Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2008

Hoàng Sa

Trên bản đồ hàng hải, quần đảo Hoàng Sa là một chuỗi gồm trên 100 đảo nhỏ nằm ngoài khơi Việt Nam, giữa kinh tuyến 111 độ - 113 độ Đông và vĩ tuyến 15 độ 45 - 17 độ 05 Bắc. Nói khác đi, quần đảo này cách bờ biển Đà Nẵng chừng 170 hải lý (khoảng 300 cây số) về hướng Đông và có khoảng cách đều từ 400 hải lý đến 500 hải lý (720 cây số đến 900 cây số) đối với các hải cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Hương Cảng và Manila. Theo truyền thuyết, toán thám sát dưới triều vua Gia Long báo cáo quần đảo này có nhiều bãi cát vàng, vì vậy nên được đặt tên là Hoàng Sa.

3. ÐỊA THẾ

Trên các hải đồ quốc tế, quần đảo Hoàng Sa được gọi là Paracel Islands hay Paracels. Có người cho rằng tên Paracel bắt nguồn từ chữ Bồ Đào Nha "Paracel" có nghĩa là "đá ngầm". Giả thuyết này nghe cũng khá hợp lý vì mấy thế kỷ trước đây, dân Bồ Đào Nha (Portugal) và Tây Ban Nha (Spain) có rất nhiều hải thuyền nổi tiếng chu du thám hiểm vòng quanh thế giới. Đi tới đâu, họ dùng ngôn ngữ của nước mình để đặt tên cho những vùng biển hay đất lạ chưa được ghi chép trên bản đồ. Hơn nữa, các đảo trong vùng Hoàng Sa thường rất thấp, chỉ cao chừng vài ba thước trên mặt biển nên trông như những bãi đá ngầm khi thủy triều lên. Giả thuyết thứ hai cho rằng "Paracel" là tên một thương thuyền thuộc công ty Đông Ấn của người Anh bị mắc cạn và chìm tại vùng Hoàng Sa vào khoảng thế kỷ thứ 16. Chúng tôi thiết nghĩ giả thuyết thứ hai này có vẻ hữu lý hơn, vì trong quần đảo Hoàng Sa còn có nhóm đảo Amphitrite lấy tên của một tàu Pháp gặp nạn tại Hoàng Sa khi vượt biển buôn bán với Trung Hoa vào thế kỷ thứ 17.

Theo các bản đồ cổ của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa mang tên bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng vì cát tại đây thường có màu vàng, nhất là tại đảo Quang Hòa. Người Trung Hoa gọi vùng Hoàng Sa là Hsisha hay Xisha Quandao tức là Tây Sa quần đảo.

Quần đảo Hoàng Sa gồm có rất nhiều đảo lớn, đảo nhỏ, cồn cát, bãi cát, đá ngầm v.v... nên rất khó xác định tổng cộng có bao nhiêu "đơn vị". Đảo cao nhất là Rocky Island nhô cao khỏi mặt nước chừng 20 thước. Sách cổ Việt Nam cho biết có cả thảy chừng 130 đảo, cồn, bãi v.v... Tuy nhiên, trên các hải đồ quốc tế chúng ta thấy chỉ ghi nhận vài ba chục đảo lớn. Tưởng cũng cần nói thêm, ngoài các đảo, cồn và đá nổi cao khỏi mặt nước, vùng Hoàng Sa còn có hai bãi ngầm (Bank hay Shoal) rất lớn luôn luôn chìm dưới mực nước biển, đó là Macclesfield và Scarborough Shoal nằm về hướng Đông. Những bãi ngầm hay vùng nước cạn giữa biển này rất nguy hiểm cho các tàu bè qua lại vì khi thời tiết tốt, mặt biển trông rất phẳng lặng bình yên không có dấu hiệu de dọa nào, chỉ khi trời nổi sóng gió mới thấy những lượng sóng bạc đầu trên các vùng bãi hay đá ngầm.

Nếu chỉ kể riêng những đảo (đá, đất, bãi cát, cồn ... cao hơn mặt biển), quần đảo Hoàng Sa được các nhà hàng hải chia thành hai nhóm chính: đó là nhóm Trăng Khuyết và nhóm An Vĩnh.

A. Nhóm Trăng Khuyết (Crescent Group - xem bản đồ quần đảo Hoàng Sa)

Những đảo thuộc nhóm này kết hợp lại thành một hình cánh cung hay lưỡi liềm nên được đặt tên là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm, tên quốc tế là Crescent hay Croissant. Đây là nhóm đảo quan trọng nhất nằm về phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, tức là gần với đất liền Việt Nam nhất. Nhóm này gồm 7 hòn đảo chính và một số bãi ngầm.

1. Đảo Hoàng Sa (Pattle Island)

Đây là hòn đảo chính của quần đảo, nhưng lại không phải là đảo lớn nhất. Đảo này hình bầu dục, chiều dài khoảng 950 thước, rộng khoảng 650 thước. Các cơ sở quân sự, đài khí tượng, hải đăng, cầu tàu ... được đặt trên hòn đảo này. Những cơ sở nói trên đa số được thiết lập từ thời Pháp, đều thuộc quyền sở hữu của chính quyền Sài Gòn. Ngoài ra còn có các kiến trúc khác như Miếu Bà, Nhà Thờ, bia chủ quyền Việt Nam và đường xe goòng dẫn ra cầu tàu để chuyển vận phân bón. Vì là đảo chính có nhiều cơ sở hành chánh nên được dùng làm tên chung cho cả quần đảo.

Đảo Hoàng Sa đủ lớn để thiết lập một phi đạo ngắn tầm. Vào đầu năm 1974, chính quyền Sài Gòn dự trù xây cất một phi trường tại đây nhưng khi toán công binh thám sát được tàu Hải Quân chở ra tới nơi thì đảo bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Dưới thời chính quyền Sài Gòn, có một trung đội Địa Phương Quân thuộc chi khu Hòa Vang thuộc tiểu khu Quảng Nam đồn trú thường trực.

2. Đảo Cam Tuyền (hay Hữu Nhật - Robert Island)

Đảo mang tên một xuất đội dưới triều nhà Nguyễn tên thật là Nguyễn Hữu Nhật. Diện tích đảo này chừng 0.32 cây số vuông, nằm cách đảo Hoàng Sa chừng 3 hải lý về hướng Nam. Đảo có một vòng san hô bao chung quanh, có chỗ ăn liền tới bờ đảo.

3. Đảo Duy Mộng (Drummond Island)

Hình bầu dục, cao chừng 4 thước trên mặt biển, diện tích chừng 0.41 cây số vuông. Nước tương đối sâu, tàu lớn có thể vào sát bờ chỉ cách vài ba trăm thước. Trước trận hải chiến tại Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, đa số các chiến hạm Trung Quốc tập trung quanh đảo này.

4. Đảo Quang Ảnh (hay Vĩnh Lạc - Money Island)

Quang Ảnh là tên một vị đội trưởng dưới triều Nguyễn tên thật là Phạm Quang Ảnh. Vào thời vua Gia Long, vị đội trưởng này thường đem hải thuyền ra Hoàng Sa để thu lượm hải vật. Đảo cao chừng 6 thước, diện tích gần nửa cây số vuông. Chung quanh đảo có nhiều đá ngầm và san hô rất nguy hiểm cho tàu bè.

5. Đảo Quang Hòa (Duncan Island)

Là hòn đảo lớn nhất trong nhóm Trăng Khuyết với diện tích chừng nửa cây số vuông. Quanh đảo là bãi cát mầu vàng, có lẽ vì vậy mà cả quần đảo mang tên Hoàng Sa, bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có nhiều đảo nhỏ nối liền với nhau bằng giải cát chìm ngầm dưới biển khi nước lớn nên có một số hải đồ chia đảo này thành hai đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây. Chung quanh đảo có vòng san hô bao bọc.

Trong trận hải chiến giữa HQ/chính quyền Sài Gòn và Trung Quốc, chiến hạm đôi bên đã đụng độ tại mặt Tây của đảo này, chỉ cách mấy hải lý.

6. Đảo Bạch Quỷ (Passu Island)

Đảo cấu tạo bằng san hô, rất thấp, chỉ nhú lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống. Đảo rất trơ trọi khiến người khó có thể sinh sống.

7. Đảo Tri Tôn (Triton Island)

Gần với đất liền Việt Nam nhất. Đảo trơ trọi toàn đá và san hô chết.

8. Các Bãi Ngầm

Ngoài các đảo chính nêu trên trong vùng biển thuộc nhóm Trăng Khuyết còn có một số bãi ngầm đáng kể và rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại sau đây:

- Bãi Antelope Reef: gồm toàn san hô ngầm, nằm về phía Nam đảo Hữu Nhật và phía Đông đảo Quang Ảnh.

- Bãi Vuladdore: nằm về hướng Đông Nam của nhóm Trăng Khuyết, các chừng 20 hải lý.

- Bãi Discovery Reef: là bãi ngầm lớn nhất. Đây là một vòng rộng toàn san hô, chiều dài chừng 15 hải lý và rng chừng 5 hải lý.


B. Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group)

Nằm về hướng Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. An Vĩnh nguyên là tên của một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi thời trước. Sách Đại Nam Thực Lục Tiên Biên chép về xã này như sau: "Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát kéo dài tới không biết mấy ngàn dậm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa Châu ... Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn có đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, ba đêm thì tới nơi ... "

Nhóm An Vĩnh còn có tên là Amphitrite hay Tuyên Đức, gồm nhiều đảo tương đối lớn và cao. Sau đây là một số đảo chính:

- Đảo Phú Lâm.

- Đảo Cây, còn gọi là đảo Cù Mộc.

- Đảo Lincoln.

- Đảo Trung.

- Đảo Bắc.

- Đảo Nam.

- Đảo Tây.

- Đảo Hòn Đá.

Hải đảo quan trọng nhất trong nhóm An Vĩnh là đảo Phú Lâm, còn gọi là Woody Island nằm cạnh đảo Hòn Đá nhưng diện tích lớn hơn nhiều.

Trước đệ nhị thế chiến, ngưới Pháp tại Đông Dương đã khai thác những đảo thuộc nhóm An Vĩnh. Họ cũng thiết lập tại đây một đài khí tượng giống như trên đảo Hoàng Sa. Sau thế chiến thứ hai, người Pháp tại Ðông Dương phái chiến hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm lại các đảo tại vùng Hoàng Sa từ tay người Nhật vào tháng 6 năm 1946. Nhưng sau đó vì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Pháp phải rút quân về đất liền. Lợi dụng cơ hội Hoàng Sa bị bỏ trống, Trung Hoa lấy cớ giải giới quân Nhật đã lén đổ quân lên đảo Phú Lâm rồi chiếm đóng đảo này. Ngoài ra, họ cũng tiến xa hơn về phía Nam, chiếm luôn đảo Thái Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vào ngày 13 tháng 1 năm 1947, người Pháp tại Đông Dương chính thức phản kháng hành động chiếm đóng các hải đảo bất hợp pháp của Trung Hoa và phái chiến hạm Le Tonkinois ra Hoàng Sa. Thấy đảo Phú Lâm đã bị chiếm đóng và phòng thủ kỹ lưỡng, chiến hạm này quay về đảo Hoàng Sa (Pattle Island) để đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam lên giữ đảo. Khi Trung Hoa Dân Quốc phải bỏ Hoa Lục chạy sang Đài Loan, họ cũng rút quân ở đảo Phú Lâm và Thái Bình về. Mãi tới 7 năm sau khi làm chủ được lục dịa, Trung Quốc mới cho quân chiếm đóng Đảo Phú Lâm vào đêm 20 rạng ngày 21 tháng 2 năm 1956.

Trong nhóm An Vĩnh, ngoài Phú Lâm còn có một hòn đảo quan trọng khác, đó là đảo Lincoln, nằm về phía Đông của nhóm. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa với diện tích chừng 1.6 cây số vuông hay tương đương 400 acres, bề cao chừng 3 - 4 thước.

Hiện nay, dự đoán có chừng 4,000 quân Trung Quốc chiếm đóng trên các đảo tại vùng Hoàng Sa.

4. CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TẠI QUẦN ÐẢO HOÀNG SA

Vào thế kỷ thứ 18, bộ sách "Phủ Biên Tạp Lục" của ông Lê Quí Đôn đã đề cập tới Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách này cũng kể việc người Việt Nam đã khai thác hai quần đảo này ngay từ thời Lê mạt. Các tài liệu khác nói về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa là bộ "Hoàng Việt Địa Dư Chí" được ấn hành vào năm Minh Mạng thứ 16 tức là năm 1834 và cuốn "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" của Phan Huy Chú (1782 - 1840).

Hơn nữa, bộ "Đại Nam Nhất Thống Chí" trong cuốn nói về tỉnh Quảng Ngãi có kể việc Chúa Nguyễn cho thành lập đội Hoàng Sa gồm 70 người cứ mỗi năm vào tháng 3 thì ra đảo thu lượm hải vật rồi trở về vào tháng 8. Vào năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua cũng sai quan quân dùng thuyền chở gạch đá ra dựng một ngôi chùa và bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa có khắc hàng chữ nôm "Minh Mạng năm thứ 16".

Ngoài các sử gia bản xứ, một số các tác giả người Pháp cũng nói tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Vào năm 1836 Đức giám mục Taberd đã viết trong cuốn sách "Địa dư, lịch sử và mô tả mọi dân tộc cùng với tôn giáo và phong tục của họ" (Universe, histoire et description de tous les peuples, de leurs religion et coutumes) như sau:

"Tôi không kể dài dòng vềnhững đảo thuộc Nam Kỳ, nhưng chỉ nhận xét rằng từ 34 năm nay, người Nam Kỳ đã chiếm cứ nhóm quần đảo Paracels mà người An Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, thực là những hòn đảo nhỏ bí hiểm, gồm những mỏm đá xen lẫn với các bãi cát mà những người đi biển đều kinh hãi. Tôi không rõ họ có thiết lập cơ sở gì ở đó không, nhưng chắc chắn rằng Hoàng Đế Gia Long nhất định muốn mở rộng lãnh thổ của Hoàng Triều bằng cách chiếm quần đảo này, và vào năm 1816, ngài đã long trọng trương lá cờ tại đây".

Trong tác phẩm "Hồi ký về Đông Dương", ông Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi rằng vua Gia Long đã chính thức thu nhận quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816.

Khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Đông Dương, họ cũng tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa. Vào các năm 1895 và 1896, có hai chiếc thương thuyền tên Bellona và Iruezi Maru chở đồng cho người Anh bị đắm tại nhóm đảo Tuyên Đức và bị người Trung Hoa đến đánh cướp. Đại diện người Anh tại Bắc Kinh đòi nhà Thanh phải bồi thường vì có một số đồng được đem về bán tại đảo Hải Nam. Nhưng chính quyền nhà Thanh không chịu bồi thường, viện cớ quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Hoa.

Các quốc gia trong vùng Đông Nam Á cũng mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Vào đầu thế kỷ 20, một công ty Nhật tên Motsli Bussan Kaisha đã đệ đơn xin chính quyền Pháp tại Đông Dương cấp quyền đặc nhượng khai thác phosphate tại đây. Năm 1925, tàu Lanessan chở phái đoàn nghiên cứu của Hải Học Viện Nha Trang ra thám sát quần đảo Hoàng Sa. Phái đoàn này xác nhận Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam vì dính liền với thềm lục địa Việt Nam.

Tại hội nghị San Francisco vào ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Việt Nam cũng đã lên tiếng xác nhận chủ quyền Việt Nam tại các hải đảo thuộc Biển Đông. Ông tuyên bố trước hội nghị: "Chúng ta cần phải lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt mầm mống chiến tranh, vì vậy chúng tôi xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay vẫn luôn luôn là những thành phần của lãnh thổ Việt Nam". Trong tổng số 51 quốc gia tham dự, không một quốc gia nào - kể cả Trung Hoa - lên tiếng phản đối nên lời tuyên bố này đã được ghi vào biên bản của hội nghị.

Dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam đã thiết lập những cơ sờ hành chánh tại Hoàng Sa qua nghị định số 156-SC ngày 15-6-1932 của Toàn Quyền Đông Dương. Trong đạo dụ số 10 ký ngày 30-3-1938, Hoàng Đế Bảo Đại sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên.

Ngày 5-5-1938, Toàn Quyền Đông Dương thiết lập hai đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa. Đó làđơn vị Trăng Khuyết và phụ cận (délégation du Croissant et dépendences) và đơn vị Tuyên Đức và phụ cận (délégation de l'Amphitrite et dépendences).

Ngày 13-7-1961 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 175-NV đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam thay vì tỉnh Thừa Thiên và đặt tên là xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang.

Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nghị định số 709-BNV-HC ngày 21-10-1969 của Thủ Tướng Chính Phủ đã sát nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Không có nhận xét nào: