Hôm thứ Ba 17 tháng 2 năm 2009, nhân dịp đánh dấu 30
năm ngày bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu giữa Việt
Nam và Trung Quốc, thông tấn xã AFP đã có bài nhận định về cuộc chiến vừa kể.
Bài báo viết rằng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau nhiều tháng xảy ra những vụ đụng
độ bằng ngôn từ và vũ khí, Trung Quốc đã mở một cuộc tấn công lớn vào Việt Nam
nhằm 'dạy cho đồng minh cộng sản của mình một bài học' vì đã tỏ ra quá độc lập
đối với Bắc Kinh.
Được mệnh danh là 'Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba', nguồn gốc của cuộc đụng
độ ngắn ngủi nhưng đẫm máu này bắt nguồn từ những xung khắc về ý thức hệ giữa
Trung Quốc và Liên Bang Xô Viết. Trong cuộc chiến chống Mỹ, Việt Nam được
Mascơva viện trợ quân sự.
Khi cuộc chiến chấm dứt, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô càng được củng cố
mạnh mẽ hơn nữa khi Hà Nội tái gia nhập Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế, gọi tắt là
Comecon, do Mascơva thành lập năm 1949.
Trái lại, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nước lúc đó đã mở các cuộc
tiếp xúc với Hoa Kỳ, ngày càng thêm tồi tệ. Lúc đầu, Trung Quốc nói rằng cuộc
tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam có tính cách giới hạn và không nhằm chiếm
lãnh thổ của Việt Nam.
Theo lời tuyên bố của Bắc Kinh, mục tiêu của cuộc tấn công là trừng phạt Việt
Nam, vì 6 tuần trước đó, quân đội Việt Nam đã xâm chiếm Kampuchea để lật đổ chế
độ Khờ Me Đỏ của Pol Pot, người được Trung Quốc hậu thuẫn.
Theo các nhà phân tích, đối với Bắc Kinh, vụ xâm chiếm Kampuchea đã là giọt nước
làm tràn đầy ly nước để Bắc Kinh quyết định rằng đã tới lúc phải đưa Việt Nam
quay trở lại chỗ đứng của mình, vì Việt Nam ngày càng coi thường uy quyền của
Trung Quốc trong khu vực và đàn áp Hoa Kiều thiểu số trong nước.
Bắc Kinh lúc đó cũng tin rằng Việt Nam đã tỏ ra vô ơn đối với những hậu thuẫn
quý báu mà Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp và trong
những ngày đầu của cuộc chiến chống Mỹ.
Trung Tướng nghỉ hưu Vũ Xuân Vinh của Việt Nam cho biết lúc đó, Trung Quốc tấn
công Việt Nam để buộc Việt Nam rút quân đội từ Kampuchea về. Tuy nhiên, theo ông
Vinh, Việt Nam đã có khả năng sử dụng nhiều lực lượng tại địa phương và không để
rơi vào cạm bẫy của Trung Quốc.
Bài của Thông Tấn Xã AFP nói rằng chiến dịch quân sự của Trung quốc được mở màn
bằng những cuộc pháo kích dữ dội xuống một số địa điểm dọc biên giới dài 1,400
kilômét giữa hai nước.
Sau đó, binh sĩ Trung Quốc tiến sâu vài chục kilomet vào nội địa Bắc Việt, chiếm
quyền kiểm soát một số thị trấn, đáng kể nhất là Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai,
trước khi rút lui một tháng sau đó vào ngày 16 tháng 3.
Không có những số liệu đáng tin cậy nào về tổn thất nhân mạng của hai bên, vì
những con số không thống nhất, nhưng cuộc chiến cũng làm cả chục ngàn người
thiệt mạng.
Bài viết của AFP kết luận rằng hai bên cùng cho là mình chiến thắng, nhưng quân
đội giải phóng nhân dân của Trung Quốc đã thất bại
Theo VOA