Thứ Ba, 29 tháng 4, 2008

Tình người

Đầu năm 1972 , từ chiến trường miền Nam ra, tôi được về an dưỡng tại Đoàn 70-QK4 . Mặc dù được nghỉ ngơi và bồi dưỡng rất tốt trong thời gian ba tháng nhưng sức khỏe của tôi vẫn không đủ tiêu chuẩn để quay lại chiến trường tiếp tục chiến đấu . Đang buồn bã và chán nản vô cùng thì tôi được ban chỉ huy gọi lên giao nhiệm vụ mới . Tôi vừa mừng vừa lo không biết mình sẽ được điều đi đâu và làm gì . Sau một hồi xác định tư tưởng , đại đội trưởng Ngự yêu cầu tôi xuống gặp tài vụ thanh toán để ra Cục Chính trị Quân khu 4 nhận nhiệm vụ mới . Ông ấy không hề nói cho tôi biết nhiệm vụ sắp đến của tôi là làm gì . Nhưng với tôi , được tiếp tục nhận nhiệm vụ là hạnh phúc lắm rồi . Sáng hôm sau , chúng tôi lên đường . Đoàn chúng tôi gồm có năm anh em . Anh Hoa quê ở Quảng bình là người lớn tuổi nhất được phân công làm trưởng đoàn . Còn lại bốn anh em chúng tôi đều sàn sàn tuổi nhau . Tất cả chúng tôi đều là thương binh từ chiến trường và an dưỡng cùng đơn vị nên rất dễ gần gũi và thân thiện . Sau ba ngày hành quân bộ men theo những vùng nông thôn dọc theo phía tây hai tỉnh Hà tĩnh - Nghệ an , chúng tôi đến Nghĩa đàn - một vùng nông trường bát ngát cam và cà phê . Ở đây , chúng tôi được phân công về các trại giam giữ , cải tạo tù hàng binh của quân đội Việt nam cộng hòa bị bắt tại mặt trận Khe sanh - Đường 9 - Nam Lào. Tôi , anh Hoa và Đông được điều về T373 , cách thị trấn Nghĩa đàn 5 cây số . Trại của chúng tôi đóng trong một khu rừng rậm cách xa khu dân cư . Đây là một khu rừng già có rất nhiều cây cổ thụ và nhiều loại thú rừng . Chúng tôi muốn ra khỏi đơn vị phải băng qua một con suối có tên là Khe Ang . Tôi về đây đúng vào mùa khô nên Khe Ang nước không nhiều . Nước ở đây lúc nào cũng trong suốt và mát lạnh . Ở một vài khúc suối , nước chỉ lội đến đầu gối . Khe Ang là nguồn cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho cả trại chúng tôi . Nhưng nó cũng là một trở ngại rất lớn trong việc đi lại của bộ đội và tù hàng binh mỗi khi có việc phải ra khỏi doanh trại .. Tù binh mà chúng tôi canh giữ chủ yếu là lính thuộc Trung đoàn 57 do đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy và một số hàng binh thuộc Trung đoàn 56 của trung tá Phạm Văn Đính bị bắt tại mặt trận Đường 9 - Nam Lào . Mặc dù đã được quán triệt về chính sách tù binh của Nhà nước nhưng tôi đặc biệt có ác cảm với số tù binh thuộc Trung đoàn 57 của đại tá Thọ .Vì Trung đoàn 57 là Trung đoàn cứng cổ nhất . Khi quân Giải phóng tấn công vào tận sào huyệt và bắt sống đại tá Thọ thì lúc đó cả Trung đoàn mới chịu bỏ vũ khí đầu hàng . Mỗi lần tiếp xúc với tù binh để tìm hiểu lai lịch trích ngang , tôi thường hoạnh họe và gắt gỏng vô cớ . Biết như thế là hách dịch và thiếu tôn trọng tù hàng binh nhưng tôi không thể bỏ được tật xấu đó . Vì Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt nên cam , cà phê của các nông trường ở miền Tây Nghệ an không thể xuất khẩu được . Cả một rừng cam mênh mông bát ngát , cây nào cũng trĩu quả vàng tươi . Cà phê cũng bạt ngàn vô tận ành nào cành nấy quả ken dày như những chuỗi cườm đá đỏ . Hàng ngày chúng tôi phải dẫn tù binh đi giúp các nông trường thu hoạch và làm sạch cỏ cho gốc cà phê và cam giúp họ. Cam Nghĩa đàn mà người ta quen gọi là cam Vinh ngon nổi tiếng từ lâu . Tù binh của chúng tôi đi thu hoạch cam và thưởng thức cam một tháng mà người nào cũng tăng từ năm đến bảy cân . Thời gian đầu họ còn bóc vỏ để ăn . Nhưng về sau muốn ăn họ chọn gốc cam nào không có hạt , quả phải mọng nước và ngọt . Họ không cần bóc vỏ mà chỉ cần cắt đôi quả cam rồi há miệng vắt lấy nước uống . Một lần đi ngang qua nhóm của thiếu úy Kiệt - lính của đại tá Thọ , tôi bắt gặp anh ta đang ngửa cổ , há miệng và đang vắt những quả cam to vào một cái phễu bằng lá cam để nước cam chảy vào cổ nuốt ừng ực . Sẵn mặc cảm từ lâu và không kìm nổi bực tức , tôi hét lên : - Anh Kiệt đứng nghiêm ! Kiệt giật mình đứng nghiêm và ho sặc sụa vì sặc nước cam .Mặt anh ta tái nhợt trông thật thảm hại . Như để thể hiện vẻ oai phong của mình và để dằn mặt những người khác , tôi ra lệnh cho Kiệt phải ăn bằng hết đống vỏ cam đã vắt hết nước mà nhóm Kiệt đã bỏ ra trong ngày hôm đó . Kiệt năn nỉ xin tôi tha tội nhưng tôi kiên quyết bắt phải ăn hết . Không còn cách gì khác , Kiệt phải nhai ngấu nghiến đống vỏ cam vứt ngổn ngang giữa lô cam vừa làm sạch cỏ . Nhìn anh ta nhai như bò nhai rơm và nghển cổ ra để nuốt cái đống vỏ cam hết nước kia tôi cảm thấy thõa mãn lắm . Tối hôm ấy , Kiệt không ăn cơm mà lẳng lặng đi nằm sớm . Sáng hôm sau , mặt Kiệt hốc hác như người vừa ốm dậy . Có lẽ cả đêm qua , anh ta không ngủ chút nào . Sáng ra , Kiệt không được đi hái cam nữa mà cùng với hai người nữa đi gánh thực phẩm về cho bếp ăn . Tôi lại được phân công đưa tổ của Kiệt đi nhận thực phẩm . Bộ đội cùng đi với tôi là An - nhân viên tiếp phẩm của trại . Chúng tôi phải đi hàng chục cây số đường rừng mới đến được bản của người dân tộc để mua rau quả , thực phẩm . Khi chuẩn bị lội qua Khe Ang để sang bên kia , tôi lại nhớ đến cái tội của Kiệt hôm qua và nghĩ cách trị tội tiếp . Thế là thay vì cởi tất và giày để lội qua khe nước lạnh cóng , tôi bắt Kiệt ghé lưng cõng tôi qua suối .Kiệt không hề phản ứng mà ngoan ngoãn ngồi xuống để tôi ngồi lên lưng . Trưa đến , chúng tôi phải nấu cơm nhờ một gia đình người dân tộc để ăn . Người dân ở đây rất quý bộ đội nhưng lại rất ghét tù binh . Họ bảo rằng vì bọn lính ngụy nên con cái họ phải vào Nam chiến đấu và hy sinh nhiều lắm . Cho nên trong vườn có cây rau , nải chuối hay quả đu đủ họ sẵn sàng cho bộ đội mang về dùng và không chịu nhận tiền. Bữa cơm của chúng tôi được dọn ra . Thức ăn chủ yếu là chuối xanh nấu canh với muối nêm chút mì chính và rau cải luộc chấm muối . Ba tù binh lại còn mang theo ống tre đựng muối sống dầm ớt chỉ thiên mọc hoang mà họ chế biến để làm thức ăn thêm ở trại . Tôi và An nhìn mâm cơm chán ngán không muốn ăn . Ông chủ nhà gọi An ra và bảo : - Nhà mình nuôi nhiều gà lắm nhưng thả lung tung trong rẫy không bắt được . Bộ đội có cách gì bắt được thì bắt một con mà làm thịt . Mình tặng bộ đội đó . An quay sang hỏi tôi có cách gì không ? Tôi bảo An cứ để tôi lo . Tôi là một xạ thủ của đơn vị cũ ở chiến trường nên việc hạ sát một con gà là việc quá dễ đối với tôi . Với lại tôi cũng muốn ra oai để bọn tù binh biết tài bắn súng của một chiến sĩ trẻ trong Quân đội nhân dân Việt nam . Tôi xách khẩu AK báng gấp ra , chọn con gà mái tơ to nhất ngắm bắn . Tiếng súng nổ , con gà cách chỗ tôi ngồi khoảng 25 mét vỗ cánh đành đạch và kêu quang quác . Kiệt chạy lại vồ lấy con gà và tấm tắc : bộ đội giỏi quá , con gà chỉ gãy đúng 2 chân thôi. Con gà được làm thịt và luộc ra trông thật hấp dẫn . Chủ nhà không ăn thịt gà mà chỉ dành cho chúng tôi . Tôi và An ngồi ở phòng khách chén gọn con gà luộc trong khi để mặc Kiệt và hai tù binh kia với mâm cơm canh , rau , muối ớt . Bọn họ ngồi ăn một cách ngon lành . Lúc đầu tôi còn ăn uống dè dặt và cảm thấy mình quá nhỏ nhoi và bủn xỉn . Nhưng nghĩ lại câu chuyện hôm qua của Kiệt và cho rằng bọn họ là tù binh của mình nên tôi ăn một cách ngon lành như không có việc gì xẩy ra . Tháng 10 năm đó , chúng tôi được lệnh đưa tất cả những tù hàng binh trong trại vào thành phố Vinh để tận mắt xem những cầu , cống , bến phà , nhà máy ,trường học và làng mạc đã bị bom Mỹ đánh phá . Họ còn được chúng tôi đưa về thăm quê Bác Hồ ở Nam đàn để chứng kiến cuộc sống giản dị và thanh cao của một vị lãnh tụ mà cả thế giới kính trọng . Chính trong ngôi nhà nhỏ nhắn đơn sơ này tôi nhìn thấy dòng chữ trích lời Bác được viết bằng sơn màu vàng trên nền đỏ tươi : "Đất nước Việt nam là một , dân tộc Việt nam là một . Sông có thể cạn , núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi " . Tự nhiên tôi cảm thấy mình quá ư nhỏ bé và tầm thường . Tôi không xứng đáng để bước vào ngôi nhà thiêng liêng này . Nhớ lại cách đối xử với tù binh trong thời gian qua , tôi đã hoàn toàn đi ngược lại lời dạy của Bác . Tháng ba năm 1973 , tôi có được vinh dự cùng đơn vị đưa tất cả tù binh ở các trại vào sông Thạch hãn - Quảng trị để trao trả theo hiệp định Pa ri đã ký kết . Từ Nghĩa đàn , những đoàn xe của chúng tôi nối đuôi nhau rrầm rập vào nam mù mịt bụi đường đất đỏ . Bộ đội và tù binh ngồi chung xe với nhau . Lòng ai cũng bồi hồi rạo rực xen lẫn sự quyến luyến lạ thường . Vào đến địa điểm tập kết , tất cả chúng tôi sống trong những mái nhà bạt dựng trên bãi cát nóng hầm hập . Ngày nào cũng vậy , bộ đội và tù binh đều chung nhau ăn cơm với bí đỏ , chuối xanh xào . Chúng tôi lại đùa với nhau là thèm món ớt chỉ thiên dầm muối sống. Ngày trao trả bắt đầu , những người bị thương hoặc đau yếu được trao trả đợt đầu . Sau đó mới đến những tù binh khỏe mạnh . Kiệt được xếp danh sách trao trả ngày tiếp theo . Khi đọc đến tên và xếp hàng trao trả , tôi đã ôm chặt lấy Kiệt và thành thật xin lỗi về sự đối xử thiếu tình người của mình trong những ngày qua . Và thật bất ngờ khi đọc tên để phía bên kia tiếp nhận , tất cả 20 người đứng trong hàng đều ngồi cả xuống và đề nghị được ở lại với Cách mạnh mà không chịu về lại bên kia . Mặc dù vệ binh của phía bên kia cầm tay giả vờ dìu đứng lên nhưng thực ra để khống chế anh em lên ca nô để qua sông về với Quốc gia nhưng anh em nhất quyết ở lại . Trước sự chứng kiến của Ủy ban quân sự bốn bên , cuối cùng phía bên kia phải chấp nhận quyền ở lại của anh em . Từ tấm gương của Kiệt và số anh em này mà các đợt trao trả tiếp theo anh em tù hàng binh tự nguyện ở lại với Cách mạng đông vô kể . Họ bảo rằng : nếu quay về bên kia , nhất định họ lại phải cầm súng chống lại nhân dân mình . Và như vậy họ lại có tội với nước , với dân . Họ cám ơn chúng tôi vì chúng tôi đã sinh ra họ lần thứ hai . Ba mươi lăm năm trôi qua , chiến tranh đã lùi vào quá khứ , nhưng mỗi khi nhớ lại sự đối xử của mình với Kiệt và anh em tù binh , tôi cảm thấy thật hổ thẹn với lương tâm vì tôi sống thiếu tình người . Từ đó đến nay tôi cảm thấy ân hận vô cùng . Tôi đã cố gắng tìm gặp lại Kiệt hoặc một ai đó trong số những tù binh đã bị tôi dối xử bất công để nói lời xin lỗi nhưng không sao tìm được . Bài học sống phải có tình người luôn hiển hiện trong tôi . Tôi mãi mãi không bao giờ quên lời dạy của Bác Hồ "Nước Việt nam là một , dân tộc Việt nam là một . Sông có thể cạn , núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi ".

Không có nhận xét nào: