Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Ông Mỹ "ma xó" ở Việt Nam

Nhà sử học Mỹ Jason Picard.
(LĐCT) - Gặp Jason Picard lần nào cũng thấy anh mang theo một balô nặng chịch, chất đầy sách nghiên cứu về lịch sử, văn học Việt Nam. Picard luôn gây ấn tượng mạnh, bởi vốn kiến thức sâu sắc và am tường đối với cuộc sống địa phương.

Nhưng, ngoài thời gian ngồi tại Thư viện Quốc gia, Viện Sử học, Viện Văn học, Picard còn niềm đam mê lớn nữa là la cà với cuộc sống phố phường VN, nơi có các quán cơm bụi, bún đậu mắm tôm, càphê vỉa hè... Chả thế mà bạn bè Picard thường đùa gọi anh là "ma xó" ở Việt Nam.

Điều gì đã đưa anh đến với VN vậy?
- Hầu hết những nhà nghiên cứu Mỹ sang VN đều có lý do khởi nguồn là nỗi ám ảnh về chiến tranh. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng với những người Mỹ chỉ tiếp cận VN qua "hạt cơ bản" này, hình ảnh VN chỉ là một đất nước chiến tranh, nghèo khổ. Họ không biết gì về lịch sử VN trước năm 1954 hoặc 1945. Họ không biết về Truyện Kiều, về lịch sử hào hùng thời Lý, Trần, Lê...

Mang theo "hạt cơ bản" về chiến tranh, anh ấn tượng gì về VN ở lần đầu tiếp xúc?
- Tôi đến VN lần đầu tiên khi đi du lịch vào năm 1995. Cảm giác đầu tiên là sợ. Tôi không biết người dân VN sẽ nhìn mình thế nào. Họ có ghét mình không? Vì khi đó, tôi không biết tiếng Việt, không hiểu người dân địa phương nói gì. Tôi chỉ biết về chiến tranh, về hậu quả của nó với VN. Khi tôi gặp một người VN bị cụt chân, tôi sẽ nghĩ ngay họ là nạn nhân của bom mìn Mỹ. Một sự ám ảnh.

Đó là lý do khiến anh nghiên cứu về lịch sử VN?
- Theo tôi, bất cứ người Mỹ nào sinh ra sau chiến tranh, có trình độ và giáo dục, sang VN đều mang theo cảm giác đau khổ vì hành động của nước Mỹ. Nhiều người Mỹ thường sống với nỗi hối hận rất lớn về quá khứ. VN là một quốc gia riêng, một xã hội riêng, có một lịch sử hào hùng, trước khi nước Mỹ mang tới chiến tranh.
Nhưng sau hành trình đến VN lần đầu tiên năm 1995, tôi biết lịch sử VN không chỉ dừng ở lát cắt chiến tranh, mà còn có một lịch sử hào hùng và tiếp nối hàng nghìn năm nay. Đó là động lực khiến tôi nghiên cứu về lịch sử VN.

Năm 1997, anh sang VN để dạy học tại Tây Ninh. Anh tự tìm kiếm cơ hội sang VN, hay do được sắp đặt?
- Khi đó tôi đang làm việc tại Nhật Bản thì được biết tổ chức tình nguyện viên quốc tế của Mỹ (VIA) tìm giáo viên sang VN dạy tiếng Anh tại Hà Nội, Thái Nguyên và Tây Ninh. Tôi đăng ký và chọn Tây Ninh, bởi tôi rất mê lịch sử của địa phương này.

Hai năm ở Tây Ninh đọng lại cho anh những kỷ niệm gì?
- Tôi quý mến và biết ơn người dân địa phương vô cùng. Người dân Tây Ninh đã dạy cho tôi rất nhiều về văn hoá, tập tục, ẩm thực, cuộc sống và tư tưởng phóng khoáng. Họ đã dạy cho tôi những từ tiếng Việt đầu tiên. Họ đã đặt tên tôi là Sơn. Tôi đã mê ăn canh cá lóc, các món bánh tráng và nghiện ẩm thực cay, ngọt kiểu miền Nam cũng nhờ năm tháng sống ở đây.
Tất nhiên, là người Mỹ đầu tiên sống ở Tây Ninh sau chiến tranh, nên tôi cũng thường xuyên bị áp lực. Vì, nhiều người không tin tôi mang theo thiện chí thực sự của một người Mỹ yêu hoà bình. Nhưng tôi rất hiểu, sự nghi ngờ đó là hậu quả từ cuộc chiến mà Mỹ đã mang đến VN.

Anh có thể kể kỷ niệm nhớ nhất khi ở Tây Ninh?
- Gần 2 năm sống ở Tây Ninh là quãng thời gian tôi không bao giờ quên. Người dân đối đãi với tôi như người nhà vậy. Biết tôi cô đơn, do là người nước ngoài duy nhất ở Tây Ninh thời điểm đó, nên các sinh viên và bạn bè VN thường đưa tôi về nhà ăn cơm. Tôi nhớ một lần được một người bạn mời về nhà.
Trước khi bước vào, mẹ của bạn giữ tôi ở cửa và nói: "Bác xin lỗi, nhưng mong cháu đừng chê nhà bác nghèo nàn quá nhé". Tôi, một người nước ngoài, một người Mỹ, được quan tâm mời đến nhà. Vậy mà chủ nhà lại xin lỗi, chỉ vì họ ngại tôi không quen sự đạm bạc. Tôi đã khóc, vì cảm động, vì sự hồn hậu và tốt bụng của người dân VN.
Nhìn người thanh niên Mỹ đang kể về cuộc sống nơi miệt rừng của VN với đôi mắt rưng rưng, như những kỷ niệm yêu dấu nhất, tôi thật sự bị thuyết phục. Tôi đã được gặp và nói chuyện với rất nhiều bạn bè nước ngoài ở VN, nhưng có lẽ, Picard là người đầu tiên khiến tôi xúc động đến vậy trước tình cảm chân thành của anh với cuộc sống dân dã ở VN.

"Cú sốc văn hoá ngược"
Sau thời gian sống tại Tây Ninh, Picard rời đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để tiếp tục dạy tiếng Anh. Ba năm ở VN, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, đã khiến Picard hoà nhập vào cuộc sống địa phương như một người VN thực thụ. Đến năm 2001, Picard quyết định quay trở về Mỹ, học cao học về ngoại giao tại Đại học Columbia danh tiếng ở New York. Không ngờ, đây lại là thời kỳ khó khăn nhất của Picard, bởi cú sốc văn hoá ngược.
- Tôi đã choáng váng khi trở về với cuộc sống ở Mỹ. Mọi thứ đều trở nên xa lạ. Bạn bè và gia đình đều không thể hiểu tâm tư tình cảm và lối sống của tôi sau nhiều năm xa cách. Tôi bỗng trở nên lẻ loi, đơn độc. Rất dễ hiểu khi bạn ra nước ngoài, và bị sốc văn hoá. Nhưng sẽ không có ai thông cảm, khi trở về quê hương mình mà lại sốc. Cú sốc ngược, nặng nề hơn nhiều.
Khi vụ khủng bố 11.9.2001 xảy ra, tôi vừa về New York được 2-3 tuần. Tôi bị suy sụp. Tôi đã nghĩ đến chuyện tự sát. Nhưng đồng thời, vụ 11.9 khiến tôi có cơ hội chín chắn hơn để suy nghĩ về điều tôi thực sự mong muốn. Điều gì là quan trọng nhất với mình.

Vậy, khi đó anh muốn gì?
- Tôi hiểu tôi không thể tiếp tục theo học tại ĐH Columbia. Đó là một đại học danh tiếng tại Mỹ, nhất là khoa ngoại giao, nhưng mục đích của các sinh viên chủ yếu là trao đổi thông tin và tìm kiếm các mối liên hệ cho nghề nghiệp sau này, chứ không phải để lĩnh hội kiến thức. Còn tôi, tôi muốn tìm hiểu về thế giới. Tôi muốn biết thêm về VN. Và tôi đã quyết định rời đến Đại học Cornell theo học lịch sử Á Châu.

Nhưng anh đã có một thời gian dài theo đuổi văn học VN kia mà?
- Tôi muốn nghiên cứu văn học VN để hiểu thêm về lịch sử. Tôi muốn trở thành Giáo sư sử học về VN, còn văn học là niềm đam mê. Qua các tác phẩm kinh điển của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao... tôi hiểu về lịch sử VN giai đoạn 1930-1945.
Tôi nghĩ, văn học là công cụ hữu hiệu nhất để tiếp cận xã hội, nhất là tại Châu Á, nơi có truyền thống đóng cửa bảo nhau. Những nhà văn có tiếng trong thế kỷ XX ở VN đều là những người hiểu biết rất sâu về lịch sử. Nhiều nhà văn này tôi đã được gặp ngoài đời, nhờ thời gian làm thực tập sinh tại Viện Văn học VN (2003-2004).

"Jason, con xin lỗi KC ngay!"

Picard trên đường phố Hà Nội.

- Một buổi chiều năm 1997, khi ở thăm Hà Nội, tôi quyết định đi xe đạp ra ngoại thành để tập thể dục và ngắm phong cảnh. Sau 90 phút đạp xe lang thang, tôi rẽ vào một quán bình dân trông như một cái lều.
Mọi người nhìn tôi chằm chằm như một kẻ vừa từ hành tinh khác. Tôi ngồi xuống chiếc bàn, chỉ tay vào các mâm bên cạnh, muốn nói: "Tôi sẽ ăn những thứ như họ". Năm phút sau, bà chủ quán khệ nệ bưng ra một chiếc mâm có rau, bún, thịt và một thứ bột loãng màu tím, và chai rượu. Tôi không hề biết thứ thịt này cùng loại bột tím loãng ấy.
Dĩ nhiên, về sau tôi mới biết rằng thứ nước bột màu tím kia là mắm tôm, và như thành ngữ nói "nhăn như khỉ gặp mắm tôm", thì tôi lúc đó cũng có cử chỉ tương tự khi cái mùi ấy qua mũi tôi, thứ mùi khiến cho tâm trí tôi đảo lộn. Ngay khi lưỡi tôi chạm tới miếng thịt thì tôi biết bữa ăn này sẽ rất khó khăn.
Nhìn thấy tôi vụng về, hai người đàn ông rời bàn ăn của họ và ngồi xuống với tôi. Họ chỉ dẫn cách ăn đúng là như thế nào. Tôi gắp bún, rau, thịt và mắm tôm vào bát. Bất ngờ, tôi không những thấy mắm tôm chẳng khó ăn, mà còn làm cho miếng thịt bí ẩn này đưa được vào miệng tôi. au đó, một người bạn, biết chuyện mới thốt lên: "Trời ơi. Anh ăn thịt chó à!". Tôi đứng lặng người.
Khi trở về Mỹ, tôi đã kể cho bố mẹ về kinh nghiệm lần đầu ăn thịt chó. Mẹ tôi, khi đó, đang ngồi trên sàn nhà ngay cạnh con chó nhà tôi, nó tên là KC. Sau một phút bối rối, mẹ bảo với giọng kiên quyết: "Jason, con xin lỗi KC ngay!".

Bí quyết nào khiến anh hoà nhập đến vậy với cuộc sống dân dã VN?
- Nhiều bạn bè bảo tôi là ma xó ở VN. Vì tôi thích cuộc sống bình dân ở VN. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi gặp tôi trong quán cơm bụi nhé. Đồ ăn ngon, mà lại rẻ. Tôi có quán cơm ruột ở đường Quang Trung đấy. Tôi thích mắm tôm. Sáng nay tôi ăn phở vỉa hè, rồi uống càphê cũng vỉa hè. Tuyệt. Chịu khó hoà nhập với người địa phương là thành ma xó ngay ấy mà.

Có điều gì ở VN mà anh không thích?
- Tôi là người nhạy cảm, nên điều khó thích nghi nhất là tin đồn ở VN. Ví dụ như trong các mối quan hệ, cứ có những lời đồn thổi rằng đàn ông phương Tây như tôi rất lăng nhăng. Tôi đã 37 tuổi rồi, và rất muốn lấy vợ. Nhưng do tin đồn nên cũng mệt lắm.

Đàn ông Mỹ như anh cũng chịu sức ép lập gia đình ư?
- Tại sao không? Nhưng đó là sức ép từ bản thân. Tôi rất yêu bố mẹ mình và bố mẹ tôi thì muốn được thấy con hạnh phúc, muốn có cháu bế. Còn ở VN, đôi khi sức ép lập gia đình là từ xã hội, chứ không phải do họ muốn.

Còn công việc chính của anh hiện nay là gì?
- Hiện nay tôi đang nghiên cứu về lịch sử hiện đại Việt Nam giai đoạn từ 1954-1955 đến nay. Tôi luôn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các giáo sư tại Viện Sử học Việt Nam. Tôi cũng đã đi đến Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và sắp tới là Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng bằng Sông Cửu Long, Thanh Hoá, Nghệ An để tìm hiểu về đề tài này.
Còn tại Mỹ, thầy hướng dẫn luận án cho tôi là Peter Zinnoman, Phó Giáo sư khoa Lịch sử Đông Nam Á tại trường đại học Berkeley (California) kiêm Tổng biên tập của Tạp chí Việt Nam học tại Mỹ.
Tôi có một mong ước lớn là ngày nào đó sẽ được viết về một cuốn tiểu thuyết lịch sử về Việt Nam. Nhưng đó hiện nay chỉ là ước mơ thôi. Hiện tôi đang dịch một số truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam sang tiếng Anh.

Xin cảm ơn anh.

Tô Phương Thủy Lao Động Cuối tuần

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2008

Sự “nổi loạn” đáng được đón nhận!

Phân tích về ngôn ngữ thời nay, PGS Hà Quang Năng, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã dí dỏm đưa ra dẫn chứng như vậy. Cũng theo PGS Hà Quang Năng, không chỉ giới trẻ “loạn ngôn” mà giới truyền thông cũng đang góp phần làm ngôn ngữ Việt Nam… nổi loạn. Nhưng đó là một sự “nổi loạn” cũng dễ thương và đáng được đón nhận.

Gì gỉ gì gi, cài gì cũng “siêu”, “tặc”!

PGS Hà Quang Năng

Xin ông có thể dẫn chứng cụ thể về việc giới truyền thông đang khiến ngôn ngữ Việt Nam “loạn”?

Chẳng hạn như với từ gốc Hán-Việt là từ “tặc” và từ “siêu”, đã xuất hiện khoảng 180 từ đi kèm với những từ này trong đời sống ngôn ngữ. Ngoài những từ cũ là nghịch tặc, phản tặc, ác tặc, không tặc, hải tặc… đã xuất hiện một loạt “tặc” mới rất buồn cười như “mông tặc” (những kẻ dùng kim tiêm đi đâm mông phụ nữ như hiện tượng từng xuất hiện ở TPHCM), khoan tặc (quảng cáo khoan cắt bê tông tuỳ tiện làm mất mĩ quan đô thị), thổ tặc, lộ tặc (kẻ ăn chặn người đi đường để kiếm tiền)…

Rồi thì sa tặc, thiếc tặc, khoáng tặc, nghêu tặc, rác tặc, cẩu tặc…!

Rồi siêu thì siêu trọng, siêu trứng, siêu nạc, siêu sạch

Lạ quá “đào bồi”, “điều nghiên” và “khẳng quyết”!

Quả thật là rất linh hoạt và “sáng tạo”. Ngoài “siêu” và “tặc” thì ngôn ngữ Việt Nam còn đang có thêm những tiết tấu bất ngờ nào nữa không, thưa ông?

Người Việt hiện đã triệt để sử dụng các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt để tạo ra những từ vựng mới. Hàng loạt từ ghép đẳng lập (từ ghép hội nghĩa, ghép hợp nghĩa, đẳng nghĩa) đã xuất hiện với nội dung khái quát nhằm diễn đạt các sự vật, hoạt động theo khái niệm mới như bỉ tiện, bi phẫn, chụp giựt

Đáng chú ý là nhiều từ ghép hợp nghĩa tạo nên những từ rất lạ như: bí nhiệm (bí ẩn và nhiệm mầu), điều nghiên (điều tra và nghiên cứu), giảng huấn (giảng dạy và huấn luyện), khẳng quyết (khẳng định và quả quyết), đào bồi (đào tạo và bồi dưỡng)…!

Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã hàng chục năm nay, cảm nghĩ của ông trước sự ngày một “sáng tạo” của ngôn ngữ Việt?

Theo tôi, trong sự phát triển của xã hội luôn nảy sinh những hiện tượng, đối tượng, khái niệm, quan hệ mới, xảy ra những biến đổi phát triển của những sự kiện, đối tượng khái niệm đã có. Ngôn ngữ đã phát huy tối đa đặc điểm tiết kiệm của mình trong việc gọi tên, biểu thị những khái niệm, những đối tượng tồn tại và phát triển của xã hội.

Tất nhiên, trong sự thay đổi đó có tồn tại những mặt này mặt khác nhưng cùng với sự phát triển của xã hội thì ngôn ngữ cũng biến đổi và phát triển để thực hiện tốt hơn, hoàn thiện hơn vai trò là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, đồng thời là công cụ tư duy đắc lực của con người.

Xu hướng làm giàu vốn từ vựng của ngôn ngữ

Tức là theo ông nên có một cái nhìn độ lượng và sẵn sàng dung nạp những từ ngữ “lạ” đang xuất hiện ngày càng nhiều như là một sự phát triển tất yếu của xã hội?

Đúng vậy! Sự biến đổi và phát triển nghĩa của các đơn vị từ vựng đã có để tăng cường khả năng biểu thị của chúng; là một xu hướng làm giàu vốn từ vựng của ngôn ngữ. Từ vựng là một bộ phận cần phát triển nhanh nhất để có chức năng là tấm gương phản chiếu một cách trực tiếp đời sống xã hội, sự biến đổi và phát triển của xã hội.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng, tính năng động, nhậy bén trong tư duy, trong nhận thức của mỗi người đã làm nên những kỳ tích, làm cho đất nước ta thay đổi từng ngày.

Môi trường, hoàn cảnh đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ, đặc biệt là sự xuất hiện của một số lượng lớn các từ ngữ mới nhằm biểu thị những sự vật, hiện tượng mới, những biểu hiện tâm lý, tình cảm, hành động, những nhận thức ngày càng sâu sắc, càng phong phú của con người thời đại mới.

Xã hội phát triển rất nhiều sự vật, hiện tượng mới cần được đặt tên, cần được đưa vào ngôn ngữ. Tại sao chúng ta lại phải từ chối những từ ngữ “sáng tạo” đó?

Theo báo Dân Trí

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Người nói lý ở Lao Chải

Lý A Cứ người Lao Chải (bản già, lâu đời của người Mông ở Sa Pa, Lào Cai). Tuy không phải là già nhất bản nhưng Lý luôn được người trong bản tôn trọng, bởi anh ta biết nói lý và là người có cái lý cứng nhất.

Cái gai đã nhọn thì nhọn từ bé. Mẹ Lý kể khi mới 5 tuổi, Lý đã biết những điều tự nhiên như tuổi mười lăm. Một lần nghe thấy em đòi mẹ gãi lưng, Lý liếc xéo sang bảo: "Lưng mình ngứa thì phải tự biết gãi chứ. Thế mẹ đi vắng thì mày gọi ai?". Lớn lên Lý ít nói. Lý thường bảo:

"Nói thì không khó gì, nhưng nói để nghe được thì phải nghĩ. Lúc đó lời nói rất quý, không thể nói bừa bãi được, lúc cần nói mới nói". Bởi thế khi nghe người Tà Chải (bản lớn) khoe bản mình đông đúc mạnh hơn bản khác, hoặc người Xín Chải (bản mới) bảo bản mình mới lập, đẹp không bản nào bằng, Lý chỉ rim mắt lặng im như không thấy gì. Sau đó Lý mới lẩm bẩm "đúng là lời của trẻ con, cái lý không cao hơn ngọn cỏ".

Không ai bảo nhưng từ lâu Lý đã biết con ngựa hay đi đầu hơi cúi mới có sức vươn đường xa. Cái lý hay không phải nhiều lời, không cần nói trước. Cái lý đúng phải mạnh như mật gấu làm tan ngay chỗ đau, phải tốt như mật ong núi làm trẻ con dứt ngay cơn đau họng.

Cái lý cứng làm đối phương phải chết tức thời như người lỡ ăn phải lá ngón, như cá gặp nước lá cơi. Muốn được như thế thì khi lập lý phải nhẹ như gió, ngọt như nước, phải biết hạ thấp đầu như ngựa chuẩn bị leo dốc, để cái lý nó đi cho êm. Chuyện nói lý là để được việc chứ đâu phải khoe lời thả giọng. Bởi vậy từ lâu trong mâm rượu, ngoài bãi chợ Lý hay ngồi lặng lẽ bỏ ngoài tai những lời nói lý huyên thuyên.

Lý bảo cái lý có mùi rượu dù có đúng cũng không ai buồn nghe. Cung cách sống ấy của Lý khiến nhiều người nể trọng. Cũng vì thế mà nhiều vụ việc của người Lao Chải Lý đều được mời tham gia giải quyết, và thường là được việc. Mới đây thôi, khi con đường du lịch đi qua cạnh bản được nâng cấp phẳng phiu, xe đi êm ro đến mức tiến sát tận sau lưng mình mà còn không biết. Bởi thế mới có chuyện con gà mái mải bới mồi cho con bên đường bị xe cán chết mà còn không biết tại sao.

Chủ nhà ra chặn xe nhờ Lý A Cứ ra nói lý bắt đền. Lý đến nơi chẳng nói gì chuyện phạt mà lại thân thiện tiến đến gần, sờ vào xe khen xe bóng đẹp. Thấy thế chủ nhà bắt đầu lo hỏng việc, còn lái xe hy vọng không phải móc ví chịu phạt. Lúc này Lý mới lên tiếng "chiếc xe này chắc chạy êm lắm, tốt lắm đây". Lái xe gật đầu. "Bởi thế con gà mới không biết đường mà tránh". Lái xe lại gật đầu. "Thế thì cái xe có lỗi rồi còn gì?". Đến đây Lý chậm rãi "xưa chưa có đường có xe, gà của bản không bao giờ chết, nay có đường xe đến làm gà chết chả lỗi của mày thì của ai?". Cái lý cứng như thế, lái xe còn cãi vào đâu được.

Những năm tuổi trẻ Lý cũng đã từng cắp sách tới trường. Nhưng vì khó ở cái chữ phổ thông mà gần mười năm Lý chưa qua lớp sáu. Nhưng có ai hỏi thì Lý lại bảo "học lại dễ hơn, lên lớp làm gì!". Đến khi trên mở trường nghệ thuật, nghe thấy lạ, Lý háo hức đòi đi để học cái mới. Lúc này Lý mới lớp 5 thôi nhưng vẫn được tuyển. Với cấp trên, lúc ấy người Lao Chải chịu đi học cho là tốt lắm rồi.

Lý về trường phải theo bổ túc văn-sử cho hết lớp 7 để đủ tiêu chuẩn vào trường trung cấp. Một anh cùng lớp có văn hóa lớp mười giúp Lý học bổ túc. Lý bảo "không phải việc của nó mà nó giúp mình, thế nó là người tốt". Nghỉ hè xuống, Lý đem tam thất biếu anh, có điếu thuốc cũng chia sẻ cùng anh, quý hóa lắm. Nhưng với thầy giáo thì lại khác.

Gần ngày thi tốt nghiệp, Lý lo lắng bảo thầy chủ nhiệm "lần này thi em mà không đỗ là lỗi ở thầy, tại vì thầy có trách nhiệm dạy mà em không hiểu, thế là thầy không làm tròn nhiệm vụ!". Thầy giáo quá ngạc nhiên, không biết nói thế nào. Tuy nhiên năm ấy Lý cũng đủ điểm ra trường. Lý bảo dù mình học có kém nhưng cái lý đúng thì phải được đỗ thôi.

Về huyện công tác được vài năm. Một hôm Lý sắp xếp hòm quần áo rồi lặng lẽ lên gặp trưởng phòng xin thôi việc về quê với lý lẽ rất đơn giản "mình không thắc mắc gì, tại nhà mình không có người làm, mình phải về thôi". Dừng một lát, Lý nói tiếp "mình cũng biết việc nhà nước quan trọng, nhưng mình không làm đã có người khác làm, còn việc nhà mình không làm thì không ai làm cho". Thế là Lý về.

Ngày đầu về, Lý đi chơi với bạn bè uống rượu say bò ra đường. Có người đi qua thấy thế bảo "thằng Lý đấy, nó đi học làm cán bộ rồi nay lại bỏ về bản, bây giờ say rượu trông thật xấu". Lý A Cứ đang nửa mơ nửa thức vùng dậy cãi "ai nói thế, tôi là người tốt, ra chợ mỗi bạn mời một bát rượu tôi mới được say đấy, chứ xấu bụng thì ai mời nào, bao giờ mà được say!".

Lý về bản làm việc cần cù. Những lúc thiếu đói trong bản có người kêu ca chính quyền, muốn Lý đồng tình. Nhà Lý cũng có lúc như thế, nhưng Lý bảo "đó là tại mình kém, tại sao người ta đủ mà mình lại thiếu, tại sao lại lấy cái thiếu cái kém của mình ra làm thành lỗi của chính quyền. Muốn đủ thì phải làm việc thôi". Nhà Lý có vườn lê to.

Những năm được mùa, quả lê cũng là nguồn thu nhập khá. Lý đem lê ra chợ bán, cứ hào một quả, đếm đủ lấy tiền. Người mua sau thấy còn quả nhỏ, mặc cả sáu bảy xu thì Lý vặn lại "muốn rẻ sao không đi sớm mà mua, giờ còn nói gì!". Ngày Lý A Cứ mua cái xe Minskơ để tập chạy xe ôm, cả Lao Chải phục lắm. Ra người bản mình cũng tài lắm chứ đâu, chỉ biết đi bộ, cưỡi ngựa.

Xe dắt về mới nổ máy để chạy cho êm thôi đã có nhiều người tỏ ý muốn A Cứ cho được ngồi sau xe một lần, chắc sướng lắm vì nó có vẻ khỏe hơn con ngựa, nhanh hơn con ngựa. Lý cười: cứ đợi đấy khắc biết. Đến buổi chiều, người ta thấy Lý tập tễnh đi bộ về bản, mặt xây xát xưng vù. Ai hỏi Lý cũng không chịu nói. Về sau mới biết Lý tập xe đâm vào đống quẩy tấu của người xuống chợ.

Xe bị hỏng, còn Lý lăn trên đống quẩy tấu nên không bị trọng thương. Mọi người kéo đến vây quanh bắt đền, Lý cãi: "Tưởng ta đi xe giỏi lắm à? Thấy xe sao không tránh. Xe còn hỏng đây này, ta chưa bắt đền thì thôi còn nói gì nào?". Sau này Lý bảo đổ xe là tại mình thôi, tại mình non tay lái. Lúc ấy cãi là nói bừa để tự cứu mình thôi. Thế mà cũng thoát. Có người bảo Lý, sao biết sai còn cãi cố, thì Lý bảo "thế việc của mình, mình không biết tự bênh thì ai bênh mình nào?".

Chi bộ Lao Chải có 5 đảng viên do Vàng Chẩu Din làm bí thư nhiều năm. Mới đây đại hội, các đảng viên bàn nên cất nhắc lớp trẻ. Thấy ý kiến đã thống nhất, Chẩu Din vui lòng thôi bí thư. Ông bảo "bớt việc chi bộ thì thêm việc nhà cũng tốt". Nhưng cũng từ hôm ấy, Chẩu Din không đi họp chi bộ nữa. "Không đi nữa đâu! Mình đã làm bố rồi thì không làm con nữa"- Chẩu Din nói. Người bảo phải, người bảo không đúng lý.

Tranh luận mãi không hồi kết mọi người bèn đi tìm Lý A Cứ hỏi xem như thế là đúng hay sai. Nghĩ một lúc, Lý bảo "ông Chẩu Din sai, việc chi bộ có phải việc nhà ông đâu mà ông đem cái lý ở trong nhà ra nói". Lúc ấy Chẩu Din mới chịu. Chuyện Lý A Cứ còn dài, còn nhiều nữa. Cái lý của A Cứ nhọn sắc như dao lá lúa, cũng có lúc tù như cái gai bị gẫy.

Nhưng Lý A Cứ cũng không chịu thua ai. Cũng bởi Lý chỉ mở miệng khi bị chạm tới chứ ít khi đem cái lý đi dạy đời. Lý bảo: Trên đời này, cái lý thì ai chẳng có, sao phải bắt người ta theo cái lý của mình. Chỉ khi người ta chạm đến mình thì mình mới buộc phải nói lý thôi!

D.N Theo báo Thanh Niên

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

Quốc khánh và câu chuyện lá cờ

Nhân ngày Quốc Khánh 2-9. Mình xin gửi đến các bạn một bức thư của một du học sinh Việt Nam du học ở Newzeland, một nơi cách quê hương 5 múi giờ... Chúc các bạn vui lễ Quốc Khánh vui vẻ.

Ngày hôm ấy tan học nhưng vẫn còn sớm, tôi quyết định không về nhà mà ghé qua một hội chợ ngay bên cạnh trường. Một hội chợ bình thường và không có gì khác lắm so với ở Việt Nam mình, cũng nhạc sập sình cũng hàng quán người qua kẻ lại , chỉ khác cái là trời lạnh đến mức người ta chỉ còn sức nhìn hàng chứ không còn sức hạ quyết tâm ...lấy cắp gì.

Câu chuyện của chúng ta xảy ra ở một gian hàng nhỏ bán đồ quốc tế từ nhiều nước khác, ở một góc hội chợ, khá ít người lui tới. Trong góc gian hàng có bán cờ. Đủ loaị cờ các nước. Kinh doanh cờ có lẽ đồng nghĩa với chuyện trưng ra mà không mong muốn bán được đắt như tôm tươi . Chắc chúng ta ai cũng biết ở Việt Nam cờ bán đắt nhất khi có dịp đá banh quốc tế mà đội tuyển Việt Nam có mặt.

Lúc đó tôi không để ý lắm tới mấy cái cờ mà xem hàng ở ngoài. Một cậu bé chừng 12, 13 tuổi bước vào, mua cái cờ Việt Nam duy nhất ở đó. Ông bán hàng rán nín cười, nói rằng ngày Quốc khánh ở đây chỉ có cờ NewZeland là hợp lệ thôi. Cậu bé trả lời :"Ông không thể biết được là dân tộc tôi đã đổ bao nhiêu máu để bảo vệ cái màu đỏ này đâu. Và tôi không muốn nó nằm lăn lóc ở một cái sạp ngoài chợ như thế này". Ông bán hàng nín thinh im lặng thối tiền cho cậu bé. Cậu ôm lá cờ trên tay sải bước ra ngoài.

Lần đầu tiên trong 15 năm là người Việt Nam tôi thấy cái màu đỏ trên lá cờ nó đẹp như thế. Cái màu đỏ lấp lánh trong những tia nắng vàng hiếm hoi trong thời tiết 4 độ C, được cẩn thận nâng niu không để chạm đất trên tay một cậu bé sinh ra ở thời bình như tôi và như hàng chục ngàn học sinh khác. Lần đầu tiên tôi thấy một hơi ấm thật sự, xuất phát từ chính dân tộc mình mà đáng ra mình phải tự hào và trân trọng. Lúc đó tôi muốn chạy theo bắt chuyện với cậu bé do thấy một đồng hương ở xứ người , nhưng tự cảm thấy xấu hổ quá nên chỉ biết đứng đó lặng đi nhìn theo cái màu đỏ thắm của Tổ Quốc tung bay nhè nhẹ trên vai cậu bé, sáng lên trong nắng.

Ngày xưa khi máu của ông cha chúng ta đổ xuống, khi những con mắt nhắm lại mà không được nhìn thấy Tổ Quốc tự do tôi nghĩ là họ không mong muốn một thế hệ mà họ đã kì vọng , một tuần nhìn lên lá cờ một lần một cách vô cảm và hát bài Quốc Ca mà không thèm quan tâm đến lời bài hát có cái gì. Họ mong muốn những giây phút như khi một cậu bé cầm lá cờ Tổ Quốc bước ra khỏi sạp bán hàng đầy tự hào và trân trọng dù là ở nửa bên kia của Trái Đất.

Mười năm ở Việt Nam tôi luôn được dạy về cái hào hùng và oanh liệt của lịch sử dân tộc, luôn được dạy về những nỗi đau, những sự hy sinh, những điều phải tôn kính trân trọng phải tự hào ... nhưng chưa lúc nào cái kiến thức đó được đi vào đầu hay được sử dụng tới. Và các bạn ạ, một lần nữa, không phải mất bao nhiêu năm tháng ngồi ghế nhà trường và bao nhiêu trang giấy sách giáo khoa , chỉ trong vòng một khoảnh khắc đó thôi tôi mới thấm thía cái câu cuộc sống mới là nhà trường, nơi mà bài học đi thẳng vào trái tim.

Bùi Như Mai (Thể thao và Văn hóa )

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2008

Viên phi công Mỹ và hành trình 40 năm đi tìm kỷ vật

Kể từ ngày những tù binh tại trại giam Hỏa Lò (Hà Nội) được Việt Nam trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm (12/2/1973), cựu tù binh - phi công Halyborton Porter Alex đã nhiều lần trở lại Việt Nam.

Người ta bảo, Halyborton đến Việt Nam như là một sự sám hối. Còn Halyborton tâm sự: “Đó mới chỉ là một nửa, tôi muốn tìm lại một kỷ vật của thời chiến...”.

Ông Halyborton và vợ tần ngần xem đôi giày kỷ niệm

250 giờ bay và 8 năm tù ở Hoả Lò

Mỗi lần trở lại Việt Nam, điểm đầu tiên mà Halyborton ghé thăm là Bảo tàng lịch sử Quân sự ở đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Viên phi công cứ lặng lẽ đến, nhìn ngó từng hiện vật chiến tranh, như thể tìm kiếm một cái gì đó...rồi lại lặng lẽ đi. Không ai biết anh là ai, cũng chẳng ai để ý đến anh. Bởi mỗi ngày, những người cựu binh Mỹ như Halyborton đến đây có vô khối...

Ngày 10/3/2005, cựu binh Halyborton lại trở lại Bảo tàng, lần này ông đi cùng vợ và cả một số người bạn Mỹ. Ông tự tách đoàn, lang thang nhìn ngắm hiện vật một mình. Halyborton dừng lại khá lâu bên chiếc tủ kính, được đặt dưới chân chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843, nơi trưng bày khá nhiều hiện vật về phi công Mỹ bị bắn rơi, bị bắt sống ở miền Bắc Việt Nam từ 1964-1972.

Chợt ông sửng sốt, reo lên “My shoes ! My shoes...!” (Giày của tôi! Giày của tôi!). Halyborton mừng quýnh lên, ông nhìn ngó và nhận ra phía trong đôi giày vẫn còn chữ “Haly” do chính tay ông viết. Ông kéo vợ đến xem, cả hai chụm đầu ngó vào tủ kính. Ông chỉ cho vợ xem nét chữ của chính mình trên cổ giày còn rất rõ.

Cách đây 40 năm, khi đó, Halyborton là phi công lái máy bay chiến đấu của Hạm đội 7. Ông tự tay viết tên mình vào cổ giày là để đánh dấu cho khỏi lẫn với giày của các phi công khác. Ông tâm sự: “Tôi đã nhiều lần đến thăm bảo tàng này, ngắm đi ngắm lại những nơi bày mảnh xác máy bay, trang bị phi công mà không tìm được một vật nào của mình. Vậy mà lần này thật tình cờ, may mắn...”. Niềm vui bất ngờ của cựu binh Mỹ khiến cho cả đoàn khách Mỹ xúm xít lại bên tủ kính ngắm nghía đôi giày, họ ồ lên cười sung sướng vì ngạc nhiên.Thấy chuyện lạ, người hướng dẫn khách mời Đại tá, Giám đốc Bảo tàng Lê Mã Lương đến tiếp đoàn. Gặp Đại tá Lê Mã Lương, Halyborton khẩn khoản: “Xin phép ngài, ngài có thể cho mở tủ kính trưng bày, cho tôi được cầm trên tay đôi giày của mình không ạ?”. Mở tủ kính, cựu binh Halyborton mân mê đôi giày...Hồi ức của 40 năm về trước bỗng tràn về …

Halyborton kể: Năm 1964, viện cớ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Tổng thống Mỹ quyết định mở cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ chính thức ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Lúc đó, Halyborton vừa tròn 23 tuổi, là một trong những phi công trẻ nhất từ Mỹ được đưa đến Hạm đội 7.

Thời kỳ đó, lưới lửa phòng không của miền Bắc Việt Nam ngày càng phát triển và vươn rộng ra các tỉnh, gây nhiều thiệt hại nặng cho hải quân Mỹ ở vùng Đông Bắc và chặn đường ra vào của không quân Mỹ từ Thái Lan sang. Mác Na-ma-ra chủ trương mở những cuộc “trả đũa huỷ diệt ngay tức khắc các bệ phóng”. Không ngờ, chẳng những không cứu vãn được tình thế, không quân Mỹ bị đánh thiệt hại nặng ngay từ trận tập kích đầu tiên vào Suối Hai (Hà Tây, ngày 27/7). Chỉ huy của Halyborton cay cú bèn hạ lệnh đánh luôn trận thứ hai ở Phú Thọ ( ngày 9/8). Một lần nữa quân Mỹ lại thất bại thảm hại. Thấy không quân bị thua đau hai trận liền, viên tư lệnh sư đoàn không quân số 2 yêu cầu hải quân đánh tiếp trận thứ ba ở vùng ỷ Na- Xích Thổ (ngày 13/8). Trận này, có sự tham gia của lực lượng xung kích 77 ( Hạm đội 7), nhưng tiếp tục bị lực lượng phòng không của ta đánh thiệt hại nặng, buộc tổng tham mưu trưởng không quân Mỹ ra lệnh đình chỉ ngay tức khắc việc đánh “trả đũa quá đắt đỏ”.

Trung tuần tháng 10, sau hai tháng nghiên cứu, Lầu năm góc hạ lệnh cho không quân, hải quân Mỹ tiếp tục mở “chiến dịch tiến công chớp nhoáng, diệt các trận địa tên lửa phòng không”. Sớm ngày 17/10/1965, chiếc tàu sân bay US In-đi-pen-đơn No-Phốc tiến dần về phía bắc, sỹ quan, nhân viên kỹ thuật cũng như phi công làm việc hết sức khẩn trương, bận rộn chuẩn bị cho một “phi vụ đặc biệt” trên vùng trời miền Bắc Việt Nam.

Khoảng 8 giờ sáng, một chiếc máy bay trực thăng có bốn máy bay phản lực bảo vệ, hạ cánh xuống hạm In-đê-pen-đơn. Đô đốc Grân Sáp, tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương ngày hôm trước đang kinh lý tại Sài Gòn được bộ tư lệnh sư đoàn không quân số 2 cho biết một chiếc máy bay không người lái điều khiển bằng điện tử đã chụp được ảnh một vị trí tên lửa đất đối không tại vùng Chũ-Bắc Giang của Bắc Việt, bèn vội đến đây. Grân Sáp lệnh cho tướng Mo mở ngay một đợt tiến công với hai mục đích: Cắt đứt đường tiếp vận từ bên ngoài vào miền Bắc Việt Nam; thí điểm cách đánh mới bay thấp, dùng tốp nhỏ, đánh nhanh, rút nhanh, huỷ diệt những bệ phóng tên lửa, trừ mối hiểm hoạ cho các phi công Mỹ khi bay vào đánh phá miền Bắc.

Ngày 17 tháng 10 năm 1965, là ngày đen tối của Hạm đội 7, có rất nhiều máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam. “Tôi lái chiếc F-4 từ hướng Bắc bay thẳng vào vùng Kép- Lạng Sơn, chưa kịp tiếp cận mục tiêu, phi công chúng tôi đã vấp phải lưới lửa phòng không tầng thấp, tầng cao dày đặc. Chúng tôi vừa phải tìm đường tránh tên lửa vừa phải tính kế tiếp cận mục tiêu. Nhưng không kịp, một quả tên lửa đã lao trúng vào máy bay của chúng tôi. Máy bay bốc cháy dữ dội, tôi kịp bấm dù còn thiếu tá Olmstead Stanley E cùng bay với tôi đã không kịp…”, Halyborton nhớ lại.

Từ Mỹ sang Việt Nam tham chiến, Halyborton thực hiện được 250 giờ bay, rồi trở thành tù binh chiến tranh của Việt Nam. Một tốp dân quân địa phương đã bắt được ông, sau đó viên phi công Mỹ được đưa về “lưu trú” ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Tại đây, Halyborton gặp lại những phi công của hạm đội 7, họ cũng bị bắt cùng ngày với ông như trung uý Gaither, Ralph Ellis, trung uý Knutson, Rodney Allen, trung uý Weeat, David Robert. Kể từ đó, Halyborton sống cùng những phi công khác ở Hoả Lò khoảng gần 8 năm, cho đến ngày 12 tháng 2 năm 1973, họ được Chính phủ Việt Nam trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm. “Chúng tôi trở về Mỹ bằng bộ quần áo blu dông, trên tay xách chiếc xắc du lịch đựng đồ tư trang do Chính phủ Việt Nam trang bị. Rất nhiều phi công trong số chúng tôi mang theo chiếc điếu hút thuốc lào, quạt nan sử dụng khi sống ở Hoả Lò - Hà Nội làm kỷ niệm”, Halyborton nói. Về Mỹ, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá

Và những chuyện thú vị

Vợ ông, bà Martna HalyBurton suốt từ khi nhìn thấy đôi giày của chồng cứ tủm tỉm cười. Bà bảo “Tôi không biết nhiều về cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Nhưng chính chồng tôi đã khiến tôi gắn bó với người dân Việt Nam”. Từ năm 2004, Martna đã sang Việt Nam dạy ở trường trẻ mồ côi Hoa Sữa 2 tháng. Bà từng đến Bắc Hà (Lào Cai) để mua lợn tặng cho các gia đình nghèo ở đây. Bà cũng đã đi thăm trại trẻ mồ côi ở Hội An, làng Hy Vọng ở Đà Nẵng, tặng tiền học bổng cho học sinh nghèo ở Huế. “ấn tượng lớn nhất về cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam chính là những đứa trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam mà tôi từng gặp. Chiến tranh thật là độc ác...”, bà tâm sự.

Rút chiếc khăn tay chấm những giọt nước mắt lăn trên gò má của Martna, Halyborton rầu rầu nói: “Tôi đến Việt Nam lần này cũng có thể là lần cuối cùng...”. Hỏi vì sao? “Tôi đang mắc một chứng bệnh hiểm nghèo...! Đối với tôi lần này thật là một kỷ niệm khó quên. Đến đây, tôi được tham quan bảo tàng, được xem những hiện vật của cuộc chiến tranh Việt Nam. Xin cám ơn bảo tàng đã cho phép tôi và vợ tôi, các bạn của tôi được xem đôi giày bay trưng bày ở dưới chân chiếc xe tăng T-54. Tôi rất vui được gặp Giám đốc Lê Mã Lương, được Giám đốc và cán bộ bảo tàng tiếp tôi với thái độ cởi mở, thân thiện...”.

Các du khách – CCB Mỹ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Viện Bảo tàng LSQSVN

Nhưng điều thú vị nhất đối với Halyborton Porter Alex là lần trở về với quá khứ này, ông biết thêm một điều: Những “con ma” của hạm đội 7 bị hạ, trong đó có ông là do những quả tên lửa của Trung đoàn 238. Dưới sự chỉ huy của Tham mưu phó trung đoàn Nguyễn Sinh Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 tên lửa Bùi Danh Châu, kíp trắc thủ Kiều Minh Tích, Nguyễn văn Tuân, Nguyễn Đức Từu...

Tổng thống Thiệu cướp ngân khố quốc gia

Trước sự tiến quân mạnh mẽ của quân đội Bắc Việt, Tổng thống Pháp lúc đó là Valery Giscard d’Estaing tỏ ra quá sốt ruột đã trực tiếp điện thoại cho Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu để thúc giục “hòa hợp dân tộc”.

Tổng thống Valery Giscard d’Estaing không ngờ sự phản ứng của Thiệu lại hoàn toàn trái với sự chờ đợi và mong muốn của Pháp. Thiệu chẳng những không khuất phục trước sức ép từ phía Paris mà còn phản đối quyết liệt, ra lệnh ngừng mọi tiếp xúc của Chính quyền Sài Gòn với Pháp cho đến khi nào ông Valery Giscard d’Estaing rút lại lời nói của mình. Tình thế này hoàn toàn bất lợi cho Đại sứ Jean Marie Merillon vì không vào được Dinh Tổng thống thì làm sao mà thuyết phục được Thiệu từ chức để thành lập một chính quyền phi cộng sản ở Nam Việt Nam?

Để giành lại thế chủ động, Đại sứ Merillon áp dụng một chiến thuật mới nhưng ít hy vọng. Thông qua những người bạn Việt Nam và các mối quan hệ khác, Đại sứ Pháp loan truyền một tin thất thiệt rằng do sự chậm trễ của Thiệu, Hà Nội đã hết kiên nhẫn và quyết định tấn công thẳng vào Sài Gòn. Tin thất thiệt này nào ngờ lại gây nên sự hoảng loạn thực sự đối với Đại sứ quán Mỹ và Bộ chỉ huy tối cao quân đội Sài Gòn. Sau đó, Đại sứ Merillon thừa nhận với các sĩ quan CIA rằng chính ông đã bịa ra rồi gieo rắc cái tin thất thiệt nói trên. Mặc dù vậy, trò dại dột này vẫn để lại một hậu quả vô cùng tai hại. Mỗi khi có tin báo cho ĐSQ Mỹ về kế hoạch tấn công vào Sài Gòn của quân đội Bắc Việt, các chuyên gia xử lý tin lại lắc đầu nói rằng: “Chẳng qua lại chỉ là việc Pháp tung tin để dọa Thiệu ép ông ta từ chức thôi mà”.

Tình hình ở Campuchia xấu đi nhanh chóng. Đại sứ quán Mỹ nhận được điện từ Washington yêu cầu thực hiện một chương trình sơ tán đặc biệt dành cho một số người Mỹ và Việt Nam ra khỏi Sài Gòn cùng với các tài liệu quan trọng. Đại sứ Martin chỉ thị việc này phải giữ tuyệt đối bí mật để tránh gây ra tâm lý hoảng loạn. Những đối tượng được lựa chọn chở bằng máy bay ra nước ngoài trước hết gồm những người có quan hệ thân thiết với Mỹ, đặc biệt là những người trong số đó nhưng lại không có giấy xuất cảnh do Chính quyền Sài Gòn cấp hoặc nếu xuất cảnh công khai có thể gây tác động xấu đến tinh thần dân chúng.

Chuyến máy bay đầu tiên rời Sài Gòn đi Thái Lan theo chương trình này bí mật nói trên chở 143 hành khách đặc biệt hầu hết là phụ nữ và trẻ em cùng với các nhân viên kỹ thuật do CIA đào tạo làm việc trong Bộ Quốc phòng của Thiệu. Ngoài ra một chiếc máy bay vận tải quân sự C–141 chở đầy tài liệu đã bí mật bay ra nước ngoài. Tưởng chương trình sơ tán sớm của Mỹ được giữ kín tuyệt đối, nào ngờ trong một bữa tiệc do vợ chồng cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm tổ chức ở nhà riêng tối 17/4, sau khi đã dùng đến món thứ 5 bà chủ nhà cổ đeo đầy đồ trang sức bỗng ôm mặt khóc nức nở. Tướng CIA Charles Timmes chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao thì bà Khiêm đã nói toáng lên rằng Mỹ đang bí mật di tản người của mình ra khỏi Sài Gòn. Bà xin phía Mỹ cho phép bản thân và gia đình bà cũng được di tản ngay. Trần Thiện Khiêm lúc đến bên Timmes nói rằng ít có khả năng Thiệu tự nguyện từ chức. Trong khi đó lại không có bằng chứng rõ ràng nào về việc Hà Nội thuận lòng thương lượng với tướng Dương Văn Minh. Còn tướng Kỳ thì lại đang dọa sẽ tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ Thiệu. Vì thế, Khiêm hy vọng rằng khi tình huống xấu cần phải di tản xảy ra thì tướng Charles Timmes đừng quên “những người bạn” Việt Nam của mình.

Các tin thất bại từ chiến trường dồn dập báo về khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã bắt đầu cảm nhận thấy sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn là khó tránh khỏi. Rạng sáng 18/4, lực lượng đặc công quân đội Bắc Việt đã tấn công trạm radar Phú Lâm ở ngoại ô Sài Gòn. Điều này chứng tỏ chiến tranh đã lan đến tận cửa ngõ thành phố. Chừng một giờ sau, tướng Nguyễn Văn Toàn chỉ huy quân khu 3 bay từ Biên Hòa vào để nói với Thiệu rằng trên thực tế quân đội Sài Gòn đã thua trận. Biên Hòa không thể giữ được quá 3 ngày nữa. Toàn cũng khẳng định rằng Phan Rang đã thất thủ và tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã bị quân giải phóng bắt. Một số binh lính quân đội Sài Gòn bại trận trong cơn tức giận và tuyệt vọng đã dùng xe ủi phá cả phần mộ tổ tiên Tổng thống Thiệu ở ngoại ô Phan Rang.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, một nhóm người tự xưng là phe ôn hòa và đối lập liên hệ được với Tổng thống, cảnh báo rằng thời gian dành cho Thiệu đã hết. Những người này yêu cầu Thiệu từ chức trong vòng 6 ngày, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Ngay sau đó, Thiệu ra lệnh bắt giam một số tướng lĩnh quân sự những người mà theo ông ta là phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của quân đội Sài Gòn vài tuần qua. Tướng Phạm Văn Phú đang bị ốm trong tình trạng gần hôn mê tại trung tâm chữa lao ở ngoại ô Sài Gòn cũng bị bắt tống giam. Tướng Ngô Quang Trưởng tuy chưa bị bắt nhưng bị coi là kẻ đồng phạm với Phú dẫn đến thất bại thảm hại. Sau này khi tướng CIA Timmes tới gặp Trưởng tại một quân y viện, vị tư lệnh quân khu 1 ôm mặt khóc nức nở đổ lỗi cho Thiệu đã thay đổi kế hoạch hành quân luôn xoành xoạch dẫn đến việc mất quân khu 1.

Ngay từ đầu tháng 4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã linh cảm thấy điều chẳng lành sắp đến với mình. Sức ép từ nguy cơ bị đảo chính và sự tiến quân mạnh mẽ của quân đội Bắc Việt ngày càng tăng,Thiệu bắt đầu nghĩ tới việc tẩu tán tài sản của gia đình và biển thủ ngân khố quốc gia. Ngày 2 và 3/4, Thiệu chuyển phần lớn tiền, vàng, đồ dùng quí hiếm của gia đình sang Đài Loan và Canada. Nhưng còn 16 tấn vàng tương đương 220 triệu USD là phần lớn ngân khố quốc gia Chính quyền Sài Gòn thì vẫn chưa được “xuất cảnh”. Lúc đầu Thiệu định chuyển toàn bộ số vàng nói trên vào Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlements) có trụ sở tại Basel (Thụy Sĩ) để sử dụng riêng. Tại ngân hàng này, Chính quyền Sài Gòn đã gửi số vàng lớn tương đương 5 triệu USD. Thiệu nói với cấp dưới của mình rằng đó là số vàng ký quĩ đối với các khoản vay để mua sắm thiết bị cho quân đội. Tuy nhiên, vài ngày trước khi việc giao dịch ngân hàng của vụ cướp ngân khố quốc gia này được hoàn tất, CIA trong ĐSQ Mỹ biết được ý đồ của Thiệu. Một nhân viên của Đại sứ Martin đã cố tình cung cấp thông tin về sự vụ ra cho báo chí. Khi dư luận rộ lên, Thiệu đành phải hủy kế hoạch ban đầu của mình đối với 16 tấn vàng. Các máy bay mà Thiệu đã đàm phán thuê chở số vàng nói trên ra nước ngoài đành phải hủy vì sợ dư luận. Đúng lúc đó, Đại sứ Mỹ Graham Martin quyết định vào cuộc. Ông Martin tìm đến Thiệu và gợi ý rằng thay vì chuyển số vàng nói trên sang Thụy Sĩ thì Tổng thống Thiệu hãy chuyển sang New York để gửi vào nhà băng Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve Bank of New York). Trong lúc bối rối, Thiệu đồng ý ngay gợi ý của Martin. Ngày 16/4, ĐSQ Mỹ tại Sài Gòn điện cho Washington đề nghị cho một chuyến bay quân sự đặc biệt sang Sài Gòn để chở 16 tấn vàng nói trên về New York.

Tổng thống Thiệu không phải là người duy nhất trong Chính quyền Sài Gòn tẩu tán sớm tài sản ra nước ngoài. Cùng trong ngày 16/4, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cũng đã chở gần như toàn bộ tài sản quí hiếm của gia đình ra nước ngoài. Còn Đại sứ của Chính quyền Sài Gòn tại Washington thì sau khi nghe tin Đà Nẵng thất thủ đã bảo vợ mình đi tìm mua nhà để cư trú lâu dài tại bang Maryland.

(Theo báo Tiền Phong và Hà Nội Mới)

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

55 năm nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu

Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Vụ này đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kỳ liền, từ ngày 20/9/1950, trên báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, xuất bản hàng ngày. Đây là một bài học về kiên quyết chống tham nhũng trong bất cứ thời kỳ nào.

Từ một viên thư ký toà sứ Pháp

Mùa hè năm 1950, từ mặt trận đồng bằng sông Hồng, tôi trở về toà soạn báo Cứu Quốc. Cơ quan báo vừa dọn về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cuộc di chuyển mới này báo hiệu ta hoặc địch sắp có hoạt động quân sự lớn. Anh Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc, giao ngay cho tôi đi lấy tài liệu viết về một vụ tham ô lớn. Đấy là vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân Nhu, đang ở giai đoạn điều tra, lấy lời khai.

Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra nghị quyết chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn bộ máy các cơ quan Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh. Sau đó, ngày 11/ 7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh lập ba cơ quan : Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Các Nha trước đây đảm nhiệm việc sản xuất quân trang, quân dụng nay sáp nhập vào các Cục. Nha Quân Nhu sáp nhập vào Cục Quân Nhu trực thuộc Tổng cục Cung cấp, do đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, làm Chủ nhiệm Tổng cục.

Trần Dụ Châu ngồi khai trước các cơ quan pháp luật. Sinh năm 1906 tại một tỉnh miền Trung, Châu bước vào đời bằng đi làm thư ký toà sứ Pháp. Thấy Châu vừa đi làm, vừa viết báo “Thanh – Nghệ – Tĩnh”, e lộ chuyện công sở, toà sứ cho Châu thôi việc. Châu chuyển sang làm nhân viên quận Hoả xa Bắc Trung Kỳ.

Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương tháng 3/1945, Châu được cử làm Trưởng phòng Kế toán Hoả xa Bắc Trung Kỳ. Nhờ quen biết người Nhật Bản, Châu lấy được một kho vải ở huyện Đức Phong, bán đi có tiền tậu một biệt thự ở Đà Lạt.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Châu hiến cho Nhà nước một phần tài sản của mình, rồi hoạt động trong Uỷ ban Công sở Nha Hoả xa Việt Nam và Hội Công nhân Cứu quốc Hoả xa. Ngày toàn quốc kháng chiến, Châu ra Bắc, được giao việc chạy một kho hàng lớn hơn ngàn tấn gạo, muối ở Vân Đình, Hà Đông, đưa lên Việt Bắc cho bộ đội.

Là người tháo vát, năng động, có đầu óc kinh doanh, Châu được vào làm ở Cục Quân Nhu. Sau một thời gian làm tốt việc cung cấp lương thực, trang bị cho bộ đội, Châu được phong tặng quân hàm Đại tá, làm giám đốc Nha Quân Nhu. Lúc đó, Cục Quân Nhu chỉ phụ trách việc quản lý, quản trị, còn Nha Quân Nhu mới có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất quân trang, quân dụng. Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, không biết tự kiềm chế, Châu đi dần vào con đường sa ngã.

Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn : 57.959 đồng Việt Nam, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên – Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn. Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đoạ, đồi truỵ. Uỷ ban Tiếp liệu Thu - Đông 49, các kho số 1, 4, 10 thường xuyên nộp cho Châu tiền tiêu, rượu, đồ hộp, hải sản khô, thuốc lá, quần áo, chăn len... Tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái; có lần dùng ôtô công đưa gái đi chơi ở Bắc Cạn. Châu dan díu với một nữ nhân viên xinh đẹp, bổ nhiệm làm “bí thư văn phòng” của Nha, làm việc cùng buồng, ăn ở cùng nhà với Châu. Các cán bộ điều tra có trong tay cuốn nhật ký của nữ “bí thư văn phòng” cùng gần 100 kiểu ảnh lãng mạn chụp với Châu. Giữa lúc nữ bí thư đi dự lớp huấn luyện thì Châu đưa từ Phú Thọ về cơ quan một cô gái giới thiệu là em nuôi, suốt ngày ở trong buồng riêng của Châu. Nữ bí thư từ lớp học về bất chợt bắt gặp và đã xảy ra một cuộc đánh ghen ầm ĩ.

Tiếng tăm ăn chơi của Châu nổi như cồn ở Hanh Cù, Phú Thọ, một thị trấn sầm uất, tối đến cả đường phố dài rực sáng ánh đèn măng sông, với nhiều hiệu ăn sang trọng và cửa hàng đầy ắp hàng tiêu dùng nước ngoài. Mỗi lần về công tác ở Liên khu 10, gồm các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang..., Châu đều đưa bạn bè đến chè chén ở đây, nhất là ở nhà hàng Ba Đình. Cũng tại thị trấn này, Châu tổ chức đám cưới cho Bùi Minh Trân, Trưởng ban Mậu dịch của Quân giới liên khu Việt Bắc, tiêu tốn hàng vạn đồng. Báo Cứu Quốc đã có bài phê bình kịch liệt đám cưới này mà nhân dân Phú Thọ thì nói rằng “đã làm váng đục cả một khúc sông Thao”. Chính từ thị trấn Hanh Cù, đã bắt đầu có những bức thư tố cáo Trần Dụ Châu gửi đến các cơ quan có liên quan.

Thầy nào trò nấy

Tay chân đắc lực nhất của Châu là Lê Sỹ Cửu, sinh tại một tỉnh miền Trung, kém Châu 10 tuổi. Cửu mồ côi cha mẹ từ năm 8 tuổi. Năm 12 tuổi, hắn ra Móng Cái, đi làm cho một nhà buôn Hoa Kiều; lớn lên tham gia buôn thuốc phiện lậu trên đường Móng Cái – Hải Phòng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cửu trở về miền Trung, vào làm công an, nhưng được ít lâu thì bị đuổi, liền quay ra Bắc. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cửu gặp và được Châu giới thiệu vào làm ở Ban Vận tải quân giới. Một thời gian sau, lại bị đuổi việc, Cửu lần mò lên Cao Bằng kiếm ăn. Tại đây, tháng 8/1947, gặp lại Châu, Cửu được Châu đưa vào Cục Quân Nhu, làm nhân viên tiếp liệu ở Cao Bằng. Vừa xa Nhà, vừa được Châu che chở, Cửu lộng hành làm bậy, lấy cắp tiền công, ăn tiêu bừa bãi, thường xuyên lui tới các nhà hàng, tiệm hút vùng Cao Bằng.

Nghe được nhiều tiếng xấu về Cửu, Châu vội rút Cửu về Nha, lập ra một tổ chức mới gọi là “Ban Thế phẩm Đay” giao cho Cửu làm trưởng ban. Châu tuyên truyền ầm ĩ rằng, Ban này lo các đồ mặc mùa đông cho bộ đội, từ nay các chiến sĩ ta không phải lo đến cái rét ở rừng núi nữa. Nhưng đây chỉ là một mánh khoé tham ô của Châu : lấy ba phần tư số tiền cấp trên phát cho Ban Thế phẩm Đay, Châu giao cho Cửu đi buôn lậu.

Lê Sĩ Cửu khai trước Ban Kiểm tra của Bộ Quốc phòng : Mỗi khi đi mua vải về cho Ban Thế phẩm, Cửu cho tăng giá thêm từ 20 đến 25 đồng mỗi tấm để lấy tiền đút túi. Trong một chuyến mua vải mộc và vải diềm bâu, Cửu lấy được 50 vạn đồng. Khi xuất kho vải giao cho cơ sở nhuộm, Cửu chỉ tính số tấm, không tính số vuông; cho xẻ đôi những tấm vải dài để nhuộm, khi nhận về kho số vải đã nhuộm, dôi ra 1.225 tấm vải, bỏ túi riêng được 66 vạn đồng. Người bán vải giao hàng tận kho, không tính tiền vận chuyển, nhưng Cửu lại tính với Ban phải trả phí vận chuyển. Khi nhà thầu lĩnh hàng thì phải cung cấp đầy đủ khuy cúc, nhưng Cửu tính với Ban tiền khuy cúc riêng. Với hai thủ đoạn trên, Cửu cũng lấy được 4 vạn đồng.

Cửu cho khắc một con dấu giống dấu của Nha quân nhu để cấp cho một số người buôn lậu, mỗi lần được 2 vạn đồng. Cửu giàu lên nhanh chóng, ăn chơi sa đoạ, sắm được một chiếc thuyền đẹp để gia đình du ngoạn và tổ chức những cuộc dạ hội trên sông. Cửu hối lộ đều đặn theo từng vụ cho Châu, tổng cộng khoảng 40 vạn đồng và nhiều tài sản có giá trị.

Trong Nha, cán bộ nhân viên gọi Châu là “Châu Hổ”, sợ Châu như cọp. Một số cán bộ, đảng viên trong Nha không chịu để Châu lôi kéo, đã mạnh dạn phê bình Châu. Có người do nói thẳng đã bị Châu đẩy khỏi cơ quan. Những điều tiếng xấu về Châu ngày càng nhiều. Châu gọi đó là “những câu chuyện hàm hồ, soi mói vì ghen ghét”. Tối ngày 27/5/1950, Châu gọi một nhân viên tay sai đến nhà, cho uống rượu, ăn cơm. Rồi Châu đọc cho nhân viên đó viết một bức thư gửi Đại tướng Tổng Tư Lệnh, báo cáo rằng “trong Nha Quân Nhu có một tổ chức gây chia rẽ và phá hoại quân đội ta”.

Nghe tin Cửu bị bắt, Châu chạy đến Cục Quân pháp để “minh oan”, xin cho Cửu tự do. Châu còn báo cáo với Bộ Quốc phòng: “Tôi xin cam đoan nhân viên Lê Sĩ Cửu không ăn cắp một xu nhỏ”. Bộ bác đơn của Châu.--PageBreak--

Quân pháp nghiêm minh

Lê Sĩ Cửu tiếp tục khai với Ban Kiểm tra:

- Những tội lỗi của tôi kể trên một phần do đại tá Châu xúi dục. Sở dĩ tôi làm như vậy vì tôi yên trí rằng đã có đại tá Châu bênh vực, mọi việc không sợ gì cả!

Đến lượt Trần Dụ Châu cũng thú nhận trước Ban Kiểm tra:

- Tôi quả là người không liêm khiết. Cán bộ kiểm tra hỏi Châu: - Đã lấy của Lê Sĩ Cửu những gì ? Châu trả lời: - Tôi lấy nhiều lắm, không thể nhớ là bao nhiêu. Nhưng lần nào Cửu đến tôi thì cũng có ít nhiều tiền đưa tôi.

Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Toà án binh tối cao mở phiên toà đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu. Còn lâu mới tới giờ khai mạc mà trong và ngoài toà đã chật ních người. Cửa vào phòng xử án có một bảng khẩu hiệu: “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”. Trong phòng xử, trên tường đối diện nhau có hai khẩu hiệu: “Quân pháp vô thân” và “Trừng trị để giáo huấn”. Đúng 8 giờ, đại diện Chính phủ, quân đội và Toà án binh tối cao tới, đi giữa hàng rào bộ đội bồng súng.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế chánh án giữa hai ông hội thẩm viên Phạm Học Hải, giám đốc Tư pháp Liên Khu Việt Bắc và Trần Tấn, Phó cục trưởng Cục Quân Nhu. Thiếu tướng Trần Tử Bình, đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo uỷ viên. Tới dự phiên toà còn có các ông: Nguyễn Khang, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc; Võ Dương, Liên Khu Hội trưởng Liên Việt Liên khu Việt Bắc; Đỗ Xuân Dung, giám đốc Công chính Liên khu Việt Bắc; bác sĩ Vũ Văn Cẩn, đại biểu quân đội, đại diện các đoàn thể nhân dân và các nhà báo.

Tiếng gọi các bị cáo vang trong phòng họp. Bị cáo Lê Sĩ Cửu vắng mặt vì ốm nặng. Thiếu tướng chánh án hỏi các bị cáo. Trần Dụ Châu bước ra trước vành móng ngựa, nói nhiều về những công lao và thành tích cách mạng của mình, cho rằng do nhân viên làm bậy là chính mà mình không kiểm soát được.

Thiếu tướng Công cáo uỷ viên, đại diện Chính phủ, đứng lên đọc bản cáo trạng:

“Thưa toà, thưa các vị,

Trong tình thế ta gấp rút chuẩn bị Tổng phản công, mọi người đang nai lưng buộc bụng tích cực phục vụ kháng chiến trước tiền tuyến, quân đội ta đang hy sinh để đánh trận căn bản mở màn cho chiến dịch mới, thì tôi thiết tưởng mà cũng là lời yêu cầu Toà dùng những luật hình sẵn có để xử Trần Dụ Châu và theo chỉ thị căn bản của vị Cha già dân tộc là cán bộ phải cần kiêm liêm chính. Việc phạm pháp của Trần Dụ Châu xảy ra trong không gian là Việt Bắc, nơi thai nghén nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã làm vẩn đục thủ đô kháng chiến...

... Để đền nợ cho quân đội; để làm gương cho cán bộ và nhân dân; để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ những phương kế xoay tiền của Chính phủ; để xử tử vắng mặt những lũ bầy ra mưu nọ kế kia, lừa trên bịp dưới; để trừ hết loài mọt quỹ, tham ô dâm đãng; để làm bài học cho những ai đang trục lợi kháng chiến, đang cậy quyền, cậy thế để loè bịp nhân dân;

Bản án mà toà sắp tuyên bố đây phải là một bài học đạo đức cách mạng cho mọi người; nó sẽ làm cho lòng công phẫn của nhân dân được thoả mãn, làm cho nhân dân thêm tin tưởng, nỗ lực, hy sinh cho cuộc toàn thắng của nước nhà.

Vì vậy, tôi yêu cầu toà xử phạt:

1- Trần Dụ Châu: tử hình 2- Tịch thu ba phần tư tài sản 3- Tịch thu những tang vật hối lộ trái phép 4- Phạt tiền gấp đôi những tang vật hối lộ và biển thủ”.

Trần Dụ Châu tái mặt, cất giọng yếu ớt xin toà tha thứ. Thiếu tướng chánh án tuyên bố toà nghỉ để họp kín.

15 phút sau, toà trở ra tiếp tục họp. Thiếu tướng Trần Tử Bình đọc công lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh tước quân hàm đại tá của Trần Dụ Châu.

Thiếu tướng chánh án đứng lên tuyên án:

- Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: tử hình; tịch thu ba phần tư tài sản.

- Lê Sĩ Cửu can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn lậu, giả mạo giấy tờ; tử hình vắng mặt.

Hai chiến sĩ công an dẫn Châu rời nơi xử án trở về nhà giam. 6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu được đưa ra trường bắn trước sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp, Nha Công an, Cục Quân nhu và một số cơ quan khác. Một cán bộ đọc to bức công điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn xin giảm tội của Châu...

11 ngày sau, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân nhu tận tuỵ và anh dũng của chúng ta đã kịp thời đưa ra mặt trận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang… phục vụ tốt trận đánh tiêu diệt địch ở Đông Khê, mở đầu chiến dịch quy mô lớn và dài ngày giải phóng biên giới

Nhân vụ án Trần Dụ Châu

(Xã luận báo Cứu quốc ngày 27/9/1950)

Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ làm nhiều điều bỉ ổi đã bị đưa ra trước Tòa án binh tối cao. Ngay ngày hôm sau, tên phản bội quyền lợi nhân dân ấy đã bị bắn để đền tội của y.

Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án này còn làm vui lòng tất cả những cán bộ Quân nhu ngay thẳng, chí công vô tư, đã không để Trần Dụ Châu lôi cuốn.

Nó đã cho chính quyền và đoàn thể ta nhiều kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ.

Có người e ngại: Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ nhưng tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ.

Cái chết nhục nhã của Trần Dụ Châu còn là một lời cảnh cáo những kẻ lén lút đang tính chuyện đục khoét công quỹ của Chính phủ, trục lợi của nhân dân. Tất cả những bọn ấy hãy coi chừng dư luận sắc bén của quần chúng và luật pháp nghiêm khắc của Nhà nước nhân dân!

Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những bọn ấy, những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng.

Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của đoàn thể mà đấy là bổn phận của tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta”

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2008

Ông thượng tá "mê" kể chuyện Bác Hồ

(VH)- Từ làm ban giám khảo cuộc thi nội bộ Vùng, rồi lại cùng hai thí sinh của mình đi thi kể chuyện tấm gương đạo đức HCM ở cấp toàn quân chủng, đó là thượng tá Nguyễn Quốc Văn- Phó chủ nhiệm chính trị Vùng A Hải Quân.

Từ Ban giám khảo trở thành thí sinh

Chuyến đi dài ngày thăm các đảo phía Đông Bắc tổ quốc của đoàn cán bộ, quân dân Vùng A Hải quân lúc nào cũng vui vẻ, rôm rả nhờ những chuyện hài hước. Người kể chuyện ngụ ngôn, người kể chuyện cười dân gian..., cả đoàn hôm nào cũng được “thưởng thức” những tiếng cười làm quên đi nỗi lo say sóng. Người thường khơi mào cho những cuộc kể chuyện là thượng tá Nguyễn Quốc Văn. Mãi về cuối chuyến đi, hỏi ra chúng tôi mới biết ông là một trong ba đại diện của Vùng A Hải quân đi thi “Báo cáo viên giỏi và kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quân chủng năm 2007.

Ngay sau khi nhận Chỉ thị của Thường vụ ĐUQS TW, từ cuối tháng 1 năm 2007 Vùng A Hải Quân đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chức Minh” trong toàn vùng. Tại các cuộc thi ở các đơn vị Vùng, thượng tá Nguyễn Quốc Văn không ít lần được mời làm Ban giám khảo. Anh Văn tâm sự: “Những câu chuyện về Bác Hồ mình đã biết ít nhiều. Nhưng qua những lần nghe các chiến sĩ, quân dân Hải Quân kể lại mình vẫn thấy xúc động. Sau những lần như thế, những câu chuyện về Bác cứ ngấm dần trong tôi”.

Khi toàn quân chủng tổ chức thi “Báo cáo viên giỏi và kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thượng tá Nguyễn Quốc Văn được cử đi thi cùng với thượng tá Nguyễn Chánh Hưng - Chủ nhiệm Lữ đoàn 170 và thượng uý Nguyễn Hữu Hạnh – Chính trị viên tàu HQ 209 - Hải đội 137.

Ngại lắm, nhưng đấy là nhiệm vụ cấp trên giao cho nên “vị giám khảo” Nguyễn Quốc Văn vẫn “lều chõng” lên đường đi thi. Nên nhớ, đây là 3 thí sinh được lựa chọn từ hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với 45 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia trên toàn Vùng. Anh Văn lại là “thí sinh đặc biệt”, chỉ làm Ban giám khảo chứ chưa từng kinh qua ứng thi ở cấp cơ sở. Chẳng ngờ, những câu chuyện đầy chiêm nghiệm và cảm động của ông thượng tá mê kể chuyện Bác Hồ được Ban giám khảo ghi nhận với giải Ba toàn quân chủng.

Hai câu chuyện nhớ mãi về Bác Hồ

Đến bây giờ, thượng tá Nguyễn Quốc Văn vẫn nhớ như in hai câu chuyện mình kể về Bác Hồ. Anh Văn trầm giọng: “Một lần Bác về Phát Diệm – Ninh Bình, lãnh đạo địa phương tổ chức ăn cơm khá chu đáo. Bác dặn anh em cứ việc ăn cơm còn Bác nhờ một anh bộ đội đi mua bánh giò rồi tranh thủ thời gian, Bác ra nói chuyện với quân dân công giáo. Trên đường về Hà Nội, Bác tranh thủ ăn bánh giò trên xe...” Theo anh Văn cho biết, cuộc thi toàn quân chủng có tới 3 bàn thi, mỗi bàn 3 giám khảo.

Không chỉ là kể lại một câu chuyện về Bác Hồ mà quan trọng hơn là mỗi người phải biết diễn thuyết, liên hệ với thực tế cuộc sống ngày hôm nay. Chẳng hạn, trong câu chuyện kể trên, anh Văn rất tâm đắc ý tứ tế nhị nhưng sâu sắc của Bác Hồ, vừa có ý nhắc địa phương phải biết cần kiệm, không nên bày biện, lại vừa tỏ rõ Bác là người rất biết quý thời gian.

Câu chuyện thứ hai anh Văn kể lại nói về bệnh chuộng hình thức tưởng đã muôn năm cũ nhưng vẫn còn nóng hổi trong cuộc sống ngày nay. Chuyện này anh Văn đi thẳng vào vấn đề: “Vừa rồi tôi nghe các chiến sĩ trẻ nói chuyện với nhau, Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài, người đời sau khó học được.

Tôi phản đề ngay, phẩm chất của Bác khó nhưng lại dễ vì gần gũi với cuộc sống, cao cả nhưng không xa lạ với từng con người... Chẳng hạn, một lần Bác về thăm HTX Hợp Thành - Nghệ An. Uỷ ban xã bố trí bàn ghế tươm tất ở một nhà gần Uỷ ban để đón Bác. Thế nhưng Bác lại vào thăm những nhà nghèo khổ. Bác nhắc các đồng chí lãnh đạo xã: “Làm cán bộ cách mạng nên chăm lo đời sống nhân dân, không nên chạy theo thành tích, hình thức”.

Nếu không có gì thay đổi, tháng 8.2008 thượng tá Nguyễn Quốc Văn sẽ tiếp tục được ngồi vào ghế Ban giám khảo cuộc thi “Bác Hồ với thanh niên, thanh niên với Bác Hồ” do Đoàn TNCS HCM Vùng A Hải quân tổ chức từ cấp Chi đoàn đến cấp Liên chi đoàn. Anh Văn bảo, lại thêm một lần ngấm dần tấm gương đạo đức của Bác. Nói rồi, ông thượng tá mê kể chuyện Bác Hồ lại đọc như in lời dặn của Bác trong một lần về thăm chiến sĩ, quân dân Hải Quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Từ làm ban giám khảo cuộc thi nội bộ Vùng, rồi lại cùng hai thí sinh của mình đi thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cấp toàn quân chủng, đó là thượng tá Nguyễn Quốc Văn – Phó chủ nhiệm chính trị Vùng A Hải Quân.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2008

Uy tín của tướng Võ Nguyên Giáp

Đối với người phương Tây, Võ Nguyên Giáp có lẽ là một hiện tượng đặc biệt trong quân sự thế giới. Ông là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người ta nhắc đến ông không phải vì ông là đồng minh của các lực lượng quân sự phương Tây mà là người đã đánh bại hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới vào thời điểm ông là người chỉ huy quân sự.

Một vinh hạnh không kém là ông được sự quí trọng của hai vị tướng tài ba của quân đội Pháp và Mỹ, đối thủ của ông. Đó là Raoul Salan, tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương 1951-1953, và William Westmoreland, người chỉ quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 1968 đến 1972.

Nhìn từ sử sách

Không biết đã có bao nhiêu sách báo và tài liệu quân sự viết về Võ Nguyên Giáp, hay chính ông viết ra và được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài, phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện.

Những sách viết về Võ Nguyên Giáp, được xuất bản tại Pháp, phần lớn do những nhà văn, nhà báo không nhiều thì ít có liên quan đến phong trào cộng sản.

Tướng Giáp tỏ ra có một tài năng vĩ đại trong việc nhìn nhận mặt mạnh nhất của kẻ thù để khai thác nó như mặt yếu nhất
Jonn Colvin trong cuốn 'Giap Volcano under Snow'

Những tác giả này đã hết lời ca ngợi Võ Nguyên Giáp và so sánh ông với những thiên tài quân sự nổi tiếng trên thế giới như với Thomas Edward Lawrence, được biết nhiều dưới tên Lawrence d'Arabie, người đã chinh phục cả lục địa phía đông châu Phi, hay với Ernesto Che Guevara, nhà cách mạng cộng sản Trung Mỹ rất được giới trẻ thiên tả châu Âu ngưỡng mộ.

Nhiều người còn ví thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp với Karl von Clausewitz, nhà chiến lược quân sự người Phổ đầu thế kỷ 19.

Các sử gia và dư luận phương Tây nể trọng tướng Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan" đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ (1954) và gây khó khăn cho quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong suốt thời kỳ 1964-1972, tức thời điểm quân đội Hoa Kỳ có mặt đông đảo nhất tại miền Nam Việt Nam.

Đường tới Điện Biên

Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, các sử gia Pháp thường xuyên nhắc nhở đến Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1946, khi quân Pháp vừa trở lại Việt Nam và đã có những cuộc gặp gỡ với ban tham mưu của Hồ Chí Minh. Tất cả đều lấy làm tiếc cuộc thương lượng với phe Việt Minh, do đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo, khiến đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt tại Đông Dương từ 1946 đến 1954. Thật ra lúc đó chính quyền thuộc địa Pháp không đánh giá cao khả năng quân sự của phe Việt Minh thời đó.

Vào thời điểm 1946, lực lượng quân sự của phe Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chỉ có khoảng 40 chi đội với trên dưới 50.000 dân quân du kích, thiếu trang bị và huấn luyện. Phải chờ đến 1949, phe Việt Minh mới có được bốn đại đội bộ binh được trang bị súng máy và súng cối. Lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp chỉ được trang bị dồi dào từ sau 1950, khi phe cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đánh bại phe Quốc Dân Đảng, do Tưởng Giới Thạch cầm đầu, và chiếm Hoa lục.

Chiến thắng Điện Biên ngày 7.05.1954 đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương

Kể từ sau 1949, khi phe Việt Minh bắt đầu gây nhiều thiệt hại cho quân đội viễn chinh Pháp trên Đường số 4 và khu Việt Bắc, tên tuổi Võ Nguyên Giáp mới được nhắc nhở đến nhiều. Những vị tướng tài ba của Pháp như Revers, Navarre với những lực lượng quân sự chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ như Lực lượng Viễn chinh, Lê Dương, Nhảy Dù... (Corps Expéditionnaire, Légion Étrangère, Bataillons Étrangers Parachutistes) đã không ngăn chặn được sự bành trướng của những người lính nông dân do Võ Nguyên Giáp cầm đầu.

Sau này giới quân sự Pháp thường nhắc nhở tới những mưu chước dụ dỗ quân đội của Võ Nguyên Giáp vào bẫy để tiêu diệt như tại Đông Khê, Đường số 4, nhưng không được. Ngược lại, chính quân đội Pháp chịu nhiều thiệt hại và đã phải rút lui khỏi các địa điểm chiến lược trên vùng Trung Du.

Trước sự lớn mạnh của phe Việt Minh, giới quân sự Pháp quyết định mở ra một địa bàn chiến lược khác tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ để dụ quân Việt Minh vào tròng để tiêu diệt. Ý đồ này đã được các chiến lược gia và tướng lãnh Pháp nghiên cứu tỉ mỉ. Cũng nên biết vào thời điểm này phe Việt Minh đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Trung và Nam Lào, nếu ngăn chặn được đường tiếp tế của phe Việt Minh tại Điện Biên Phủ thì Pháp sẽ triệt hạ dễ dàng lực lượng Việt Minh tại Lào. Với nhận định như thế, bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương dồn nỗ lực củng cố địa bàn Điện Biên Phủ.

Tại đây, với hỏa lực sẵn có quân Pháp có thể làm chủ được trên không và tiếp tế bằng đường bộ. Cũng nên biết khu lòng chảo Điện Biên Phủ nằm sát biên giới Lào với nhiều đồi núi thấp, do đó dễ quan sát một vùng rộng lớn chung quanh. Quân đội Pháp đã xây dựng tại đây một hệ thống địa hào chằng chịt và kiên cố có thể cầm cự với quân Việt Minh trong một thời gian dài khi bị bao vây. Nói chung, giới quân sự Pháp rất tin tưởng vào sự phòng thủ chiến lược của Điện Biên Phủ, họ hy vọng có thể tiêu diệt quân Việt Minh dễ dàng khi bị tấn công. Nhưng ước muốn là một chuyện thực hiện được hay không là chuyện khác. Sau này giới quân sự và chiến lược gia Pháp đã viết rất nhiều sách và tài liệu nghiên cứu sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, tên của Võ Nguyên Giáp cũng được nhắc tới như một đối thủ nguy hiểm, cần triệt hạ. Tác giả những bài viết này đều không ngờ khả năng điều động lực lượng dân công của Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ.

Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có sáng kiến tháo gỡ từng bộ phận rời của những khẩu đại bác và súng ống hạng nặng và sử dụng một lực lượng dân công hùng hậu để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, băng suối, băng núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp. Điều này vượt ngoài tưởng tượng của những chiến lược gia quân sự Pháp, và họ đã tốn rất nhiều giấy mực để diễn tả sự kinh ngạc này, với tất cả sự thán phục.

Cuộc bao vây đã chỉ kéo dài trong ba tháng, từ 13-3 đến 7-5-1954. Quân đội Pháp cùng với bộ chỉ huy tiền phương tại Điện Biên Phủ, do đại tá de Castries cầm đầu, đã đầu hàng vô điều kiện. Võ Nguyên Giáp đã được dư luận Pháp nhìn nhận như người đã đánh bại quân đội Pháp tại Đông Dương.

Không trách Việt Minh

Điều không ngờ là người Pháp chấp nhận sự thất trận này một cách vui vẻ, họ không thù oán gì quân đội Việt Minh mà chỉ trách móc các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự của họ đã không sáng suốt. Riêng các tướng Salan, de Castries và rất nhiều tướng tá khác đều hết lời ca ngợi và kính phục Võ Nguyên Giáp. Đây là một trường hợp hi hữu trong lịch sử quân sự của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Hầu như các cấp lãnh đạo quân sự của châu Âu đều có cùng nhận định như các đồng nghiệp Pháp.

Họ kính nể quyết tâm và khả năng huy động sức người trong trận Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Nếu Võ Nguyên Giáp là một người sinh trưởng tại các quốc gia phương Tây thì ông đã đón nhận tất cả những vinh hạng của một vị anh hùng, một vị tướng tài ba. Rất tiếc ông là người Việt Nam, và hơn nữa là một đảng viên cộng sản, nên tất cả những vinh dự này đã không được thể hiện đúng mức.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đã nghỉ hưu đôi khi có những phát biểu ôn hòa về các vấn đề của Việt Nam
Sau sự thất trận này, dư luận Pháp đã không thù oán gì Việt Nam mà ngược lại vẫn còn giữ rất nhiều cảm tình với dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam, lý do là vì con người và đất nước Việt Nam rất hiếu khách và không oán thù người đô hộ sau khi chiến tranh chấm dứt.

Người Pháp có lý do để đề cao yếu tố này, vì trong suốt thời gian chiến tranh, từ 1946 đến tháng 7-1954, không một phụ nữ hay trẻ em người Pháp nào bị bắt làm con tin hay bị sát hại để trả thù báo oán. Đây chính là điều mà dư luận Pháp nói riêng và phương Tây nói chung quí mến dân tộc Việt Nam. Trong chiến tranh thì chém giết nhau không nương tay, nhưng chỉ với những người trực tiếp cầm súng, khi hết chiến tranh thì có thể trở thành bạn bè một cách dễ dàng.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ Alan Dawson Chương Cuối

Chương 13: Cám ơn

Darwin Judge và William McMahon đã gia nhập binh chủng thuỷ quân lục chiến, gần như cùng một lúc. Họ là loại "con trai" mà đám thuỷ quân lục chiến vũ phu muốn biến thành người lớn. Là VĐV, đã tốt nghiệp trung học, hai anh chàng này đã ra sức luyện tập tại trại tân binh ở đảo Parris. Các tay trung sĩ dữ tợn của thuỷ quân lục chiến muốn có nhiều hơn nữa những tân binh như hai anh chàng này.

Hai người đã cùng sống với nhau gần 4 năm nghĩa vụ ở thuỷ quân lục chiến tự khoác cho mình danh hiệu binh chủng dữ tợn nhất của Mỹ. Họ còn tiếc lỡ mất dịp chiến đấu tại Việt Nam. Ừ thì bây giờ hai người ở Việt Nam rồi đấy. Họ là một phần của lực lượng an ninh sứ quán Hoa kỳ mới được bổ sung. Nhiệm vị duy nhất của lực lượng này là bảo vệ cuộc di tản người Mỹ chống những kẻ phá đám.

Trong 10 ngày qua, Judge, McMahon và một lực lượng an ninh nhỏ đã bao vòng quanh lầu Năm góc phương Đông tại Tân Sơn Nhất. Theo họ, phần xử trí gay nhất không phải là hàng ngàn người đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam mà là việc xử trí với những chiếc xe khốn nạn. Dân chúng lái xe nhà vào sân bay rồi vứt tại chỗ. Judge và McMahon cố gắng dọn quang lối cho xe vào địa điểm di tản.

Hai người trực đêm vào ngày 28-4. Họ chẳng biết gì mấy về chuyện gì đang xảy ra tại xung quanh SG vì những điện đài dã chiến mang theo chỉ bắt tần số của Mỹ. Nó chẳng nói mấy về tin tức bên ngoài thủ đô. Họ không biết được là Biên Hoà đã sụp đổ. Họ chẳng ngờ cái trò chính trị trong cuộc chiến tranh Việt Nam lại sắp sửa kết thúc cuộc đời họ.

Biên Hoà sụp đổ khoảng nửa đêm không làm mấy ai ngạc nhiên. Cái căn cứ ấy trở thành ốc đảo, bị bao vây tứ phía và thậm chí bị cắt khỏi SG, một sự kiện vốn hiếm khi xảy ra. Khoảng 4 sư đoàn Bắc Việt Nam đã pháo kích dữ dội và tràn ngập căn cứ khi trời sập tối. Sự việc chỉ cộc cằn và giản đơn thế thôi. Một lực lượng nhỏ gồm xe tăng và bộ binh ở Biên Hoà rút chạy về hướng SG nhưng họ phải vượt qua ruộng đồng vì các con đường đã bị chặn hết.

Hai sư đoàn khác tấn công Vũng Tàu, cái hải cảng duy nhất còn trong tay SG. Một kế hoạch phòng hờ bất trắc đã dự tính cuộc di tản của Mỹ qua Vũng Tàu bằng đường biển. Hạm đội Mỹ phục vụ di tản bỏ neo ngoài khơi Vũng Tàu. Nhưng trước cuộc tấn công của Cộng Sản, thị xã sụp đổ cũng chỉ còn là vấn đề thời gian, có lẽ vài giờ thôi. Do đó kế hoạch phòng hờ bất trắc kia cũng tuyệt vọng.

Một cuộc pháo kích khác bằng hoả tiễn xuống Tân Sơn Nhất. Cuộc ném bom là dấu hiệu tấn công. Cuộc pháo kích này đã đánh dấu phút mở màn cho cuộc xung phong cuối cùng của số quân Bắc Việt Nam lớn nhất chưa bao giờ có ở một điểm lại tập trung lớn như thế. Bắc Việt Nam có tất cả 24 sư đoàn. Ba trong số ấy nằm lại miền Bắc. 21 sư đoàn kia đang ở xung quanh SG, sẵn sàng tấn công thành phố. Còn SG thì lực lượng thực tế có độ 1 sư đoàn.

Tại phía Bắc SG, nơi các pháo thủ chờ lệnh từ hai ngày qua, những khẩu đại bác quay mũi từ hướng trung tâm SG, nhích sang phía Tây. Lúc 4 giờ 10 phút sáng các khẩu đại bác ấy và có lẽ 50 khẩu khác cùng loại đã mở cuộc pháo kích vào Tân Sơn Nhất. Judge và McMahon đã ngã xuống trong vòng 10 phút đầu của cuộc pháo kích. Judge bị quả đạn pháo trúng ngay mình. Ở cách đó 8m, McMahon cũng chết ngay tức khắc tuy rằng thi thể anh ta không tan nát như người bạn. Quả đạn giết chết hai lính thuỷ đánh bộ là một trong vài ba quả lệch mục tiêu. Nhìn chung, Cộng Sản không can thiệp vào cuộc di tản.

Lúc 6 giờ 30 sáng, Sài Gòn đã thức giấc bởi tiếng gầm thét của đại bác bắn vào Tân Sơn Nhất, Martin đã triệu tập cuộc họp của hội đồng sứ quán. Theo lời những người dự phiên họp ấy, rõ ràng là viên đại sứ đã trở nên bàng hoàng. Polgar (giám đốc phân cục CIA) và tướng Smith nói thẳng thừng với Martin: Cuộc di tản cuối cùng phải được ra lệnh ngay lập tức. tsm bị tấn công có nghhĩa là sân bay đóng cửa. Chẳng ai đoán được bao giờ nó sẽ mở cửa lại. Do đó phải di tản bằng trực thăng càng nhanh càng tốt. Rồi thì cái cây lớn sau nhà sư đoàn phải bị hạ xuống để khỏi cản trở trực thăng.

Martin giận dữ trước sự thách thức ấy. Trước đây, máy bay đã từng đi qua những trận pháo kích. Tình hình chẳng đến nỗi nghiêm trọng. Cuộc di tản bằng phi cơ có cánh cố định vẫn tiếp tục. Để không quân có thể quyết định lúc hạ cánh. Chẳng có lý do gì để hoảng loạn, cũng chẳng có lý do nào để nghĩ đến chuyện di tản bằng trực thăng. Cái cây sẽ không bị hạ xuống. Đốn nó có nghĩa là tự ràng buộc mình vào cuộc di tản cuối cùng. Martin nói ông ta chưa sẵn sàng làm như vậy, nó không cần thiết.

Polgar và Smith bèn nổi nóng. Nói qua hai hàm nghiến chặt vào chỉ vừa đủ để giữ bình tĩnh, họ tìm cách báo cho Martin biết sự thật. Hai lính thuỷ đánh bộ Mỹ chết là chuyện hoạ hoằn-Hàng nghìn người đang ngẹt thở vì Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Máy bay chẳng có cách nào hạ cánh. Khu nhà hàng không Mỹ ở đối diện ngay bên đường đi qua lgn Phương Đông đã trở thành đống gạch vụn sau cuộc pháo kích. Mấy chiếc máy bay thường và trực thăng ở đó tiêu tan rồi. Không quân Sài Gòn tan nát vì cuộc pháo kích.

Trùm CIA tóm gọn cảm nghĩ của hầu hết mọi người trong phòng họp: Martin đang mang ảo tưởng. Tình hình đang rất nghiêm trọng. Sài Gòn hoàn toàn bị bao vây rồi. Căn cứ duy nhất còn trong tay chính quyền Sài Gòn là Tân Sơn Nhất. Cuộc xung phong cuối cùng vào chính thành phố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ý kiến Martin khăng khăng đòi di tản bằng máy bay có cánh cố định là sai. Nó sẽ phải trả giá bằng sinh mạng. Cuối cùng Polgar nói, nếu Martin không tin ở những người khác nói thì ông ta nên đến Tân Sơn Nhất mà nhìn tận mắt.

Martin chồm lên tức tối. Được-ông ta nói-đấy là điều chính ông ta sẽ làm. Polgar và Smith còn hầm hầm tức giận. Jacobsen khuyên Martin đừng đi Tân Sơn Nhất. Martin cho biết ông ta sẽ đi và ra lệnh ngay lập tức. Jacobsen tuy bênh vực Martin nhưng cũng thấy chỉ bằng cách tận mắt nhìn thấy sự tàn phá tại Tân Sơn Nhất thì đại sứ mới chịu đổi ý nghĩa. An ninh cho Martin được bố trí. Một xe chở đầy lính thuỷ quân lục chiến, và dăm ba lính khác cùng ngồi xe với Martin để bảo vệ.

Smith đi theo Martin vì Tân Sơn Nhất nằm dưới quyền chỉ huy của ông ta.

Khi xe của Martin rời khỏi sứ quán đi về hướng sân bay thì trùm CIA trưng dụng vài lính gác thuỷ quân lục chiến nổ máy cưa và hạ cái cây xuống.

Jacobsen theo dõi qua điện đài từng phút một chuyến đi của Martin đến Tân Sơn Nhất. Ngeh ba bốn điện đài cùng một lúc, ông ta theo dõi tin tức về các đám nổi loạn, pháo kích và những nơi dàn quân của Sài Gòn. Vào lúc ấy, quân đội Sài Gòn là mối nguy hiểm lớn nhất. Đa số quân lính đắng cay trước sự thật hiển nhiên là cuộc rút lui và việc cắt đứt viện trợ của Hoa Kỳ. Đang có tin đồn là các tướng lĩnh Sài Gòn sẽ tìm cách ngăn chặn người Mỹ di tản.

Chuyến đi Tân Sơn Nhất diễn ra trơn tru. Xe của Martin lách qua các đống đổ nát đi vào sân bay. Viên đại sứ không nói một lời. Những người đi theo cho biết thái độ đại sứ ỉu xìu. Rõ ràng là bị bàng hoàng trước sự tàn phá, nguy cơ và khói lửa, Martin dường như không tin vào cả mắt mình. Chiếc xe vòng lại rồi trở về sứ quán lúc 10 giờ.

---------------------------

Sơ đồ Đại sứ quán Mỹ tại SG và đội hình đoàn xe của Martin ra thăm TSN :

 

 

Sau chuyến đi Tân Sơn Nhất, Martin trông như một người mất hồn. Cô thư ký của ông ta muốn rơi nước mắt. Ông ta ít nói, đi thẳng vào văn phòng. Trong vòng nửa giờ, ông ta gọi hầu hết những thành viên trong hội đồng sứ quán lại và ra lệnh tiến hành kế hoạch di tản sau cùng. Vâng, trực thăng phải được sử dụng. Không chắc gì máy bay có cánh cố định hạ xuống được Tân Sơn Nhất. Mọi người nên biết phần việc của mình và nên thi hành. Martin không đề cập gì đến cái cây nếu quả tình là còn nghĩ tới nó.

Tướng Smith cảm thấy nhẹ nhõm đã nhận lệnh qua điện thoại về việc di tản và chuyển nó đi Honolulu theo hệ thống quân đội. Từ đó nó trở về các tàu Mỹ ở ngoài khơi Vũng Tàu. Martin và Polgar thì đánh những bức điện hoả tốc của mình về Bộ ngoại giao và sở chỉ huy CIA. Các viên chức sứ quán lại bắt đầu gọi điện thoại đến các trụ sở, cư xá, tư gia, khách sạn mà họ đã gọi liền 4 giờ trước đó mới hết để báo cho biết sự chuẩn bị trước hạ màn. ”Lần này không có chuyện thực tập đâu”. Họ nói như vậy. Cuộc “kéo mạnh” bắt đầu đấy. Mọi người, nhắc lại nhé, mọi người nên đến trình diện ở địa điểm di tản mà họ được chỉ định.

Trên giấy tờ, nó có vẻ là cuộc di tản liều lĩnh. Nhiều người cho rằng nó lạc quan. Lẽ tất nhiên, rốt cuộc nó đã trở thành cơn ác mộng. Thất bại không phải hoàn toàn vì yếu tố con người tuy có sai lầm nghiêm trọng trong việc làm kế hoạch.

Thứ nhất là vấn đề xe buýt. Mấy ai đã từng lái xe buýt mà cuối cùng cũng phải đi các ngõ hẻm để nhặt từng người. Thứ nhì, ít nhất phải có 25 trực thăng Hu-ây (UH-1) để làm việc cứu người mắc kẹt trên mái nhà. Khi có lệnh, phần lớn phi công đã về nhà. Một nửa số trực thăng bị phá huỷ trong cuộc pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất. Số lớn còn lại phải đi đồng bằng sông Cửu Long nhặt người mà lãnh sự quán Mỹ bỏ lại. Thứ ba là thiếu hợp đồng giữa dân sự và giới quân sự. Ai cũng tưởng bay một chuyến thì xong, nhưng hầu hết đã bay đến lúc kiệt sức. Hơn hết là sự trễ nải của Martin đã đè nặng lên bước “kéo mạnh” sau cùng.

Lúc này, lệnh giới nghiêm 24/24 không còn có hiệu lực và chẳng còn lực lượng an ninh để thúc đẩy thực hiện nó. Có khoảng 100 nghìn linh hồn hoảng loạn, lang thang trên đường phố, theo dõi dấu hiệu cuộc di tản. Họ đã nắm giấy phép mà không đi được. Thế thì tướng Smith đâu, lính mũ nồi xanh đâu? Câu hỏi đến nay chưa được giải đáp. Khoảng 2 giờ chiều lính Sài Gòn không chịu cho xe buýt vào Tân Sơn Nhất nữa bằng cách huơ súng qua lại như đám hung thần trong phim cao bồi. Chỉ có một cổng vào bị một tá lính Sài Gòn giữ chặt. Đáng lẽ lính mũ nồi xanh hay thuỷ quân lục chiến chiếm lấy nó. Sự thất bại trong việc mở cổng dẫn tới sự hoảng loạn cuối cùng ở sứ quán sau này.

Smith muốn bắt đầu di tản lúc giữa trưa. Vì lý do không hiểu nổi, Martin lại ra lệnh hoãn một tiếng đồng hồ. Đang lúc chiếc trực thăng sẵn sàng bay chuyến đầu tiên vào Sài Gòn thì một giọng nói trên đài chỉ huy ra lệnh phi công tắt máy và đợi một giờ nữa. Chẳng biết được ai ra lệnh ấy?

Thuỷ quân lục chiến ở trụ sở DAO phần lớn chưa qua thử thách chiến trường, tất cả đều run sợ trước cái chết của Judge và Mc Mahon và đều mỏi mệt. Hầu hết là một lũ anh hùng rơm. Cộng sản đã giảm pháo kích Tân Sơn Nhất nhưng thỉnh thoảng vẫn có quả đạn rơi xuống, do đó càng gây thêm khiếp đảm.

Sự hoảng loạn bắt đầu khoảng 3 giờ chiều, khi các trực thăng xuất hiện từ hướng Đông. Chúng bay thấp trên bầu trời Sài Gòn. Các đám đông bắt đầu tụ lại ở sứ quán Mỹ. Một trung đội lính thuỷ quân lục chiến mới toanh được trực thăng vận tải từ hạm đội 7 vào giúp việc kiểm soát đám đông. Họ cũng khiếp đảm trước tình hình như vậy. Tại Tân Sơn Nhất, lính gác đang bắn cảnh cáo các xe buýt trở đầy người Mỹ. Các xe phải quay lui vì không ai hiểu liệu lính Sài Gòn có dám thực sự bắn vào xe Mỹ không, nhưng chẳng ai muốn thử làm gì. Cảng Sài Gòn là điểm di tản và cũng như một nhà thương điên.

Nguyễn Cao Kỳ rời khỏi Tân Sơn Nhất trong cuộc di tản bằng trực thăng riêng hóa ra lại đến hạm đội 7 trước cả người Mỹ di tản. Một sĩ quan Mỹ cũng gọi điện thoại báo cho trùm buôn thuốc phiện lậu và là phụ tá quân sự của Thiệu là Đặng Văn Quang rằng, giai đoạn “kéo mạnh” đã bắt đầu. Xoè chứng minh thư ra, Quang đã vào được cổng sau sứ quán, trơ trẽn và vẫn cười hinh hích được. Kẻ thay thế Cao Văn Viên là Vĩnh Lộc đã được đặt lên một trực thăng di tản. Tám, bạn thân mà Martin quan tâm trong việc gói ghém vật dụng trong nhà hom trước cũng leo lên trực thăng. Tướng 3 sao Đồng Văn Khuyên cũng đi mất. Thế là gần hết đám tai to mặt lớn trong bộ máy chỉ huy quân đội Sài Gòn đã lỉnh mất.

Tấn thảm kịch và trò lừa đảo trong cuộc di tản khỏi Sài Gòn sẽ còn được kể nhiều năm nữa. Tuy nhiên, hình như chẳng mấy ai rút ra bài học gì đó ngoài một nhóm nhỏ viên chức Hoa Kỳ.

Một seri hình ảnh về cuộc tháo chạy :

 

 

 

Những lời tiên đoán rằng sứ quán Mỹ sẽ trở thành cảnh tượng chính cho sự hoảng loạn giờ đây thành hiện thực. Không chiếm lĩnh cổng Tân Sơn Nhất, hậu quả là các người Mỹ di tản ngày cuối cùng phải tìm đến sứ quán. Không thực hiện được giới nghiêm 24/24 thì hậu quả là một đám người Nam Việt Nam cuồng nộ ập đến, tràn ngập cả sứ quán. Không tuyển chọn được một lực lượng an ninh có nghĩa là sẽ xảy ra những giờ phút căng thẳng giữa đám đông bên ngoài với thuỷ quân lục chiến bên trong.

Vẫn có những trường hợp đặc biệt, không hề bận tâm gì đến cuộc di tản. Cách Tân Sơn Nhất hai dặm trong một ngõ hẻm, Mike Mielke, một người Mỹ, bình thản nhìn theo những chiếc trực thăng bay qua nhà anh ta ra biển Đông. Mielke đang đứng trong sân trước căn nhà kiểu vla kín cổng cao tường, tiếp tục sơn một cái chuồng chó. Qua điện đài kiểu PRC.25, anh ta lắng nghe sự hoảng loạn lớn dần trong đám người Mỹ tham dự di tản. Trước đây, anh ta là trung sĩ trong lực lượng đặc biệt, làm cố vấn nghĩa quân. Thế nhưng anh ta muốn ở lại cùng với người vợ Việt lai Mỹ tên là Mistry và đứa con gái 2 tuổi tên là Madeleine quen gọi tắt là Linny. Họ đã từ chối vô số lời đề nghị giúp đỡ họ di tản. Melke đang nhấp ly rượu rum pha nước ngọt côla khi cuộc di tản bắt đầu. Trên mái nhà anh ta đã đặt hai tấm ván ép màu da cam thành hình chữ X. Đối với phi công trực thăng, nó có nghĩa là anh ta không muốn ra đi. Vợ anh ta, Mistry (tên Mỹ dịch từ tên tiếng Việt là Sương) không muốn anh ta ra đi. Khi những chiếc trực thăng bay ngang bên cạnh vila của Mielke thì anh ta đã xua tay khinh miệt: “Thôi… Cám ơn! Từ biệt chúng mày, đồ cục cứ ****!”.

Martin liên lạc với Kissinger ở Washington van nài cho cuộc di tản tiếp tục, Kissinger tỏ vẻ khó chịu nói rằng tổng thống muốn loan báo cuộc di tản đã kết thúc. Martin ngỏ ý xin ở lại để giúp Minh lớn và Nam Việt Nam. “Nào Graham-Kissinger nói-chúng ta muốn tất cả trở về thôi”, Kissinger đã ra lệnh buộc Martin phải ra đi.

Tại sứ quán Hoa Kỳ, không ai tin rằng cuộc di tản thế là đã kết thúc. Đám đông người vẫn đông nghẹt cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Giữa bóng đêm, không ai nhận thấy đám thuỷ quân lục chiến đã rút vào trong. 4 giờ sáng, đám đông lại nghe thấy tiếng trực thăng bay trở lại. Nó hạ cánh xuống nóc nhà sứ quán. Vài người chạy tới, leo lên máy bay. Ngồi trên trực thăng có Graham Martin. Chưa ai nghĩ đó là chiếc trực thăng di tản cuối cùng. Trời hửng sáng, lại thêm vài chiếc nữa đến bốc nốt đám lính thuỷ quân lục chiến của họ ở Việt Nam.

Tại một khu phố trung tâm Sài Gòn, khi biết tin G.Martin đã ra đi, một nhà báo đã lẩm bẩm rằng “liệu có ai đó nhớ vặn tắt ngọn đèn ở cuối đường hầm chưa nhỉ”. Đến ngày 3-5, Cộng Sản tuyên bố nắm gọn chủ quyền toàn cõi Việt Nam, kể cả các đảo ngoài khơi. Năm 1954, 16 nghìn lính Pháp, lê dương và Việt Nam đã cầm cự với quân đội Bắc Việt Nam 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ rồi thì đầu hàng. 21 năm sau, Bắc Việt Nam đã tràn ngập toàn cõi Nam Việt Nam, đánh bại một đội quân Sài Gòn tất cả là 1 triệu người. Cũng như Điện Biên Phủ, trận đánh này cũng mất 55 ngày đêm cả thảy.

------------------

Lời kết thúc

Sài Gòn không trở thành thành phố Hồ Chí Minh qua một đêm được. Nhưng rõ ràng là những ngày xưa cũ hết rồi. Đường lối chính sách chung được phổ biến rộng rãi và một tờ nhật báo bằng hai thứ tiếng (Việt Nam và Trung Hoa) đã có mặt trên đường phố sau một tuần. Điều hiển nhiên là sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, không có chuyện tắm máu.

Minh lớn và Trần Văn Hương được phép ở lại nhà. Với những người khác, nó là vấn đề cải tạo. Dinh Độc Lập thành “di tích chế độ tư bản”. Sứ quán Mỹ thành một viện bảo tàng. Nhà của viên sĩ quan phụ trách tổng hành dinh Hoa Kỳ, Steven Bray biến thành nơi trưng bày “tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ”. Nhà nghỉ mát của Thiệu cạnh bờ sông thành câu lạc bộ công nhân.

Còn một câu chuyện cuối cùng đầy ý nghĩa, liên quan đến binh nhì Đức, người lính thuỷ quân lục chiến Sài Gòn. Mặc dù ngay từ đầu, cuốn sách này đã xác định Đức là nhân vật tổng hợp của mấy thuỷ quân lục chiến, nhưng con người Đức thực sự đã đến với tôi vào tháng 8-1975, khi một trong số nhân viên của UPI bị giữ một tuần lễ. Trong nhà giam, anh ta gặp người lính thuỷ quân lục chiến mà tôi gọi là Đức, nghe kể lại câu chuyện khó tin lúc bấy giờ về cách thức đối xử của Cộng Sản với tù nhân. Không có cách nào liên lạc với Đức để biết đoạn kết thúc. Nhưng với tính cách là một điển hình minh họa cách đối xử của Cộng Sản Việt Nam năm 1975 đối với kẻ thù xưa, thì chuyện này thuộc loại có một không hai.

Trong những ngày cầm súng trong quân đội Sài Gòn, binh nhì Đức đã giết 13 chiến sĩ Cộng Sản, cho đến khi anh ta bị bắt sau ngày “giải phóng”. Đức được đưa đến trung tâm tạm giam chính tại thành phố Biên Hoà cách Sài Gòn 14 dặm về phía Đông Bắc. Trong thâm tâm Đức cảm thấy nhẹ nhõm. Sự tồn tại ngày lại ngày anh ta trải qua từ sau cuộc rút lui khỏi Quảng Trị giờ đây đã đến lúc chấm dứt rồi. Đức cảm thấy đau xót cho gia đình mình, nghĩ rằng mình sẽ bị hành quyết, nhưng anh ta chấp nhận khổ đau không còn sợ chết nữa.

Anh ta nói hết những gì mình đã làm cho các viên chức tại Biên Hoà nghe và phải mất gần trọn một ngày để liệt kê lại những sự kiện “tội ác” đó, thỉnh thoảng chỉ ngập ngừng chút ít trước câu hỏi của người trung tá hỏi cung anh ta.

Nhiều khi Đức ngạc nhiên thấy mình bị nhốt vào một phòng biệt giam tại khám. Phòng thì nóng và thiếu nước. Không có chuyện giặt giũ. Linh gác cũng như tù nhân đều được cung cấp nước uống theo tiêu chuẩn. Ngoài cái đó ra thì mọi việc khác đều có thể chịu đựng được. Đức chuẩn bị tinh thần đón nhận sự hành quyết. Cuộc chiến đấu giờ đây đã tiêu tan trong lòng anh ta và chỉ mong cái chết đến càng nhanh càng tốt.

Vào khoảng giữa buổi sáng ngày hôm sau, Đức được hộ tống đến văn phòng có cái quạt trần vặn tắt rồi. Anh ta cảm thấy và biết rằng bản án sắp sửa được đọc. Quả đúng như thế, mặc dù nó không phải là cái mà Đức mong đợi. Người trung tá bắt đầu giảng giải cho anh khoảng một tiếng đồng hồ. Đại ý như thế này:

Chính quyền cách mạng căm ghét những gì Đức đã làm, nhưng hiểu tại sao anh ta lại làm như thế. Người lính thuỷ quân lục chiến cũ này đã được người Mỹ và phe Sài Gòn huấn luyện để làm việc đó mà đó là việc Đức phải tuân theo mệnh lệnh. Tuy nhiên Đức đã mắc tội là không tuân lệnh chính quyền cách mạng kêu gọi bỏ súng xuống và sớm đầu hàng. Với tội này, Đức sẽ bị giam 6 tháng. Thời gian đó, Đức phải lao động như một người quét dọn nhà tù, sẽ được học tập hai, ba buổi trong một tuần để hiểu biết về chính quyền mới. Nếu sau 6 tháng, Đức chứng tỏ được nhiệt tình với chính quyền, hiểu chính sách, ra sức lao động với công việc quét dọn được chỉ định thì sẽ được thả. Anh ta sẽ được phép trở về gia đình, ở đó anh ta sẽ lao động vì gia đình Đức đã về miền quê. Gia đình Đức đã được thông báo về sự giam giữ và ngày có thể trở về của anh.

Cựu binh nhì Đức cảm thấy biết ơn. Ngượng ngùng trước sự có mặt của bề trên, anh ta lúng túng nói lời cảm ơn và nhận ra rằng, rốt cuộc thì mình vẫn còn ý muốn ham sống. Ngày lại ngày tiếp đó, anh ta chăm chỉ làm công việc người ta giao cho. Đức nói với các tù nhân khác là anh ta có ý định làm đúng theo mệnh lệnh của người trung tá. Đức tỏ ý biết ơn về việc được tạo cho cơ hội làm lại cuộc đời theo như cách nhìn của anh ta đối với bản án.

Vào giữa tháng 8-1975, nhà cầm quyền yêu cầu tôi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Tôi không có cách nào theo dõi sự kết thúc câu chuyện có vẻ tốt đẹp ấy. Ngày 3-9-1975, tôi đáp máy bay rời khỏi Việt Nam sau gần 8 năm rưỡi ở tại một đất nước đã uốn nắn tôi và làm tôi rung động.