Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ Alan Dawson Chương Cuối

Chương 13: Cám ơn

Darwin Judge và William McMahon đã gia nhập binh chủng thuỷ quân lục chiến, gần như cùng một lúc. Họ là loại "con trai" mà đám thuỷ quân lục chiến vũ phu muốn biến thành người lớn. Là VĐV, đã tốt nghiệp trung học, hai anh chàng này đã ra sức luyện tập tại trại tân binh ở đảo Parris. Các tay trung sĩ dữ tợn của thuỷ quân lục chiến muốn có nhiều hơn nữa những tân binh như hai anh chàng này.

Hai người đã cùng sống với nhau gần 4 năm nghĩa vụ ở thuỷ quân lục chiến tự khoác cho mình danh hiệu binh chủng dữ tợn nhất của Mỹ. Họ còn tiếc lỡ mất dịp chiến đấu tại Việt Nam. Ừ thì bây giờ hai người ở Việt Nam rồi đấy. Họ là một phần của lực lượng an ninh sứ quán Hoa kỳ mới được bổ sung. Nhiệm vị duy nhất của lực lượng này là bảo vệ cuộc di tản người Mỹ chống những kẻ phá đám.

Trong 10 ngày qua, Judge, McMahon và một lực lượng an ninh nhỏ đã bao vòng quanh lầu Năm góc phương Đông tại Tân Sơn Nhất. Theo họ, phần xử trí gay nhất không phải là hàng ngàn người đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam mà là việc xử trí với những chiếc xe khốn nạn. Dân chúng lái xe nhà vào sân bay rồi vứt tại chỗ. Judge và McMahon cố gắng dọn quang lối cho xe vào địa điểm di tản.

Hai người trực đêm vào ngày 28-4. Họ chẳng biết gì mấy về chuyện gì đang xảy ra tại xung quanh SG vì những điện đài dã chiến mang theo chỉ bắt tần số của Mỹ. Nó chẳng nói mấy về tin tức bên ngoài thủ đô. Họ không biết được là Biên Hoà đã sụp đổ. Họ chẳng ngờ cái trò chính trị trong cuộc chiến tranh Việt Nam lại sắp sửa kết thúc cuộc đời họ.

Biên Hoà sụp đổ khoảng nửa đêm không làm mấy ai ngạc nhiên. Cái căn cứ ấy trở thành ốc đảo, bị bao vây tứ phía và thậm chí bị cắt khỏi SG, một sự kiện vốn hiếm khi xảy ra. Khoảng 4 sư đoàn Bắc Việt Nam đã pháo kích dữ dội và tràn ngập căn cứ khi trời sập tối. Sự việc chỉ cộc cằn và giản đơn thế thôi. Một lực lượng nhỏ gồm xe tăng và bộ binh ở Biên Hoà rút chạy về hướng SG nhưng họ phải vượt qua ruộng đồng vì các con đường đã bị chặn hết.

Hai sư đoàn khác tấn công Vũng Tàu, cái hải cảng duy nhất còn trong tay SG. Một kế hoạch phòng hờ bất trắc đã dự tính cuộc di tản của Mỹ qua Vũng Tàu bằng đường biển. Hạm đội Mỹ phục vụ di tản bỏ neo ngoài khơi Vũng Tàu. Nhưng trước cuộc tấn công của Cộng Sản, thị xã sụp đổ cũng chỉ còn là vấn đề thời gian, có lẽ vài giờ thôi. Do đó kế hoạch phòng hờ bất trắc kia cũng tuyệt vọng.

Một cuộc pháo kích khác bằng hoả tiễn xuống Tân Sơn Nhất. Cuộc ném bom là dấu hiệu tấn công. Cuộc pháo kích này đã đánh dấu phút mở màn cho cuộc xung phong cuối cùng của số quân Bắc Việt Nam lớn nhất chưa bao giờ có ở một điểm lại tập trung lớn như thế. Bắc Việt Nam có tất cả 24 sư đoàn. Ba trong số ấy nằm lại miền Bắc. 21 sư đoàn kia đang ở xung quanh SG, sẵn sàng tấn công thành phố. Còn SG thì lực lượng thực tế có độ 1 sư đoàn.

Tại phía Bắc SG, nơi các pháo thủ chờ lệnh từ hai ngày qua, những khẩu đại bác quay mũi từ hướng trung tâm SG, nhích sang phía Tây. Lúc 4 giờ 10 phút sáng các khẩu đại bác ấy và có lẽ 50 khẩu khác cùng loại đã mở cuộc pháo kích vào Tân Sơn Nhất. Judge và McMahon đã ngã xuống trong vòng 10 phút đầu của cuộc pháo kích. Judge bị quả đạn pháo trúng ngay mình. Ở cách đó 8m, McMahon cũng chết ngay tức khắc tuy rằng thi thể anh ta không tan nát như người bạn. Quả đạn giết chết hai lính thuỷ đánh bộ là một trong vài ba quả lệch mục tiêu. Nhìn chung, Cộng Sản không can thiệp vào cuộc di tản.

Lúc 6 giờ 30 sáng, Sài Gòn đã thức giấc bởi tiếng gầm thét của đại bác bắn vào Tân Sơn Nhất, Martin đã triệu tập cuộc họp của hội đồng sứ quán. Theo lời những người dự phiên họp ấy, rõ ràng là viên đại sứ đã trở nên bàng hoàng. Polgar (giám đốc phân cục CIA) và tướng Smith nói thẳng thừng với Martin: Cuộc di tản cuối cùng phải được ra lệnh ngay lập tức. tsm bị tấn công có nghhĩa là sân bay đóng cửa. Chẳng ai đoán được bao giờ nó sẽ mở cửa lại. Do đó phải di tản bằng trực thăng càng nhanh càng tốt. Rồi thì cái cây lớn sau nhà sư đoàn phải bị hạ xuống để khỏi cản trở trực thăng.

Martin giận dữ trước sự thách thức ấy. Trước đây, máy bay đã từng đi qua những trận pháo kích. Tình hình chẳng đến nỗi nghiêm trọng. Cuộc di tản bằng phi cơ có cánh cố định vẫn tiếp tục. Để không quân có thể quyết định lúc hạ cánh. Chẳng có lý do gì để hoảng loạn, cũng chẳng có lý do nào để nghĩ đến chuyện di tản bằng trực thăng. Cái cây sẽ không bị hạ xuống. Đốn nó có nghĩa là tự ràng buộc mình vào cuộc di tản cuối cùng. Martin nói ông ta chưa sẵn sàng làm như vậy, nó không cần thiết.

Polgar và Smith bèn nổi nóng. Nói qua hai hàm nghiến chặt vào chỉ vừa đủ để giữ bình tĩnh, họ tìm cách báo cho Martin biết sự thật. Hai lính thuỷ đánh bộ Mỹ chết là chuyện hoạ hoằn-Hàng nghìn người đang ngẹt thở vì Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Máy bay chẳng có cách nào hạ cánh. Khu nhà hàng không Mỹ ở đối diện ngay bên đường đi qua lgn Phương Đông đã trở thành đống gạch vụn sau cuộc pháo kích. Mấy chiếc máy bay thường và trực thăng ở đó tiêu tan rồi. Không quân Sài Gòn tan nát vì cuộc pháo kích.

Trùm CIA tóm gọn cảm nghĩ của hầu hết mọi người trong phòng họp: Martin đang mang ảo tưởng. Tình hình đang rất nghiêm trọng. Sài Gòn hoàn toàn bị bao vây rồi. Căn cứ duy nhất còn trong tay chính quyền Sài Gòn là Tân Sơn Nhất. Cuộc xung phong cuối cùng vào chính thành phố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ý kiến Martin khăng khăng đòi di tản bằng máy bay có cánh cố định là sai. Nó sẽ phải trả giá bằng sinh mạng. Cuối cùng Polgar nói, nếu Martin không tin ở những người khác nói thì ông ta nên đến Tân Sơn Nhất mà nhìn tận mắt.

Martin chồm lên tức tối. Được-ông ta nói-đấy là điều chính ông ta sẽ làm. Polgar và Smith còn hầm hầm tức giận. Jacobsen khuyên Martin đừng đi Tân Sơn Nhất. Martin cho biết ông ta sẽ đi và ra lệnh ngay lập tức. Jacobsen tuy bênh vực Martin nhưng cũng thấy chỉ bằng cách tận mắt nhìn thấy sự tàn phá tại Tân Sơn Nhất thì đại sứ mới chịu đổi ý nghĩa. An ninh cho Martin được bố trí. Một xe chở đầy lính thuỷ quân lục chiến, và dăm ba lính khác cùng ngồi xe với Martin để bảo vệ.

Smith đi theo Martin vì Tân Sơn Nhất nằm dưới quyền chỉ huy của ông ta.

Khi xe của Martin rời khỏi sứ quán đi về hướng sân bay thì trùm CIA trưng dụng vài lính gác thuỷ quân lục chiến nổ máy cưa và hạ cái cây xuống.

Jacobsen theo dõi qua điện đài từng phút một chuyến đi của Martin đến Tân Sơn Nhất. Ngeh ba bốn điện đài cùng một lúc, ông ta theo dõi tin tức về các đám nổi loạn, pháo kích và những nơi dàn quân của Sài Gòn. Vào lúc ấy, quân đội Sài Gòn là mối nguy hiểm lớn nhất. Đa số quân lính đắng cay trước sự thật hiển nhiên là cuộc rút lui và việc cắt đứt viện trợ của Hoa Kỳ. Đang có tin đồn là các tướng lĩnh Sài Gòn sẽ tìm cách ngăn chặn người Mỹ di tản.

Chuyến đi Tân Sơn Nhất diễn ra trơn tru. Xe của Martin lách qua các đống đổ nát đi vào sân bay. Viên đại sứ không nói một lời. Những người đi theo cho biết thái độ đại sứ ỉu xìu. Rõ ràng là bị bàng hoàng trước sự tàn phá, nguy cơ và khói lửa, Martin dường như không tin vào cả mắt mình. Chiếc xe vòng lại rồi trở về sứ quán lúc 10 giờ.

---------------------------

Sơ đồ Đại sứ quán Mỹ tại SG và đội hình đoàn xe của Martin ra thăm TSN :

 

 

Sau chuyến đi Tân Sơn Nhất, Martin trông như một người mất hồn. Cô thư ký của ông ta muốn rơi nước mắt. Ông ta ít nói, đi thẳng vào văn phòng. Trong vòng nửa giờ, ông ta gọi hầu hết những thành viên trong hội đồng sứ quán lại và ra lệnh tiến hành kế hoạch di tản sau cùng. Vâng, trực thăng phải được sử dụng. Không chắc gì máy bay có cánh cố định hạ xuống được Tân Sơn Nhất. Mọi người nên biết phần việc của mình và nên thi hành. Martin không đề cập gì đến cái cây nếu quả tình là còn nghĩ tới nó.

Tướng Smith cảm thấy nhẹ nhõm đã nhận lệnh qua điện thoại về việc di tản và chuyển nó đi Honolulu theo hệ thống quân đội. Từ đó nó trở về các tàu Mỹ ở ngoài khơi Vũng Tàu. Martin và Polgar thì đánh những bức điện hoả tốc của mình về Bộ ngoại giao và sở chỉ huy CIA. Các viên chức sứ quán lại bắt đầu gọi điện thoại đến các trụ sở, cư xá, tư gia, khách sạn mà họ đã gọi liền 4 giờ trước đó mới hết để báo cho biết sự chuẩn bị trước hạ màn. ”Lần này không có chuyện thực tập đâu”. Họ nói như vậy. Cuộc “kéo mạnh” bắt đầu đấy. Mọi người, nhắc lại nhé, mọi người nên đến trình diện ở địa điểm di tản mà họ được chỉ định.

Trên giấy tờ, nó có vẻ là cuộc di tản liều lĩnh. Nhiều người cho rằng nó lạc quan. Lẽ tất nhiên, rốt cuộc nó đã trở thành cơn ác mộng. Thất bại không phải hoàn toàn vì yếu tố con người tuy có sai lầm nghiêm trọng trong việc làm kế hoạch.

Thứ nhất là vấn đề xe buýt. Mấy ai đã từng lái xe buýt mà cuối cùng cũng phải đi các ngõ hẻm để nhặt từng người. Thứ nhì, ít nhất phải có 25 trực thăng Hu-ây (UH-1) để làm việc cứu người mắc kẹt trên mái nhà. Khi có lệnh, phần lớn phi công đã về nhà. Một nửa số trực thăng bị phá huỷ trong cuộc pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất. Số lớn còn lại phải đi đồng bằng sông Cửu Long nhặt người mà lãnh sự quán Mỹ bỏ lại. Thứ ba là thiếu hợp đồng giữa dân sự và giới quân sự. Ai cũng tưởng bay một chuyến thì xong, nhưng hầu hết đã bay đến lúc kiệt sức. Hơn hết là sự trễ nải của Martin đã đè nặng lên bước “kéo mạnh” sau cùng.

Lúc này, lệnh giới nghiêm 24/24 không còn có hiệu lực và chẳng còn lực lượng an ninh để thúc đẩy thực hiện nó. Có khoảng 100 nghìn linh hồn hoảng loạn, lang thang trên đường phố, theo dõi dấu hiệu cuộc di tản. Họ đã nắm giấy phép mà không đi được. Thế thì tướng Smith đâu, lính mũ nồi xanh đâu? Câu hỏi đến nay chưa được giải đáp. Khoảng 2 giờ chiều lính Sài Gòn không chịu cho xe buýt vào Tân Sơn Nhất nữa bằng cách huơ súng qua lại như đám hung thần trong phim cao bồi. Chỉ có một cổng vào bị một tá lính Sài Gòn giữ chặt. Đáng lẽ lính mũ nồi xanh hay thuỷ quân lục chiến chiếm lấy nó. Sự thất bại trong việc mở cổng dẫn tới sự hoảng loạn cuối cùng ở sứ quán sau này.

Smith muốn bắt đầu di tản lúc giữa trưa. Vì lý do không hiểu nổi, Martin lại ra lệnh hoãn một tiếng đồng hồ. Đang lúc chiếc trực thăng sẵn sàng bay chuyến đầu tiên vào Sài Gòn thì một giọng nói trên đài chỉ huy ra lệnh phi công tắt máy và đợi một giờ nữa. Chẳng biết được ai ra lệnh ấy?

Thuỷ quân lục chiến ở trụ sở DAO phần lớn chưa qua thử thách chiến trường, tất cả đều run sợ trước cái chết của Judge và Mc Mahon và đều mỏi mệt. Hầu hết là một lũ anh hùng rơm. Cộng sản đã giảm pháo kích Tân Sơn Nhất nhưng thỉnh thoảng vẫn có quả đạn rơi xuống, do đó càng gây thêm khiếp đảm.

Sự hoảng loạn bắt đầu khoảng 3 giờ chiều, khi các trực thăng xuất hiện từ hướng Đông. Chúng bay thấp trên bầu trời Sài Gòn. Các đám đông bắt đầu tụ lại ở sứ quán Mỹ. Một trung đội lính thuỷ quân lục chiến mới toanh được trực thăng vận tải từ hạm đội 7 vào giúp việc kiểm soát đám đông. Họ cũng khiếp đảm trước tình hình như vậy. Tại Tân Sơn Nhất, lính gác đang bắn cảnh cáo các xe buýt trở đầy người Mỹ. Các xe phải quay lui vì không ai hiểu liệu lính Sài Gòn có dám thực sự bắn vào xe Mỹ không, nhưng chẳng ai muốn thử làm gì. Cảng Sài Gòn là điểm di tản và cũng như một nhà thương điên.

Nguyễn Cao Kỳ rời khỏi Tân Sơn Nhất trong cuộc di tản bằng trực thăng riêng hóa ra lại đến hạm đội 7 trước cả người Mỹ di tản. Một sĩ quan Mỹ cũng gọi điện thoại báo cho trùm buôn thuốc phiện lậu và là phụ tá quân sự của Thiệu là Đặng Văn Quang rằng, giai đoạn “kéo mạnh” đã bắt đầu. Xoè chứng minh thư ra, Quang đã vào được cổng sau sứ quán, trơ trẽn và vẫn cười hinh hích được. Kẻ thay thế Cao Văn Viên là Vĩnh Lộc đã được đặt lên một trực thăng di tản. Tám, bạn thân mà Martin quan tâm trong việc gói ghém vật dụng trong nhà hom trước cũng leo lên trực thăng. Tướng 3 sao Đồng Văn Khuyên cũng đi mất. Thế là gần hết đám tai to mặt lớn trong bộ máy chỉ huy quân đội Sài Gòn đã lỉnh mất.

Tấn thảm kịch và trò lừa đảo trong cuộc di tản khỏi Sài Gòn sẽ còn được kể nhiều năm nữa. Tuy nhiên, hình như chẳng mấy ai rút ra bài học gì đó ngoài một nhóm nhỏ viên chức Hoa Kỳ.

Một seri hình ảnh về cuộc tháo chạy :

 

 

 

Những lời tiên đoán rằng sứ quán Mỹ sẽ trở thành cảnh tượng chính cho sự hoảng loạn giờ đây thành hiện thực. Không chiếm lĩnh cổng Tân Sơn Nhất, hậu quả là các người Mỹ di tản ngày cuối cùng phải tìm đến sứ quán. Không thực hiện được giới nghiêm 24/24 thì hậu quả là một đám người Nam Việt Nam cuồng nộ ập đến, tràn ngập cả sứ quán. Không tuyển chọn được một lực lượng an ninh có nghĩa là sẽ xảy ra những giờ phút căng thẳng giữa đám đông bên ngoài với thuỷ quân lục chiến bên trong.

Vẫn có những trường hợp đặc biệt, không hề bận tâm gì đến cuộc di tản. Cách Tân Sơn Nhất hai dặm trong một ngõ hẻm, Mike Mielke, một người Mỹ, bình thản nhìn theo những chiếc trực thăng bay qua nhà anh ta ra biển Đông. Mielke đang đứng trong sân trước căn nhà kiểu vla kín cổng cao tường, tiếp tục sơn một cái chuồng chó. Qua điện đài kiểu PRC.25, anh ta lắng nghe sự hoảng loạn lớn dần trong đám người Mỹ tham dự di tản. Trước đây, anh ta là trung sĩ trong lực lượng đặc biệt, làm cố vấn nghĩa quân. Thế nhưng anh ta muốn ở lại cùng với người vợ Việt lai Mỹ tên là Mistry và đứa con gái 2 tuổi tên là Madeleine quen gọi tắt là Linny. Họ đã từ chối vô số lời đề nghị giúp đỡ họ di tản. Melke đang nhấp ly rượu rum pha nước ngọt côla khi cuộc di tản bắt đầu. Trên mái nhà anh ta đã đặt hai tấm ván ép màu da cam thành hình chữ X. Đối với phi công trực thăng, nó có nghĩa là anh ta không muốn ra đi. Vợ anh ta, Mistry (tên Mỹ dịch từ tên tiếng Việt là Sương) không muốn anh ta ra đi. Khi những chiếc trực thăng bay ngang bên cạnh vila của Mielke thì anh ta đã xua tay khinh miệt: “Thôi… Cám ơn! Từ biệt chúng mày, đồ cục cứ ****!”.

Martin liên lạc với Kissinger ở Washington van nài cho cuộc di tản tiếp tục, Kissinger tỏ vẻ khó chịu nói rằng tổng thống muốn loan báo cuộc di tản đã kết thúc. Martin ngỏ ý xin ở lại để giúp Minh lớn và Nam Việt Nam. “Nào Graham-Kissinger nói-chúng ta muốn tất cả trở về thôi”, Kissinger đã ra lệnh buộc Martin phải ra đi.

Tại sứ quán Hoa Kỳ, không ai tin rằng cuộc di tản thế là đã kết thúc. Đám đông người vẫn đông nghẹt cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Giữa bóng đêm, không ai nhận thấy đám thuỷ quân lục chiến đã rút vào trong. 4 giờ sáng, đám đông lại nghe thấy tiếng trực thăng bay trở lại. Nó hạ cánh xuống nóc nhà sứ quán. Vài người chạy tới, leo lên máy bay. Ngồi trên trực thăng có Graham Martin. Chưa ai nghĩ đó là chiếc trực thăng di tản cuối cùng. Trời hửng sáng, lại thêm vài chiếc nữa đến bốc nốt đám lính thuỷ quân lục chiến của họ ở Việt Nam.

Tại một khu phố trung tâm Sài Gòn, khi biết tin G.Martin đã ra đi, một nhà báo đã lẩm bẩm rằng “liệu có ai đó nhớ vặn tắt ngọn đèn ở cuối đường hầm chưa nhỉ”. Đến ngày 3-5, Cộng Sản tuyên bố nắm gọn chủ quyền toàn cõi Việt Nam, kể cả các đảo ngoài khơi. Năm 1954, 16 nghìn lính Pháp, lê dương và Việt Nam đã cầm cự với quân đội Bắc Việt Nam 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ rồi thì đầu hàng. 21 năm sau, Bắc Việt Nam đã tràn ngập toàn cõi Nam Việt Nam, đánh bại một đội quân Sài Gòn tất cả là 1 triệu người. Cũng như Điện Biên Phủ, trận đánh này cũng mất 55 ngày đêm cả thảy.

------------------

Lời kết thúc

Sài Gòn không trở thành thành phố Hồ Chí Minh qua một đêm được. Nhưng rõ ràng là những ngày xưa cũ hết rồi. Đường lối chính sách chung được phổ biến rộng rãi và một tờ nhật báo bằng hai thứ tiếng (Việt Nam và Trung Hoa) đã có mặt trên đường phố sau một tuần. Điều hiển nhiên là sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, không có chuyện tắm máu.

Minh lớn và Trần Văn Hương được phép ở lại nhà. Với những người khác, nó là vấn đề cải tạo. Dinh Độc Lập thành “di tích chế độ tư bản”. Sứ quán Mỹ thành một viện bảo tàng. Nhà của viên sĩ quan phụ trách tổng hành dinh Hoa Kỳ, Steven Bray biến thành nơi trưng bày “tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ”. Nhà nghỉ mát của Thiệu cạnh bờ sông thành câu lạc bộ công nhân.

Còn một câu chuyện cuối cùng đầy ý nghĩa, liên quan đến binh nhì Đức, người lính thuỷ quân lục chiến Sài Gòn. Mặc dù ngay từ đầu, cuốn sách này đã xác định Đức là nhân vật tổng hợp của mấy thuỷ quân lục chiến, nhưng con người Đức thực sự đã đến với tôi vào tháng 8-1975, khi một trong số nhân viên của UPI bị giữ một tuần lễ. Trong nhà giam, anh ta gặp người lính thuỷ quân lục chiến mà tôi gọi là Đức, nghe kể lại câu chuyện khó tin lúc bấy giờ về cách thức đối xử của Cộng Sản với tù nhân. Không có cách nào liên lạc với Đức để biết đoạn kết thúc. Nhưng với tính cách là một điển hình minh họa cách đối xử của Cộng Sản Việt Nam năm 1975 đối với kẻ thù xưa, thì chuyện này thuộc loại có một không hai.

Trong những ngày cầm súng trong quân đội Sài Gòn, binh nhì Đức đã giết 13 chiến sĩ Cộng Sản, cho đến khi anh ta bị bắt sau ngày “giải phóng”. Đức được đưa đến trung tâm tạm giam chính tại thành phố Biên Hoà cách Sài Gòn 14 dặm về phía Đông Bắc. Trong thâm tâm Đức cảm thấy nhẹ nhõm. Sự tồn tại ngày lại ngày anh ta trải qua từ sau cuộc rút lui khỏi Quảng Trị giờ đây đã đến lúc chấm dứt rồi. Đức cảm thấy đau xót cho gia đình mình, nghĩ rằng mình sẽ bị hành quyết, nhưng anh ta chấp nhận khổ đau không còn sợ chết nữa.

Anh ta nói hết những gì mình đã làm cho các viên chức tại Biên Hoà nghe và phải mất gần trọn một ngày để liệt kê lại những sự kiện “tội ác” đó, thỉnh thoảng chỉ ngập ngừng chút ít trước câu hỏi của người trung tá hỏi cung anh ta.

Nhiều khi Đức ngạc nhiên thấy mình bị nhốt vào một phòng biệt giam tại khám. Phòng thì nóng và thiếu nước. Không có chuyện giặt giũ. Linh gác cũng như tù nhân đều được cung cấp nước uống theo tiêu chuẩn. Ngoài cái đó ra thì mọi việc khác đều có thể chịu đựng được. Đức chuẩn bị tinh thần đón nhận sự hành quyết. Cuộc chiến đấu giờ đây đã tiêu tan trong lòng anh ta và chỉ mong cái chết đến càng nhanh càng tốt.

Vào khoảng giữa buổi sáng ngày hôm sau, Đức được hộ tống đến văn phòng có cái quạt trần vặn tắt rồi. Anh ta cảm thấy và biết rằng bản án sắp sửa được đọc. Quả đúng như thế, mặc dù nó không phải là cái mà Đức mong đợi. Người trung tá bắt đầu giảng giải cho anh khoảng một tiếng đồng hồ. Đại ý như thế này:

Chính quyền cách mạng căm ghét những gì Đức đã làm, nhưng hiểu tại sao anh ta lại làm như thế. Người lính thuỷ quân lục chiến cũ này đã được người Mỹ và phe Sài Gòn huấn luyện để làm việc đó mà đó là việc Đức phải tuân theo mệnh lệnh. Tuy nhiên Đức đã mắc tội là không tuân lệnh chính quyền cách mạng kêu gọi bỏ súng xuống và sớm đầu hàng. Với tội này, Đức sẽ bị giam 6 tháng. Thời gian đó, Đức phải lao động như một người quét dọn nhà tù, sẽ được học tập hai, ba buổi trong một tuần để hiểu biết về chính quyền mới. Nếu sau 6 tháng, Đức chứng tỏ được nhiệt tình với chính quyền, hiểu chính sách, ra sức lao động với công việc quét dọn được chỉ định thì sẽ được thả. Anh ta sẽ được phép trở về gia đình, ở đó anh ta sẽ lao động vì gia đình Đức đã về miền quê. Gia đình Đức đã được thông báo về sự giam giữ và ngày có thể trở về của anh.

Cựu binh nhì Đức cảm thấy biết ơn. Ngượng ngùng trước sự có mặt của bề trên, anh ta lúng túng nói lời cảm ơn và nhận ra rằng, rốt cuộc thì mình vẫn còn ý muốn ham sống. Ngày lại ngày tiếp đó, anh ta chăm chỉ làm công việc người ta giao cho. Đức nói với các tù nhân khác là anh ta có ý định làm đúng theo mệnh lệnh của người trung tá. Đức tỏ ý biết ơn về việc được tạo cho cơ hội làm lại cuộc đời theo như cách nhìn của anh ta đối với bản án.

Vào giữa tháng 8-1975, nhà cầm quyền yêu cầu tôi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Tôi không có cách nào theo dõi sự kết thúc câu chuyện có vẻ tốt đẹp ấy. Ngày 3-9-1975, tôi đáp máy bay rời khỏi Việt Nam sau gần 8 năm rưỡi ở tại một đất nước đã uốn nắn tôi và làm tôi rung động.

Không có nhận xét nào: