Một cảnh trong phim Đắt cực |
Pierre Salvadori gia nhập phim trường từ 1993 với phim đầu tay Đối tượng rung động con tim. Rồi cứ hai, ba năm, anh lại trình làng một phim. Đắt cực là phim thứ sáu…
Chuyện phim của Đắt cực diễn ra tự nhiên như trong đời thật. Cô gái Irène xinh đẹp là khách quen của các nhà hàng lớn, các khách sạn nhiều sao.
Cô luôn cặp kè với những tỷ phú già, vừa được ăn uống thỏa thuê vừa được tặng những đồ nữ trang đắt tiền, vừa dần dần có đủ thứ theo ý nguyện. Bề ngoài, cô được hiểu là gái làm tiền hạng sang.
Thực chất, cô vẫn mơ ước gặp được một người yêu thương cô thực sự và bảo đảm được hạnh phúc cho cô, để xây dựng một tổ ấm như mọi phụ nữ lương thiện trên đời. ở khách sạn Biarritz cô thường đến, có chàng trai Jean phục vụ bàn, bẽn lẽn ít lời, chưa có người yêu, chiều chiều dắt chó của các bà khách triệu phú đi dạo để kiếm thêm thu nhập.
Một tối, Jean vẫn làm việc ở quán bar. Đêm đã muộn, quán không còn khách, chàng bèn diện một bộ cánh rất bảnh và tự cho phép ngả lưng trên một ghế trường kỷ.
Đúng lúc ấy, Irène ập vào. Cô tưởng Jean là một ông khách sộp. Choáng ngợp trước sắc đẹp của cô, anh không còn can đảm cải chính. Hai người nâng cốc hồi lâu, rồi qua đêm cùng nhau.
Tuy nhiên, cô chưa thể buông con mồi cô hiện có: Một lão già giầu sụ mà cô tin còn “đào” được nhiều “vàng”. Vì vậy, “đêm yêu đương” của Jean với cô không có ngày mai.
Một năm sau, cô trở lại khách sạn cũ, tổ chức sinh nhật cùng “chàng” tình nhân lụ khụ. Tái ngộ Jean, cô lại có một đêm yêu đương mới với anh. Nhưng sáng ra, sự thật vỡ lở: Chủ gọi anh sai việc; anh lộ nguyên hình là một bồi khách sạn bình thường.
Cô thất vọng, anh khốn khổ, họ chia tay trong ngượng ngập. Tệ hại hơn cho Irène, nhà tỷ phú thật của cô nổi ghen và ruồng rẫy cô. Cô đành bỏ đi xa, tìm một con mồi mới. Có điều, Jean đã đem lòng yêu cô, bèn bỏ tất cả để theo chinh phục...
Cuối cùng, anh tìm thấy cô ở Côte d’Azur. Số tiền còm anh dành dụm được mau chóng tiêu tan. Hiểu tình cảm của anh đối với mình, Irène chấp nhận sự có mặt của anh, và khuyên anh cách kiếm tiền. Cô còn “dạy” anh cả những mánh khoé mồi chài và “cầm tù”, “đào mỏ” nạn nhân.
Jean buộc lòng phải làm “bạn tình” hờ của một bà già lắm tiền nhiều của. Từ thông cảm mà không ngần ngại thổ lộ những chuyện lý ra cần giữ kín, Irène càng ngày càng gần gũi Jean và sau rốt yêu anh thật tâm lúc nào không hay...
Cốt truyện ấy có thể tạo nên một phim bi kịch hay phim trữ tình. Song, phim bi kịch đó chìm lấp trong một phim hài, đúng như dụng ý của Pierre Salvadori. Vô số chi tiết gây ra tiếng cười.
Trước hết từ ánh mắt, khuôn mặt, điệu bộ, dáng người... của nam diễn viên Gad Elmalech thủ vai Jean, khi thì ngu ngơ, lúc đần độn, khi thộn mặt, lúc ảo não như trẻ khóc nhè. Gad Elmalech là một diễn viên hài đang lên của Pháp.
Vai Jean được viết cho anh và với anh là vai khá đúng tầm. Audrey Tautou trong vai Irène cũng tỏ ra điệu nghệ. Lâu nay, cô thường đóng những vai phụ nữ nhân hậu, nhu mì, lừng danh nhất là Amélie Poulain trong Cuộc đời kỳ diệu của Amélie Poulain, một trong ba thành công mỹ mãn nhất của điện ảnh Pháp trên phim trường quốc tế ba chục năm vừa qua.
Với vai Irène, Audrey Tautou thể hiện thuyết phục một tâm hồn phức tạp, khêu gợi mà e ấp, “ghê gớm” mà giầu tình, buông tuồng mà nghiêm cẩn.
Cô nắm được nhân vật, một mẫu người điển hình của xã hội hiện đại, nên cố tạo ra sự lệch pha hay tương phản giữa tâm lý nhân vật và ngoại cảnh, giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa ý muốn cao thượng chủ quan và thực tế đểu cáng bên ngoài...
Pierre Salvadori khai thác rất khéo các tình huống hài, ví như nhấn mạnh sự cay đắng của các hoàn cảnh mà Jean đưa mình vào, nhằm làm hài lòng Irène buổi đầu vốn hoàn toàn vô cảm trước vẻ đẹp “ngây thơ” của anh.
Đạo diễn cũng chọn lọc từ hiện thực ngoài đời những lời dí dỏm cao giá, rồi cho biến hoá khôn lường trong chuyện phim qua ngôn ngữ nhân vật... Tất cả nhằm tới cái đích sâu xa là khắc hoạ chuẩn xác thế giới hiện tại với những thân phận người đáng trăn trở.
Trong thế giới mà đồng tiền thống trị, mọi thứ, nhất là tình yêu, đều bị quy ra tiền, đều phải làm tiền. Đồng tiền nuôi dưỡng và bảo vệ chủ nghĩa thực dụng.
Chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng, đối với mọi quy ước và luật lệ, mọi chuẩn mực và giá trị, hầu như lúc nào cũng có thể xô đẩy con người vào vô liêm sỉ, vào buông xuôi và bất lực.
Muốn chiếm được một chỗ đứng dưới ánh mặt trời, biện pháp nào cũng tốt sao? Đấy là một mặt của tiếng cười có suy nghĩ của Pierre Salvadori. Có nhà phê bình cho tiếng cười ấy là tiếng cười bi quan...
Một số nhà phê bình khác và công chúng rộng rãi lại hoan nghênh nhiệt liệt mặt lạc quan của tiếng cười độc đáo này. Trong chàng bồi bàn tưởng suốt đời yên phận, vẫn âm ỉ khát vọng hạnh phúc và yêu thương.
Khát vọng ấy cũng không chết trong thẳm sâu cô gái “bán hoa” thượng hạng tưởng đã hư hỏng đến tận cùng. Đáng ngạc nhiên, đằng sau nụ cười vô tư, ánh mắt “chết người” và châu báu xủng xoảng chói lòa của cô là một nỗi cô đơn thấm thía mà cô không biết ngỏ cùng ai.
Như vậy, tình yêu và tình người vẫn tồn tại và phát triển trong thế giới của tiền tài và hưởng thụ. Và tiếng cười đậm chất nhân văn thường nhật tôn thêm giá trị và sức hút của một bi kịch loài người.
Với tài năng không thể chối cãi của Pierre Salvadori, cõi trần được nhìn nhận dưới một góc độ mới hấp dẫn và cảm động. Ai cũng hy vọng cái mới này sẽ sớm được khẳng định dứt khoát.
Thâm ý của Pierre Salvadori trong Đắt cực hẳn không ngẫu nhiên. Mùa Noel 2001, một vài tổ chức Hồi giáo cực đoan đã cho nổ bom ở một loạt nhà thờ Đạo thiên chúa ở Indonésia, như một lời cảnh cáo..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét