Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

Ký ức Hoàng Sa

Mới rồi, tôi đến Đài thiên văn Phủ Liễn (Kiến An, Hải Phòng), được gặp ông Đậu - một cán bộ khí tượng thuỷ văn kỳ cựu. Trong lúc trò chuyện, ông cho tôi biết hiện còn một người, có lẽ là duy nhất ở nước ta sống đến ngày nay, từng làm việc trên quần đảo Hoàng Sa (tên gọi khác là Paracels). Đó là cụ Nguyễn Đình Dư, sinh năm 1916, quê ở Nghi Hoà, Nghi Lộc, Nghệ An. Giờ muốn tìm cụ, cần qua người cháu ruột là ông Nguyễn Đình Miên - Thanh tra của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn.

Trở về Hà Nội, tôi lòng vòng đi tìm ông Miên ngay. May mắn là khi đến nhà, ông Miên cũng vừa đón cụ Dư là chú ruột từ nhà người con gái cả về chơi. Cụ Dư tóc bạc phơ cắt ngắn, da đỏ au, đôi mắt tinh anh, đang ngồi trên giường, buông thõng một chân. Tôi ngại cụ lẫn, nói nhỏ với ông Miên, muốn ông ngồi bên để làm rõ thêm câu chuyện. Ông cười bảo, trí nhớ cụ rất tốt, khỏi cần. Cụ cứ rì rầm kể, giọng xứ Nghệ nhỏ nhẹ, có lúc còn cao hứng đọc một lèo hết cả bài thơ dài mấy chục câu do cụ sáng tác từ hồi công tác ở Nha Khí tượng, mà chẳng thiếu, chẳng nhịu từ nào ...

Giáp mặt với chúa đảo

... Năm 1936, tôi đậu Prime Trường Cao Xuân Dục, Vinh, bỏ nhà vào Nam kiếm sống. Mãi đến 1939 mới xin được chân thư ký công nhật ở Sở Thuỷ nông Sài Gòn. Một hôm có ông Nguyễn Xiển là kỹ sư khoa học bên Sở Khí tượng sang xin số liệu. Chúng tôi có quen biết nhau từ trước, do ông là bạn học với người con bà cô tôi bên Pháp. Ông Xiển thấy tôi nói tiếng Pháp lưu loát, liền bảo bên sở của ông đang thiếu người, sang đấy mà xin việc.

Từ năm 1937, Pháp đã xây trên quần đảo Paracels một trạm quan trắc, nằm trong mạng lưới khí tượng toàn Đông Dương. Đang tuổi đôi mươi muốn bay nhảy, biết ngoài ấy cần người, thế là tôi học thêm vài tháng nghề quan trắc thời tiết. Vào đầu năm 1941, tôi được lệnh lên đường. Anh Cáp là bạn thân cùng quê, đang trong Tổ chức Hướng đạo sinh Sài Gòn, tính tình sôi nổi cũng thích sóng gió đại dương, xin được cùng đi với tôi. Từ Sài Gòn ra Tourane (tên gọi ngày ấy của thành phố Đà Nẵng), rồi con tàu nhỏ rẽ sóng ra khơi, sau một ngày đêm, chúng tôi đã cặp đảo Patle thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 30 đảo san hô lớn nhỏ, có đảo chỉ nổi lên khi thuỷ triều cạn ròng. Có 3 đảo lớn Patle, Robert và Boisee là có người ở. Dân đất liền ra đây làm việc theo thời hạn, cứ mỗi tháng lại có tàu ra tiếp tế lương thực, thực phẩm. Tàu chúng tôi cặp vào mạn một cầu tàu đang xây dở trên đảo Patle. Đảo Patle hình trái trứng, đường kính lớn nhất khoảng 700 mét và cao hơn mặt biển lúc lặng sóng là 6 mét. Cư dân trên đảo thời tôi ở gồm 30 lính khố xanh, 30 phu tạp dịch, 1 nhân viên phát tín hiệu vô tuyến, 1 nhân viên khí tượng và 1 phiên dịch. Năm ấy, tôi ra thay người phụ trách khí tượng tên là Trần. Anh này lúc đi đã mang theo một phụ nữ trẻ, nhưng đành phải cho "bồ" về trước, vì trên đảo toàn cánh đàn ông không tiện chút nào.

Chúa đảo đầu tiên tôi gặp tên là Moutshine, là một người Pháp lai, tính tình rất thô bạo hay đánh đập chửi bới lính và phu. Tôi đụng ông ta ngay ngày đầu chân ướt chân ráo ở đảo. Chả là, máy gió tự ghi của trạm khí tượng bị hỏng bộ phận cảm ứng, tôi liền nảy ra sáng kiến tháo cái cầu vai Hướng đạo sinh ba màu xanh, vàng, đỏ của Cáp, kết thành một dải dài cắm lên sân thượng để xem hướng gió. Thấy vậy, Moutshine liền phùng mang, trợn mắt bắt tôi hạ xuống ngay. Tôi không chịu, hắn quát: "Anh đừng quên, ta là chúa đảo". Tôi cũng chơi rắn: "Ông cũng đừng quên, tôi là đại diện cho Sở Khí tượng Đông Dương ở đây!". Hắn hậm hực bỏ đi. Biết thế nào hắn cũng báo về đất liền kể xấu, tôi đánh ngay một bức điện tường trình với "sếp" về tình huống cái máy gió bị hỏng, phải tạm khắc phục như vậy và đã bị chúa đảo gây khó dễ.

Ai ngờ bức điện lại được Giám đốc Khí tượng Đông Dương quan tâm, báo ngay sang Sở Hiến binh. Thế là, một tháng sau, Moutshine có lệnh phải trở về trước thời hạn. Cả đảo ai cũng mừng thầm vì Moutshine vốn được mệnh danh là "bạo chúa". Thay hắn là một người Pháp tính tình nhã nhặn, vui vẻ. Ông ta từng hoạt động trong đoàn Hướng đạo sinh, nên càng dễ hoà hợp với tôi và Cáp.

Thấy nhiều lính và phu đảo hết giờ làm việc là vùi đầu vào đánh bạc, tôi đề xuất với chúa đảo mới, tổ chức cho anh em buổi chiều chơi thể thao, buổi tối sinh hoạt văn nghệ. Chúa đảo đồng ý ngay và giao cho đội khố xanh đứng ra làm việc này. Thế là từ đó trên đảo dẹp được nạn cờ bạc sát phạt nhau. Buổi chiều, lính và phu chia ra hai đội đấu bóng đá ngay sát mép nước, còn tối tối thường vang lên tiếng hát, lời ca cây nhà lá vườn. Tôi biết hầu hết người lao động ở đây mù chữ, liền ngỏ ý muốn dạy thêm cho họ, không ngờ được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Thế là hàng tuần lại có thêm những buổi học văn hoá.

Những thú vui ...

Tôi còn có cái thú là cùng Cáp dành thì giờ rảnh rỗi đi khắp đảo Patle và hai đảo bên cạnh, tìm hiểu lịch sử và thiên nhiên vùng quần đảo. Vào khoảng giữa những năm 30 của thế kỷ XX, người Nhật đã đưa quân ra chiếm quần đảo Paracels nhằm khống chế Đông Dương. Pháp biết mưu thâm của Nhật, liền có đối sách là mượn danh Chính phủ Nam triều đòi lại chủ quyền.

Đầu năm 1937, một sĩ quan Pháp dẫn 50 lính khố xanh đổ bộ lên đảo tuyên bố là thừa lệnh Hoàng đế An Nam tiếp quản Paracels. Phía Nhật không chịu, hai bên định choảng nhau. Điện tới tấp vào đất liền xin chỉ thị, cuối cùng đi đến một thoả thuận: An Nam giữ một phần ba diện tích làm đồn trú bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phần còn lại cho người Nhật mượn để khai thác phân chim trên đảo (gọi là phốt phát), lính Nhật thì phải rút hết.

Tôi còn được nghe kể, cũng năm 1937 phu đảo Patle đã đào được một bộ xương đàn ông còn đeo cái bài ngà. Đấy là viên quan triều đình Huế trông coi đảo, lâm bệnh nặng, có nguyện vọng an táng tại đây. Đảo có một cái hố đường kính tới 4 mét, không có nước, bên hố có hai cây dừa khô bật gốc và một cái miếu thờ thổ công thổ địa. Người ta bảo đây là cái giếng hứng nước mưa được đào từ thời xa xưa, còn dừa thì do lính đồn trú nhà Nguyễn trồng, gặp cơn bão lớn đã thổi tung gốc. Tôi và Cáp cũng đã nhiều lần sang đảo Robert, nơi có nhiều cây cối nhất và là nơi chăn nuôi bò, lợn, dê, cừu cung cấp thực phẩm tươi sống cho toàn quần đảo.

Đảo này có một cái chòi cao ngất ngưởng, trên đó lính canh ban ngày thì đánh tín hiệu bằng cờ, ban đêm bằng đèn cho đảo Patle. Đảo Boisee ở xa nhất, cách Patle ngót 100 cây số về phía bắc, lớn gấp ba lần đảo Patle. Ngày ấy mấy hòn đảo có người ở đều có rừng, mọc mỗi một loài cây lá to gọi là cây phốt phát. Cây phốt phát nom bề ngoài nó rất yếu ớt, thân khẳng khiu như cây sắn, gỗ lại xốp. Chim biển đậu trắng trên ngọn cây và lớp phân chim từ bao đời tích lại dày tới nửa mét. Mỗi tháng tàu ra tiếp tế, khi trở về người ta không quên chất lên tàu khoảng 200 bao phân chim. Nghe nói, mỗi chuyến như thế chi phí tới 4.000 đồng Đông Dương, chủ tàu mang về mỗi bao phân phốt phát bán được khoảng dăm đồng bạc.

Tôi trở lại Hoàng Sa một lần nữa vào cuối năm 1944, giữa lúc tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động. Phe Đồng minh ào ạt tấn công phe trục phátxít. Rồi đầu năm 1945 Nhật nhảy vào hất cẳng Pháp ở nước ta, tiếp đến Anh thay mặt Đồng minh vào Nam Bộ giải giáp vũ khí quân Nhật.

Tôi ở trên đảo đã 11 tháng, quá gần hai lần thời hạn quy định. Những ngày tháng tám lịch sử diễn ra trên đất nước ta mà chúng tôi vẫn còn chơ vơ giữa biển khơi. Mấy tháng không có tàu tiếp tế lương thực, có lúc đã phải bắt cá, cua cáy ăn độn cho qua ngày. Trông ngóng mãi rồi cũng có tàu ra, ai ngờ đó là chuyến tàu tiếp tế cuối cùng cho Hoàng Sa thời thuộc Pháp. Người thay tôi tên là Chi, quê gốc Hà Nội.

Về đất liền, tôi được cuốn ngay vào phong trào cách mạng sục sôi. Tôi vào đội du kích quận Tân Bình. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến cuối 1946, tình cờ tôi gặp lại Chi người kế nhiệm trên đảo Patle mấy tháng trước. Anh cho biết về một biến cố bất ngờ. Đảo lúc đó bị cô lập, bởi tàu phe Đồng minh kiểm soát trên biển rất gắt gao. Không thể ngồi chờ chết, anh em quyết định đẵn cây đóng bè vượt biển. Chúa đảo ngăn cản, liền bị trói gô ném lên bè. Ông ta van xin mang theo chiếc valy hành lý. Một người chạy vào lấy đại ra một chiếc, về sau mới biết valy tiền bạc của chúa đảo thì để lại, chiếc này toàn đựng toàn đồ nghề và vỏ sò vỏ ốc. May mắn thế nào mà chiếc bè mỏng manh ấy lại vượt được hàng trăm kilômét trùng dương, cặp bến an toàn.

***

Kể xong câu chuyện, cụ Dư bỗng ngồi thừ một lúc, đôi mắt dường như đọng chút nỗi buồn nào đó và nhìn ra xa. Tôi hỏi: "Cụ nhớ Hoàng Sa phải không ạ?". "Quên sao được" - giọng cụ trầm trầm - Hoàng Sa cũng như Trường Sa là phên giậu ngoài biển Đông của đất nước. Con cháu đời đời phải gìn giữ. Năm trước tôi đã viết xong tập "Ký ức Hoàng Sa". Tiếc là để ở nhà, không thì đưa anh xem thử. Ký ức Hoàng Sa - mới ngày nào, mà đã 60 năm trôi qua ..

Quần đảo Hoàng Sa: Lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam

Cách đây đúng 30 năm, giữa lúc nhân dân Việt Nam đang tập trung nỗ lực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quần đảo Hoàng Sa, lúc này đang do chính quyền Sài Gòn quản lý, đã vì một số lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn luôn khẳng định Hoàng Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của mình. Bởi vì chủ quyền ấy đã được minh chứng bằng thời gian và lịch sử của nhiều thế kỷ những cư dân và nhà nước Việt Nam đã quản lý và khai thác vùng lãnh thổ trên biển Đông này.

Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như với Trường Sa) được minh chứng không chỉ bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre (1749), J.Chaigneau (1816-1819), Teberd (1833), Gutzlaff (1849)...; cũng như những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động của các "đội Hoàng Sa" xưa ở cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn (cù lao Ré) nay, mà còn được ghi lại trên nhiều thư tịch trong đó có những văn bản mang tính chất nhà nước của Việt Nam.

Cho dù có một thực tế là, vì nhiều lý do khác nhau, các nguồn tư liệu thành văn của Việt Nam bị mất mát, thì cho đến nay chúng ta vẫn có bằng chứng về chủ quyền của nhà nước Đại Việt (gồm cả Đàng Ngoài của các Chúa Trịnh và Đàng Trong của các Chúa Nguyễn đều lấy danh nghĩa tôn phò nhà Lê) qua Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (soạn năm Chính Hoà thứ 7-1686) và sách Phủ Biên Tạp Lục của bác học Lê Quý Đôn (1776).

Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư được vẽ theo bút pháp đương thời với chú rất rõ ràng: "Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm... Họ Nguyễn mỗi năm vào cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn...".

Còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.

Với sách Phủ Biên Tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Hoàng Sa được mô tả kỹ hơn. Năm 1775, Lê Quý Đôn được Chúa Trịnh cử vào vùng đất Phú Xuân nhận chức Hiệp trấn để lo việc bình định hai trấn mới thu hồi được từ Chúa Nguyễn là Thuận Hoá và Quảng Nam.

Sách dành nhiều trang để mô tả về "Đội Hoàng Sa" và "Bắc Hải" của Chúa Nguyễn tổ chức cho dân vùng Tứ Chính, Quảng Ngãi tổ chức thường kỳ việc đến Hoàng Sa để thu lượm các sản vật đem về đất liền. Những tư liệu thu thập tại địa phương xã An Vĩnh (cù lao Ré) còn nói tới "đội Quế hương" cũng là một hình thức tổ chức do dân lập, xin phép nhà nước được ra khai thác ở Hoàng Sa.

Sang thời Nguyễn, kể từ đầu thế kỷ XIX, trong điều kiện nước Việt Nam (dưới triều Gia Long) và Đại Nam (kể từ triều Minh Mạng) đã chấm dứt tình trạng cát cứ và phân tranh, thống nhất quốc gia thì việc quản lý lãnh thổ được ghi chép đầy đủ và lưu trữ tốt hơn. Tấm bản đồ được lập thời Minh Mạng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ rất rõ cả một dải lãnh thổ gồm những đảo trên biển Đông được ghi chú là "Vạn Lý Trường Sa" (tên gọi chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quan niệm đương thời).

Hai bộ sách địa lý quan trọng của triều Nguyễn là phần Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) đều đề cập tới Hoàng Sa trong phần viết về phủ Tư Nghĩa và đều nhất quán với những nội dung của các tài liệu trước, trong đó có hoạt động của các "đội Hoàng Sa".

Bộ chính sử Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn liên tục cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều nhiều lần ghi lại các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa như một bộ phận của lãnh thổ quốc gia. Ngay trong phần Tiền Biên, chép về các tiên triều, bộ niên sử này cũng nêu lại những sự kiện từ thời các Chúa Nguyễn.

Một thống kê cho thấy trên bộ sử này, phần chính biên ghi chép cho đến thời điểm in khắc (1848) đã có 11 đoạn ghi chép sự kiện liên quan đến những quần đảo này. Nội dung là việc nhà nước điều cho thuỷ quân và đội Hoàng Sa ra đảo để "xem xét đo đạc thuỷ trình" (quyển 50, 52... đời Gia Long); cử người ra Hoàng Sa "dựng miếu, lập bia, trồng cây", "vẽ bản đồ về hình thế", "cắm bài gỗ dựng dấu mốc chủ quyền" (quyển số 104, 122, 154, 165 đời Minh Mạng).

Ngoài ra còn có các bộ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1851) là một bộ điển chế của triều Nguyễn cũng ghi rõ những công việc nhà nước Đại Nam đã thực thi trên lãnh thổ Hoàng Sa. Đặc biệt quý giá là những châu bản của các vị vua triều Nguyễn có liên quan đến Hoàng Sa. Giá trị của những văn bản gốc này là sự thể hiện quyền lực của người đứng đầu quốc gia đối với vùng lãnh thổ này qua lời phê duyệt của nhà vua.

Ví như, phê vào phúc tấu của Bộ Công ngày 12.2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua viết: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước (ta), rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân Minh Mạng thứ 17, họ tên cai đội thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu"; hay các châu phê về việc thưởng phạt người có công tội khi thực thi trách nhiệm ở Hoàng Sa, đo đạc, vẽ bản đồ v.v...

Cần phải nói lại một lần nữa là trong suốt nhiều thế kỷ liên tục trước đây các tài liệu thư tịch của nhà nước Việt Nam kế thừa nhau và những chứng tích như cầu tàu, trạm khí tượng, hải đăng... của Việt Nam (trước đây do người Pháp sử dụng, khai thác và chính quyền Sài Gòn cũ quản lý) vẫn còn đó, thể hiện chủ quyền lịch sử và thực tiễn đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

Giáo sư sử học Dương Trung Quốc
Theo Lao Động


Quần đảo Hoàng Sa

Là một quần đảo san hô nằm trong khoảng vĩ độ 15045'''' Bắc, kinh độ 1110 đến 1130 Đông, án ngữ ngang cửa vào vịnh Bắc Bộ, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi, VN)hơn 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc)khoảng 140 hải lý.


Quần đảo gồm trên 30 hòn đảo, đá, cồn san hô, bãi cát nằm trên một vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, chiếm diện tích biển khoảng 16.000km2. Tổng diện tích phần nổi của đảo Hoàng Sa 10km2.


Lớn nhất là đảo Phú Lâm, rộng khoảng 1,5km2. Các đảo còn lại diện tích nhỏ hơn nhiều

Không có nhận xét nào: