Trước sự tiến quân mạnh mẽ của quân đội Bắc Việt, Tổng thống Pháp lúc đó là Valery Giscard d’Estaing tỏ ra quá sốt ruột đã trực tiếp điện thoại cho Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu để thúc giục “hòa hợp dân tộc”.
Tổng thống Valery Giscard d’Estaing không ngờ sự phản ứng của Thiệu lại hoàn toàn trái với sự chờ đợi và mong muốn của Pháp. Thiệu chẳng những không khuất phục trước sức ép từ phía Paris mà còn phản đối quyết liệt, ra lệnh ngừng mọi tiếp xúc của Chính quyền Sài Gòn với Pháp cho đến khi nào ông Valery Giscard d’Estaing rút lại lời nói của mình. Tình thế này hoàn toàn bất lợi cho Đại sứ Jean Marie Merillon vì không vào được Dinh Tổng thống thì làm sao mà thuyết phục được Thiệu từ chức để thành lập một chính quyền phi cộng sản ở Nam Việt Nam?
Để giành lại thế chủ động, Đại sứ Merillon áp dụng một chiến thuật mới nhưng ít hy vọng. Thông qua những người bạn Việt Nam và các mối quan hệ khác, Đại sứ Pháp loan truyền một tin thất thiệt rằng do sự chậm trễ của Thiệu, Hà Nội đã hết kiên nhẫn và quyết định tấn công thẳng vào Sài Gòn. Tin thất thiệt này nào ngờ lại gây nên sự hoảng loạn thực sự đối với Đại sứ quán Mỹ và Bộ chỉ huy tối cao quân đội Sài Gòn. Sau đó, Đại sứ Merillon thừa nhận với các sĩ quan CIA rằng chính ông đã bịa ra rồi gieo rắc cái tin thất thiệt nói trên. Mặc dù vậy, trò dại dột này vẫn để lại một hậu quả vô cùng tai hại. Mỗi khi có tin báo cho ĐSQ Mỹ về kế hoạch tấn công vào Sài Gòn của quân đội Bắc Việt, các chuyên gia xử lý tin lại lắc đầu nói rằng: “Chẳng qua lại chỉ là việc Pháp tung tin để dọa Thiệu ép ông ta từ chức thôi mà”.
Tình hình ở Campuchia xấu đi nhanh chóng. Đại sứ quán Mỹ nhận được điện từ Washington yêu cầu thực hiện một chương trình sơ tán đặc biệt dành cho một số người Mỹ và Việt Nam ra khỏi Sài Gòn cùng với các tài liệu quan trọng. Đại sứ Martin chỉ thị việc này phải giữ tuyệt đối bí mật để tránh gây ra tâm lý hoảng loạn. Những đối tượng được lựa chọn chở bằng máy bay ra nước ngoài trước hết gồm những người có quan hệ thân thiết với Mỹ, đặc biệt là những người trong số đó nhưng lại không có giấy xuất cảnh do Chính quyền Sài Gòn cấp hoặc nếu xuất cảnh công khai có thể gây tác động xấu đến tinh thần dân chúng.
Chuyến máy bay đầu tiên rời Sài Gòn đi Thái Lan theo chương trình này bí mật nói trên chở 143 hành khách đặc biệt hầu hết là phụ nữ và trẻ em cùng với các nhân viên kỹ thuật do CIA đào tạo làm việc trong Bộ Quốc phòng của Thiệu. Ngoài ra một chiếc máy bay vận tải quân sự C–141 chở đầy tài liệu đã bí mật bay ra nước ngoài. Tưởng chương trình sơ tán sớm của Mỹ được giữ kín tuyệt đối, nào ngờ trong một bữa tiệc do vợ chồng cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm tổ chức ở nhà riêng tối 17/4, sau khi đã dùng đến món thứ 5 bà chủ nhà cổ đeo đầy đồ trang sức bỗng ôm mặt khóc nức nở. Tướng CIA Charles Timmes chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao thì bà Khiêm đã nói toáng lên rằng Mỹ đang bí mật di tản người của mình ra khỏi Sài Gòn. Bà xin phía Mỹ cho phép bản thân và gia đình bà cũng được di tản ngay. Trần Thiện Khiêm lúc đến bên Timmes nói rằng ít có khả năng Thiệu tự nguyện từ chức. Trong khi đó lại không có bằng chứng rõ ràng nào về việc Hà Nội thuận lòng thương lượng với tướng Dương Văn Minh. Còn tướng Kỳ thì lại đang dọa sẽ tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ Thiệu. Vì thế, Khiêm hy vọng rằng khi tình huống xấu cần phải di tản xảy ra thì tướng Charles Timmes đừng quên “những người bạn” Việt Nam của mình.
Các tin thất bại từ chiến trường dồn dập báo về khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã bắt đầu cảm nhận thấy sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn là khó tránh khỏi. Rạng sáng 18/4, lực lượng đặc công quân đội Bắc Việt đã tấn công trạm radar Phú Lâm ở ngoại ô Sài Gòn. Điều này chứng tỏ chiến tranh đã lan đến tận cửa ngõ thành phố. Chừng một giờ sau, tướng Nguyễn Văn Toàn chỉ huy quân khu 3 bay từ Biên Hòa vào để nói với Thiệu rằng trên thực tế quân đội Sài Gòn đã thua trận. Biên Hòa không thể giữ được quá 3 ngày nữa. Toàn cũng khẳng định rằng Phan Rang đã thất thủ và tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã bị quân giải phóng bắt. Một số binh lính quân đội Sài Gòn bại trận trong cơn tức giận và tuyệt vọng đã dùng xe ủi phá cả phần mộ tổ tiên Tổng thống Thiệu ở ngoại ô Phan Rang.
Cũng trong buổi sáng hôm đó, một nhóm người tự xưng là phe ôn hòa và đối lập liên hệ được với Tổng thống, cảnh báo rằng thời gian dành cho Thiệu đã hết. Những người này yêu cầu Thiệu từ chức trong vòng 6 ngày, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Ngay sau đó, Thiệu ra lệnh bắt giam một số tướng lĩnh quân sự những người mà theo ông ta là phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của quân đội Sài Gòn vài tuần qua. Tướng Phạm Văn Phú đang bị ốm trong tình trạng gần hôn mê tại trung tâm chữa lao ở ngoại ô Sài Gòn cũng bị bắt tống giam. Tướng Ngô Quang Trưởng tuy chưa bị bắt nhưng bị coi là kẻ đồng phạm với Phú dẫn đến thất bại thảm hại. Sau này khi tướng CIA Timmes tới gặp Trưởng tại một quân y viện, vị tư lệnh quân khu 1 ôm mặt khóc nức nở đổ lỗi cho Thiệu đã thay đổi kế hoạch hành quân luôn xoành xoạch dẫn đến việc mất quân khu 1.
Ngay từ đầu tháng 4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã linh cảm thấy điều chẳng lành sắp đến với mình. Sức ép từ nguy cơ bị đảo chính và sự tiến quân mạnh mẽ của quân đội Bắc Việt ngày càng tăng,Thiệu bắt đầu nghĩ tới việc tẩu tán tài sản của gia đình và biển thủ ngân khố quốc gia. Ngày 2 và 3/4, Thiệu chuyển phần lớn tiền, vàng, đồ dùng quí hiếm của gia đình sang Đài Loan và Canada. Nhưng còn 16 tấn vàng tương đương 220 triệu USD là phần lớn ngân khố quốc gia Chính quyền Sài Gòn thì vẫn chưa được “xuất cảnh”. Lúc đầu Thiệu định chuyển toàn bộ số vàng nói trên vào Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlements) có trụ sở tại Basel (Thụy Sĩ) để sử dụng riêng. Tại ngân hàng này, Chính quyền Sài Gòn đã gửi số vàng lớn tương đương 5 triệu USD. Thiệu nói với cấp dưới của mình rằng đó là số vàng ký quĩ đối với các khoản vay để mua sắm thiết bị cho quân đội. Tuy nhiên, vài ngày trước khi việc giao dịch ngân hàng của vụ cướp ngân khố quốc gia này được hoàn tất, CIA trong ĐSQ Mỹ biết được ý đồ của Thiệu. Một nhân viên của Đại sứ Martin đã cố tình cung cấp thông tin về sự vụ ra cho báo chí. Khi dư luận rộ lên, Thiệu đành phải hủy kế hoạch ban đầu của mình đối với 16 tấn vàng. Các máy bay mà Thiệu đã đàm phán thuê chở số vàng nói trên ra nước ngoài đành phải hủy vì sợ dư luận. Đúng lúc đó, Đại sứ Mỹ Graham Martin quyết định vào cuộc. Ông Martin tìm đến Thiệu và gợi ý rằng thay vì chuyển số vàng nói trên sang Thụy Sĩ thì Tổng thống Thiệu hãy chuyển sang New York để gửi vào nhà băng Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve Bank of New York). Trong lúc bối rối, Thiệu đồng ý ngay gợi ý của Martin. Ngày 16/4, ĐSQ Mỹ tại Sài Gòn điện cho Washington đề nghị cho một chuyến bay quân sự đặc biệt sang Sài Gòn để chở 16 tấn vàng nói trên về New York.
Tổng thống Thiệu không phải là người duy nhất trong Chính quyền Sài Gòn tẩu tán sớm tài sản ra nước ngoài. Cùng trong ngày 16/4, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cũng đã chở gần như toàn bộ tài sản quí hiếm của gia đình ra nước ngoài. Còn Đại sứ của Chính quyền Sài Gòn tại Washington thì sau khi nghe tin Đà Nẵng thất thủ đã bảo vợ mình đi tìm mua nhà để cư trú lâu dài tại bang Maryland.
(Theo báo Tiền Phong và Hà Nội Mới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét