Lời nói đầu: Trong vài thập niên gần đây, biển đông (tức biển Nam Trung Quốc
hay biển Ðông Nam Á tùy theo từng tác giả) đã trở nên một vấn đề quan trọng
trong chính sách của các quốc gia Ðông Á. Tranh chấp quyền sở hữu và khai thác
khu vực này đã là một quan tâm hàng đầu của nhiều chính quyền. Nghiên cứu về vai
trò kinh tế, quá trình lịch sử của nó đã được nhiều học giả trình bày cặn kẽ, cụ
thể là hai cuốn "Ðặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa" của nhóm nghiên cứu sử địa
miền Nam Việt Nam trước năm 1975 (được nhà xuất bản Văn Nghệ-Khai Trí tái bản
tại hải ngoại năm 1992) và "Ðịa Lý biển Ðông với Hoàng Sa và Trường Sa" của Vũ
Hữu San (do Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn toàn Lãnh Thổ Việt Nam ấn hành năm 1995). Nhiều
học giả nước ngoài cũng có những công trình hoặc nghiên cứu riêng về vùng biển,
hoặc đặt chung trong nghiên cứu khu vực, chẳng hạn như Steven J. Hood (Dragons
Entangled, Indochina and the China-Vietnam War, M.E. Sharpe Inc. 1992), Peter
Kien-hong Yu (A Study of The Pratas, Macclesfield Bank, Paracels, and Spratlys
in the South China Sea, Taipei 1988) Phù Tuấn (Nam Hải Tứ Sa quần đảo, Thế Kỷ
thư cục Ðài Bắc 1981) ... Ngoài ra còn vô số những bài viết trên báo chí, tập
san Việt, Mỹ, Pháp, Hoa ... về biển đông. Có những tài liệu hết sức xác đáng
nhưng cũng có nhiều tài liệu không chân thực, điển hình là những tài liệu do Hoa
lục hay Hongkong phổ biến.. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về vấn đề biển đông, chúng
ta không thể bỏ qua những lập luận từ nhiều góc cạnh khác, nhất là đó là những
lập luận mà nhà nước Trung Quốc sử dụng trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Những vấn đề liên quan trực tiếp đến biển đông đã được nhiều người đề cập đến.
Vì thế chúng tôi chỉ viết rất sơ lược và dành những chi tiết cụ thể đó cho những
công trình nghiên cứu sâu rộng hơn, qui mô hơn. Trong phạm vi bài này, chúng tôi
chỉ trình bày khu vực biển đông để gợi ý cho độc giả về tầm quan trọng của nó
đối với toàn vùng Ðông Nam Á, nhất là đối với trật tự mới của vùng Thái Bình
Dương trong thế kỷ sắp tớị Vai trò chiến lược và an ninh ngày càng đậm nét hơn
vai trò kinh tế nhất là đối với Việt Nam chúng ta.
I. Dẫn nhập
Ai cũng biết việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam cũng
như việc Việt Nam được thu nhận vào Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN)
không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế. Tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là
một dấu hiệu chứng tỏ Hoa Kỳ muốn thiết lập một thế quân bình mới tại Á Châu.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất mà chính quyền Mỹ công khai đưa ra
là việc ngăn ngừa chính sách bành trướng của Trung Quốc. Chính sách tàm thực
(tằm ăn dâu) của Trung Quốc trong vài thập niên qua đánh dấu một sự chuyển mình
lớn trong chiến lược đối ngoại của họ. Nếu Trung Quốc làm chủ biển đông không
phải chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà Philippines, Indonesia, Malaysia,
Thailand cũng sẽ bị khống chế. Ðài Loan sẽ bị cô lập và chịu áp lực trầm trọng.
Công cuộc vận động để tiến tới một tư thế độc lập của nhân dân Ðài Loan sẽ trở
nên gay go hơn. Thêm vào đó, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Hoa Kỳ cũng sẽ bị án ngữ và chia
cắt, mất hết ảnh hưởng đối với vùng Ðông Nam Á, gây nguy hại cho các kế hoạch
mậu dịch và chiến lược ổn định toàn cầu. Chính vì thế, một giải pháp phối hợp
nhiều quốc gia để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc không những bảo vệ
được mặt biển phía đông của Việt Nam mà còn tạo được sự ổn định trường kỳ cho
toàn thể khu vực tây ngạn Thái Bình Dương.
Nhiều phân tích gia đã cho rằng nếu thế kỷ thứ 19 là thế kỷ của các dân tộc vùng
Ðại Tây Dương thì khi sang thế kỷ thứ 21, vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ trở
thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu của thế giới. Một Ðại Trung Quốc bao
gồm Hoa Lục, Ðài Loan, Singapore và các cộng đồng Hoa kiều rải rác khắp thế giới
sẽ trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị vô cùng mạnh mẽ. Cho nên, đối
chiếu với viễn tượng của vài chục năm sắp tới, những phân tích gia chiến lược
đều nhìn nhận rằng Trung Quốc không phải chỉ tìm kiếm vai trò siêu cường kinh tế
mà còn tìm lại vị trí "thiên triều" của họ trong lịch sử, trong đó các nước
chung quanh là thuộc quốc, phải thần phục và triều cống, công nhận tư thế lãnh
đạo của họ về mọi mặt.
II. Chiến lược mặt biển của Trung Quốc
Trong thời thượng và trung cổ, Trung Quốc không có một khái niệm rõ rệt về biển
cả và chỉ nuôi tham vọng bành trướng trên đất liền. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc,
người Trung Quốc tưởng rằng nước Tàu là trung tâm thế giới, các nước chung quanh
đều man di, mọi rơ Chính vì thế mà họ tự gọi mình là Trung Quốc tức nước ở trung
tâm. Hai chữ "thiên hạ" (dưới vòm trời) là nói về những dân tộc sống trong vùng
lục địa Trung Quốc và những tiểu quốc chung quanh thần phục nước Tàu. Ở phía
đông là biển cả vô tận, chỉ được mô tả trong những truyện thần kỳ, nơi những
người phi thường mạo hiểm đi tìm thuốc trường sinh. Việc tìm hiểu những vùng đất
bên kia bờ đại dương không mấy ai nghĩ đến. Thảng hoặc có người để tâm nghiên
cứu thì phần lớn chỉ là sưu tầm những dật sự hoang đường trong tưởng tượng hơn
là mắt thấy tai nghe. Cho nên, những sự kiện đó không đáng tin mà chỉ là một
loại tiểu thuyết, dẫu có dựa trên một số yếu tố lịch sử nhưng vẫn chỉ là sản
phẩm được hình thành với mục đích giải trí mà thôi.
Trong thời phong kiến, Khổng học được coi là sở học chính thống, tinh thần
thương mại bị coi là thấp kém, giới thương nhân đứng sau cùng trong tứ dân sĩ
nông công thương. Ðời Hán, Ðường, Tống, Nguyên, thương mại với bên ngoài hầu như
không có, cũng chẳng ai nghĩ đến việc tìm hiểu các nước ở xa xôi. Tuy từ đời
Ðường, người Tàu đã biết rằng phía bên kia dãy Hi Mã Lạp Sơn có các đế quốc Ba
Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Ấn Ðộ ... nhưng thời đó Trung Quốc vẫn là khu vực văn
minh nhất và các nơi phải đến học hỏi họ chứ họ không phải cất công đi tìm hiểu
người khác. Hồi thế kỷ thứ bảy, Tràng An (kinh đô nhà Ðường) là khu vực thị tứ
lớn nhất thế giới lúc bấy giờ diện tích hơn ba mươi dặm vuông, hơn hai triệu cư
dân, và hàng trăm đền đài tráng lệ. Ở kinh đô, người ta có thể tìm thấy nhiều
loại sản phẩm khắp nơi mang đến trong đó có cả đặc sản của Phi Châu, Ấn Ðộ, Java
... Những phú gia có thể mua cả mỹ nữ Tây Dương tóc vàng mắt xanh làm tì
thiếp.[1] Tơ lụa và đồ gốm là những sản phẩm quí giá các thương gia nước ngoài
đến Trung Quốc mua về. Thời ấy, người Ả Rập và người Ba Tư có những đoàn thương
thuyền hùng hậu nhất, qua lại khu vực biển cả từ Ấn Ðộ Dương sang Thái Bình
Dương. Tuy nhiên, đối với các vua chúa nước Tàu, đó chẳng qua chỉ là những hình
thức triều cống, tỏ lộ sự thần phục và hàng hóa mua về sẽ giúp vào việc "khai
hóa" các dân tộc man di. Buôn bán chủ yếu vẫn theo đường bộ ở phía Tây, các đoàn
lạc đà đi theo con đường mà người ta gọi là Con Ðường Lụa (Silk Road). Còn đường
biển buôn bán các đồ gia vị (Spice Route) không qua đến Tàu mà chỉ đến trung và
bắc Việt Nam rồi mới theo đường bộ mà sang Nam Trung Quốc.[2]
Về chiến lược, biển cả được coi như là một chiến lũy thiên nhiên bảo vệ nước
Tàu. Thành thử, họ chỉ chú trọng vào việc củng cố một lực lượng bộ và kỵ binh
bảo vệ trung nguyên khỏi sự xâm lăng của những bộ lạc du mục. Hầu như đời vua
nào cũng phải tiêu pha vào việc xây đắp trường thành, củng cố đồn bót dọc theo
biên thùy phía bắc và phía tây. Trong văn chương đời Ðường, đời Tống chúng ta
thấy nhắc nhiều đến biên ải, quan tái, phong hỏa (đốt lửa để truyền tin báo
động), sa trường (chiến trận trên sa mạc) ... chứ không ai nói đến biển cả.
Không khí chiến tranh mà văn nhân, thi sĩ cảm nhận được là gió thổi căm căm, cát
bay đá chạy, quân reo ngựa hí chứ không phải sóng vỗ bập bềnh. Nếu có nhắc đến
thuyền bè thì là thuyền chạy trên sông và người Trung Quốc chỉ hình dung những
trận thủy chiến khốc liệt mà bối cảnh là sông Xích Bích, sông Tiền Ðường ...
Ðến thời nhà Tống, triều đình Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến phòng ngự mặt
biển, không phải chống xâm lăng mà là đối phó với các toán giặc biển thường ăn
cướp các thương thuyền và dân cư duyên hải. Lực lượng tuần phòng đó phối hợp cả
quan quân triều đình lẫn thương nhân. Lực lượng hải quân đầu tiên được thành lập
từ năm 1132 nhưng chỉ dùng để tuần phòng bờ biển mà thôi. Một trăm năm sau, Tống
triều đã có một lực lượng tuần phòng lên đến 20 đoàn thuyền và một lực lượng hơn
năm vạn lính. Thế nhưng đó chỉ là hình thức vì đến chín phần mười binh sĩ trên
thuyền không chiến đấu được. Năm 1239, khi một viên quan đi xem xét căn cứ hải
quân Trấn giang phía đông Nam Kinh trên bờ sông Dương Tử, thấy rằng trong 5000
binh sĩ trú đóng, chỉ có 500 người đủ sức đi thuyền, còn lại là thành phần bất
khiển dụng.[3] Chúng ta có thể hiểu được tại sao mỗi khi Nam chinh, quân Tàu
luôn luôn bị đại bại trên mặt biển và đường sông ở nước ta. Trung Quốc từ thời
trung cổ trở về trước không quan tâm đến biển cả, coi như cương vực định sẵn
trên đất là của thiên tử mà dưới bể là của Long Vương. Xâm phạm đến biển cả là
gây chuyện với thượng giới. Trái lại, Việt Nam ta lại coi biển cả là một nửa máu
huyết của mình (truyền thuyết tiên rồng), tổ quốc bao gồm đất và nước. Văn minh
nông nghiệp gắn liền với đất đai và biển cả là đặc tính của Nam phương, trong
khi đó miền Bắc vốn là dân du mục giỏi chinh phục trên lưng ngựa. Thời trung cổ,
chỉ có người phương Nam mới giỏi về đường thủy (người phương Bắc thiện đi ngựa,
người phương Nam giỏi đi thuyền là câu nói của người Trung Quốc). Chính vì thế,
trong những cổ vật đào được ở Việt Nam thường có trang trí hình thuyền trong khi
tại Trung Quốc thường có những cỗ xe ngựa.
Tuy có ưu thế về hải quân, nhà Tống vẫn không chống nổi quân Nguyên từ phương
bắc tràn xuống và đến năm 1279 thì nước Tàu hoàn toàn dưới quyền cai trị của
người Mông Cổ. Trong các đẳng cấp mới của triều đình Nguyên, người Tàu ở phương
Nam (Nam Nhân) đứng cuối cùng. Trong cùng thứ bậc đó thì sĩ phu Trung Quốc (thứ
9) tuy trên được ăn mày (thứ 10) nhưng đứng sau gái đĩ (thứ 8). Nhà Nguyên chỉ
trọng dụng các dân tộc ngoài quan ải, miền Trung Á. Người Trung Quốc phía bắc
Hoàng Hà mới được gọi là Hán Nhân (han ren) và được đứng hàng thứ ba.
Trong khi đánh nhau với nhà Tống, quân Mông Cổ đã xây dựng được một lực lượng
hải quân hùng hậu và sau đó dùng các đoàn chiến thuyền này đi chinh phục vùng
Ðông Nam Á và Nhật Bản. Tuy nhiên đoàn quân bách thắng của họ bị đánh bại ba lần
tại Việt Nam (1258-88), hai lần bị bão lớn đánh đắm ngoài khơi Nhật Bản (1281)
khi họ rút quân ra khỏi đảo Kyushu và một lần tại Indonesia (1293) khi tiến đánh
Java.
Ðến thế kỷ thứ 16, dưới triều Minh, nước Tàu bị nạn cướp biển quấy phá. Những
hải tặc đó thường là người Nhật nên được đặt tên là oải khấu (wokou, giặc lùn).
Hải tặc không phải chỉ hoạt động dọc theo bờ biển Trung Quốc mà kéo dài từ Triều
Tiên xuống đến tận Mã Lai. Và tuy gọi là giặc lùn, thành phần hải tặc bao gồm đủ
mọi giống dân ở đông và đông nam Á Châu. Trong những đám giặc lớn có cả những
người bất mãn với triều đình, bỏ đi ăn cướp. Thành thử, cả một vùng duyên hải
rộng lớn coi như không thuộc quyền kiểm soát của quan quân. Các toán giặc đó
cũng hoành hành dọc theo duyên hải nước ta và được gọi là giặc tàu ô vì thuyền
của chúng sơn đen. Nhiều võ tướng đã nổi danh vì công trạng dẹp bọn giặc này
chẳng hạn như Hoàng đình Bảo, Nguyễn hữu Chỉnh đời Lê, Bùi Viện đời Nguyễn. Vua
Quang Trung thu phục chúng để sai sang quấy phá miền nam nước Tàu.[4] Bùi Viện
cũng chiêu mộ họ dùng vào việc cải tiến hải quân của nước ta.[5] Gernet Jacques
đã nhận định như sau:
Vào thế kỷ thứ 16, hải tặc bành trướng đến một mức độ chưa từng có và nguyên
nhân có thể tìm ra được là nó có liên quan trực tiếp đến việc phát triển thương
mại trên mặt biển ở Ðông Á, từ Nhật Bản kéo đến Indonesia. Các vua nhà Minh đối
phó bằng chính sách ngăn cấm nhưng thiếu liên tục và chặt chẽ chỉ vì quan điểm
chiến lược và kinh tế mỗi lúc một khác.
Từ thời vua Thế Tông nhà Minh, cướp bể càng hoành hành, lấy các đảo ngoài khơi
làm căn cứ, đói thì vào cướp bóc, bảy tỉnh duyên hải không nơi nào yên.[6] Ðến
khi Hồ Tôn Hiến, Tổng Ðốc Chiết Giang ra lệnh cấm dân chúng liên lạc, tiếp ứng
cho họ, nạn giặc bể mới suy dần.[7] Thời đó, người Trung Quốc không những không
muốn giao thiệp với bên ngoài mà họ còn cấm không cho học ngoại ngữ cũng như dạy
tiếng Tàu cho người nước ngoài. Trong khi người Âu Châu phát triển hàng hải và
tìm đường chinh phục thuộc địa thì Trung Quốc lại tài giảm hải quân nhất là từ
khi đào xong Vận Hà (Grand Canal) năm 1411 và không còn cần đến việc chuyên chở
hàng hóa bằng đường biển.
Trong thời nhà Minh, có hai sự kiện quan trọng mà chúng ta cần ghi nhận. Ðó là 7
chuyến viễn hành của Trịnh Hòa và việc chiếm đóng Ðài Loan của Trịnh Thành Công.
Hai biến cố đó đánh dấu những bước ngoặt trong đường lối đối phó với mặt biển
của triều đình Trung Quốc đồng thời cũng khẳng định là trước thế kỷ thứ 17,
người Tàu không quan tâm tới các hải đảo ngoài khơi như họ viện dẫn sau này khi
lấn chiếm biển đông.
A. Trịnh Hòa và bảy lần viễn du
Trịnh Hòa vốn tên là Ma He, là con một người Hồi tên là Mohammed Hajji đã theo
đoàn quân viễn chinh Mông Cổ xuống sống ở miền Nam nước Trung Quốc (thế kỷ thứ
13). Khi con thứ của vua Hồng Võ (tức Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương) là Chu Lệ
được giao cho việc đem quân bình Vân Nam có bắt được một số lớn binh sĩ Mông Cổ
và các dân tộc thiểu số người Mèo, người Dao. Ðàn ông bị giết hết, đàn bà đem về
làm tì thiếp còn trẻ em và thanh thiếu niên bị thiến để làm hoạn quan hầu hạ
trong cung. Một trong những đứa trẻ đó sau được ban Hán tính là Trịnh, Hán danh
là Hòa. Khi Chu Lệ cướp được ngôi vua (tức vua Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc
chính là người sai Trương Phụ sang chiếm nước ta), Trịnh Hòa được sai đi sứ hải
ngoại để tuyên dương oai đức nhà Minh.[8]
Trịnh Hòa đóng một đoàn chiến thuyền lớn để đi xạ Chiếc thuyền lớn nhất được đặt
tên là "bảo thuyền", dài 130 thước (tây), cột buồm cao 54 thước. Các thuyền khác
trung bình dài 110 thước, cột buồm khoảng 45 thước. Trong chuyến hải hành đầu
tiên của Trịnh Hòa, cả thảy gồm 63 chiếc thuyền và 2,780 người.[9]
Có nhiều lý do đưa ra để giải thích về những chuyến đi này. Những sử gia Trung
Quốc gần đây coi là những cuộc hải trình nhằm chứng tỏ cho những dân tộc khác
thấy được sự cường thịnh và huy hoàng của triều đại nhà Minh. Với quan điểm dùng
lịch sử để giải thích một số tiền đề, Trung Quốc lục địa (Trung Quốc) đã hoàn
thành nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của viên thái giám
gốc Hồi. Gần đây, một viện nghiên cứu có tên là Viện Nghiên Cứu Trịnh Hòa được
thành lập tại Nam Kinh. Những tài liệu họ đưa ra luôn luôn chủ quan, được vận
dụng để chứng minh rằng Trung Quốc đã thám hiểm và chinh phục được nhiều vùng
đất xa xôi từ thời Trung Cổ.[10] Tuy nhiên, theo những tài liệu, kể cả những văn
kiện viết từ thời đó, Trịnh Hòa tuy có đến được nhiều nơi như Mã Lai, Indonesia
và có lần sang tận Tích Lan, Ấn Ðộ, Phi Châu nhưng lại không viết gì về các đảo
ngoài khơi Việt Nam.[11] Có lẽ trong thời kỳ đó, không ai quan tâm đến một vùng
biển đầy sóng gió, hiểm nguy để thám hiểm một khu vực toàn đảo san hô ở giữa đại
dương như thế. Trịnh Hòa có đi dọc theo bờ biển Việt Nam, Chiêm Thành, Chân Lạp
để trao đổi trầm hương, ngà voi, sừng tê, gỗ mun đem về Trung Quốc, và tặng lại
cho thổ dân đồ sứ và tơ lụa.[12] Nếu gặp kháng cự, Trịnh Hòa đem quân bắt vua
các tiểu quốc đem về như trường hợp Palembang và Tích Lan. Mỗi khi đổ bộ, Trịnh
Hòa xác định ông ta là sứ giả của Hoàng đế Trung Quốc, chúa tể một quốc gia
trung tâm mọi nền văn minh và Trung Quốc không tới để chiếm thuộc địa hay ép
buộc phải mở cửa giao thương mà chỉ yêu cầu triều cống tỏ ý thần phục.[13]
Một lý do thứ hai có thể đáng tin hơn là vua Thành Tổ sai Trịnh Hòa đi lùng tìm
vua Huệ Ðế (tức cháu gọi ông bằng chú, người lên kế vị Chu Nguyên Chương và đã
bị ông cướp ngôi) nghe đồn là đã giả dạng làm sư trốn ra nước ngoài.[14] John
King Fairbank, học giả lừng danh về Trung Quốc đã nêu ra ba đặc điểm về các cuộc
viễn du của Trịnh Hòa:
· Thứ nhất, đây không phải là những cuộc thám hiểm những vùng đất mới mà chỉ là
những chuyến viễn hành chính thức do nhà vua sai đi. Trịnh Hòa đi theo những
thủy lộ mà thương nhân Ả Rập và Trung Quốc đã đi qua.
· Thứ hai, những chuyến đi đó có tính chất ngoại giao chứ không nhằm mục tiêu
thương mại, lại càng không phải đi chinh phục thuộc địa. Họ trao đổi hàng hóa và
mang về các đặc sản (trong đó có cả con hươu cao cổ mà họ tưởng rằng một loại kỳ
lân) của những vùng xa xôi.
· Thứ ba, sau khi các chuyến du hành chấm dứt vào năm 1433 thì không bao giờ
tiếp tục những chuyến đi khác nữa. Ngay cả các tài liệu ghi chép về những chuyến
đi này cũng bị viên Binh Bộ Thị Lang hủy đi (vào khoảng 1479) và nhà Minh cấm
ngặt người Trung Quốc buôn bán với bên ngoài.[15]
B. Trịnh Thành Công và đảo Ðài Loan
Trước thế kỷ thứ 17, Ðài Loan chưa được công nhận như một phần đất của Trung
Quốc. Cho đến cuối đời Minh, Ðài Loan vẫn là một vùng đất không mấy ai biết đến.
Bão tố, sóng cả, muỗi mòng ngăn cách thổ dân với đại lục. Cư dân trên đảo lại dữ
dằn nên không mấy khi Trung Quốc bè dám ghé vào. Chỉ một số ít lái buôn dạn dĩ
mới dám dong thuyền sang trao đổi sừng hươu, da thú đem về bán lấy lời. Ngoài
thổ dân chỉ có hải khấu mới dám ở. Trước đó người Bồ Ðào Nha đã ghé qua và đặt
cho hòn đảo cái tên Formosa có nghĩa là đẹp đẽ nhưng cũng không dám ở mà chỉ trú
ngụ tại Macao, lấy nơi đây làm cơ sở chính ở Ðông Á.[16] Cũng nên nói thêm, theo
nghiên cứu của nhóm học giả bản địa Ðài Loan thì thổ dân tại đây vốn thuộc giống
Mã Lai đã sống trên hòn đảo này từ nhiều ngàn năm trước. Những di chỉ đào được
trên đảo Ðài Loan gần với những di chỉ tìm thấy trong vùng Ðông Nam Á châu và
Việt Nam, là những cư dân giỏi đường thủy chiếm cứ vùng biển Nam Á từ xưa.
Ðến năm 1624 thì người Hòa Lan đem quân chiếm hòn đảo và cai trị trong 37 năm.
Người Tây Ban Nha chiếm mỏm cực bắc năm 1626 nhưng bị người Hòa Lan đánh bại năm
1642. Năm 1661, một người Trung Quốc lai Nhật là Trịnh Thành Công đánh đuổi được
người Hòa Lan. Cha của Trịnh Thành Công là Trịnh Chi Long lưu lạc sang Nhật, lập
gia đình với một người đàn bà Nhật ở bên đó. Chi Long làm nghề cướp biển nhưng
sau được Minh triều thu phục, phong cho một chức quan. Khi về cộng tác với triều
đình, họ Trịnh được chỉ huy một đội hải thuyền, nhưng y vẫn tiếp tục đi ăn cướp
nhưng không còn sợ quan quân truy lùng như trước nữa.
Khi quân Thanh tràn vào chiếm trung nguyên, một số tôn thất nhà Minh còn tiếp
tục chiến đấu ở miền Nam. Trịnh Thành Công vì phò Minh nên được ban cho họ Chu
(tức họ nhà vua) nên người ta thường biết ông ta qua cái tên Quốc Tính Gia (mà
người Âu Châu phiên âm thành Koxinga, là cái tên thường thấy trong sách vở). Hạm
đội của Trịnh Thành Công tiếp tục đánh nhau với quân Thanh dọc theo bờ biển. Năm
1659, họ Trịnh làm một cuộc phiêu lưu đem quân đánh Nam Kinh nhưng bị đại bại.
Khi bị vây rất gắt ở Hạ Môn, Trịnh Thành Công đánh phải liều đem tàn quân phá
vòng vây chạy ra biển đánh đuổi người Hòa Lan chiếm lấy đảo Ðài Loan.[17] Ðể
ngăn ngừa Trịnh Thành Công quấy phá duyên hải, năm 1661, phụ chính đại thần
triều vua Thuận Trị nhà Thanh là Oboi (chữ Hán gọi là Ngao Bái) hạ lệnh cho dân
cư phải di dân vào nội địa, cách bờ biển 30 dặm để không cho tiếp ứng được với
giặc ngoài biển. Khi vua Khang Hi lên ngôi (1662), nhà Thanh hai lần đem quân
đánh Ðài Loan (1664 và 1665) nhưng không thành công. Về sau, Thanh triều cử Thi
Lang (Shi Lang), một bộ tướng của Trịnh Chi Long trước đây về hàng, thống lãnh
300 chiến thuyền bình định Ðài Loan. Thi Lang đem quân từ Phúc Kiến tiến ra đánh
bại quân họ Trịnh (lúc này Trịnh Thành Công đã chết từ năm 1662, con thứ là
Trịnh Khắc Sảng kế nghiệp) ở quần đảo Bành Hồ (Pescadores) hồi đầu tháng 7, 1683
và đến cuối năm thì chiếm được toàn thể đảo Ðài Loan.
Vua Khang Hi khoan hồng không giết binh sĩ của họ Trịnh nhưng di chuyển hết lên
mạn bắc để trấn giữ quân Nga đang lăm le tràn xuống. Triều đình đề nghị phá hủy
đảo Ðài Loan rồi rút về nhưng Thi Lang khẩn thiết xin cho quân trấn đóng để làm
tiền đồn chống giữ người Hòa Lan khỏi đến xâm lăng. Vua Khang Hi đồng ý và kể từ
năm 1683, Ðài Loan mới chính thức thuộc về Thanh triều, là một thuộc địa của
tỉnh Phúc Kiến.[18]
Tuy nhiên, Thanh triều cũng vẫn giữ nguyên quan niệm từ trước tới nay của Trung
Quốc hạn chế việc giao thương, ngại là nếu mở cửa sẽ đem tới rối loạn, tiết lộ
tin tức bí mật quốc gia và tiêu hao vàng bạc, gia tăng trộm cướp, tội ác.[19]
Tuy lệnh phải cư ngụ cách bờ biển 30 dặm đã bãi bỏ nhưng nhà Thanh vẫn hết sức
nghiêm cấm việc giao thiệp với nước ngoài, di cư hay liên lạc với Ðài Loan. Hòn
đảo luôn luôn bị nhìn với cặp mắt nghi kỵ, khinh miệt. Thành phần cư dân cũng
không được coi ngang hàng với dân chúng trong nội địa. Chính vì thế, nhà Thanh
rất dễ dàng nhường lại Ðai Loan để đổi lấy một vài điều kiện trong khi giao
thiệp với liệt cường sau này.
Cũng nên nói thêm là họ Trịnh là một trường hợp hết sức bất thường. Trịnh Chi
Long khi còn trẻ đã lưu lạc nhiều nơi, theo các giáo sĩ Tây Dương sang cả Manila
(Philippines) và là một trong số ít người Trung Quốc thời ấy theo đạo Cơ Ðốc.
Trịnh Thành Công mang hai giòng máu Nhật Hoa, là đệ tử một lãnh chúa Tây Ban
Nha, đã từng tham dự nhiều cuộc viễn du nên kiến thức hơn hẳn những người bình
thường. Ông ta phù Minh chẳng qua chỉ vì muốn dùng chiêu bài đuổi người Mãn
Thanh để có thể tự mình lên ngôi hoàng đế. Chính ảnh hưởng của người Tây Ban
Nha, Bồ Ðào Nha và Hòa Lan đã khiến cho họ Trịnh có chí hướng xây dựng một giang
sơn riêng ngoài mặt biển. Trường hợp Trịnh Thành Công cũng không khác gì Triệu
Ðà sang chiếm nước ta lập nên nước Nam Việt (gồm Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc)
nhưng không thể vì thế mà đi tới kết luận là hòn đảo Ðài Loan thuộc về Trung
Quốc từ cuối đời Minh.
Chi tiết đó quan trọng vì nếu tính ra thì người Trung Quốc chỉ thực sự làm chủ
hòn đảo từ năm 1945 tới nay (đứng trên phương diệp chủ quyền vì người Mãn Thanh
là một bộ tộc quan ngoại, không phải là một triều đại chính thống của người
Hán). Ðặt vấn đề Ðài Loan, người ta sẽ không thể quên quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu)
cũng ở trong tình trạng tương tự, chỉ mới thuộc về Nhật Bản gần đây, nhưng Trung
Quốc úy kị nên không dám nói tới chủ quyền của họ tại khu vực này.[20] René
Grousset đã bình luận như sau:
Nỗ lực của ông ta (Trịnh Thành Công) đã khiến cho các sử gia phải hết sức chú ý,
vì ông là người đầu tiên thực hiện một công tác mà trước đây chưa hề xảy ra ở
nước Trung Quốc. Ðó là đi tìm kiếm thuộc địa theo đường biển. Phải công nhận
rằng cuộc phiêu lưu của Trịnh Thành Công đã mở đầu cho một kỷ nguyên đại di cư
của người Trung Quốc, mà ngày nay ta thấy con cháu họ ở khắp nơi nơi vùng biển
phía nam, từ Cholon đến Singapore, từ Batavia đến Manila và Hawaii. Các cuộc di
cư ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng mà hậu quả tới nay cũng chưa đo lường hết
được.
Một số đông tàn quân nhà Minh và người Trung Quốc tị nạn cũng chạy sang Việt
Nam, đáng kể nhất là nhóm của Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên đóng góp
nhiều vào việc khai phá miền nam nước ta.[21] Cộng đồng người Hoa trở thành
những thế lực đáng kể tại các nước Ðông Nam Á bắt đầu từ thời đó.
Sự phát triển chiến lược mặt biển của Trung Quốc
Năm 1985, Ðặng Tiểu Bình nhận định là hai siêu cường Nga Mỹ sẽ bận rộn giữ miếng
với nhau nên sẽ không quốc gia nào dám tấn công Trung Quốc ít nhất cũng tới năm
2000. Hơn thế nữa, hai siêu cường còn phải nỗ lực ve vãn Trung Quốc và Trung
Quốc phải khai thác triệt để cơ hội đó để một mặt canh tân quốc phòng, một mặt
lấn chiếm biển Ðông và o ép Ðài Loan. Trung Quốc tuyên bố là họ phải tăng cường
để bảo vệ 18,000 km bờ biển và hơn 3,000,000 km2 vùng biển, một lãnh hải rộng
gần bằng 1.3 lãnh thổ của họ. Sự giảm thiểu lực lượng của Hoa Kỳ trong hơn hai
thập niên qua gián tiếp thúc đẩy Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam. Lưu Hoa
Thanh (Liu Huaqing), chỉ huy trưởng hải quân Trung Quốc đã nhận định như sau:
Vai trò quân sự trên mặt biển ngày càng quan trọng và việc đấu tranh giành quyền
làm chủ hải vực giữa các siêu cường ngày thêm gay gắt. Chính vì thế, nhiệm vụ
chủ yếu của việc gia tăng công tác quốc phòng là xây dựng một lực lượng hải quân
hiện đại ngõ hầu ngăn chặn mọi cuộc xâm lăng, bảo vệ quyền ích quốc gia trên mặt
biển.[30]
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng e ngại là trong giai đoạn này, hải quân của họ chưa
có khả năng đối phó với một trận chiến "bất thình lình, nhanh gọn, trên một vùng
lãnh hải rộng lớn, xa đại lục đòi hỏi khả năng phối hợp cả ba loại hải lục không
quân". Chính vì quan tâm đó, Trung Quốc tập trung nỗ lực vào việc thủ đắc những
kỹ thuật quân sự của Liên Xô bằng cách thuê mướn kỹ thuật gia, mua các loại phi
cơ tầm xa và nhất là hàng không mẫu hạm. Trung Quốc biết rằng họ rất khó khăn
trong việc làm chủ trên không, và không làm chủ trên không thì không thể làm chủ
mặt biển. Trước đây, họ e ngại sự can thiệp của hải quân Liên Xô đang trú đóng
tại Cam Ranh thì nay họ lại quan tâm đến vai trò của Hoa Kỳ tại Ðông Á nhất là
từ khi mối tương quan Mỹ Hoa trở nên căng thẳng khi Hoa Kỳ cho phép Tổng Thống
Ðài Loan Lý Ðăng Huy sang dự buổi họp mặt cựu sinh viên Cornell ở New York trong
tháng 6, 1995 vừa qua.
Ngày 19 tháng 7, 1995 Trung Quốc thử một hỏa tiễn địa địa (surface-to-surface),
có tầm bắn tới tận Hoa Kỳ trong eo biển Ðài Loan mà các bình luận gia cho là để
trắc nghiệm khả năng phòng thủ của chính phủ Quốc Dân Ðảng.[31] Trung Quốc cũng
công khai kêu gọi sự triệt thoái toàn bộ quân đội Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Thái
Bình Dương, một việc mà trước đây không hề có. Sự hiện diện của Mỹ ngày nay
không còn là một đối trọng với lực lượng của Liên Xô mà đã trở thành một chướng
ngại cho việc bành trướng của Tàu. Có lẽ họ muốn xác định một cách không minh
thị là Á Châu là khu vực ảnh hưởng (sphere of influence) của Trung Quốc.
Ðó cũng là dấu hiệu Trung Quốc đã chuyển hướng từ cận hải phòng ngự sang cận
dương phòng ngự và lăm le tiến hành viễn dương phòng ngự.[32] Nếu quả thực Hoa
Kỳ e ngại về khoảng trống quyền lực ở tây ngạn Thái Bình Dương lọt vào tay Trung
Quốc, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một dấu hiệu cho
thấy người Mỹ đang tìm lại vai trò quân sự của họ mà lâu nay bị nhu cầu kinh tế
làm cho lu mờ.
Hải quân Trung Quốc tại biển Ðông
Nam Hải hạm đội của Trung Quốc đảm trách khu vực biển đông, theo nguyên tắc bao
gồm cả khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Ðơn vị chủ yếu trú đóng khu vực Quảng
Châu, Ðam Giang, Du Lâm có khoảng 700 chiến hạm phần lớn là tàu đổ bộ.
Từ khi bình thường hóa quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc không còn phải tập trung
lực lượng phòng thủ biên giới phía bắc nên đã điều động tăng cường binh lực ở
đông và đông nam, chuyển hướng phòng ngự chiến lược từ đất liền sang các hải
đảo. Trung Quốc cũng gia tăng quân phí lên một lức đáng kể vì ngoài ngân sách
quốc phòng (khoảng 6 tỉ năm 1993), họ còn các lợi tức mà các đơn vị sản xuất của
quân đội đem lại, kể cả sản xuất hàng tiêu dùng đến mở khách sạn cho thuê
(khoảng 6 tỉ nữa). Việc bán vũ khí cũng đem lại một số tiền đáng kể (vào khoảng
2 tỉ dollar năm 1993). Ngân sách nghiên cứu vũ khí chiến lược lại không nằm
trong ngân sách quân sự. Vì thế nếu tính tổng số, người ta ước lượng ngân sách
thực sự mà Trung Quốc dùng vào việc quốc phòng phải từ 12 đến 24 tỉ dollar.[33]
Quan trọng hơn nữa là giá trị tiêu thụ của đồng dollar ở Trung Quốc cao hơn
nhiều so với Mỹ hoặc Nhật (nghĩa là một đồng tại Trung Quốc có thể mua được
nhiều gấp năm, gấp sáu lần ở Mỹ) nên sự đầu tư vào binh bị của họ rất đáng kể.
Trong công tác hiện đại hóa quân sự, việc tăng cường sức mạnh hải quân được coi
như ưu tiên hàng đầu. Các loại võ khí chiến lược mới, khu trục hạm, và chiến hạm
có mang đầu đạn nguyên tử đều nhằm mục đích thao túng và chiếm lĩnh biển
đông.[34] Chủ điểm của họ là tăng cường tính cơ động và tốc độ phản ứng nên sẵn
lòng bỏ tiền mua những loại máy bay và tàu chiến. Năm 1995, Trung Quốc đã mua
của Liên Xô hai tàu ngầm và vẫn còn đặt mua thêm một số khác. Họ cũng hết sức
tìm cách có được hàng không mẫu hạm, không phải chỉ vì tính chất chiến thuật mà
coi đó như một biểu trưng của cường quốc trên biển cả. Hồi cuối thập niên 1980,
Trung Quốc đã tháo rời một mẫu hạm cũ của Úc bán theo hàng phế thải để học hỏi
và nay đang điều đình với hãng Bazan (là hãng Tây Ban Nha đã bán cho Thái Lan
một tiểu mẫu hạm hồi tháng giêng 1996). Thế nhưng Trung Quốc muốn tự mình chế
tạo hơn là lệ thuộc kỹ thuật vào nước ngoài.[35]
1. Lực lượng hải quân Trung Quốc tại biển Ðông
Biển đông đối với Trung Quốc là một khu vực quan trọng về mặt chiến lược. Quang
Minh Nhật Báo của tỉnh Quảng Ðông đã viết như sau:
Vì nằm giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương nên Nam Hải là một vùng chiến lược
thiết yếu. Nam Hải là cửa ngõ ra thế giới bên ngoài của lục địa và những đảo
ngoài khơi của Trung Quốc. Các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường
Sa của ta) nằm giữa thủy lộ nối liền Quảng Ðông, Manila và Singapore nên vị trí
địa lý lại càng cực kỳ quan trọng.[36] Việc chiếm cứ các hòn đảo xa xôi này nhằm
3 mục tiêu chính:
· Yểm trợ các công tác tình báo và thực hiện các dự phóng quân sự trên biển và
trên không đối với các khu vực lân cận.
· Kiểm soát và yểm trợ ngư nghiệp và các hoạt động gia tăng sản xuất lương thực,
khai thác biển cả và thềm lục địa để tìm kiếm khoáng sản và dầu hỏa.
· Sử dụng làm những căn cứ để liên lạc, quan sát khí tượng và báo cáo, tiếp cứu
trên không và trên biển, kiểm soát ô nhiễm
2. Thao tác
Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã chứng tỏ vai trò làm chủ biển
đông của họ bằng những lần thao diễn, một phần chuẩn bị cho việc chiến đấu trên
đại dương, mặt khác thị uy với những tiểu quốc. Năm 1980, một lực lượng bao gồm
18 chiến hạm đã thao diễn trên một khu vực 8,000 dặm biển tại Nam Thái Bình
Dương, trong đó thí nghiệm các loại hỏa tiễn liên lục địa mà họ mới chế tạọ Paul
Kennedy đã tự hỏi là phải chăng đây là lần thứ hai mà Trung Quốc biểu dương lực
lượng hải quân kể từ khi hạm đội của Trịnh Hòa diệu võ dương oai hồi thế kỷ thứ
15?[37] Hồi tháng 3 năm 1988, sau cuộc chiến tranh với Việt Nam tại Trường Sa
không lâu, tướng Trì Hạo Ðiền, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân, đã cùng một số
viên chức cao cấp của Trung Quốc đi quan sát các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
trong 8 ngày để đưa ra phương lược tại biển đông. Y ra lệnh cho hải quân Trung
Quốc tăng cường phòng thủ và giao trọng trách tiếp ứng cho tỉnh Hải Nam một khi
có biến.[38] Sau đây là một số diệu võ dương oai trong vài năm qua.
· 5.93 Sán Ðầu (Quảng Châu): tập trận giả đổ bộ.
· 7.93 Nam Hải: thao luyện phương pháp chống võ khí nguyên tử, tấn công chớp
nhoáng các mục tiêụ Có sự tham dự của các khu trục hạm và hộ tống hạm cùng chiến
hạm trang bị đầu đạn nguyên tử.
· 7.93 Ðông Hải: kế hoạch tác chiến 9320 gồm chiến hạm và khoái đĩnh mang đầu
đạn nguyên tử.
· 8.93 khu vực Du Lâm, Hải Nam: phối hợp không quân và hải quân trong kế hoạch
mang số 9308. Có sự tham dự của 21 chiến hạm và 5 hải thuyền.
· 7.95 phóng 6 hỏa tiễn cách Ðài Loan 85 dặm về hướng bắc.
· 11.95 tập trận đổ bộ trên một hòn đảo cách Ðài Loan 200 cây số.
· 2.96 thao dợt đại qui mô tại Phúc Kiến, ngang eo biển Ðài Loan.
3.96 phóng 4 hỏa tiễn tầm trung M-9 tại vùng biển Ðài Loan. Trung Quốc cũng thao
dợt trong ba ngày, sử dụng tổng cộng 10 chiến hạm và 10 phi cơ. Hoa Kỳ phải gửi
hàng không mẫu hạm Independence, tàu phóng hỏa tiễn Bunker Hill, Mc Clusky và
chiến hạm Hewitt tới tuần phòng ngăn ngừa Trung Quốc gây hấn.
6. Nhật bản sẽ trám vào chỗ hổng nếu Mỹ từ bỏ sự hiện diện ở khu vực này
Các phân tích gia đã nhận định rằng trong khi các quốc gia Tây phương nhất là
khối NATO và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang tìm đủ mọi cách tài giảm binh bị
để dồn nỗ lực vào kinh tế thì các quốc gia Á Châu, nhất là Trung Quốc vẫn cố
gắng gia tăng ngân sách quốc phòng. Trung Quốc cũng gia tăng việc bán võ khí cho
thế giới thứ ba, gây khó khăn cho Mẽo và các cường quốc trong nỗ lực kiểm soát
hỏa tiễn và kỹ thuật quân sự khác. Ðiều đáng nói là Mẽo chỉ có thể kiểm soát
được việc bán vũ khí cho Trung Quốc nhưng lại vô phương ngăn chặn việc họ tuôn
vũ khí bán ra ngoài.
Kể từ khi Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ, Việt Nam không còn có thể theo đuổi một
chính sách liên kết với đồng minh ở xa để đối phó với ...gần như trước nữa. Việt
Nam bị động và có gắng tìm cách thoát ra khỏi sự cô lập của thế giới bên ngoài
cũng như tìm những liên minh mới để thay thế vai trò của Liên Xô. Tuy nhiên, hai
bài học của thời kỳ hậu chiến khiến cho Việt Nam hết sức dè dặt trên mặt ngoại
giao:
Thứ nhất, họ ý thức được rằng Trung Quốc là một nước lớn ở ngay bên cạnh sườn.
Dù hoàn cảnh nào, việc gây hấn với phương bắc không phải là một chiến lược có
thể theo đuổi lâu dài. Vì thế, một chính sách mềm dẻo để bảo vệ chủ quyền có lợi
hơn là trực diện chống đối. Hơn thế nữa, trong suốt 40 qua, tuy có giai đoạn hai
bên công kích và xung đột kịch liệt, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc
rất nhiều, từ ý thức chính trị đến tổ chức cơ sở, nhất là hai quốc gia lại có
chung một mẫu số văn hóa trong lịch sử. Chính mô hình kinh tế mà họ đang theo
đuổi cũng gần giống với Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam cũng nhìn ra dù hình thức liên minh quân sự nào nều không được
hỗ trợ bởi kinh tế cũng không được bền lâu. Những tương quan quốc tế mới gắn
liền với những liên hệ kinh tế đa phương. Việt Nam vì thế đã đưa ra nhiều hình
thức để tìm đầu tư để lôi kéo các quốc gia tư bản, đặc biệt là Nhật Bản, Âu Châu
và nhất là Mẽo. Sự hiện diện của những công ty quốc tế đóng một vai trò quan
trọng không những trên mặt chính trị mà cả mặt an ninh khu vực. Việt Nam cũng
nhận ra được rằng họ phải đi tìm một hình thức độc lập hơn về quốc phòng, không
còn có thể đóng vai trò mũi nhọn của một phong trào nào, mà phải tìm một vị thế
chiến lược ổn định chung hơn là ngả hẳn về một siêu cường nào.
Từ sau thế chiến thứ hai tới nay, Mẽo vẫn là quốc gia đảm trách việc giữ gìn an
ninh trong vùng. Nếu như hạm đội số 7 rút ra khỏi Thái Bình Dương, việc chạy đua
võ trang trên mặt biển giữa Nhật Bản, Trung Quốc, và những quốc gia vùng Ðông Á
là điều không thể tránh khỏi. Tình trạng bất ổn sẽ phương hại nghiêm trọng đến
sự thịnh vượng chung của toàn vùng. Mẽo cũng còn là cán cân kinh tế và quốc gia
nào cũng muốn gia tăng mậu dịch và đầu tư với nước Mỹ. Dẫu rằng khuynh hướng
giao dịch giữa các quốc gia trong vùng gia tăng mãnh liệt trong vài năm qua
nhưng số lượng xuất cảng ra ngoài vẫn đóng một vai trò quan trọng. Sự có mặt của
Mẽo còn là một đối trọng cho ảnh hưởng của Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là quốc
gia viện trợ và đầu tư nhiều hơn cả. Nếu Mẽo thu lại, Nhật Bản bắt buộc phải tìm
cách trám vào chỗ trống mà Mỹ bỏ đi. Như thế, một không khí nghi kỵ sẽ nổi lên e
sợ Nhật Bản trở thành một siêu cường quân sự như thời thế chiến thứ hai.
Sau chiến tranh Việt Nam, các chính phủ Mẽo vẫn cố gắng không trực tiếp can
thiệp vào khu vực Ðông Nam Á. Ngay cả những công trình nghiên cứu qui mô về khu
vực này cũng bị lãng quên. Nhiều học giả ngạc nhiên khi thấy Mỹ gần như không
ảnh hưởng gì tới việc phát triển của khu vực này trong hai thập niên qua, ngay
cả việc chuyển biến từ một chính sách kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường
tại Việt Nam cũng không do sáng kiến của Mẽo. Thành thử, đối với nhiều chính
khách, việc Mẽo bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam hồi tháng 7 năm
1995 là quá sớm nhưng dưới nhãn quan chiến lược và kinh tế thì nhiều chuyên gia
lại coi là đã trễ.[54] Nhiều dấu hiện gần đây cho thấy Mẽo trở nên quan tâm đến
vùng châu Á Thái Bình Dương hơn châu Âu vì hiện nay vùng này đang phát triển
mạnh, sẽ trở thành khu vực nhập cảng hàng của Mỹ nhiều nhất trong thế kỷ kế
tiếp.[55] Việt Nam nay cũng được xếp hạng những quốc gia đang lên (big emerging
markets) và cũng sẽ là một khách hàng có tiềm năng đáng kể.[56] Thành thử, trên
cả quân sự lẫn kinh tế, nước Mỹ cảm thấy họ phải có thái độ tích cực hơn đối với
vùng Ðông Á, không những là một lực lượng bảo vệ hòa bình mà còn phải điều chỉnh
cán cân lực lượng cho tới khi nào các quốc gia này có đủ sức đối phó với sự bành
trướng của Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên Mẽo cũng không quên rằng họ vẫn là quốc gia
xuất cảng nhiều vũ khí hơn cả, trong cũng như sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và
thu nhập quốc phòng đóng một phần quan trọng trong sản lượng quốc gia.
Cho tới gần đây, người Mỹ vẫn nhìn Trung Quốc như một thị trường vĩ đại cần phải
ve vãn. Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt kinh tế, Trung Quốc có lợi thế nhiều hơn
trong bang giao giữa hai nước. Khiếm ngạch mậu dịch giữa Mẽo và Trung Quốc ngày
càng tăng và hiện nay hàng hóa của Tàu tràn ngập các cửa hàng bách hóa của Mỹ.
Chỉ nhìn thấy những vấn đề trước mắt, Mẽo đã không quan tâm tới hai điểm:
Thứ nhất, Trung Quốc thỏa hiệp với Mỹ hoàn toàn chỉ có tính chất giai đoạn. Dưới
mắt của nhân dân Trung Quốc, người Mỹ vẫn là dân tộc đáng ghét nhất, đầy xấu xa,
là một kẻ thù cần đề phòng. Hình ảnh chính trị và kinh tế mà người Tàu ngưỡng mộ
là Singapore vì đường lối độc tài ở đó phù hợp với lối giải thích của họ hơn nền
dân chủ kiểu Tây phương. Cái mơ ước trong tim của những người lãnh đạo Trung Nam
Hải là một ngày nào đó họ sẽ dạy cho Mỹ, Nga, Nhật một bài học để trả thù mối
nhục lịch sử với các dân tộc đó.[57]
Thứ hai, người Mỹ đã không đặt nặng vai trò của cộng đồng người Hoa ở khắp nơi.
Năm mươi lăm triệu người Tàu ở bên ngoài chính quốc sở hữu một tài sản ước tính
lên đến 2000 tỉ mỹ kim, kiểm soát một đế quốc vô hình quản trị bằng liên hệ thân
tộc ở khắp nơi trên thế giới.[58] Sức mạnh kinh tế của những tập thể đó không
những lũng đoạn được các chính quyền địa phương mà còn là một lực đẩy rất mạnh
đến những biến chuyển của lục địa. Vận động của Hoa Kiều trong biến cố Thiên An
Môn là một thí dụ điển hình. Chính vì thế, việc nâng cấp các tập thể Hoa nhân đó
không những phù hợp với chính sách ngoại giao cố hữu của Mẽo mà còn ít nhiều
điều khiển được những vệ tinh xoay quanh lục địa Trung Quốc, gây tác động theo
hướng thuận lợi nhất. Việc củng cố quan hệ với Ðài Loan, tái tạo uy tín với
Singapore cũng như yểm trợ cho khối ASEAN là một điều cần thiết trong lúc này
Phần cuối: Mọi "hải trình" đều đổ về Biển Đông
Có lẽ đến giờ này khi bàn đến thế chiến lược biển Ðông, chúng ta không còn
phải đặt trọng tâm vào việc phân định chủ quyền của những quần đảo ngoài khơi
nước ta. Lịch sử đã chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn làm chủ những hòn đảo đó từ thế
kỷ 19 trở về trước. Nếu xét về lý, chính hòn đảo Ðài Loan và quần đảo Bành Hồ
cũng chỉ thuộc về Trung Quốc trong vài chục năm nay. Hồi đầu thế kỷ này, chủ
quyền những vùng đất đó cũng chưa ai xác định. Những người lãnh đạo của đảng Dân
Tiến tại Ðài Loan vẫn tranh luận rằng việc Trung Quốc nhận chủ quyền trên hòn
đảo của họ cũng không khác gì người Hồng Mao nhận rằng nước Mỹ là lãnh thổ của
nước Anh.
Cho tới 1895, vào cuối cuộc chiến Trung Nhật, khi phải nhường đảo Ðài Loan cho
Nhật, những sứ thần nhà Thanh đã gọi đó là "hòn đảo của bọn hải khấu" và nhường
cho Nhật "toàn bộ và vô hạn định" cả đảo Ðài Loan lẫn quần đảo Bành Hồ. Tới hồi
đó, nhà Thanh vẫn cho rằng việc "thí" cho ngoại nhân một phần đất không có gì
quan trọng mà chỉ là "bỏ cái nhỏ để giữ cái lớn" như lời Kỳ Anh tâu lên vua Ðạo
Quang khi ký với Anh hòa ước Nam Kinh. Thanh đình cũng khẳng định là "Ðài Loan
không thuộc về lãnh thổ Trung Quốc" ý cho rằng đó chỉ là một phiên thuộc, dân
chúng mọi rợ không đáng được gọi là Hán nhân.[59] Nhân dân Ðài Loan nay coi cuộc
khởi nghĩa ngày mồng 1 tháng 6 năm 1895 chống lại Nhật Bản là hình thức tuyên bố
độc lập của "Cộng Hòa Formosa" vì họ đã không quan tâm đến quyết định của triều
đình ra lệnh bãi chiến. Chính Mao Trạch Ðông hồi còn tại Diên An cũng tán thành
việc Ðài Loan thu hồi độc lập. Năm 1936, Mao đã nói: Nhiệm vụ cấp bách trước mắt
của Trung Quốc là thu hồi lại những lãnh thổ đã bị chiếm đoạt. Trong số những
lãnh thổ đó, không tính đến Triều Tiên (đang thuộc Nhật) nhưng sẽ nhiệt thành
giúp đỡ để họ thu hồi độc lập. Và vấn đề Ðài Loan cũng giống như thế [60]. Việc
tiếp thu hòn đảo từ tay Nhật Bản sau thế chiến thứ hai cũng không khác gì việc
quân Tàu sang giải giới quân Nhật tại Bắc Việt năm 1945, và không thể vì thế mà
hủy bỏ quyền tự quyết của nhân dân Ðài Loan được.[61]
Vấn đề này không phải mới đặt ra gần đây mà ngay từ khi mới bị Quốc Dân Ðảng
chiếm đóng, nhân dân Ðài Loan đã biểu tình đòi độc lập và bị chính quyền Tưởng
Giới Thạch đàn áp dữ dội trong vụ thảm án ngày 28 tháng 2 năm 1947 mà lịch sử
gọi là "nhị nhị bát sự kiện"[62]
Do đó theo lịch sử, Trung Quốc rất ít liên hệ với các hòn đảo ngoài khơi. Ngay
cả chủ quyền của họ trên đảo Hải Nam cũng chỉ mới từ thời trung cổ. Thành ra
việc tuyên bố quyền sở hữu trên toàn thể biển đông đến tận Mã Lai và Indonesia
là chuyện hoàn toàn vô căn cứ. Những học giả nào tương đối vô tư một chút đều
công nhận như thế. Debra E. Soled nói rõ là việc xác nhận chủ quyền chính thức
thì Trung Quốc chỉ mới bắt đầu có từ hồi 1970, khi Nhân Dân Giải Phóng Quân bắt
đầu trắc địa và thăm dò quần đảo Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc không phải
nhằm xác định chủ quyền mà chỉ chứng tỏ họ đang theo đuổi chính sách bành trướng
(expansionism) và ngay cả chủ trương tân đế quốc (neo-imperialism)[63]
Một học giả Nhật là Giang Hộ Hùng Giới trong tác phẩm Sự sụp đổ của Trung Quốc
cũng viết:
Nếu xét theo mặt địa dư, công bình mà nói, quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) gần
Việt Nam hơn cả. Thứ đến mới tới Brunei, Mã Lai và Philippines, dù nói cách nào
cũng không thể nói là thuộc lãnh thổ Trung Quốc được.[64]
Tuy nhiên, giờ phút này, vấn đề chúng ta quan tâm không phải là lý mà là tình
hình thực tế tại khu vực Ðông Nam Á để nhận định về những biến chuyển sắp tới có
liên quan đến an ninh và vận mệnh dân tộc Việt Nam.
Thứ nhất, chủ trương bành trướng của Trung Quốc tuy có lắng xuống trong vòng 100
năm (từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20) nhưng thực ra chỉ vì họ suy yếu không
đủ sức thôn tính những quốc gia láng giềng. Thế nhưng từ sau khi nước Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Quốc được thành lập năm 1949 tới nay, Trung Quốc đã nhiều lần
tranh chấp với Liên Xô, Ấn Ðộ, Việt Nam, Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ. Riêng với
Việt Nam, ngoài việc lấn chiếm một số quận huyện dọc theo biên thùy phía Bắc của
nước ta, Trung Quốc còn chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần
đảo Trường Sa. Việc tái chiếm các phần đất này trở nên gay go hơn bao giờ hết vì
hiện nay Việt Nam chưa tạo được những liên minh vững chắc cũng như không đủ lực
lượng để “đối thoại” vớii Trung Quốc. Chính vì thế, ngoài việc phản kháng trên
phương diện ngoại giao và yêu cầu áp dụng các nguyên tắc quốc tế và điều đình,
Việt Nam chỉ còn cách củng cố lực lượng nơi những phần còn lại để tự vệ mà thôi.
Sự hiện diện của lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại Ðông Nam Á trở thành tối cần
thiết để cân bằng lực lượng, làm rào cản Trung Quốc đồng thời ngăn chặn việc
Nhật Bản tái võ trang và nhảy vào trám chỗ trống về quân sự.
Thứ hai, Việt Nam hiện đóng một vai trò quan trọng trong Hiệp Hội các quốc gia
Ðông Nam Á (ASEAN), làm lá chắn cho toàn vùng khỏi sự xâm lăng của Trung Quốc.
Ngay từ cuối thập niên 1970, Indonesia đã mong muốn Việt Nam có đủ tư cách để
đứng chung trong khối này.[65] Sau khi Hoa Kỳ từ bỏ các căn cứ ở Philippines,
nhiều quốc gia đã bằng lòng cho Mỹ mượn các hải cảng của mình để sử dụng. Vấn đề
an ninh chung đã trở nên quan trọng và các lãnh tụ khối ASEAN đã đưa lên bàn hội
nghị để tìm những liên minh quân sự ngõ hầu đối phó với các cuộc xâm lăng. Những
quốc gia trong vùng Ðông Nam Á không còn trông đợi ở "ô dù" của người Mỹ và đã
phải tự mình đảm trách nhiệm vụ bảo vệ lấy mình. Về phương diện địa dư, nằm ngay
trên trục lộ bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải đảm trách một vai trò
chủ yếu trong việc giữ gìn an ninh khu vực miễn là họ không chứng tỏ ý muốn thôn
tính một nước khác hay đóng vai trò tiền phong cho một chủ nghĩa nào. Chính vì
nhận thức được vai trò đó, Việt Nam đang tìm cách liên kết chặt chẽ hơn với các
quốc gia trong khối ASEAN, tìm kiếm sự giúp đỡ cũa Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản
để phát triển đồng thời hòa hoãn được với Trung Quốc.
Thứ ba, việc Trung Quốc tìm cách liên kết với Pakistan, Sri Lanka, Myanmar trong
vài năm qua đã gây nên sự ngờ vực từ phía Ấn Ðộ và Indonesia, e ngại Trung Quốc
đang tìm cách khống chế cả vùng Ấn Ðộ Dương. Theo báo chí, Trung Quốc đã bán
nhiều loại võ khí cho Pakistan và Myanmar và kỹ thuật nguyên tử cho Iran.[66] Rõ
ràng Trung Quốc không muốn đứng chung trong một phe phái nào mà muốn tự mình
lãnh đạo một khối riêng như thế tam phân thiên hạ mà Mao Trạch Ðông đã theo
đuổi. J. Mohan Malik đã nhận định rằng "trong trường kỳ thì Trung Quốc tin rằng
với sức mạnh quân sự và kinh tế họ sẽ chiếm chỗ của Hoa Kỳ, còn trong đoản kỳ
thì Trung Quốc tự cho mình vai trò lãnh đạo một khối thách đố vai trò chí tôn
của nước Mỹ.[67]" Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc không phải vì ý thức hệ mà vì
bản chất hiếu chiến của những người cầm quyền ở Trung Nam Hải, cộng thêm sách
lược tinh vi của chủ nghĩa .... Nếu quả thực như thế, vấn đề khống chế toàn vùng
Ðông Nam Á không những có lợi cho mặt kinh tế và quân sự mà đó chính là bước đầu
tiên tạo một khu vực ảnh hưởng để tranh thiên hạ với các siêu cường khác. Âu
Châu ngày nay đang tàn lụi, Mỹ Châu cũng đã qua thời kỳ vinh quang của họ và
Liên Xô hiện nay tập trung vào việc giải quyết những vấn đề nội bộ hơn là tiếp
tục chính sách bành trường thời thập niên 1960, 1970. Ðể sửa soạn cho thế đi lên
của mình, Trung Quốc không thể không chinh phục một số thuộc địa để bảo đảm cho
một thị trường căn bản.
Người ta biết rằng trong vòng vài mươi năm nữa, khi thị trường Bắc Mỹ không còn
quan trọng như hiện nay, bất cứ quốc gia nào lấy chủ trương xuất cảng để phát
triển đều phải bảo đảm được rằng hàng hóa của mình có chỗ tiêu thụ. Khối ASEAN
phải đứng chung lại với nhau dù còn nhiều bất đồng về chính kiến và chênh lệch
về mực độ phát triển. Thế nhưng nếu đứng riêng rẽ, họ sẽ bị bẻ gẫy từng nước một
như một bó đũa để rời.
Sự đứng chung đó đã tạo nên một vị trí mới. Trung Quốc đã bằng lòng giải quyết
vấn đề biển đông theo tinh thần quốc tế công pháp chứ không còn khăng khăng đòi
nói chuyện riêng với từng nước như trước nữa. Mặc dù Trung Quốc vẫn khẳng định
biển đông là hoàn toàn của họ nhưng họ đã đồng ý để khai thác chung, lấy lý do
tôn trọng hải đạo và an ninh trong vùng.[68] Lẽ dĩ nhiên, trong tình hình hiện
tại Trung Quốc chưa đủ sức đương đầu với mọi lực lượng trong vùng nhất là bên
cạnh còn có Mỹ và Nhật mà họ chưa đo lường được phản ứng ra sao. Ai cũng biết
rằng vấn đề chỉ tạm ổn trong một giai đoạn và cuộc chạy đua về kinh tế cũng như
quân sự không thể ngừng lại nơi đây. Trong giai đoạn này, Việt Nam không đủ sức
để đơn phương đòi lại phần lãnh thổ và lãnh hải bị mất. Liên minh hàng ngang với
các quốc gia Ðông Nam Á, với Ðài Loan, với Nhật Bản làm thế nương tựa là một
việc cần thiết để làm chậm bước tiến của Trung Quốc. Sự hiện diện của Hoa Kỳ,
nhu cầu phát triển địa bàn sản xuất và tìm kiếm nguyên liệu của Nhật Bản, sự có
mặt của hải quân Nga đều là những nút chặn khả dĩ tài giảm bước chân của người
không lồ phương bắc.
Lẽ dĩ nhiên, không một quốc gia nào - kể cả Mỹ - lại công khai đưa ra một thách
thức đối với Trung Quốc, nhưng thế chiến lược mới không phải chỉ là đắp đập be
bờ như 40 năm trước mà là tạo nên những thế ràng buộc chặt chẽ về kinh tế và
chính trị khiến không một quốc gia nào dám vọng động làm chuyện phiêu lưu. Trong
tình hình hiện tại, Việt Nam cũng như những quốc gia chung quanh cần ổn định
chính trị để phát triển kinh tế. Chính phát triển kinh tế sẽ đưa tới chuyển biến
chính trị một cách tương đối thuận lợi và ôn hòa. Có lẽ không lúc nào mà kế sách
giữ nước của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đáng cho chúng ta suy gẫm như hiện
nay. Nếu quả thực muốn bảo vệ bờ cõi, cái thế mà chính quyền phải hướng tới là
"tùy cơ ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể
đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ
bền gốc...". Thế nhưng, điều tiên quyết cho một phương thức đồng thuận là một
chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét