Nhà sử học Mỹ Jason Picard. |
Nhưng, ngoài thời gian ngồi tại Thư viện Quốc gia, Viện Sử học, Viện Văn học, Picard còn niềm đam mê lớn nữa là la cà với cuộc sống phố phường VN, nơi có các quán cơm bụi, bún đậu mắm tôm, càphê vỉa hè... Chả thế mà bạn bè Picard thường đùa gọi anh là "ma xó" ở Việt Nam.
Điều gì đã đưa anh đến với VN vậy?
- Hầu hết những nhà nghiên cứu Mỹ sang VN đều có lý do khởi nguồn là nỗi ám ảnh về chiến tranh. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng với những người Mỹ chỉ tiếp cận VN qua "hạt cơ bản" này, hình ảnh VN chỉ là một đất nước chiến tranh, nghèo khổ. Họ không biết gì về lịch sử VN trước năm 1954 hoặc 1945. Họ không biết về Truyện Kiều, về lịch sử hào hùng thời Lý, Trần, Lê...
Mang theo "hạt cơ bản" về chiến tranh, anh ấn tượng gì về VN ở lần đầu tiếp xúc?
- Tôi đến VN lần đầu tiên khi đi du lịch vào năm 1995. Cảm giác đầu tiên là sợ. Tôi không biết người dân VN sẽ nhìn mình thế nào. Họ có ghét mình không? Vì khi đó, tôi không biết tiếng Việt, không hiểu người dân địa phương nói gì. Tôi chỉ biết về chiến tranh, về hậu quả của nó với VN. Khi tôi gặp một người VN bị cụt chân, tôi sẽ nghĩ ngay họ là nạn nhân của bom mìn Mỹ. Một sự ám ảnh.
Đó là lý do khiến anh nghiên cứu về lịch sử VN?
- Theo tôi, bất cứ người Mỹ nào sinh ra sau chiến tranh, có trình độ và giáo dục, sang VN đều mang theo cảm giác đau khổ vì hành động của nước Mỹ. Nhiều người Mỹ thường sống với nỗi hối hận rất lớn về quá khứ. VN là một quốc gia riêng, một xã hội riêng, có một lịch sử hào hùng, trước khi nước Mỹ mang tới chiến tranh.
Nhưng sau hành trình đến VN lần đầu tiên năm 1995, tôi biết lịch sử VN không chỉ dừng ở lát cắt chiến tranh, mà còn có một lịch sử hào hùng và tiếp nối hàng nghìn năm nay. Đó là động lực khiến tôi nghiên cứu về lịch sử VN.
Năm 1997, anh sang VN để dạy học tại Tây Ninh. Anh tự tìm kiếm cơ hội sang VN, hay do được sắp đặt?
- Khi đó tôi đang làm việc tại Nhật Bản thì được biết tổ chức tình nguyện viên quốc tế của Mỹ (VIA) tìm giáo viên sang VN dạy tiếng Anh tại Hà Nội, Thái Nguyên và Tây Ninh. Tôi đăng ký và chọn Tây Ninh, bởi tôi rất mê lịch sử của địa phương này.
Hai năm ở Tây Ninh đọng lại cho anh những kỷ niệm gì?
- Tôi quý mến và biết ơn người dân địa phương vô cùng. Người dân Tây Ninh đã dạy cho tôi rất nhiều về văn hoá, tập tục, ẩm thực, cuộc sống và tư tưởng phóng khoáng. Họ đã dạy cho tôi những từ tiếng Việt đầu tiên. Họ đã đặt tên tôi là Sơn. Tôi đã mê ăn canh cá lóc, các món bánh tráng và nghiện ẩm thực cay, ngọt kiểu miền Nam cũng nhờ năm tháng sống ở đây.
Tất nhiên, là người Mỹ đầu tiên sống ở Tây Ninh sau chiến tranh, nên tôi cũng thường xuyên bị áp lực. Vì, nhiều người không tin tôi mang theo thiện chí thực sự của một người Mỹ yêu hoà bình. Nhưng tôi rất hiểu, sự nghi ngờ đó là hậu quả từ cuộc chiến mà Mỹ đã mang đến VN.
Anh có thể kể kỷ niệm nhớ nhất khi ở Tây Ninh?
- Gần 2 năm sống ở Tây Ninh là quãng thời gian tôi không bao giờ quên. Người dân đối đãi với tôi như người nhà vậy. Biết tôi cô đơn, do là người nước ngoài duy nhất ở Tây Ninh thời điểm đó, nên các sinh viên và bạn bè VN thường đưa tôi về nhà ăn cơm. Tôi nhớ một lần được một người bạn mời về nhà.
Trước khi bước vào, mẹ của bạn giữ tôi ở cửa và nói: "Bác xin lỗi, nhưng mong cháu đừng chê nhà bác nghèo nàn quá nhé". Tôi, một người nước ngoài, một người Mỹ, được quan tâm mời đến nhà. Vậy mà chủ nhà lại xin lỗi, chỉ vì họ ngại tôi không quen sự đạm bạc. Tôi đã khóc, vì cảm động, vì sự hồn hậu và tốt bụng của người dân VN.
Nhìn người thanh niên Mỹ đang kể về cuộc sống nơi miệt rừng của VN với đôi mắt rưng rưng, như những kỷ niệm yêu dấu nhất, tôi thật sự bị thuyết phục. Tôi đã được gặp và nói chuyện với rất nhiều bạn bè nước ngoài ở VN, nhưng có lẽ, Picard là người đầu tiên khiến tôi xúc động đến vậy trước tình cảm chân thành của anh với cuộc sống dân dã ở VN.
"Cú sốc văn hoá ngược"
Sau thời gian sống tại Tây Ninh, Picard rời đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để tiếp tục dạy tiếng Anh. Ba năm ở VN, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, đã khiến Picard hoà nhập vào cuộc sống địa phương như một người VN thực thụ. Đến năm 2001, Picard quyết định quay trở về Mỹ, học cao học về ngoại giao tại Đại học Columbia danh tiếng ở New York. Không ngờ, đây lại là thời kỳ khó khăn nhất của Picard, bởi cú sốc văn hoá ngược.
- Tôi đã choáng váng khi trở về với cuộc sống ở Mỹ. Mọi thứ đều trở nên xa lạ. Bạn bè và gia đình đều không thể hiểu tâm tư tình cảm và lối sống của tôi sau nhiều năm xa cách. Tôi bỗng trở nên lẻ loi, đơn độc. Rất dễ hiểu khi bạn ra nước ngoài, và bị sốc văn hoá. Nhưng sẽ không có ai thông cảm, khi trở về quê hương mình mà lại sốc. Cú sốc ngược, nặng nề hơn nhiều.
Khi vụ khủng bố 11.9.2001 xảy ra, tôi vừa về New York được 2-3 tuần. Tôi bị suy sụp. Tôi đã nghĩ đến chuyện tự sát. Nhưng đồng thời, vụ 11.9 khiến tôi có cơ hội chín chắn hơn để suy nghĩ về điều tôi thực sự mong muốn. Điều gì là quan trọng nhất với mình.
Vậy, khi đó anh muốn gì?
- Tôi hiểu tôi không thể tiếp tục theo học tại ĐH Columbia. Đó là một đại học danh tiếng tại Mỹ, nhất là khoa ngoại giao, nhưng mục đích của các sinh viên chủ yếu là trao đổi thông tin và tìm kiếm các mối liên hệ cho nghề nghiệp sau này, chứ không phải để lĩnh hội kiến thức. Còn tôi, tôi muốn tìm hiểu về thế giới. Tôi muốn biết thêm về VN. Và tôi đã quyết định rời đến Đại học Cornell theo học lịch sử Á Châu.
Nhưng anh đã có một thời gian dài theo đuổi văn học VN kia mà?
- Tôi muốn nghiên cứu văn học VN để hiểu thêm về lịch sử. Tôi muốn trở thành Giáo sư sử học về VN, còn văn học là niềm đam mê. Qua các tác phẩm kinh điển của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao... tôi hiểu về lịch sử VN giai đoạn 1930-1945.
Tôi nghĩ, văn học là công cụ hữu hiệu nhất để tiếp cận xã hội, nhất là tại Châu Á, nơi có truyền thống đóng cửa bảo nhau. Những nhà văn có tiếng trong thế kỷ XX ở VN đều là những người hiểu biết rất sâu về lịch sử. Nhiều nhà văn này tôi đã được gặp ngoài đời, nhờ thời gian làm thực tập sinh tại Viện Văn học VN (2003-2004).
"Jason, con xin lỗi KC ngay!"
Picard trên đường phố Hà Nội. |
Mọi người nhìn tôi chằm chằm như một kẻ vừa từ hành tinh khác. Tôi ngồi xuống chiếc bàn, chỉ tay vào các mâm bên cạnh, muốn nói: "Tôi sẽ ăn những thứ như họ". Năm phút sau, bà chủ quán khệ nệ bưng ra một chiếc mâm có rau, bún, thịt và một thứ bột loãng màu tím, và chai rượu. Tôi không hề biết thứ thịt này cùng loại bột tím loãng ấy.
Dĩ nhiên, về sau tôi mới biết rằng thứ nước bột màu tím kia là mắm tôm, và như thành ngữ nói "nhăn như khỉ gặp mắm tôm", thì tôi lúc đó cũng có cử chỉ tương tự khi cái mùi ấy qua mũi tôi, thứ mùi khiến cho tâm trí tôi đảo lộn. Ngay khi lưỡi tôi chạm tới miếng thịt thì tôi biết bữa ăn này sẽ rất khó khăn.
Nhìn thấy tôi vụng về, hai người đàn ông rời bàn ăn của họ và ngồi xuống với tôi. Họ chỉ dẫn cách ăn đúng là như thế nào. Tôi gắp bún, rau, thịt và mắm tôm vào bát. Bất ngờ, tôi không những thấy mắm tôm chẳng khó ăn, mà còn làm cho miếng thịt bí ẩn này đưa được vào miệng tôi. au đó, một người bạn, biết chuyện mới thốt lên: "Trời ơi. Anh ăn thịt chó à!". Tôi đứng lặng người.
Khi trở về Mỹ, tôi đã kể cho bố mẹ về kinh nghiệm lần đầu ăn thịt chó. Mẹ tôi, khi đó, đang ngồi trên sàn nhà ngay cạnh con chó nhà tôi, nó tên là KC. Sau một phút bối rối, mẹ bảo với giọng kiên quyết: "Jason, con xin lỗi KC ngay!".
Bí quyết nào khiến anh hoà nhập đến vậy với cuộc sống dân dã VN?
- Nhiều bạn bè bảo tôi là ma xó ở VN. Vì tôi thích cuộc sống bình dân ở VN. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi gặp tôi trong quán cơm bụi nhé. Đồ ăn ngon, mà lại rẻ. Tôi có quán cơm ruột ở đường Quang Trung đấy. Tôi thích mắm tôm. Sáng nay tôi ăn phở vỉa hè, rồi uống càphê cũng vỉa hè. Tuyệt. Chịu khó hoà nhập với người địa phương là thành ma xó ngay ấy mà.
Có điều gì ở VN mà anh không thích?
- Tôi là người nhạy cảm, nên điều khó thích nghi nhất là tin đồn ở VN. Ví dụ như trong các mối quan hệ, cứ có những lời đồn thổi rằng đàn ông phương Tây như tôi rất lăng nhăng. Tôi đã 37 tuổi rồi, và rất muốn lấy vợ. Nhưng do tin đồn nên cũng mệt lắm.
Đàn ông Mỹ như anh cũng chịu sức ép lập gia đình ư?
- Tại sao không? Nhưng đó là sức ép từ bản thân. Tôi rất yêu bố mẹ mình và bố mẹ tôi thì muốn được thấy con hạnh phúc, muốn có cháu bế. Còn ở VN, đôi khi sức ép lập gia đình là từ xã hội, chứ không phải do họ muốn.
Còn công việc chính của anh hiện nay là gì?
- Hiện nay tôi đang nghiên cứu về lịch sử hiện đại Việt Nam giai đoạn từ 1954-1955 đến nay. Tôi luôn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các giáo sư tại Viện Sử học Việt Nam. Tôi cũng đã đi đến Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và sắp tới là Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng bằng Sông Cửu Long, Thanh Hoá, Nghệ An để tìm hiểu về đề tài này.
Còn tại Mỹ, thầy hướng dẫn luận án cho tôi là Peter Zinnoman, Phó Giáo sư khoa Lịch sử Đông Nam Á tại trường đại học Berkeley (California) kiêm Tổng biên tập của Tạp chí Việt Nam học tại Mỹ.
Tôi có một mong ước lớn là ngày nào đó sẽ được viết về một cuốn tiểu thuyết lịch sử về Việt Nam. Nhưng đó hiện nay chỉ là ước mơ thôi. Hiện tôi đang dịch một số truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam sang tiếng Anh.
Xin cảm ơn anh.
Tô Phương Thủy Lao Động Cuối tuần