhất.

Cái gai đã nhọn thì nhọn từ bé. Mẹ Lý kể khi mới 5 tuổi, Lý đã biết những điều tự nhiên như tuổi mười lăm. Một lần nghe thấy em đòi mẹ gãi lưng, Lý liếc xéo sang bảo: "Lưng mình ngứa thì phải tự biết gãi chứ. Thế mẹ đi vắng thì mày gọi ai?". Lớn lên Lý ít nói. Lý thường bảo:

"Nói thì không khó gì, nhưng nói để nghe được thì phải nghĩ. Lúc đó lời nói rất quý, không thể nói bừa bãi được, lúc cần nói mới nói". Bởi thế khi nghe người Tà Chải (bản lớn) khoe bản mình đông đúc mạnh hơn bản khác, hoặc người Xín Chải (bản mới) bảo bản mình mới lập, đẹp không bản nào bằng, Lý chỉ rim mắt lặng im như không thấy gì. Sau đó Lý mới lẩm bẩm "đúng là lời của trẻ con, cái lý không cao hơn ngọn cỏ".

Không ai bảo nhưng từ lâu Lý đã biết con ngựa hay đi đầu hơi cúi mới có sức vươn đường xa. Cái lý hay không phải nhiều lời, không cần nói trước. Cái lý đúng phải mạnh như mật gấu làm tan ngay chỗ đau, phải tốt như mật ong núi làm trẻ con dứt ngay cơn đau họng.

Cái lý cứng làm đối phương phải chết tức thời như người lỡ ăn phải lá ngón, như cá gặp nước lá cơi. Muốn được như thế thì khi lập lý phải nhẹ như gió, ngọt như nước, phải biết hạ thấp đầu như ngựa chuẩn bị leo dốc, để cái lý nó đi cho êm. Chuyện nói lý là để được việc chứ đâu phải khoe lời thả giọng. Bởi vậy từ lâu trong mâm rượu, ngoài bãi chợ Lý hay ngồi lặng lẽ bỏ ngoài tai những lời nói lý huyên thuyên.

Lý bảo cái lý có mùi rượu dù có đúng cũng không ai buồn nghe. Cung cách sống ấy của Lý khiến nhiều người nể trọng. Cũng vì thế mà nhiều vụ việc của người Lao Chải Lý đều được mời tham gia giải quyết, và thường là được việc. Mới đây thôi, khi con đường du lịch đi qua cạnh bản được nâng cấp phẳng phiu, xe đi êm ro đến mức tiến sát tận sau lưng mình mà còn không biết. Bởi thế mới có chuyện con gà mái mải bới mồi cho con bên đường bị xe cán chết mà còn không biết tại sao.

Chủ nhà ra chặn xe nhờ Lý A Cứ ra nói lý bắt đền. Lý đến nơi chẳng nói gì chuyện phạt mà lại thân thiện tiến đến gần, sờ vào xe khen xe bóng đẹp. Thấy thế chủ nhà bắt đầu lo hỏng việc, còn lái xe hy vọng không phải móc ví chịu phạt. Lúc này Lý mới lên tiếng "chiếc xe này chắc chạy êm lắm, tốt lắm đây". Lái xe gật đầu. "Bởi thế con gà mới không biết đường mà tránh". Lái xe lại gật đầu. "Thế thì cái xe có lỗi rồi còn gì?". Đến đây Lý chậm rãi "xưa chưa có đường có xe, gà của bản không bao giờ chết, nay có đường xe đến làm gà chết chả lỗi của mày thì của ai?". Cái lý cứng như thế, lái xe còn cãi vào đâu được.

Những năm tuổi trẻ Lý cũng đã từng cắp sách tới trường. Nhưng vì khó ở cái chữ phổ thông mà gần mười năm Lý chưa qua lớp sáu. Nhưng có ai hỏi thì Lý lại bảo "học lại dễ hơn, lên lớp làm gì!". Đến khi trên mở trường nghệ thuật, nghe thấy lạ, Lý háo hức đòi đi để học cái mới. Lúc này Lý mới lớp 5 thôi nhưng vẫn được tuyển. Với cấp trên, lúc ấy người Lao Chải chịu đi học cho là tốt lắm rồi.

Lý về trường phải theo bổ túc văn-sử cho hết lớp 7 để đủ tiêu chuẩn vào trường trung cấp. Một anh cùng lớp có văn hóa lớp mười giúp Lý học bổ túc. Lý bảo "không phải việc của nó mà nó giúp mình, thế nó là người tốt". Nghỉ hè xuống, Lý đem tam thất biếu anh, có điếu thuốc cũng chia sẻ cùng anh, quý hóa lắm. Nhưng với thầy giáo thì lại khác.

Gần ngày thi tốt nghiệp, Lý lo lắng bảo thầy chủ nhiệm "lần này thi em mà không đỗ là lỗi ở thầy, tại vì thầy có trách nhiệm dạy mà em không hiểu, thế là thầy không làm tròn nhiệm vụ!". Thầy giáo quá ngạc nhiên, không biết nói thế nào. Tuy nhiên năm ấy Lý cũng đủ điểm ra trường. Lý bảo dù mình học có kém nhưng cái lý đúng thì phải được đỗ thôi.

Về huyện công tác được vài năm. Một hôm Lý sắp xếp hòm quần áo rồi lặng lẽ lên gặp trưởng phòng xin thôi việc về quê với lý lẽ rất đơn giản "mình không thắc mắc gì, tại nhà mình không có người làm, mình phải về thôi". Dừng một lát, Lý nói tiếp "mình cũng biết việc nhà nước quan trọng, nhưng mình không làm đã có người khác làm, còn việc nhà mình không làm thì không ai làm cho". Thế là Lý về.

Ngày đầu về, Lý đi chơi với bạn bè uống rượu say bò ra đường. Có người đi qua thấy thế bảo "thằng Lý đấy, nó đi học làm cán bộ rồi nay lại bỏ về bản, bây giờ say rượu trông thật xấu". Lý A Cứ đang nửa mơ nửa thức vùng dậy cãi "ai nói thế, tôi là người tốt, ra chợ mỗi bạn mời một bát rượu tôi mới được say đấy, chứ xấu bụng thì ai mời nào, bao giờ mà được say!".

Lý về bản làm việc cần cù. Những lúc thiếu đói trong bản có người kêu ca chính quyền, muốn Lý đồng tình. Nhà Lý cũng có lúc như thế, nhưng Lý bảo "đó là tại mình kém, tại sao người ta đủ mà mình lại thiếu, tại sao lại lấy cái thiếu cái kém của mình ra làm thành lỗi của chính quyền. Muốn đủ thì phải làm việc thôi". Nhà Lý có vườn lê to.

Những năm được mùa, quả lê cũng là nguồn thu nhập khá. Lý đem lê ra chợ bán, cứ hào một quả, đếm đủ lấy tiền. Người mua sau thấy còn quả nhỏ, mặc cả sáu bảy xu thì Lý vặn lại "muốn rẻ sao không đi sớm mà mua, giờ còn nói gì!". Ngày Lý A Cứ mua cái xe Minskơ để tập chạy xe ôm, cả Lao Chải phục lắm. Ra người bản mình cũng tài lắm chứ đâu, chỉ biết đi bộ, cưỡi ngựa.

Xe dắt về mới nổ máy để chạy cho êm thôi đã có nhiều người tỏ ý muốn A Cứ cho được ngồi sau xe một lần, chắc sướng lắm vì nó có vẻ khỏe hơn con ngựa, nhanh hơn con ngựa. Lý cười: cứ đợi đấy khắc biết. Đến buổi chiều, người ta thấy Lý tập tễnh đi bộ về bản, mặt xây xát xưng vù. Ai hỏi Lý cũng không chịu nói. Về sau mới biết Lý tập xe đâm vào đống quẩy tấu của người xuống chợ.

Xe bị hỏng, còn Lý lăn trên đống quẩy tấu nên không bị trọng thương. Mọi người kéo đến vây quanh bắt đền, Lý cãi: "Tưởng ta đi xe giỏi lắm à? Thấy xe sao không tránh. Xe còn hỏng đây này, ta chưa bắt đền thì thôi còn nói gì nào?". Sau này Lý bảo đổ xe là tại mình thôi, tại mình non tay lái. Lúc ấy cãi là nói bừa để tự cứu mình thôi. Thế mà cũng thoát. Có người bảo Lý, sao biết sai còn cãi cố, thì Lý bảo "thế việc của mình, mình không biết tự bênh thì ai bênh mình nào?".

Chi bộ Lao Chải có 5 đảng viên do Vàng Chẩu Din làm bí thư nhiều năm. Mới đây đại hội, các đảng viên bàn nên cất nhắc lớp trẻ. Thấy ý kiến đã thống nhất, Chẩu Din vui lòng thôi bí thư. Ông bảo "bớt việc chi bộ thì thêm việc nhà cũng tốt". Nhưng cũng từ hôm ấy, Chẩu Din không đi họp chi bộ nữa. "Không đi nữa đâu! Mình đã làm bố rồi thì không làm con nữa"- Chẩu Din nói. Người bảo phải, người bảo không đúng lý.

Tranh luận mãi không hồi kết mọi người bèn đi tìm Lý A Cứ hỏi xem như thế là đúng hay sai. Nghĩ một lúc, Lý bảo "ông Chẩu Din sai, việc chi bộ có phải việc nhà ông đâu mà ông đem cái lý ở trong nhà ra nói". Lúc ấy Chẩu Din mới chịu. Chuyện Lý A Cứ còn dài, còn nhiều nữa. Cái lý của A Cứ nhọn sắc như dao lá lúa, cũng có lúc tù như cái gai bị gẫy.

Nhưng Lý A Cứ cũng không chịu thua ai. Cũng bởi Lý chỉ mở miệng khi bị chạm tới chứ ít khi đem cái lý đi dạy đời. Lý bảo: Trên đời này, cái lý thì ai chẳng có, sao phải bắt người ta theo cái lý của mình. Chỉ khi người ta chạm đến mình thì mình mới buộc phải nói lý thôi!

D.N Theo báo Thanh Niên