Người ta bảo, Halyborton đến Việt Nam như là một sự sám hối. Còn Halyborton tâm sự: “Đó mới chỉ là một nửa, tôi muốn tìm lại một kỷ vật của thời chiến...”.
Ông Halyborton và vợ tần ngần xem đôi giày kỷ niệm
250 giờ bay và 8 năm tù ở Hoả Lò
Mỗi lần trở lại Việt Nam, điểm đầu tiên mà Halyborton ghé thăm là Bảo tàng lịch sử Quân sự ở đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Viên phi công cứ lặng lẽ đến, nhìn ngó từng hiện vật chiến tranh, như thể tìm kiếm một cái gì đó...rồi lại lặng lẽ đi. Không ai biết anh là ai, cũng chẳng ai để ý đến anh. Bởi mỗi ngày, những người cựu binh Mỹ như Halyborton đến đây có vô khối...
Ngày 10/3/2005, cựu binh Halyborton lại trở lại Bảo tàng, lần này ông đi cùng vợ và cả một số người bạn Mỹ. Ông tự tách đoàn, lang thang nhìn ngắm hiện vật một mình. Halyborton dừng lại khá lâu bên chiếc tủ kính, được đặt dưới chân chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843, nơi trưng bày khá nhiều hiện vật về phi công Mỹ bị bắn rơi, bị bắt sống ở miền Bắc Việt Nam từ 1964-1972.
Chợt ông sửng sốt, reo lên “My shoes ! My shoes...!” (Giày của tôi! Giày của tôi!). Halyborton mừng quýnh lên, ông nhìn ngó và nhận ra phía trong đôi giày vẫn còn chữ “Haly” do chính tay ông viết. Ông kéo vợ đến xem, cả hai chụm đầu ngó vào tủ kính. Ông chỉ cho vợ xem nét chữ của chính mình trên cổ giày còn rất rõ.
Cách đây 40 năm, khi đó, Halyborton là phi công lái máy bay chiến đấu của Hạm đội 7. Ông tự tay viết tên mình vào cổ giày là để đánh dấu cho khỏi lẫn với giày của các phi công khác. Ông tâm sự: “Tôi đã nhiều lần đến thăm bảo tàng này, ngắm đi ngắm lại những nơi bày mảnh xác máy bay, trang bị phi công mà không tìm được một vật nào của mình. Vậy mà lần này thật tình cờ, may mắn...”. Niềm vui bất ngờ của cựu binh Mỹ khiến cho cả đoàn khách Mỹ xúm xít lại bên tủ kính ngắm nghía đôi giày, họ ồ lên cười sung sướng vì ngạc nhiên.Thấy chuyện lạ, người hướng dẫn khách mời Đại tá, Giám đốc Bảo tàng Lê Mã Lương đến tiếp đoàn. Gặp Đại tá Lê Mã Lương, Halyborton khẩn khoản: “Xin phép ngài, ngài có thể cho mở tủ kính trưng bày, cho tôi được cầm trên tay đôi giày của mình không ạ?”. Mở tủ kính, cựu binh Halyborton mân mê đôi giày...Hồi ức của 40 năm về trước bỗng tràn về …
Halyborton kể: Năm 1964, viện cớ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Tổng thống Mỹ quyết định mở cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ chính thức ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Lúc đó, Halyborton vừa tròn 23 tuổi, là một trong những phi công trẻ nhất từ Mỹ được đưa đến Hạm đội 7.
Thời kỳ đó, lưới lửa phòng không của miền Bắc Việt Nam ngày càng phát triển và vươn rộng ra các tỉnh, gây nhiều thiệt hại nặng cho hải quân Mỹ ở vùng Đông Bắc và chặn đường ra vào của không quân Mỹ từ Thái Lan sang. Mác Na-ma-ra chủ trương mở những cuộc “trả đũa huỷ diệt ngay tức khắc các bệ phóng”. Không ngờ, chẳng những không cứu vãn được tình thế, không quân Mỹ bị đánh thiệt hại nặng ngay từ trận tập kích đầu tiên vào Suối Hai (Hà Tây, ngày 27/7). Chỉ huy của Halyborton cay cú bèn hạ lệnh đánh luôn trận thứ hai ở Phú Thọ ( ngày 9/8). Một lần nữa quân Mỹ lại thất bại thảm hại. Thấy không quân bị thua đau hai trận liền, viên tư lệnh sư đoàn không quân số 2 yêu cầu hải quân đánh tiếp trận thứ ba ở vùng ỷ Na- Xích Thổ (ngày 13/8). Trận này, có sự tham gia của lực lượng xung kích 77 ( Hạm đội 7), nhưng tiếp tục bị lực lượng phòng không của ta đánh thiệt hại nặng, buộc tổng tham mưu trưởng không quân Mỹ ra lệnh đình chỉ ngay tức khắc việc đánh “trả đũa quá đắt đỏ”.
Trung tuần tháng 10, sau hai tháng nghiên cứu, Lầu năm góc hạ lệnh cho không quân, hải quân Mỹ tiếp tục mở “chiến dịch tiến công chớp nhoáng, diệt các trận địa tên lửa phòng không”. Sớm ngày 17/10/1965, chiếc tàu sân bay US In-đi-pen-đơn No-Phốc tiến dần về phía bắc, sỹ quan, nhân viên kỹ thuật cũng như phi công làm việc hết sức khẩn trương, bận rộn chuẩn bị cho một “phi vụ đặc biệt” trên vùng trời miền Bắc Việt Nam.
Khoảng 8 giờ sáng, một chiếc máy bay trực thăng có bốn máy bay phản lực bảo vệ, hạ cánh xuống hạm In-đê-pen-đơn. Đô đốc Grân Sáp, tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương ngày hôm trước đang kinh lý tại Sài Gòn được bộ tư lệnh sư đoàn không quân số 2 cho biết một chiếc máy bay không người lái điều khiển bằng điện tử đã chụp được ảnh một vị trí tên lửa đất đối không tại vùng Chũ-Bắc Giang của Bắc Việt, bèn vội đến đây. Grân Sáp lệnh cho tướng Mo mở ngay một đợt tiến công với hai mục đích: Cắt đứt đường tiếp vận từ bên ngoài vào miền Bắc Việt Nam; thí điểm cách đánh mới bay thấp, dùng tốp nhỏ, đánh nhanh, rút nhanh, huỷ diệt những bệ phóng tên lửa, trừ mối hiểm hoạ cho các phi công Mỹ khi bay vào đánh phá miền Bắc.
Ngày 17 tháng 10 năm 1965, là ngày đen tối của Hạm đội 7, có rất nhiều máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam. “Tôi lái chiếc F-4 từ hướng Bắc bay thẳng vào vùng Kép- Lạng Sơn, chưa kịp tiếp cận mục tiêu, phi công chúng tôi đã vấp phải lưới lửa phòng không tầng thấp, tầng cao dày đặc. Chúng tôi vừa phải tìm đường tránh tên lửa vừa phải tính kế tiếp cận mục tiêu. Nhưng không kịp, một quả tên lửa đã lao trúng vào máy bay của chúng tôi. Máy bay bốc cháy dữ dội, tôi kịp bấm dù còn thiếu tá Olmstead Stanley E cùng bay với tôi đã không kịp…”, Halyborton nhớ lại.
Từ Mỹ sang Việt Nam tham chiến, Halyborton thực hiện được 250 giờ bay, rồi trở thành tù binh chiến tranh của Việt Nam. Một tốp dân quân địa phương đã bắt được ông, sau đó viên phi công Mỹ được đưa về “lưu trú” ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Tại đây, Halyborton gặp lại những phi công của hạm đội 7, họ cũng bị bắt cùng ngày với ông như trung uý Gaither, Ralph Ellis, trung uý Knutson, Rodney Allen, trung uý Weeat, David Robert. Kể từ đó, Halyborton sống cùng những phi công khác ở Hoả Lò khoảng gần 8 năm, cho đến ngày 12 tháng 2 năm 1973, họ được Chính phủ Việt Nam trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm. “Chúng tôi trở về Mỹ bằng bộ quần áo blu dông, trên tay xách chiếc xắc du lịch đựng đồ tư trang do Chính phủ Việt Nam trang bị. Rất nhiều phi công trong số chúng tôi mang theo chiếc điếu hút thuốc lào, quạt nan sử dụng khi sống ở Hoả Lò - Hà Nội làm kỷ niệm”, Halyborton nói. Về Mỹ, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá
Và những chuyện thú vị
Vợ ông, bà Martna HalyBurton suốt từ khi nhìn thấy đôi giày của chồng cứ tủm tỉm cười. Bà bảo “Tôi không biết nhiều về cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Nhưng chính chồng tôi đã khiến tôi gắn bó với người dân Việt Nam”. Từ năm 2004, Martna đã sang Việt Nam dạy ở trường trẻ mồ côi Hoa Sữa 2 tháng. Bà từng đến Bắc Hà (Lào Cai) để mua lợn tặng cho các gia đình nghèo ở đây. Bà cũng đã đi thăm trại trẻ mồ côi ở Hội An, làng Hy Vọng ở Đà Nẵng, tặng tiền học bổng cho học sinh nghèo ở Huế. “ấn tượng lớn nhất về cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam chính là những đứa trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam mà tôi từng gặp. Chiến tranh thật là độc ác...”, bà tâm sự.
Rút chiếc khăn tay chấm những giọt nước mắt lăn trên gò má của Martna, Halyborton rầu rầu nói: “Tôi đến Việt Nam lần này cũng có thể là lần cuối cùng...”. Hỏi vì sao? “Tôi đang mắc một chứng bệnh hiểm nghèo...! Đối với tôi lần này thật là một kỷ niệm khó quên. Đến đây, tôi được tham quan bảo tàng, được xem những hiện vật của cuộc chiến tranh Việt Nam. Xin cám ơn bảo tàng đã cho phép tôi và vợ tôi, các bạn của tôi được xem đôi giày bay trưng bày ở dưới chân chiếc xe tăng T-54. Tôi rất vui được gặp Giám đốc Lê Mã Lương, được Giám đốc và cán bộ bảo tàng tiếp tôi với thái độ cởi mở, thân thiện...”.
Các du khách – CCB Mỹ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Viện Bảo tàng LSQSVN
Nhưng điều thú vị nhất đối với Halyborton Porter Alex là lần trở về với quá khứ này, ông biết thêm một điều: Những “con ma” của hạm đội 7 bị hạ, trong đó có ông là do những quả tên lửa của Trung đoàn 238. Dưới sự chỉ huy của Tham mưu phó trung đoàn Nguyễn Sinh Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 tên lửa Bùi Danh Châu, kíp trắc thủ Kiều Minh Tích, Nguyễn văn Tuân, Nguyễn Đức Từu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét