Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ Alan Dawson

Vài lời của tác giả

Quyển sách này viết dựa trên sự việc thật. Cách giải thích sự kiện là của riêng tôi.

Tôi đã tự tiện trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cách dùng tên. Nhiều người Nam Việt Nam trong phe chiến bại yêu cầu tôi đừng dùng tên thật của họ trong các bản tin sau “ngày giải phóng”. Điều ấy tôi không làm ở đây. Các viên chức và chiến sĩ cộng sản và viên chức cao cấp Sài Gòn đều được ghi bằng tên thật của họ.

Trường hợp tự tiện thứ hai là trong mọt số hoàn cảnh cần phải cô lại các sự kiện đã diên ra ở một nơi nào đó và phải cho chúng diễn ra với một nhân vật. Binh nhì Đức của thuỷ quân lục chiến là trường hợp điển hình. Mọi sự kiện, thời gian đều đúng nhưng đôi khi không diễn ra với Đức.

Sẽ có những người trong chính quyền mới ở Nam Việt Nam tức giận về những từ ngữ dùng trong sách. Tôi đã sử dụng cách nói thông thường của báo chí. Tôi biết từ Việt Cộng, cộng sản… làm họ khó chịu. Nhưng đấy là cách mà thế giới hiểu về họ.

Alan Dawson

---------------------------

Hoả tốc…

Chính phủ Sài Gòn đầu hàng

Trong nghề đưa tin, một bức điện hoả tốc là lời thỉnh cầu hành động. Nó cắt ngang bất kỳ một bản tin nào đang chyển trên máy têlêtip. Chuông của máy reo mười lần, một dấu hiệu làm thót bụng phòng nhận tin ở bất cứ nước nào trên thế giới. Điện hoả tốc không phải là một bản tin. Nó là một đầu đề, chỉ có vài chữ báo hiệu một sự kiện trọng đại. Cuộc ám sát một tổng thống Mỹ được xếp loại tin hoả tốc. Và lúc kết thúc chiến tranh Việt Nam cũng vậy.

Khi Dương Văn Minh đang nói, phóng viên UPI đánh máy ngay một điện hoả tốc và trao nó cho nhân viên điều khiển máy têlêtíp. 40 giây sau, chuông của 7.500 máy têlêtip vòng quanh thế giới reo lên 10 lần. Đám đông tụ tập lại trước mỗi máy và đây là cái họ đọc được:

“ZCZC VHAO 25 NXI

Hoả tốc…

Sài Gòn-Chính phủ Sài Gòn đầu hàng.

NTL 1021 Sáng”.

Một điện hoả tốc luôn luôn được lặp lại để tránh trường hợp bị nhẫm lẫn hoặc giả mạo. Sau đó 60 giây là một bản tin, như sau:

“ZCZ NNN

Bản tin…

Hoà bình-30/4

của Alan Dawson

Sài Gòn-30 tháng 4 (UPI) Tổng thống Dương Văn Minh hôm nay ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng và ra lệnh binh sĩ thuộc chính quyền ngừng chiến đấu.

NTL 1022 Sáng”.

Nỗi kinh hoàng bị kiềm chế trong bản tin giật gân nhất của thập kỷ... Lẽ tất nhiên hầu hết phản ứng ở Sài Gòn khác nhau khi dân chúng chuẩn bị sẵn sàng để đón sự kết thúc. Trong vòng 30 phút tiếng súng lẻ tẻ trên đường phố biến mất. Phần lớn tiếng súng ở khu phố trung tâm là bắn chỉ thiên của kẻ cướp uy hiếp nạn nhân hoặc của những người đuổi theo bọn cướp giật. Bản thân bọn cướp cũng phải vét mẻ cuối cùng và đi thẳng về nhà.

Các cửa thường và cửa sắt đều được khóa lại. Ngay cả những chủ tiệm và chủ nhà hàng người Pháp ở Sài Gòn cũng đem bàn ghế vào nhà. Im lặng bao trùm thành phố.

Tại Cần Thơ, tướng ba sao Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4 và đồng bằng sông Cửu Long cuối cùng phải nhận và mất hết cả rồi khi ông ta nghe bản tin phát thanh của Minh. Chiến trường vùng châu thổ ít sôi động trong suốt cuộc tiến công. Bắc Việt Nam chọn lối đánh chớp nhoáng từ Tây sang Đông và tiến từ Bắc xuống Nam, tới tận Sài Gòn. Trong vòng 30 phút sau bài diễn văn của Minh và lệnh đầu hàng, Nam đã đưa khẩu súng ngắn “côn 45” vào miệng rồi bóp cò và chết ngay tức khắc.

Những người lính dù, biệt động quân chiến bại, cay đắng từ phía Bắc và phía Tây vào thành phố. Họ nổi giận, dù không tỏ vẻ kinh hoàng, sẵn sàng cướp giật và trong nhiều trường hợp, sẵn sàng giết người nước ngoài. Thái độ họ bắt đầu thay đổi, phần lớn muốn vứt bỏ tất cả dấu vết có dính líu đến quân đội. Trên một phố chính của Sài Gòn, đường Tự Do nơi mà trong nhiều năm qua lính Mỹ đã chật ních trong các quán rượu và tiệm ăn, binh sĩ cởi quân phục và lập tức trở thành thường dân. Nửa tá lính nhảy dù cởi bộ đồ trận rằn ri của họ, ném súng và đạn xuống đất rồi chạy trốn đến nơi nào chẳng ai biết được. Quần áo dân sự bấy nay cất kín trong ba lô, lúc này là thời điểm dùng đến. Cho nên, khi đến nơi, quân đội Bắc Việt Nam đã nhận thấy ít binh sĩ mặc quân phục ra đầu hàng.

Như thường lệ, cảnh sát vẫn đi trước binh sĩ trong việc bỏ nhiệm sở. Tại một số bót cảnh sát đã có cờ trắng. Sĩ quan cảnh sát hút xăng ra khỏi các xe Jeeps đổ vào xe gắn máy của họ, rồi về nhà. Cảnh sát luôn luôn có áo quần dân sự để thay đổi.

Trong im lặng, Sài Gòn chờ đợi những người cầm quyền mới, trừ một bộ phận dân chúng và Việt Cộng nằm vùng đang sung sướng tưởng có thể phát điên.

Tại “Dinh Độc Lập”, trong lúc chờ đợi đầu hàng, Minh lớn có vẻ ủ rũ, trầm ngâm và hai má hóp lại. Những người thân tín của Minh cũng thế. Những chiếc xe tăng Bắc Việt Nam xuất hiện và phá toang cổng dinh. Mấy người lính cộng sản tìm thấy cầu thang lên bao lơn sân thượng,lột bỏ lá cờ vàng sọc đỏ của “Việt Nam Cộng hoà” và kéo lên thay bằng lá cờ xanh đỏ sao vàng của Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Họ kéo vào văn phòng mà ngày trước Thiệu sử dụng. Họ ngồi xuống ghế. Một người trong số đó đặt hai chân lên bàn làm việc của người tổng thống cũ-dấu hiệu tột cùng của sự khinh bỉ-và để một nhà nhiếp ảnh chụp hình.

Tướng Hạnh cũng bàn giao Bộ tổng tham mưu và dẫn lấy người đại uý Việt Cộng đến “giải phóng” toà nhà. Khoảng ba tá lính bảo vệ còn lại ở dinh được lệnh sắp hàng bên trong đội hình của xe tăng Bắc Việt Nam. Họ được chỉ dẫn đưa vũ khí lên không trung, kéo khoá an toàn và bóp cò. Một cách tượng trung, đó là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Chương 1 : Mở màn

Trụ sở cơ quan tình báo trung ương Nam Việt Nam được đặt tại bờ sông Sài Gòn, cùng một phía với Bộ tư lệnh hải quân. Từ các cửa sở của nó, người ta có thể nhìn thấy một quảng trường lớn, với một pho tượng đồ sộ, tượng Trần Hưng Đạo, “Thành tổ” của hải quân Nam Việt Nam.

Trong 5 năm, trung sĩ lục quân Lê Tăng đã làm việc tại một số phòng thuộc loại bí mật nhất của phủ đặc uỷ trung ương tình báo. Những phòng này được canh giữ nghiêm mật bởi những lính quân cảnh hoàn toàn tin cậy.

Một trong những công việc của trung sĩ Tăng là chọn lọc báo cáo của các nhân viên tình báo chiến trường và các đội quân dã chiến. Anh ta cùng với một số ít chuyên viên tình báo khác chọn lọc báo cáo, cố gắng phân biệt tin thật với tin giả, nhận ra những cuộc chuyển quân của VC và Bắc Việt Nam qua lại trong 44 tỉnh của Nam Việt Nam. Có giá trị hơn hết bất cứ loại tin tình báo nào khác mà các viên chức Sài Gòn nắm trong tay, những tin tức chuyển quân chính là dấu hiệu để đoán xem CS sẽ tấn công ở nơi nào và đôi khi đoán được cả vào lúc nào.

Phạm vi chuyên môn của trung sĩ Tăng là vùng Sài Gòn, nhưng đến cuối tháng 1-1975, anh ta nắm luôn công việc đánh dấu trên sơ đồ sự chuyển quân của Bắc Việt Nam ở vùng Tây Nguyên, cách Sài Gòn hơn 200 dặm.

Tăng và các nhà phân tích báo cáo từ nhiều nguồn tin khác nhau trên nguyên tắc-và ngay cả cấp trên họ-không được biết xuất xứ. Giống như tình báo CIA Mỹ, tình báo Nam Việt Nam cũng chỉ phân phối tin tức một cách rất hạn chế. Tăng có được báo cáo và không cần biết nguồn tin. Nhưng trải qua nhiều năm, anh ta đã đoán được xuất xứ của báo cáo, bằng cách học được lối nhận ra một số mật danh, mật hiệu và cách hành văn, đoán xem báo cáo là của nhân viên tình báo hay của những người chỉ huy các toán quân.

Một việc không bình thường đã xảy ra trong bộ phận của Tăng vào đầu tháng 2-1975 là trên bàn làm việc của anh ta bắt đầu xuất hiện những báo cáo tình báo không đi qua hệ thống chuyển tin thường lệ. Lần lượt, nội dung những báo cáo này đã được dùng để thiết lập bản đồ tác chiến trong phủ tình báo rồi sau đó ở Bộ tổng tham mưu, dinh tổng thống, các cơ sở chỉ huy quân đoàn, đại sứ quán Mỹ và sở chỉ huy quân đội Hoa Kỳ. Người ta còn nói rằng cả ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng nữa.

Những bản đồ ấy mà chúng ta có thể gọi là bản đồ của Tăng, bởi vì chúng hoàn toàn là sản phẩm của Tăng, cho thấy CS tập trung số quân khổng lồ xung quanh Pleiku và Kontum, hai thành phố cách nhau 20 dặm và cách Sài Gòn 250 dặm về phía Bắc trên vùng Tây Nguyên.

Không ai đặt vấn đề với những bản đồ của Tăng. Anh ta là một chuyên viên và là nhà phân tích có uy tín cao. Xét cho cùng, Tăng chỉ lập bản đồ theo các tài liệu trên bàn làm việc của mình và theo những hồ sơ mật vốn xuất xứ từ báo cáo ở chiến trường.

Trong cách cư xử, trung sĩ Tăng chẳng qua chỉ là một binh sĩ Sài Gòn như mọi người khác, chống + một cách ôn hoà, một người không đặc biệt nổi bật trừ công việc anh ta làm và năng lực trí tuệ trên mức trung bình. Do sự thông minh ấy, Tăng được trọng dụng. Không có hoạt động quân sự nào lớn xung quanh Kontum và Pleiku vào đầu năm 1975. Nó tập trung xa hẳn về phía Nam, xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột. Những báo cáo của trung sĩ Tăng và các bản đồ từ đó mà vẽ ra đều là tài liệu giả.

Ngày 28-4, trung sĩ Tăng không đến làm việc tại phủ đặc uỷ. Cấp trên của anh ta cũng đang lo sợ trong giờ phút Sài Gòn hấp hối, không chú ý đến sự vắng mặt này. Thực tế phần lớn trong bọn họ cũng không ngồi tại bàn làm việc hôm ấy, mà đã ở Guam hoặc Philippin.

Tăng xuất hiện trở lại táig trong buổi sáng 30-4-“ngày giải phóng”. Suốt 72 giờ sau đó, anh ta đã hướng dẫn các đơn vị quân đội Bắc Việt Nam, chỉ cho họ thấy các cơ sở chủ chốt, các khu cư xá cần được lục soát hoặc cần được canh giữ. Ngày 3-5, đại uý Lê Tăng của lực lượng vũ trang giải phóng nhân dân thuộc Cộng hoà miền Nam Việt Nam lên nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn tình báo quân cảnh mà anh đã bí mật làm việc với họ trong hơn 3 năm qua.

Trong khi đó, quân đội Sài Gòn tan rã từng mảng. Có nhiều người nói rằng nó chưa bao giờ được kết lại thành một khối vững chắc cả. Người Mỹ cũng tranh cãi với nhau xem ai là kẻ chịu trách nhiệm về sự tồi tệ của quân đội ấy? Cốt lõi của quân đội Sài Gòn vào năm 1954 là lực lượng Việt Nam thân Pháp được gom lại ở Nam Việt Nam khi lực lượng của ông Hồ Chí Minh tiếp quản Hà Nội. Lúc ấy có những người Mỹ-nổi bật là đại tá E.Lansdale-một bóng ma trọn vẹn-vẫn nghĩ rằng quân đội Sài Gòn phân nhỏ và cơ động. Họ lập luận rằng, quân đội này nên được huấn luyện kỹ về chiến thuật chống du kích, chống nổi dậy, bởi vì đối thủ của họ-ít ra cho đến thập kỷ 60-vẫn gồm phần lớn là du kích Việt Minh và cán bộ chính trị nằm lại ở Nam Việt Nam.

Nhưng vì những lý do sai lầm, quân đội Sài Gòn buộc phải trở thành một đội quân lớn, thiếu cơ động và huấn luyện tồi. Nó được trang bị loại vũ khí đúng là tốt nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt từ ngày Mỹ bắt đầu rút quân-ngày 10-7-1969, nhưng các sĩ quan của nó thường không thể sử dụng những vũ khí này, còn các binh sĩ thì không đủ sức bảo quản chúng.

Khi mỹ nắm lấy các nỗ lực chiến tranh tại Việt Nam và bắt đầu “cố vấn” trực tiếp quân đội Sài Gòn thì những người chủ trương một quân đội nhỏ, được huấn luyện cao về kỹ thuật chống du kích đã đi vào lãng

quên và phần lớn không được đả động đến. Với họ, cái cần thiết là một đội quân lớn được trang bị đầy đủ đối phó với sự xâm lược ào ạt qua khu phi quân sự như từng diễn ra ở Triều Tiên năm 1950.

Thế là quân đội Sài Gòn ngày càng trở nên to lớn hơn. Đến năm 1975, trên giấy tờ, đội quân đã tới hơn 1 triệu người. Nó tỏ ra hoàn toàn không có khả năng đối phó với quân du kích của thời kỳ 12 và 15 năm trước. Không ai chịu nhìn nhận một sự thật nữa là nó còn bất lực trong việc đối phó với những cuộc tấn công bằng quân chủ lực. Chính những sĩ quan Mỹ cho rằng chỉ có không lực Hoa Kỳ mới cứu nổi Nam Việt Nam khỏi thất bại năm 1972 lại thường nói rằng quân đội Sài Gòn đã chuyển mình một cách mầu nhiệm và bí hiểm thành một lực lượng chiến đấu có hiệu quả.

Điều rõ ràng là quân đội Sài Gòn trở thành bộ phận chính trong hệ thống cấp bậc của chính quyền Nam Việt Nam. Trừ Diệm không phải là tướng, khi Thiệu lên nắm chính quyền thì đã là tướng ba sao. Bề ngoài Thiệu bỏ cấp bậc của mình nhưng cơ cấu quyền lực và hậu thuẫn cho Thiệu đều bắt nguồn trực tiếp từ quân đội.

Điều mà ít người Mỹ và Nam Việt Nam phát hiện được vào tháng 3-1975 là tinh thần quân đội Sài Gòn đang tan rã. Đội quân này chiến sĩ có vũ khí tốt hơn bất kỳ nước châu Á nào khác, có nhiều máy bay chiến đấu hơn bất kỳ chính quyền chư hầu nào khác trên thế giới, có nhiều đạn dược, xăng dầu, quân cụ, xe cộ và lương thực hơn hầu hết các quân đội trên thế giới. Nó chỉ thiếu mỗi một điều thôi. Một người Mỹ nói với một binh sĩ Sài Gòn rằng: “Chúng tôi đã cho anh mọi thứ anh cần, trừ sự dũng cảm. Chỉ tại anh không có thứ ấy”. Không có thứ ấy vì binh lính thiếu ý muốn chiến đấu.

Việc người lính biết họ chiến đấu chống lại cái gì là rất quan trọng. Người lính Nam Việt Nam đều nói là họ “chống cộng” nhưng điều ấy lại không phải là niềm tin. Từ trong tiềm thức, họ đã tự hỏi mình chiến đấu cho cái gì đây? Câu trả lời là cho sự tiếp tục tồn tại của chế độ hiện tại-một chế độ ngày càng tham nhũng, ngày càng có sự cách biệt giữa kẻ giàu và người nghèo và nạn lạm phát. Một số ít muốn chiến đấu để sống khá hơn. Những kẻ sống khá giả thì lại hướng về cuộc sống không chiến đấu. Con trai, con gái và con rể của Thiệu đều ra nước ngoài du học. Nếu có viên tướng Nam Việt Nam nào lại có con trong quân đội thì điều đó không được biết công khai.

Ngược lại, người lính cộng sản biết họ đang chiến đấu cho cái gì: để “giải phóng” đồng bào bị áp bức ở miền Nam và để xây dựng sự nghiệp cách mạng. Hỏi một chiến sĩ Bắc Việt Nam sau khi chuộc chiến tranh chấm dứt:

-“Anh có mừng khi chiến tranh chấm dứt để giờ đây anh có thể trở về nhà được không?’

-“Tôi rất mừng khi chiến tranh chấm dứt!-Anh ta trả lời-Nhưng đây mới chỉ là một giai đoạn cách mạng. Chúng tôi còn nhiều công việc trước mắt khi có thể trở về nhà!”. Người Bắc Việt Nam được uốn nắn bằng những mục tiêu quyện vào nhau chặt chẽ: “Giải phóng miền Nam, đuổi Mỹ khỏi đất nước, xây dựng Việt Nam thành một nước cộng sản thống nhất”.

Tháng 1-1975, một bước phát triển không được làm rùm beng ở nước ngoài, nhưng lại được truyền miệng trong khắp hàng ngũ cấp dưới của quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ. Nó chính là một trong những cái đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài của quân đội Sài Gòn. Việc đó xảy ra ở thị trấn Phước Bình, thành phố chính của tỉnh Phước Long, nơi được CS chọn làm chỗ thử cho cuộc tiến công năm 1975 của họ. Phước Bình rơi vào tay CS thành cái chìa khóa mở ra sự sụp đổ cuối cùng của Nam Việt Nam không đầy 4 tháng sau đó.

Phước Bình không có lính chính quy đóng giữ. Khi bị tấn công, các tướng của quân đội Sài Gòn chờ đợi cùng với Thiệu, con người luôn đòi cho được tiếng nói sau cùng trong bất kỳ cuộc giao tranh quân sự quan trọng nào. Người ta chẳng làm vì cả. Đấy là một sự thật khó tin, nhưng đã làm suy sụp toàn bộ tinh thần quân đội Sài Gòn.

Phản ứng của Mỹ là đáng kinh ngạc. Trên thực tế người Mỹ chẳng làm gì khi mất Phước Bình. Chính quyền Mỹ bị buộc phải nói công khai rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại cuộc chiến ở Nam Việt Nam dù trên đất liền, trên biển, trên không, trong bất cứ tình huống nào. Khi Hoa Kỳ chỉ chấp nhận chiến đấu ở Việt Nam năm 1975 bằng lời nói chứ không phải bằng súng đạn thì niềm vui tràn ngập ở Hà Nội.

Nguyễn Văn Thiệu theo dõi diễn biến trận đánh Buôn Ma Thuột từ văn phòng mình trong dinh Độc Lập, một toà nhà hình hộp nằm trên một nền đất rộng lớn, cách toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hai khu phố. Dinh do Ngô Đình Diệm xây vào những năm 60 bằng tiền của Mỹ, nhưng Diệm không sống nổi đến lúc dinh được hoàn thành.

Nằm gần trên cùng trong đống hồ sơ “lưu” của Thiệu là một kế hoạch được các nhà vạch kế hoạch trong Bộ tổng tham mưu trình lên vào tháng giêng để đối phó với những bất ngờ. Về thực chất, nó kêu gọi rút quân trên phần lớn đất nước để đội quân trên 1 triệu người của Sài Gòn có thể bảo vệ những khu vực đông dân.

Thiệu có thể quan sát biến cố Buôn Ma Thuột. Kế hoạch kêu gọi một cuộc rút lui toàn bộ ra khỏi hầu hết Tây Nguyên, một khu vực từ Bắc Buôn Ma Thuột trùm lên phía Tây của Nam Việt Nam. Các đại tá vạch kế hoạch và các tướng lĩnh phê chuẩn nó nói rằng trong địa thế hiểm trở, không thể nào phòng thủ được trước bất kỳ cuộc tập trung quy mô lớn nào của quân CS. Cuộc tập trung ấy rõ ràng đang được tiến hành vào đầu năm 1975.

Theo các nhà vạch kế hoạch, phải rút khỏi những vùng thưa dân. Nếu cuộc rút lui được tổ chức tốt, được giữ bí mật để trong vài ngày có thể di chuyển cả quân đội lẫn dân chúng cư ngụ trong thành phố thì có thể chyển sang ngăn chặn bước tiến của CS vào các vùng đồng bằng duyên hải quan trọng hơn.

Khi kế hoạch trình lên hồi tháng giêng. Thiệu đã xem xét một cách nghiêm chỉnh, xếp nó vào hồ sơ vì lập trường không lay chuyển của Thiệu là không bỏ một tấc đất đã chiếm giữ. Nhưng kế hoạch lại có lý đến nỗi Thiệu không thể bác bỏ thẳng thừng được, nên đã giữ nó trong tay theo đúng tính chất của nó-một kế hoạch để đối phó với những sự bất ngờ. Vấn đề là khi sự bất ngờ đã xảy ra thì Thiệu chẳng còn đủ sức thực hiện kế hoạch như đã vạch ra nữa.

Nhờ vào hệ thống thông tin liên lạc tương đối tinh vi được lắp đặt trong dinh Độc Lập. Đại tá E.Lansdale, con người của Bộ quốc phòng-CIA-Bộ ngoại giao Mỹ đã cho lắp đặt hệ thống này từ năm 1955. Nó đi song song nhưng không lệ thuộc vào hệ thống truyền tin quân sự Nam Việt Nam. Trải qua nhiều năm, hệ thống thông tin liên lạc được hoàn chỉnh, cải tiến càng hiện đại.

Cho đến khi mất Buôn Ma Thuột, Thiệu vẫn có thể nói chuyện thẳng với các sĩ quan chiến trường. Trong khi các quân sư của tổng thống tung tin rằng CS đang bị đẩy lùi bởi những cuộc phản công thì Thiệu lại biết những điều khác hẳn. Trong hoàn cảnh khó khăn, Thiệu quan sát bản đồ tình huống trong văn phòng của mình và không thích gì những điều đang diễn ra trước mặt. Thậm chí Thiệu cũng chẳng biết rằng, các bản đồ đang lừa dối mình, vì lực lượng tình báo Sài Gòn đã không biết và hiểu biết sai lạc do trung sĩ Tăng và những VC xâm nhập khác đánh lừa.

Cái mà Thiệu không biết và do đó nước cờ sắp tới của tổng thống trở thành quyết định trọng yếu và độc nhất dẫn tới việc mất toàn bộ Nam Việt Nam là: bộ đội CS không thực sự ở tại nơi mà bản đồ chỉ ra nó. Những người lính Bắc Việt Nam mà người ta tưởng rằng đang ở xung quanh Pleiku, trên thực tế lại đang chiến đấu hay chờ lệnh tấn công ở nam Buôn Ma Thuột.

Một lý do chính về sự đổ vỡ trong hệ thống tình báo là quân đội Sài Gòn chẳng còn chú ý gì đến công tác thu lượm tin tức tình báo. Dù thế nào thì họ vẫn chưa bao giờ làm đủ các cuộc do thám tầm xa. Khi các toán trinh sát của Mỹ ra đi trong những năm 1969-1970, quân đội Sài Gòn không đủ sức lấp lỗ trông sinh tử này.

Vào khoảng thời gian mà những lá cờ xanh đỏ sao vàng được kéo lên trong các vùng VC vừa chiếm được ở Buôn Ma Thuột ngày 12-3, thì Thiệu đang quyết định nước cờ định mệnh. Theo như người ta được biết, Thiệu không thảo luận với ai cả và cũng đã không trao đổi ý kiến cả với người Mỹ.

Đại sứ Hoa Kỳ G.Martin lúc ấy lại không ở tại Sài Gòn. Ông ta đang kéo dài kỳ nghỉ vốn đã quá dài nằm tại nhà ở bang Bắc Carolina trong lúc Thiệu muốn nói chuyện với ông ta. Vì Thiệu không tin người Mỹ nào khác ngoài Martin lúc đó,thành ra khi Thiệu cần một cái vai Mỹ để dựa thì đạidiện của Washington lại không ở cạnh đó.

W.Lehmann ngồi làm việc khuya tại văn phòng của mình ở Sài Gòn, tạm thay thế cho đại sứ Martin đang vắng mặt quá lâu trong kỳ nghỉ phép, đang gặp rắc rối về vụ một viên chức Mỹ là Struharick đang bị mắc kẹt ở Buôn Ma Thuột. Một viên chức Mỹ bị bắt sẽ gây rắc rối thế nào cho Hoa Kỳ ? Đáng lẽ Mỹ đã phải nằm ngoài cuộc chiến tranh Việt Nam. Các bức điện ngắn đầy hốt hoảng từ Bộ ngoại giao và Nhà Trắng thông báo cho Lehmann rằng không được từ một nỗ lực nào trong việc giải cứu Struharick ra khỏi Buôn Ma Thuột là một vấn đề khó xử mà Lehmann vẫn phải vật lộn với nó.

Lehmann ước ao Martin có mặt ở Sài Gòn để chính ông ta tự quyết định lấy. Lehmann biết, nếu Struharick bị bỏ lại, rõ ràng Martin sẽ nối cáu với ông ta. Lehmann không biết khi nào Martin mới có thể trở lại Sài Gòn, vì Martin đã cắt liên lạc với sứ quán như ông ta vẫn làm trong mùa hè vừa qua, khi vắng mặt lâu dài khỏi nhiệm sở ở Sài Gòn. Thậm chí không ai biết Martin đã đi đâu trong thời gian tạm rời khỏi Sài Gòn, trừ việc ông ta viếng thăm nông trại của mình ở Italia và về thăm nhà ở Bắc Carolina.

Lehmann không hy vọng cứu Struharick ra khỏi Buôn Ma Thuột bằng phương viện phụ thuộc vào người Nam Việt Nam. Không hy vọng Sài Gòn sẽ biệt phái-dù chỉ một người lính rời trận đánh để giúp việc đưa một người Mỹ ra khỏi thị xã. Hy vọng giải pháp duy nhất do các nhân viên sứ quán đề nghị là cho một trực thăng của Air America, hàng không của CIA do sứ quán Mỹ “thuê” đến hạ cánh ở Buôn Ma Thuột để chộp lấy Struharick. Một chiếc trực thăng đã thử làm đúng như thế vào buổi chiều hôm ấy, nhưng hoả lực tên lửa đất đối không tì vào vai để bắn { A -72 } đã có mặt ở đây khiến cho chiếc trực thăng UH-1 phải quay về sở chỉ huy Nha Trang. Thế là Lehmann bị bó tay.

Vì mục đích tuyên truyền, người phát ngôn của Bộ tư lệnh ở Sài Gòn, trung tá Lê Trung Hiền đã nói với các nhà báo vào ngày 11-3, cuộc tấn công Buôn Ma Thuột là một phần của cuộc tấn công trên toàn quốc. Nhưng hành động và phản ứng của Sài Gòn cho thấy Hiền chỉ hô khẩu hiệu mà thôi.

Thật ra, có một số rất ít người thực sự nghĩ rằng CS có cơ hội chiến thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng cái thiểu số đó bị cười nhạo báng nhiều đến nỗi họ rất ít khi dám nói dài dòng để bảo vệ lập luận của mình. Trong khi đóng tại Sài Gòn, trung sĩ Tăng và những người của ông ta làm việc của họ với những bản đồ giả, tin tức tình báo giả và dữ kiện sai lạc. Việc đánh lừa thành công. Trong khi lực lượng chiến đấu của Bắc Việt Nam di chuyển đến Buôn Ma Thuột một cách bí mật thì bộ chỉ huy Sài Gòn lại điều lực lượng của họ khỏi Buôn Ma Thuột để chống lại sự uy hiếp tưởng tượng ở Pleiku.

Một câu hỏi xác đáng là tại sao người Mỹ lại không di tản trước ra khỏi Buôn Ma Thuột? Hình như có một niềm tin quá đáng của người Mỹ với quân đội Sài Gòn, cho rằng quân đội này hoàn toàn đủ sức bảo vệ bất kỳ thị xã nào như Buôn Ma Thuột.

Nguyễn Văn Mười khôg phải là một người lính may mắn. Anh ta bị bắt lính vào quân đội Sài Gòn lúc đang ở nhà tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 19 tuổi, cách đó hơn 4 năm về trước. Tên của Mười là con số “10” trong tiếng Việt, và ngoài việc không thích quân đội, Mười còn ghét cách chơi chữ thường xuyên của bạn đồng ngũ đối với tên anh ta. Tục danh của anh ta là “năm-bơ ten” (number ten), tiếng lóng của lính Mỹ để chỉ cái gì “tồi tệ nhất”.

Mười không thích thú gì với cách khôi hài dai dẳng ấy, chẳng khác nào một người điều khiển thang máy chán ngấy cái cảnh phải nghe người ta than phiền về những lúc lên lúc xuống trong cuộc sống. Mười đã đảo ngũ một lần, bị quân cảnh bắt lại và bị đổi đến sư đoàn 23 ở Buôn Ma Thuột như là một hình phạt. Sư đoàn 23 là nơi an trí cho nhiều lính quân dịch Nam Việt Nam bất mãn và vì thế, nó là một trong những đơn vị yếu nhất trong số 13 sư đoàn chiến đấu của Sài Gòn.

Sáng ngày hôm ấy, Mười nhận ra mình đang nằm trong hố cá nhân ở tường ngoài của văn phòng ngôi nhà tỉnh trưởng, con người thế lực nhất tại Buôn Ma Thuột. Anh ta nghe thấy cuộc giao tranh tiến gần trong 31 giờ qua khi anh ta quan sát từ hố cá nhân của mình.

Cũng như khoảng một tá lính khác ở trong và chung quanh ngôi nhà tỉnh trưởng, Mười không biết rằng viên tỉnh trưởng đã trốn chạy mất rồi. Ông ta đã tìm nơi trú chân tại sở chỉ huy sư đoàn 23. Thực ra cũng chẳng sao, chỉ có điều là Mười không biết rằng mình đang bảo vệ một ngôi nhà trống.

Một chiếc xe tăng Bắc Việt Nam do Liên Xô chế tạo nghiến xích trên đường phố tiến đến ngôi nhà viên tỉnh trưởng, tháp pháo đậy lại và trông có vẻ dữ tợn. Mười lặng người đi. Chiếc tăng bắt đầu tiến vào nhà tỉnh trưởng. Khẩu đại bác 100 ly ở mặt trước của nó từ vị trí bắn bắt đầu hạ xuống. Mười thình lình nhận ra rằng nó sắp sửa phá vỡ văn phòng tỉnh trưởng bằng lối bắn thẳng. Trong tay Mười chỉ có súng M.16. Anh ta nằm úp sấp và nhắm mắt lại… lắng nghe tiếng xe trườn trên lưng anh ta để xông vào nhà viên tỉnh trưởng. Hình như chiếc xe tăng không định nghiến nát Mười dưới hàng xích của nó. Đến khi Mười mở mắt thì đã thấy lá cờ xanh đỏ sao vàng của VC bay trên sở chỉ huy tiểu khu. CS đã có thể tuyên bố chiến thắng ở Buôn Ma Thuột.

Phước Long là một đòn thử. Buôn Ma Thuột là kế hoạch. Kế hoạch đã xong được bước đầu. Không có gì ngăn cản cộng sản đi các bước tiếp.

 

Chương 2 : Lỗi lầm chí tử

Không có dấu hiệu nào cho thấy Martin lại muốn hoặc có thể khuyên giải Thiệu đừng đi nước cờ tai hoạ ngày 12-3. Ngày Thiệu đi nước cờ ấy, người Mỹ đã khen ngợi “đấy là giải pháp duy nhất có thể được”. Nó chứng tỏ người Mỹ quá thiếu hiểu biết đối với người lính Sài Gòn mà họ đang làm cố vấn. Một lý do khác biện hộ cho quyết định của Thiệu được đưa ra bởi tay phụ tá quân sự cao cấp là Đặng Văn Quang. Theo lời tố cáo của phóng viên hãng truyền hình NBC (1971) thì Quang là tay buôn lậu thuốc phiện lớn nhất nước và là kẻ chèo lái cho Thiệu trong các vụ tham nhũng khác. Quang tuyên bố VC đã bắn tin đến dinh Độc Lập là hoặc phải rút sạch khỏi Tây Nguyên hoặc là các thành phố này bị san thành bình địa. Câu chuyện hoàn toàn mang tính chất tự bào chữa.

Đến ngày 15-3, quyết định của Thiệu rút bỏ Tây Nguyên đã thành hình. Buổi sáng thứ bảy hôm ấy, Thiệu lên chiếc máy bay DC6 riêng của tổng thống và bảo phi công đi thẳng đến vịnh Cam Ranh. Thiệu chọn Cam Ranh cho cuộc so găng với các tư lệnh quân đội bởi vì các tướng lĩnh sẽ không thể về hùa với nhau để áp đảo Thiệu ở đó được. Căn cứ vốn ít được sử dụng đến và không phải là sân nhà của bất cứ viên tư lệnh quân đội Sài Gòn nào. Sẽ không có “lợi thế sân nhà” cho các tướng lĩnh trong phiên họp cãi vã mà Thiệu đoán chắc thế nào cũng xả ra.

Thiệu nghĩ không sai. Các tướng lĩnh Sài Gòn đã đón Thiệu gần cái đường bay dài gần 2 dặm trên bãi cát Cam Ranh. Mấy phút sau khi đến nơi, Thiệu đã ra lệnh di tản Pleiku và Kontum.

Phạm Văn Phú choáng người. Viên tư lệnh quân đoàn 2 không thể nào chấp nhận một cuộc rút lui trước khi nhập trận. Phú không đến nỗi bất ngờ trước quyết định đó của Thiệu vì đã nghe tin đồn đó từ trước khi Thiệu triệu tập họp, nhưng Phú cứ làm ra vẻ kinh ngạc.

Phú đã hỏi Thiệu có nói đùa không? Làm sao có thể rút lui trước khi xảy ra cuộc tấn công? Phú nói thậm chí không chắc có quân cs ở xung quanh Buôn Ma Thuột. Tiếp đó Phú trở nên giận dữ khi Thiệu một mực nhắc lại những điều về vấn đề rút lui. Phú cãi lại rằng tất cả sẽ đổ sụp nếu rút lui. Nhưng Thiệu khăng khăng một mực giữ vững lập luận cho rằng bám trụ Tây Nguyên chỉ làm phí sinh mạng. Những người ấy có thể được sử dụng tốt hơn trong việc phòng ngự dải đất duyên hải vốn có giá trị chiến lược và đông dân hơn.

Sau 90 phút, Thiệu nhắc lại lệnh rút bỏ cao nguyên. Thiệu giáp mặt Phú và bảo viên tướng mắc bệnh lao phổi này rằng, chỉ có hai cách lựa chọn: hoặc là thi hành lệnh, hoặc bị thay thế và ngồi tù để người khác thi hành lệnh. Thiệu quay gót, lên chiếc DC6 và bay về Sài Gòn. Còn Phú lấy trực thăng lên sở chỉ huy ở Nha Trang.

Thế rồi cái gì đã xảy ra trong cơn sốt lúc bấy giờ được che phủ trong màn bí mật và những lời tự bào chữa. Cuộc hành trình đầy nước mắt đã bắt đầu trong đêm chủ nhật 16-3 ấy. Các sĩ quan Sài Gòn ra lệnh cho binh lính ủi sập thành phố và đốt cháy càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, các căn cứ quân sự lại gần như nguyên vẹn. Tại Pleiku và Kontum, 62 máy bay có khả năng cất cánh bị bỏ lại. Một đài rada hàng triệu đôla với khả năng theo dõi sự di chuyển trên mặt đất và trên không cũng như đường bay của tên lửa cũng bị bỏ lại nguyên vẹn.

Các phi công trực thăng thấy cơ hội làm ăn đã đến. Đám phi công do Mỹ huấn luyện ấy đã kiếm được một số tiền đáng kể trên nỗi lo sợ của đồng bào họ. Giá một vé đi từ Pleiku ra bờ biển là 100 đôla đã nhanh chóng tăng lên đến một lạng vàng. Trong cuộc di tản, thậm chí nó còn lên cao hơn nữa. Nhiều phi công đã kiếm đủ tiền tiêu xài suốt đời khi họ đến Hoa Kỳ bằng máy bay chú Sam sau đó một tháng.

Các quân nhân Sài Gòn sớm nhận biết đây không phải là rút lui mà là cuộc rút chạy. Cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên là dòng binh lính trà trộn vào dân, hoặc là binh lính kinh hoàng thấy dân trà trộn với mình.

Đến thứ hai, các hãng tin phương Tây đánh đi những bản tin nói về sự bỏ rơi Tây Nguyên và mặc dù chưa ai đoán chắc lệnh này xuất phát từ đâu nhưng có bằng chứng rõ ràng là cuộc ra đi của binh lính và dân chúng đang tiến triển. Đến lúc này chính quyền Sài Gòn bị buộc phải nói láo.

Như thường lệ. Lê Trung Hiền, nhận lấy công việc nói láo cho chính quyền. Trưa ngày chủ nhật, 16-3, Hiền họp báo trong cái phòng ngạt thở ở tầng trên một ngôi nhà ở đường Tự Do và nói với các nhà báo đang hoang mang trước tin đồn bỏ rơi Pleiku rằng: “Sở chỉ huy quân đoàn 2 vẫn đóng ở Pleiku. Chỉ có bộ phận chỉ huy chiến thuật là đang dời về Nha Trang. Không có lệnh nào di tản khỏi Pleiku cả…”.

Trưa thứ hai, Hiền lại tiếp tục câu chuyện giả dối này. Tại sao Hiền làm như thế-nói đúng hơn là tại sao cấp trên lại ra lệnh cho Hiền tiếp tục làm như vậy? Thật khó mà biết được! Chỉ biết khi bỏ rơi xong xuôi hai thành phố này, Hiền trơ mặt ra, uốn lưỡi nói với các nhà báo: “không có quyết định bỏ rơi hai thành phố này. Một số đơn vị chúng tôi được chuyển khỏi vùng này, chỉ vì lý do chiến thuật”.

“Phóng sự của các ông hoặc viết ra theo trí tưởng tượng, hoặc thiếu cơ sở sẽ gây bối rối và kinh hoàng cho dân chúng Tây Nguyên”. Hiền nói với các nhà báo như vậy.

Khi hàng trăm nghìn người di tản đã chết thì Hiền lại họp báo, trưa thứ ba, có bớt gay gắt một chút. Trưa thứ tư, 19-3, Hiền lại bọp báo, trình bày cuộc di tản như là “lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” nhưng vẫn khăng khăng nói rằng quân đội Sài Gòn còn ở lại phía sau để phòng thủ thành phố.

Đây là cách nói, cách nhìn của Sài Gòn. May mắn thay, thế giới không nhìn theo cách nhìn ấy. Trong khi cuộc hành trình đó rời khỏi Pleiku, các đơn vị VC ở ngay sau lưng nó. Trong các đơn vị ấy, cấp chỉ huy và binh lính đều do Bắc Việt Nam huấn luyện. Khi họ đi vào, thành phố đang cháy âm ỉ. Bộ đội chiến đấu của họ tiến vào căn cứ không quân với súng ở tư thế sẵn sàng. Họ chiếm giữ vành đai rộng lớn quanh căn cứ. Không ai đụng chạm đến cái rada trị giá 1 triệu đôla hoặc bất kỳ thứ trang bị nào khác. Các chuyên viên sẽ đến xem xét các thiết bị do Mỹ chế tạo mà lính Sài Gòn đã bỏ lại. Trong lúc này, VC chỉ có việc canh giữ chúng thôi. Trên thực tế,ở Pleiku cũng như nơi khác, bộ đội VC đầu tiên vào thành phố đều không đụng chạm đến thứ gì cả. Họ dập tắt sự chống cự nếu có, đi khắp nơi với vũ khí ở tư thế sẵn sàng. Chẳng hề có trộm cắp, thậm chí những cảnh hư đốn của chiến tranh, thí dụ như đồng hồ trên tay người lính chết, đều còn nguyên vẹn…

Mấy nghìn linh hồn quyết định ở lại Pleiku không trốn chạy đã dè dặt bước ra khỏi nhà và cửa hàng, những gì mà thành phố còn để lại cho họ. Binh lính và thường dân nhìn nhau một cách thận trọng để tìm xem là thù địch hay thận trọng. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ có sự tôn trọng dân chúng của cac binh sĩ VC, những người ít được dịp nhìn thấy cuộc sống thành phố của những người Nam Việt Nam.

Những lá cờ ở Pleiku và các nơi khác đã là vật phá vỡ sự dè dặt giữa người lính chiến thắng và thường dân. Cờ VC xuất hiện khắp nơi, trước cửa nhà, cửa hàng, cột cờ và thậm chí trên cây. Việc treo cờ đã làm cho cả người mới đến lẫn người ở đây cảm thấy có cái gì chung và cả hai đều thở phào khi họ có cơ hội cùng nhau treo cờ để phá tan sự ngại ngùng ban đầu.

Cán bộ tuyên truyền đi theo sau bộ đội, đôi khi chỉ sau vài phút. Họ phân tán và giữ an ninh cho Pleiku. Ở nơi nào họ đến, cs đều thông báo:

“Đồng bào đừng sợ hãi! Bộ đội giải phóng không làm hại ai cả. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam sẽ bảo vệ đồng bào. Không còn phải lo sợ sự tàn bạo và đàn áp của chính quyền Sài Gòn… Pleiku đã ở trong tay nhân dân”.

Đây là một thông cáo được loan truyền ở bất cứ nơi nào mà quân Bắc Việt Nam đến trong suốt tháng ba và tháng tư. Họ đã không hề lùi bước trong suốt 55 ngày cuối cùng của cuộc chiến. Lẽ tất nhiên, bộ đội tuân theo chỉ thị đến từng chữ một. Họ là chiến sĩ giỏi, tuân lệnh hoàn toàn, không bao giờ chất vấn tại sao cấp trên lại muốn thế này hoặc thế kia? Một trong những lý do là mọi mệnh lệnh đều được giải thích trước khi ban hành. Trong khi người lính đối thủ của họ trong quân đội Sài Gòn hay quân đội Mỹ bỏ đi nhậu nhẹt, xem phim hay hộp đêm thì binh sĩ của lực lượng vũ trang giải phóng ngồi học tập chính trị dưới hình thức một bài diễn thuyết, một cuộc hội thảo vấn đáp, v.v… Các buổi học tập chính trị tạo ra ý thức hệ cho những người chưa biết, tạo ra động cơ hành động. Mục đích nằm sau những buổi học tập này là làm cho chiến sĩ hiểu không những họ đang làm gì mà tại sao lại phải làm như thế? Nếu có cái gì đó làm cho các tướng lĩnh Mỹ phải thán phục “Sác-li” (tiếng lóng để gọi lính cs) thì đấy chính là động cơ làm cho các chiến sĩ chiến đấu.

Như thế là bộ đội vào chiếm Pleiku cũng như các thành phố khác ở Nam Việt Nam không những họ biết rằng họ không được lấy chiến lợi phẩm mà còn hiểu vì sao phải làm như thế. Cái gì thuộc về nhân dân là của nhân dân. Bởi vì nhà nước là nhân dân. Nó nghe có vẻ kỳ quặc đối với những người lớn lên trong xã hội tư bản phương Tây. Nhưng với tính cách là khuôn mẫu và nền móng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nó được chiến sĩ VC và Bắc Việt Nam hiểu, tin và thi hành từ vùng châu thổ đến khu phi quân sự trong suốt năm 1975.

Ở mỗi địa phương sau khi giải phóng, ít có những lời khiếu nại về việc lấy chiến lợi phẩm hoặc trộm cắp. Rõ ràng đấy là một trong những lý do tại sao không có đơn vị quân cảnh mặc sắc phục nào được gửi vào vùng Sài Gòn. Chỉ có một hoặc hai đại đội gồm nhân viên tình báo chìm làm việc dưới sắc phục quân cảnh mà thôi. Bộ đội tự họ giữ kỷ luật tốt đến mức nhìn chung quân cảnh được sử dụng tốt hơn trên chiến trường với vai trò chiến đấu hoặc yểm trợ chiến đấu. Kỷ luật của người lính, những người noi theo gương ông Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng lớn trong các thành phố-nói nôm na là trong các vùng vốn theo lối sống phức tạp của phương Tây.

Nói tóm lại, tại Pleiku, tác phong của bộ đội cs được biết là điển hình. Ở những nơi khác cũng đều tốt như vậy cả. Cá nhân người chiến sĩ có thể nghĩ rằng, người Mỹ là loài thú dữ đáng bị bắn khi bắt gặp để trả thù những gì mà họ gây ra cho gia đình, bè bạn và đất nước mình. Nhưng lúc bấy giờ mệnh lệnh là đối xử đàng hoàng với người Mỹ và người chiến sĩ đã làm đúng như thế. Không có vấn đề ngược đãi người Mỹ nào hoặc ngược đãi hạng người nào trong “nhân dân”. Thậm chí một vật tầm thường nhất cũng không bị lấy đi, trừ phi có lệnh chiếm lấy những thứ “vì lợi ích cách mạng”. Trường hợp như vậy, việc trưng dụng món đồ sẽ được giải thích mặc dù không nhất thiết làm cho người chủ hài lòng. Điều này ít ra cũng là những gì mà người dân đô thị sau này kể lại về những ngày đầu tiên sau chiến thắng.

 

Chương 3 : Cuộc rút chạy bắt đầu

Cuộc tấn công bắt đầu lúc 11 giờ đêm ngày 19-3. Cuộc tấn công của Bắc Việt Nam vừa được chín ngày và bốn tỉnh đã nằm trong tay cs. Binh nhì Đức của thuỷ quân lục chiến Sài Gòn chưa bao giờ thấy nhiều xe tăng đến thế trong đời mình và anh ta hoảng sợ.

Xung quanh Đức, binh sĩ đang sử dụng hoả lực hoặc nhìn trân trân như bị thôi miên trước những chiếc xe tăng. Hàng hàng lớp lớp chúng đang nghiến xích sắt băng qua cánh đồng. Lúc bấy giờ là 1 giờ sáng và quân phòng thủ trong làng gần nhất bị san bằng đã rút ra sau khoảng 10 phút giao tranh với những chiếc xe tăng đến từ ba hướng.

Sư đoàn thuỷ quân lục chiến Sài Gòn có lẽ là sư đoàn duy nhất thuộc loại tinh nhuệ của Nam Việt Nam. Quân của nó được giữ gần sát với con số 10 nghìn người theo bảng cấp số và được huấn luyện kỹ. Chỉ có mỗi một vấn đề: đã quá lâu, thuỷ quân lục chiến không ra trận nên thực sự là họ quên mất cách tác chiến như thế nào.

Năm 1972, họ đã từng mục kích xe tăng Bắc Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị, nhưng chưa bao giờ họ nhìn thấy hàng hàng lớp lớp như thế này. Thậm chí ở Sài Gòn, nơi ngày xưa xe tăng Mỹ xuất hiện gần như ở khắp mọi ngõ ngách đường phố cũng không nhiều đến thế. Cuộc xung phong vào thuỷ quân lục chiến thật là ồ ạt. Sau này tính ra ít nhất cũng có 3 sư đoàn bộ binh và tối thiểu là một trung đoàn xe tăng tham gia tiến công.

Đức lại ló đầu lên, nhìn qua bờ hào giao thông ở chỗ mình. Giống như hầu hết đám thuỷ quân lục chiến trong vùng, anh ta tự làm lấy một mái che bằng cành dừa, lá dừa, thùng các-tông và bất cứ thứ gì có thể tìm được. Nó che nắng và mưa nhỏ, nhưng không che được đạn pháo, đạn cối hoặc hoả lực xe tăng. Chính đây là mối lo cấp thời. Cuộc pháo kích đã bắt đâu ồ ạt.

Hai phút sau khi Đức nhìn thấy xe tăng Bắc Việt Nam thì đại đội thuỷ quân lục chiến ở trước mặt Đức đứng lên khỏi hào giao thông. Anh ta tưởng là họ sẽ xung phong. Nhưng họ đã quay lại, chạy về phía trung đội của Đức nhưng lệch sang phải một chút. Họ khom người để chạy trốn cuộc giao tranh. Đức có thể nhìn thấy hàng trăm bóng người chạy lom khom in rõ hình trên bầu trời được chiếu sáng bằng hoả pháo. Họ xách súng M.16 chạy trốn những chiếc xe tăng.

Chiến sĩ cs đang ngồi trên xe tăng, đi sau xe tăng và một số gan dạ thì tiến trước. Thỉnh thoảng họ mới bắn. Đám thuỷ quân lục chiến đang chạy trốn khỏi mối đe dọa chứ không phải trốn chạy hoả lực.

Từ trước đến nay, binh nhì Đức chưa bao giờ tham dự trận đánh nào cả. Bỏ học từ 14 tuổi để kiếm việc làm giúp đỡ cái gia đình 9 người của mình. Anh chàng là con thứ 5 trong gia đình. Khi đến tuổi 17, anh ta có thể tìm cách trốn quân dịch, sống trong hang cùng ngõ hẻm. Cách này có nghĩa là phải hối lộ những món tiền lớn cho nhân viên sảnh sát, hoặc có thể trở thành nhà sư. Khoảng năm 1973 thì hàng loạt nhà sư lại bị bắt quân dịch như thường. Thế là Đức gia nhập cái mà bạn bè cho biết là đơn vị chiến đấu giỏi hết chỗ nói. Trên lý thuyết, người nào chiến đấu giỏi thì có cơ hội sống sót nhiều nhất. Đức bèn vào lính thuỷ quân lục chiến.

Giờ đây các xe tăng đối phương đến cách trung đội của Đức trong vòng 400 mét. Thế là, chẳng có dấu hiệu hay lời nói nào, nhưng mọi người trong trung đội đều đứng cả dậy, luýnh quýnh leo lên bờ hào. Họ tự động khom người xuống để hạ thấp cái bóng của mình đề phòng có hoả lực. Chẳng ai bắn vào họ cả nhưng thỉnh thoảng lại có người vấp ngã.

Được khoảng nửa dặm. Đức dừng lại nghỉ và ngã vật ra đất. Đấy là đoạn đường dài nhất mà anh ta đã chạy sau thời gian huấn luyện cách đó 2 năm. Anh ta thấy chẳng có lợi ích gì để bám trụ và chiến đấu.

Chiến trường phía Nam tỉnh Quảng Trị này im lặng một cách lạ lùng. Âm thanh lớn nhất là tiếng máy nổ của xe tăng, tiếng xích sắt nghiến ken két. Các xe tăng chạy nhanh hơn Đức, đã gần kịp anh ta, cách khoảng 200 mét. Anh ta rớt lại gần cuối đoàn quân mà Đức đoán khoảng 1 nghìn lính thuỷ quân lục chiến. Thực ra không phải “đoàn quân”. Nó chẳng có tổ chức gì cả. Đó là một đám tàn binh khác của quân lực Sài Gòn.

Họ đã đến quốc lộ 1, đi thẳng về hướng Huế. Ở gần quốc lộ lại có nhiều xe tăng hơn, đang có vẻ đuổi theo thôi, chẳng thèm bắn, cũng chẳng thèm tràn lên nghiến nát họ. Khi đám thuỷ quân lục chiến lên mặt đường thì đột nhiên các xe tăng bật đèn lên. Hình như chúng đang chỉ đường cho đám lính Sài Gòn chọn lấy con đường rút lui an toàn.

Đức không nán lại để xem sự nhân đạo này kéo dài bao lâu. Anh ta bắt đầu chạy đều bước, không nghỉ, cho đến rạng đông. Lúc đó, Đức mới loạng choạng chạy vào một đồn dân vệ đã bị rút bỏ cách Huế 12 dặm về phía Bắc để uống một hơi dài, thật dài…

Chỉ mới 11 ngày, giữa bài diễn văn của Thiệu ngày 20-3 đến khi SG sụp đổ ngày 31-3 Việt Nam Cộng hoà đã trao cho VC và Bắc Việt Nam một quân khu và không bao giờ lấy lại được. Từ cuối tháng 3, cuộc chiến đấu tiếp tục, giọng điệu tuyên truyền, sự đau xót của chính quyền Sài Gòn và lời kêu gọi Mỹ viện trợ vẫn nghe thấy, nhưng Nam Việt Nam đã mất rồi. Đó là 11 ngày định mệnh kết thúc bằng việc Thiệu lên đài phát thanh truyền bá gọng điệu hiếu chiến của mình. Từ tháp ngà dinh Độc Lập được canh giữ cẩn thận, qua bài diễn văn, Thiệu làm ngơ trước những tổn thất lớn kinh khủng của chế độ, giở giọng soi mói Hoa Kỳ giảm viện trợ. Thiệu trơ trẽn nói với dân chúng: “Trong 2 tuần qua, quân và dân ta dũng cảm tiêu diệt địch và thành công trong việc chặn đứng cs ở chiến trường đông dân”. Đấy là những lời nó cố tỏ ra can đảm, nhưng rủi thay nó chẳng lừa bịp được ai. Dân chúng đều biết rõ, hàng sư đoàn, nhiều tỉnh trọn vẹn đã bị mất gọn. Với Thiệu, tuyên bố rằng quân đội đủ sức giữ vững phòng tuyến là điều khó tin. Ở tư cách tổng thống mà lại dám nói vậy thì không một công dân hay kiều dân nào ở Nam Việt Nam tin nổi.

Người ta nghĩ ngay đến việc bơm hơi của Mỹ. Dù sao, việc bơm hơì cũng làm dịu mối lo về việc Nam Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm.

Quả thế, binh nhì Đức và đám bạn bè được tổ chức lại sau khi bỏ chạy khỏi tỉnh Quảng Trị. Đức được gọi lại đội ngũ trên đường đi Huế, gom thành mấy nghìn lính thuỷ quân lục chiến ở Bắc Thừa Thiên, giáp Quảng Trị tại sông Mỹ Chánh. Quyết định phá đổ cầu Mỹ Chánh được truyền xuống cho đại đội của Đức, trong khi lính thuỷ quân lục chiến đang nghe diễn văn của Thiệu đêm 20-3 qua đài bán dẫn:

“… Từ Quảng Trị vào Huế, dọc theo bờ biển xuống quân khu 3 và 4, chúng ta nhất quyết bảo toàn lãnh thổ đến người cuối cùng. Tin đồn về việc bỏ rơi Huế là hoàn toàn vô căn cứ…”

Vẫn còn khoảng 2 nghìn đến 2 nghìn rưởi lính thuỷ quân lục chiến đang được gom lại sau cuộc rút chạy khỏi Quảng Trị. Tư lệnh sư đoàn Bùi Thế Lân cùng sĩ quan đang đi vòng ở Huế để tìm kiếm binh sĩ.

Khi thuỷ quân lục chiến phá sập cầu Mỹ Chánh thì cs áp đảo họ và vượt qua sông bằng xe tăng lội nước và cầu ngầm, còn dân Huế đang chạy về Đà Nẵng. Ở phía Nam, trong khi Thiệu nói với dân chúng rằng cs đang bị đánh bại trên mọi mặt trận thì đã có ngay câu trả lời. Đức và đám bạn bè quay lại nhìn phía sau thấy bầu trời loé sáng mấy lần. Chẳng bao lâu họ phát hiện được ánh sáng loé lên ấy là Huế, đặc biệt là sân bay Phú Bài sát bên dưới tỉnh lỵ, đang bị cs pháo kích, khoảng 50 quả đêm ấy. Sài Gòn sắp mất quyền kiểm soát cái kinh đô cũ này.

Nhưng cùng ngày hôm ấy, Ngô Quang Trưởng, một tướng thân Mỹ đã đến được Huế. Thân hình cao lớn, Trưởng được coi như một điển hình can đảm khi người Mỹ nói đến chuyện binh sĩ Việt Nam như thế nào. Thế nhưng giờ đây, Trưởng đã làm thất vọng những người vốn tin tưởng. Huênh hoang nói oang oang với các nhà báo, Trưởng khoe khoang rằng đã làm đủ thứ chuyện mà trong quá khứ chẳng hề làm. Trưởng đã tự biến mình thành một thằng hề bằng cách nói mình sẽ cố thủ. Cá nhân Trưởng sẽ chiến đấu trên đường phố để cứu Huế, nếu thành phố mất, Trưởng sẽ mất theo. Trưởng sẵn sàng chết để bảo vệ Huế. Bọn hèn nhát có thể bỏ chạy nhưng Trưởng này sẽ chiến đấu đến cùng. Rồi Trưởng leo lên chiếc trực thăng riêng do Mỹ cung cấp, bay một vòng. Đây là lần cuối, người ta thấy mặt Trưởng ở Huế.

Không có nhận xét nào: