Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Vì sao Trung-Nga thắt chặt hợp tác quân sự?

(Toquoc) - Tổng thống Dmitry Medvedev mới đây tuyên bố Nga-Trung sẽ tăng cường hợp tác quân sự thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và tiến hành các cuộc tập trận chung. Giới quan sát cho rằng các kế hoạch cải thiện quan hệ này nhằm hạn chế sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á, song, đằng sau đó, còn nhiều yếu tố khác.

Thực vậy, các cam kết hợp tác mới đây giữa Nga và Trung Quốc không chỉ dựa trên mối lo ngại về sự mở rộng tầm ảnh hưởng của phương Tây như hồi năm 2001, đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Năm 2009 đã khác rất nhiều so với năm 2001, khi Mỹ, tự tin vào vị thế siêu cường duy nhất và nhân cơ hội các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, đã đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Giờ đây, chính Mỹ đang bước vào “buổi xế chiều”, và tụt dốc nhanh chưa từng thấy.

Sự trượt dốc của các công ty Mỹ là quá rõ. Chrysler, một trong những hãng xe hơi lớn nhất của Mỹ, đã phải tuyên bố phá sản, trong khi nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn khác cũng đang rục rịch theo vết xe đổ này. Ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính sẽ rất chậm chạp và thất nghiệp sẽ còn cao.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một số kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, như phát triển các dạng năng lượng thay thế và phát triển ngành đường sắt. Song, có lẽ ông vẫn cần đến một số yếu tố của một nền kinh tế có điều tiết. Đây là điều chưa từng thấy. Nước Mỹ sẽ phải tiếp tục in thêm hàng tỷ USD và nợ của nhà nước sẽ còn tăng cao.

Kinh tế suy thoái đương nhiên dẫn tới sự suy giảm về quân sự, sẽ làm ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Mỹ phải sử dụng ngày càng nhiều lính đánh thuê, trong khi ngân sách dành cho việc này ngày càng giảm. Việc liên tục phải bố trí lại quân đội cũng làm ảnh hưởng tới nhuệ khí của binh lính.

Chính trong bối cảnh tụt dốc suy thoái, Mỹ đã giảm đáng kể căng thẳng với Nga. Quan hệ Mỹ - Trung cũng tốt hơn nhiều so với năm 2001, thời gian từng xảy ra sự cố nghiêm trọng khi một máy bay do thám của Mỹ đâm phải một máy bay chiến đấu Trung Quốc trên bầu trời nước này.

Có thể nói lý do khiến Nga và Trung Quốc quan tâm tới Trung Á không phải là Mỹ có thể mà hiện đang suy yếu. Cả hai quốc gia này lo ngại rằng đợt tăng quân sắp tới của Mỹ đến Afghanistan có thể là cố gắng cuối cùng của Washington nhằm làm “gió đổi chiều” trước khi rút quân - điều có thể tạo cơ hội cho các phần tử nổi dậy mở rộng hoạt động không chỉ sang Pakistan láng giềng mà ra toàn Trung Á. Sự mở rộng của các tổ chức Hồi giáo nổi dậy có thể không chỉ làm ngưng các nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ từ khu vực, vốn rất quan trọng đối với cả Nga và Trung Quốc, mà còn gây ra một loạt vấn đề cho các khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống ở hai nước này.

Lính Mỹ sau một cuộc càn quét Taliban ở Afghanistan

Ngày càng quan tâm đến tình hình an ninh đang xuống cấp ở Afghanistan, Nga đã có ý định thành lập một lực lượng đa quốc gia với các nước Trung Á cũng như các nước công hòa cũ trong Liên bang Xô Viết như Belarus. Nhưng dễ thấy là một thỏa thuận như vậy sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực. Lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ không gửi quân ra nước ngoài, trong khi Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã ngừng hợp tác quân sự với Nga. Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon dường như cũng sẽ làm những điều tương tự. Dù sự bất ổn trong nước một phần là vì giáp ranh với Afghanistan, nhưng Dushanbe vẫn nhấn mạnh rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của Nga là một biểu hiện “không thân thiện”. Hơn nữa, Dushanbe từng tố cáo Nga xúi giục gây ra cuộc nội chiến ở Tajikistan trong những năm 1990.

Khi các kế hoạch liên minh ở Trung Á khó thành, Nga hướng đến Trung Quốc như lựa chọn duy nhất. Đáp lại, Bắc Kinh dường như rất hoan nghênh. Tuy nhiên, Moscow vẫn còn nghi ngại Trung Quốc vì nước này mạnh hơn về kinh tế và có đông dân cư hơn ở Viễn Đông. Ngược lại, Trung Quốc cũng không xem Nga như một đồng minh đáng tin cậy. Hai nước này hiện là đối thủ cạnh tranh về khí đốt và dầu mỏ ở Trung Á. Trung Quốc cũng khó chịu về cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Gruzia, cũng như việc Moscow thừa nhận hai khu vực tự trị của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia.

Các quốc gia Trung Á dù nghi ngờ và không ưa Nga nhưng cũng không thích thú gì với một sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực, bởi lo ngại rằng nước này với dân số đông nhất thế giới và nền kinh tế đang nổi lên cộng với sức mạnh quân sự có thể thâu tóm toàn bộ khu vực này trong tương lai. Tuy nhiên, vì hiểu rõ mối nguy hiểm của Taliban về mọi mặt, các quốc gia trong khu vực này muốn xem quan hệ hợp tác Nga – Trung liệu có tiêu diệt được tàn quân Taliban hay không

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

Biên Giới Tháng Hai (2009-1979)

Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.

“Những đôi mắt”

Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.

“Cuộc Chiến 16 Ngày”

Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.

Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 trung đoàn.

Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3 sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40 tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9 quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai; chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.

Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.

Lặng Lẽ Hoa Đào

Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.

Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.

Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.

Huy Đức


Ảnh cùa Lê Quang Nhật

 Lấy từ  Blog Osin

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

AFP nhận định về cuộc chiến Việt-Trung năm 1979

Hôm thứ Ba 17 tháng 2 năm 2009, nhân dịp đánh dấu 30 năm ngày bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc, thông tấn xã AFP đã có bài nhận định về cuộc chiến vừa kể.

Bài báo viết rằng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau nhiều tháng xảy ra những vụ đụng độ bằng ngôn từ và vũ khí, Trung Quốc đã mở một cuộc tấn công lớn vào Việt Nam nhằm 'dạy cho đồng minh cộng sản của mình một bài học' vì đã tỏ ra quá độc lập đối với Bắc Kinh.

Được mệnh danh là 'Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba', nguồn gốc của cuộc đụng độ ngắn ngủi nhưng đẫm máu này bắt nguồn từ những xung khắc về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Bang Xô Viết. Trong cuộc chiến chống Mỹ, Việt Nam được Mascơva viện trợ quân sự.

Khi cuộc chiến chấm dứt, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô càng được củng cố mạnh mẽ hơn nữa khi Hà Nội tái gia nhập Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế, gọi tắt là Comecon, do Mascơva thành lập năm 1949.

Trái lại, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nước lúc đó đã mở các cuộc tiếp xúc với Hoa Kỳ, ngày càng thêm tồi tệ. Lúc đầu, Trung Quốc nói rằng cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam có tính cách giới hạn và không nhằm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.

Theo lời tuyên bố của Bắc Kinh, mục tiêu của cuộc tấn công là trừng phạt Việt Nam, vì 6 tuần trước đó, quân đội Việt Nam đã xâm chiếm Kampuchea để lật đổ chế độ Khờ Me Đỏ của Pol Pot, người được Trung Quốc hậu thuẫn.

Theo các nhà phân tích, đối với Bắc Kinh, vụ xâm chiếm Kampuchea đã là giọt nước làm tràn đầy ly nước để Bắc Kinh quyết định rằng đã tới lúc phải đưa Việt Nam quay trở lại chỗ đứng của mình, vì Việt Nam ngày càng coi thường uy quyền của Trung Quốc trong khu vực và đàn áp Hoa Kiều thiểu số trong nước.

Bắc Kinh lúc đó cũng tin rằng Việt Nam đã tỏ ra vô ơn đối với những hậu thuẫn quý báu mà Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp và trong những ngày đầu của cuộc chiến chống Mỹ.

Trung Tướng nghỉ hưu Vũ Xuân Vinh của Việt Nam cho biết lúc đó, Trung Quốc tấn công Việt Nam để buộc Việt Nam rút quân đội từ Kampuchea về. Tuy nhiên, theo ông Vinh, Việt Nam đã có khả năng sử dụng nhiều lực lượng tại địa phương và không để rơi vào cạm bẫy của Trung Quốc.

Bài của Thông Tấn Xã AFP nói rằng chiến dịch quân sự của Trung quốc được mở màn bằng những cuộc pháo kích dữ dội xuống một số địa điểm dọc biên giới dài 1,400 kilômét giữa hai nước.

Sau đó, binh sĩ Trung Quốc tiến sâu vài chục kilomet vào nội địa Bắc Việt, chiếm quyền kiểm soát một số thị trấn, đáng kể nhất là Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, trước khi rút lui một tháng sau đó vào ngày 16 tháng 3.

Không có những số liệu đáng tin cậy nào về tổn thất nhân mạng của hai bên, vì những con số không thống nhất, nhưng cuộc chiến cũng làm cả chục ngàn người thiệt mạng.

Bài viết của AFP kết luận rằng hai bên cùng cho là mình chiến thắng, nhưng quân đội giải phóng nhân dân của Trung Quốc đã thất bại


Theo VOA