Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

5 ngày cuối cùng của Mỹ nguỵ

Những ngày giờ cuối cùng của người Mỹ, đại diện cho quốc gia giàu mạnh nhất thế giới và của quân đội Sài gòn, lực lượng vũ trang có số quân đông và vũ khí trang bị đứng hàng thứ tư toàn cầu đã diễn ra như thế này...

Thế là cây me cổ thụ ở sân Sứ quán Mỹ mà Đại sứ Martin rất yêu thích, xem đó là biểu tượng của nước Mỹ tại Việt Nam (nguỵ) đã bị cưa đổ để không ảnh hưởng đến máy bay trực thăng lên xuống. Lò thiêu tài liệu mật đang tung bụi khói mù mịt và tàn tro lên trời.

 

Đó là quang cảnh vào ngày 29/4/1975 tại Toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Nơi đây được mệnh danh là “nhà trắng phương Đông” vốn tôn nghiêm bề thế, ai đi qua cũng có phần nể trọng, đến lúc này thì ồn ào như chợ vỡ vì hàng ngàn “người Việt bạn của Mỹ “ tay xách nách mang đang chen lấn xô đẩy nhau, chửi thề, văng tục hoặc khúm núm cầu khẩn van xin để được đi di tản trước con mắt lạnh lùng có phần khinh miệt của bọn lính thuỷ đánh bộ Mỹ làm nhiệm vụ canh gác sứ quán.

 

Ngày 25/4/1975, người cầm đầu CIA ở Sài Gòn là Timed đến gặp Dương Văn Minh, biệt hiệu “Minh lớn” vì dáng to con, hỏi: “Nếu có cách gạt Hương (chỉ Trần Văn Hương) thì ngài có sẵn sàng thương lượng với Việt Cộng không?”. Minh lớn đồng ý và nói ông ta “đủ sức để xoa dịu phía bên kia”. 16h ngày 26/4/1975, Trần Văn Hương - vị Tổng thống 4 ngày rưỡi của chế độ Sài Gòn phải trao quyền lại cho Dương Văn Minh. Minh kêu gọi “ngừng bắn và tiến hành đàm phán trong khuôn khổ hiệp định Paris”.

 

Đúng 10 phút sau lễ đăng quang của Dương Văn Minh, một biên độ máy bay cường kích A37 của cách mạng đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, chấm dứt sự di tản người Mỹ bằng máy bay. Rạng sáng ngày 29/4/1975, pháo hạng nặng 130 ly có tầm bắn xa hơn 27km của giải phóng nã đạn vào sân bay này. Tiếng đạn pháo làm rung chuyển cả đường phố Sài Gòn. Hai viên hạ sĩ lính thuỷ đánh bộ Mỹ là Mac Mahuru và Michel Juss bị trúng mảnh đạn, chết tại chỗ. Đây được xác định là 2 quân nhân Mỹ cuối cùng chết trận tại Việt Nam. Đại xứ Martin giật mình choàng dậy báo cáo tình hình về Mỹ. Lúc đó Tổng thống Mỹ là Gerald Ford đang có cuộc họp ở nhà trắng, nhận được tin Sài Gòn bị tấn công bằng máy bay và trọng pháo, 2 lính Mỹ tử nạn, Ford lập tức họp Hội đồng an ninh Quốc gia, quyết định dùng 60 máy bay vận tải quân sự loại lớn C130 để di tản ngay khoảng một vạn người Mỹ và các quan chức chóp bu của nguỵ ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

 

Lệnh được truyền ngay sang Sài Gòn. Martin và tướng Mỹ Smith - người vừa suýt chết vì đạn pháo 130 ly - ra sân bay để kiểm tra tình hình. Quang cảnh ở đây lúc này đã cực kỳ hỗn loạn, bát nháo. Hai máy bay C130 bay tới cứ loanh quanh mãi không hạ cánh được vì vướng một chiếc tiêm kích F5E của nguỵ nằm chềnh ềnh giữa đường băng chính vì viên phi công đã vọt ra khỏi máy bay tháo chạy ngay khi vừa hạ cánh. Rải rác đây đó những hố đạn pháo 130 ly sâu hoắm. 5.000 người, chủ yếu là người Việt Nam (nguỵ) tràn ngập sân bay chờ di tản. Timed báo với Martin rằng “phía bên kia không chấp nhận Dương Văn Minh, đòi Mỹ phải rút hết, chính quyền Sài Gòn phải được xoá bỏ”. Đại xứ Mỹ cảm thấy như trời sập trên đầu. Smith đề nghị “phải thực hiện ngay phương án 4”, còn mang mật danh “kế hoạch gió cuốn”, tức tháo chạy bằng máy bay lên thẳng - một phương án được xem là mất thể diện Mỹ. Trong khi đó từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Shelessinger và ngoại trưởng Kissiger cũng liên tục gửi điện sang Sứ quán Mỹ ở Việt Nam thúc giục di tản theo phương án 4. Lúc này ở Sài Gòn là 10 giờ 50 phút. Mật lệnh “tôi đang mơ một lễ giáng sinh tuyết trắng” được phát đi phát lại trên đài phát thanh Mỹ để ngầm báo cho mọi người Mỹ còn ở Việt Nam biết khẩn trương đến tập trung ngay tại 13 điểm ở Sài Gòn để chờ máy bay lên thẳng đến bốc đi. 81 trực thăng CH 53 của Hải quan, 30 trực thăng HU-1 của không quân và 20 chiếc nữa thuê của Công ty Hàng không Mỹ lên xuống liên tục để đảm bảo trong ngày 29/41975 sẽ đưa hết số người Mỹ và những “người Việt chí cốt” kịp di tản khỏi Sài Gòn trước nguy cơ bị đối phương tóm cổ. Số người cần di tản đông vô kể, mạnh ai nấy chen, dốc hết sức trèo lên máy bay. Loại trực thăng CH53 thường chỉ chở 50 người, nay đã phải nhồi nhét 70, 80 người. Do quá tải trọng, một chiếc CH53 và một chiếc UH1 đã rơi tòm xuống biển, cả tổ lái và số người di tản trên máy bay đều tử nạn.

 

3h20 ngày 30/4/1975, trước khi lên máy bay, trùm CIA Mỹ tại Sài Gòn Timed đã gửi bức điện cuối cùng về nhà trắng: “Thế là kết cục người Mỹ chúng ta đã thất bại. Mong rằng người Mỹ chúng ta sẽ rút ra được bài học này để không bao giờ có một Việt Nam khác nữa”. Rạng sáng ngày 30/4/1975, Đại sứ Martin và bà vợ Dotty dùng dằng tiếc nuối chưa muốn rời khỏi căn phòng cực kỳ sang trọng dành cho họ từ lâu. Ngoại trưởng Kissinger gọi điện từ Mỹ sang giục Martin: “Tổng thống Gerald Ford nhắc ngài phải rời ngay khỏi Việt Nam nếu không muốn bị bắt. Quân Việt cộng đã bắt đầu tràn vào Sài Gòn rồi…”. Martin lẳng lặng cuốn lá cờ Mỹ trên bàn làm việc vội nhét vào chiếc cặp da rồi dắt tay bà vợ béo ục ịch ra thang máy để lên sân thượng, miệng lẩm bẩm: “Nào, chúng ta chuồn thôi”. 4h45 ngày 30/4/1975, máy bay lên thẳng chở vợ chồng Đại sứ Mỹ cất cánh ra hướng biển với dòng điện ngắn ngủi báo về nhà trắng: “Lady 09 đã lên không trung cùng với Cottu (Lady 09 chỉ máy bay lên thẳng, còn Cottulaf là mật danh giao tiếp của Martin).

 

Những người Mỹ cuối cùng rút lên nóc Toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn để lên trực thăng chuồn ra biển là đại tá hải quân đánh bộ Summer và 11 hạ sĩ quan, binh lính dưới quyền. Rút lên tầng nào là họ khoá luôn cửa cầu thang tầng lầu đó để ngăn không cho hàng ngàn “chiến hữu người Việt”, đa số là công chức cao cấp, sĩ quan quân đội của chế độ Sài gòn đang chửi rủa gào thét giẫm đạp lên nhau để chạy theo họ. Trước khi lên máy bay, Summer còn ra lệnh cho đám lính ném nốt số lựu đạn hơi cay xuống để đẩy ra xa đám đông người bản xứ đang điên khùng hoảng loạn vì không được theo lính Mỹ…

 

Những ngày giờ cuối cùng của người Mỹ, đại diện cho quốc gia giàu mạnh nhất thế giới và của quân đội Sài gòn, lực lượng vũ trang có số quân đông và vũ khí trang bị đứng hàng thứ tư toàn cầu đã diễn ra như thế đấy

Không có nhận xét nào: