Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

Đài liệt sĩ Việt Nam tại Đông Hưng

Tại thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) có một đài liệt sĩ Việt Nam (xem ảnh). Đài đặt giữa một khuôn viên cây xanh, cao hơn 10 mét. Mặt chính thân dài, khắc song song hai hàng chữ Việt – Hán: “Đài kỷ niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt – Trung”, trên bệ khắc một bia, tiếng Việt “Nhân

dân Việt Nam đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc. 1956, Đảng Lao động và Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban hành chính huyện Hải Ninh”.

Năm 1949, theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tư lệnh Biên khu Việt – Quế (Quảng Đông – Quảng Tây), Bác Hồ và Bộ Tổng tư lệnh ta phái một lực lượng vũ trang sang giúp bạn “xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung–Long – Khâm liền với biên giới Đông Bắc ta, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Đại quân Nam Hạ” (Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 23-4-1949).

Tháng 6 năm đó, lực lượng ta chia làm hai hướng: một sang Long Châu (Quảng Tây), một sang Khâm Châu (Quảng Đông) dưới sự chỉ huy chung của Bộ chỉ huy chiến dịch, được gọi là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn. Hướng thứ nhất vượt biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn, sang hoạt động một thời gian ngắn, giúp bạn tiêu diệt hơn một trung đoàn địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng quanh Long Châu. Hướng thứ hai, hoạt động dài ngày, đã lập công xuất sắc. Đầu tháng 6, bộ đội ta xuất phát từ một làng nhỏ thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang), tiến lên vùng Đông Bắc, vượt qua đường số 4 (khi đó còn do quân Pháp chiếm đóng, kiểm soát), băng qua biên giới, vượt tiếp qua dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn quả núi lớn), ranh giới tự nhiên giữa Quảng Tây và Quảng Đông, cao hơn 1.000m, rồi đổ xuống địa phận huyện Khâm Châu (Quảng Đông), hình thành một mũi dao nhọn bất ngờ thọc sau lưng địch, khiến chúng hốt hoảng rút bỏ ngay một số đồn bốt lẻ ở chân Thập Vạn Đại Sơn. Riêng việc hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn đã là một chiến tích. Nhân dân địa phương kể lại rằng chưa từng thấy ai, kể cả quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, vượt qua được dãy núi này, vừa rất hiểm trở, vừa là căn cứ lâu đời của bọn phỉ khét tiếng tàn bạo.

Bộ đội ta, khi đó, vừa mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trang bị còn thô sơ, có độc một khẩu 12,7mm là vũ khí hiện đại nhất vừa đoạt được của giặc Pháp trong một trận phục kích cuối tháng 3-1949 trên đường số 4. Hoạt động trên đất bạn, trong vùng hậu phương địch, không có nguồn tiếp tế hậu cần nào khác ngoài những thứ mang vác được từ quê nhà, bộ đội ta đã trải qua vô vàn khó khăn gian khổ, dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa hạ, nắng cháy mưa nguồn, trong vùng rừng núi, có lúc bị bệnh quáng gà tới 15% quân số vì thiếu ăn, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương bạn, đánh tan quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, mở rộng một khu căn cứ giải phóng dọc biên giới Việt – Trung, từ dãy Thập Vạn Đại Sơn trải dài hàng trăm ki-lô-mét ra tận vùng Phòng Thành, bờ biển Khâm Châu. Đến tháng 10-1949, gặp đại quân Nam Hạ từ phía bắc đánh tràn xuống, bộ đội ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bàn giao lại cho bạn nhiều kho tàng, vũ khí và rút về trước.

Trải qua hơn 4 tháng hoạt động, thấm nhuần sự giáo dục của Đảng và lời căn dặn của Bác Hồ về tình hữu nghị quốc tế, bộ đội ta đã chiến đấu dũng cảm, kỷ luật nghiêm trong tiếp xúc với dân, được nhân dân địa phương mến mộ, từ chỗ e dè, thậm chí có lúc còn sợ sệt như đối với quân Quốc dân đảng, tới chỗ họ, dù đời sống còn rất nghèo khó, đã hết lòng giúp đỡ, dẫn đường, tải thương, tiếp tế và khen ngợi “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường, ác liệt”. Khi tiễn biệt, một vị đại diện Bộ tư lệnh biên khu Việt-Quế đã nắm chặt tay đồng chí Tư lệnh bộ đội Việt Nam, nghẹn ngào: “Cảm ơn các đồng chí Việt Nam. Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Cảm ơn các bạn, tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, đã sang giúp chúng tôi”. Đó là một mốc son trong quan hệ hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt-Trung.

Năm 1956, chính quyền địa phương và một số cán bộ bạn cùng hoạt động trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã giúp đỡ nhiệt tình trong việc xây dựng đài và quy tập hài cốt liệt sĩ ta về chôn cất dưới chân đài. Việc lập đài kỷ niệm chính là để ghi công, tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh tại chiến trường này.

PHẠM QUÝ theo báo Quân đội nhân dân

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2008

Một chiến sĩ người Đức đã hy sinh ở vùng biên ải Lạng Sơn

Các cựu chiến binh tiểu đoàn Lũng Vài năm xưa giữ mãi những kỷ niệm đẹp về những “Chiến sĩ Việt Nam mới” người Đức trong đơn vị có tên là Tai-dơ và Găn-tơ. Găn-tơ, có tên Việt là Lê Thanh Cường, được bổ sung về đại đội của chính trị viên Nguyễn Hữu Tài (sau là Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu) là “đại đội độc lập” về tiễu phỉ vùng bắc Cấm Sơn-Lạng Sơn. (Về sau đơn vị này thuộc đại đoàn 308)... Sau đại thắng Biên Giới, Găn-tơ được hồi hương đã trở về Đức... còn Tai-dơ, được phiên chế về phân đội trợ chiến của tiểu đoàn 48, có tên Việt Nam là Hồ Chí Cường...

Tiểu đoàn 48 lúc đó cũng là một đơn vị độc lập chiến đấu đánh địch và xây dựng lực lượng du kích ở các làng xã ven đường 4A thuộc Lạng Sơn; có hậu cứ ở Bình Gia. Tai-dơ người Đức da trắng, lại cao lớn nên đi đâu cũng dễ nhận ra, bà con các dân tộc thường gọi đơn vị này là “Bộ đội người Tây”. Anh được biên chế về phân đội trợ chiến-hỏa lực, tức phân đội bom mìn-ba-dô-ca, lúc đó do anh Phạm Thiệu chỉ huy. Trận đầu tiên Tai-dơ được trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đồng đội Việt Nam là ngày 16-3-1948 khi tiểu đoàn 48 phối hợp với đại đội độc lập và du kích Bắc Sơn phục kích địch ở Bản Nằm, thuộc xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, cách thị trấn Thất Khê chừng 8km. Đây là trận Bản Nằm lần một. (Trận Bản Nằm lần hai là vào ngày 15-9-1949). Trận địa phục kích được bố trí trải dài chừng 300m từ bắc điểm cao 304 đến đông điểm cao 220. Hỏa lực của toàn tiểu đoàn lúc này mới có một khẩu ba-dô-ca, một cối 60mm và 2 đại liên, còn chủ yếu là súng trường khai hậu, mã tấu. Đây cũng là trận tập kích đầu tiên của phân đội trợ chiến này trên chiến trường Việt Bắc. Qua mấy ngày phục kích chờ đợi, hôm ấy khi một đoàn 7 xe của quân Pháp lọt vào trận địa, Tai-dơ là chiến sĩ rất bình tĩnh, luôn mang theo khẩu thom-sơn bên mình, đã nổ súng yểm trợ kịp thời cho tổ ba-dô-ca, ngay viên đạn đầu đã bắn trúng xe chỉ huy, diệt toàn bộ địch trên xe, trong đó có một quan ba, một quan hai Pháp, tạo điều kiện cho đơn vị chặn đầu, khoá đuôi, xông lên diệt địch... Địch cho quân đến ứng cứu bị đơn vị đánh trả cho tan tác. Trận này đơn vị giành thắng lợi lớn: diệt 88 tên địch (có 6 sĩ quan), làm bị thương 54 tên, diệt và thu 7 xe cơ giới, một súng 20mm, một trọng liên 12,7mm, một súng cối, một máy VTĐ... Thắng lợi của trận đánh đã thực hiện tốt nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược là cắt đứt đường vận chuyển để cô lập các cứ điểm của địch trên tuyến phòng thủ biên giới Việt Bắc. Vì vậy sau trận này địch ở khu vực Lạng Sơn rất hoang mang, nhiều tên địch ra đầu hàng, đào ngũ, trong đó có 3 lính người Đức cùng một số ngụy binh ở thị xã mang súng chạy sang hàng ngũ Việt Minh...

Sau chiến dịch thu-đông 1947, Bộ tổng tư lệnh chủ trương lập một trung đoàn chủ lực mạnh trực thuộc Bộ, thì trung đoàn 140 được tăng cường và trung đoàn 147 ra đời, các tiểu đoàn cũng mang phiên hiệu mới: 39, 42, 45 và một số đơn vị trực thuộc. Tiểu đoàn 39 thời gian này do đồng chí Thái Dũng (tức Trần Dũng Thái) người Tày ở thị xã Cao Bằng chỉ huy, mà đồng bào các dân tộc trìu mến gọi đơn vị này là bộ đội “Xíp xi cẩu” (39)… Tiểu đoàn 223 và 239 hợp nhất thành tiểu đoàn mới (có lúc lấy phiên hiệu là d29) là đơn vị độc lập của Bộ. Còn tiểu đoàn 48 của Tai-dơ sau khi một số bộ phận sáp nhập với tiểu đoàn 39, các bộ phận phiên chế tổ chức lại. Tiểu đoàn 29 mới có tên gọi Lũng Vài vì tiểu đoàn 223 từng giành thắng lớn trong trận phục kích ở Lũng Vài, được Bác Hồ và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, tặng danh hiệu này. Tiểu đoàn 29 cũng là đơn vị độc lập của Bộ tổng hoạt động ở khu vực Thái Nguyên, nay tăng cường cho mặt trận đường 4 trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng; phối hợp với trung đoàn 28 Lạng Sơn và 74 Bắc Cạn. Sau khi về vùng Đồng Me, Phủ Liễn, Tam Dương huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và phân đội nhỏ tập đánh công kiên, đơn vị của Tai-dơ lên đường tham gia chiến dịch Đông Bắc mở màn ngày 8-10-1948. Là đơn vị hỏa lực-trợ chiến, Tai-dơ có mặt trong mũi tấn công đột kích do Nguyễn Quốc Trị (về sau là Anh hùng LLVT nhân dân) chỉ huy khi tấn công căn cứ An Châu. Tai-dơ đã cùng các đồng đội Việt Nam dùng thang, bên dưới có buộc tấm phên đan bằng nứa để vượt qua hàng rào thép gai vào trong khu đồn địch, chiến đấu rất dũng cảm, diệt nhiều địch...

Sau hơn nửa tháng chiến đấu liên tục, các đồn Đồng Dương, Đồng Khuy của địch đều bị diệt; riêng khu căn cứ An Châu ta mới làm chủ được 2/3 rồi phải rút lui. Nhưng chiến dịch này ta diệt được trên 150 địch, trong đó có tên quan tư Pháp Vi-try; hơn 200 lính ngụy ra hàng; ta phá hủy 2 xe bọc sắt, 3 súng 12,7mm, thu gần 60 súng các loại trong đó 6 khẩu trung liên... Tai-dơ chiến đấu dũng cảm, mưu trí được anh em rất quý mến. Khi đơn vị tham gia phối hợp đánh đồn Đồng Khay, Tai-dơ là người đi cùng tổ với anh Nguyễn Quốc Trị trong mũi tấn công đột kích, đã nhanh chóng diệt gọn lô cốt chính của cứ điểm, góp phần cho trận đánh nhanh chóng giành thắng lợi diệt gọn đồn địch...

Nhưng vào đêm 28-1, đơn vị của Tai-dơ được lệnh hành quân gấp về bao vây tấn công tiêu diệt căn cứ phỉ ở làng Phạ Khả, gần đồn Chi Ma, khu Chi Lăng. Trong đêm chiến đấu ấy, Tai-dơ đã bị trúng đạn ngã xuống bên cạnh tiểu đội phó Đặng Tịnh. Sau khi diệt căn cứ phỉ, đơn vị đã tổ chức an táng thi hài hai anh ngay trên cánh đồng phía tây nam của làng Phạ Khả gần biên ải, thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn... Đến nay hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, không ai biết quê quán, địa chỉ gia đình của Tai-dơ bên nước Đức của anh để liên lạc... Các cựu chiến binh tiểu đoàn Lũng Vài năm xưa-một đơn vị tiền thân của đại đoàn Quân Tiên Phong, mãi mãi nhớ tới “Chiến sĩ Việt Nam mới” Tai-dơ-Hồ Chí Cường là một đồng đội thân yêu đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến của Việt Nam, đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam-quê hương thứ hai-như anh thường nói-ở vùng biên giới Lạng Sơn, mãi mãi là một Anh bộ đội Cụ Hồ!

Đắc Phan

Trung đoàn Bình Giã

TTCN - Sau Đồng khởi ở Nam bộ (1960), Trung ương có nghị quyết đẩy mạnh mũi đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Ở Nam bộ, cuối năm 1960 đầu 1961, các tỉnh đã có lực lượng vũ trang từ xã, huyện và tỉnh, có đại đội quân số có khi lên đến 200-300 người (Long An).

Lần lượt các khu có lực lượng cấp tiểu đoàn, miền (Nam bộ), có chủ lực miền ở cấp trung đoàn, với khung cán bộ tập kết trở về và chiến sĩ là thanh niên đồng khởi ở các tỉnh. Trung đoàn 1 lấy phiên hiệu là Q.761 (thành lập tháng 7-1961).

Theo ngày tháng ghi như trên thì chủ lực miền ra đời kịp thời với quân du kích và bộ đội địa phương, hình thành ba thứ quân ở Nam bộ. Lúc này các thứ quân còn đặt dưới sự chỉ huy của ban quân sự các cấp. Đến tháng 10-1963 mới có quyết định tổ chức bộ chỉ huy quân sự miền (Nam bộ) và bộ tư lệnh các quân khu.

Quân chủ lực miền có hai trung đoàn, ngoài trung đoàn 1 có trung đoàn 2 lấy phiên hiệu là Q.762, được tổ chức trong năm 1961 với cán bộ và chiến sĩ là bộ đội Nam bộ tập kết. Một vấn đề quan trọng lúc ấy là làm sao “loại phi pháo địch ra khỏi vòng chiến đấu” vì cái mạnh tuyệt đối của địch là hỏa lực.

Về hỏa lực Mỹ sử dụng ở VN, sử sách Mỹ có viết: “Trong chiến tranh Triều Tiên, mỗi người lính (Mỹ) dùng số lượng đạn dược bằng tám lần trong chiến tranh thế giới lần 2, còn trong chiến tranh VN, con số đó là 26 lần so với thời gian 1941-1945.

Diễn biến trận vận động tiến công Bình Giã - Xuân Sơn của eBB1/QKMĐ (từ ngày 28 đến 31-12-1964)
Việc sử dụng hỏa lực chưa từng có thay cho sức người là đặc điểm nổi bật của chiến thuật quân sự Mỹ trong chiến tranh VN”.

Chức năng chủ yếu của quân đội Mỹ là phát hiện mục tiêu cho hỏa lực phi pháo. Một tướng lục quân Mỹ kết luận: “Đừng đánh tay đôi với họ, phát hiện và tránh rồi trút lửa vào và kiểm soát sau đó”.

Quân Sài Gòn do Mỹ tổ chức, trang bị huấn luyện và cố vấn nên cách đánh của họ là cách đánh của Mỹ: sử dụng hỏa lực tối đa, tránh đánh xáp gần với quân giải phóng.

Anh em chiến sĩ đã tìm cách giải quyết là xáp vô đội hình bộ binh địch mà đánh, không cho chúng phân tuyến, hay nói cách khác là đánh gần và đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Tất nhiên ta cũng có nhiều cách để hạn chế phi pháo địch trong chiến đấu như: pháo kích trận địa pháo địch (gọi là kềm pháo); bắn máy bay bằng trọng liên 12,7 vì không có cao xạ; phòng ngự có công sự và chiến hào; trận địa giả...

Nhưng cách “bám thắt lưng địch mà đánh” là cách hay nhất để bảo vệ bộ binh của ta, buộc bộ binh của địch phải xáp chiến, không thể bỏ chạy hoặc phân tuyến được.

Phải công nhận rằng đây là cách đánh sáng tạo của chiến sĩ xuất phát từ tư tưởng tấn công tiêu diệt địch, bảo vệ mình để tiêu diệt địch.

Trận Bình Giã

Từ trái sang: Bùi Thanh Vân (trung đoàn phó trung đoàn 1), Tạ Minh Khâm (trung đoàn trưởng trung đoàn 2), Nguyễn Văn Tòng (chính ủy trung đoàn 1) và Nguyễn Thới Bưng (trung đoàn phó trung đoàn 2)

Sau chiến thắng An Nhơn Tây (Củ Chi), tháng 11-1964, trung đoàn rời Củ Chi hành quân về phía đông nam Sài Gòn, vùng Bà Rịa và Long Khánh, để cùng với trung đoàn 2 và các đơn vị bạn tham gia chiến dịch. Trung đoàn lên đường với trang bị vũ khí cũ đã có khi thành lập, nhưng với khả năng chiến đấu khá hơn trước, cụ thể là đã quen chiến đấu toàn trung đoàn và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn, chiến đoàn địch ngoài trời.

Bộ chỉ huy chiến dịch căn cứ vào sở trường của trung đoàn đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn đánh địch ngoài trời, đập tan chiến thuật trực thăng vận của địch.

Kế hoạch trận đánh của chiến dịch ở Bình Giã là đơn vị bạn tấn công chiếm lĩnh ấp chiến lược Bình Giã, đẩy lùi lực lượng bảo an đến giải tỏa, buộc địch phải đưa các tiểu đoàn cơ động đến. Trung đoàn 1 có nhiệm vụ bố trí tiêu diệt tiểu đoàn cơ động địch đến giải tỏa ấp chiến lược bằng trực thăng vận.

Xung quanh ấp Bình Giã có hai bãi địch có thể đổ bộ trực thăng. Trung đoàn có thể bố trí kiềm chế một bãi để buộc chúng đổ bộ xuống bãi đông nam ấp Bình Giã để ta bố trí toàn trung đoàn tấn công. Địch đã rơi đúng kế hoạch của ta. Khi đội hình trực thăng bị bắn thiệt hại nặng ở bãi một phải quay đầu bỏ chạy, sau một thời gian chấn chỉnh, địch chở một tiểu đoàn biệt động quân đổ bộ xuống bãi đông nam, nơi trung đoàn đã phục kích. Chờ địch yên tâm đổ hết quân xuống đất, toàn trung đoàn vận động bao vây, áp sát địch, nổ súng tấn công quyết liệt. Hỏa lực địch chỉ bắn vào đất trống xa tuyến bộ binh ta. Đối đầu với những chiến sĩ đồng khởi có quyết tâm cao, tiểu đoàn địch chỉ chống cự yếu ớt trong một tiếng thì bị diệt gần hết. Ngoạn mục là mũi tiến công tiêu diệt ban chỉ huy tiểu đoàn địch của tiểu đội đồng chí Lê Văn Đáp. Tiểu đội trưởng chia tiểu đội thành hai tổ thay nhau tổ kiềm chế, tổ tiến tới đến khi diệt tiểu đoàn trưởng địch, bắt sống hai cố vấn Mỹ, kết thúc trận đánh.

Đến năm 2005, trung đoàn Bình Giã (sư đoàn 9) được 45 tuổi, đã xuyên qua hai thế kỷ với thành tích kháng chiến chống Mỹ vẻ vang, thành tích chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và cứu nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng. Trung đoàn đã được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lần đầu tiên trung đoàn diệt gọn tiểu đoàn biệt động quân địch, diệt chỉ huy, bắt sống cố vấn Mỹ. Đó là ngày 29-12-1964.

Sau đó trung đoàn còn phục kích tại trận địa cũ để đánh tiếp bọn tiếp viện. Đến ngày 30-12-1964 địch không đến, trung đoàn được lệnh thu quân.

Khoảng 17 giờ cùng ngày (30-12-1964) một trực thăng quần trên không trận địa nhiều vòng rồi sà sát xuống quan sát. Đại đội trưởng cao xạ đề nghị bắn. Trung đoàn trưởng ra lệnh bắn. Một loạt đạn 12,7 ly nổ giòn, trực thăng bốc cháy và rơi vào Sở cao su Quảng Giáo, phía đông nam ấp Bình Giã.

9g sáng 31-12-1964, ngày cuối năm, toàn trung đoàn đã hành quân về nơi trú quân, đang ngủ để lấy sức cho cuộc chiến đấu tiếp sau. Trung đoàn trưởng và các tiểu đoàn trưởng lên đường đi nghiên cứu chiến trường để đánh tiếp.

Toàn trung đoàn đang ngủ say thì 12 giờ trinh sát báo cáo biệt kích vào chỗ máy bay rơi đã bị anh em trinh sát đánh nên bỏ chạy.

14g, tác chiến báo cáo: tham mưu chiến dịch thông báo tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 vào ấp chiến lược Bình Giã.

14g30 có tin địch hành quân vào chỗ máy bay rơi để tìm các cố vấn Mỹ. Tham mưu trưởng trung đoàn, anh Bùi Thanh Vân (Út Liêm), trao đổi với tôi nên triển khai trung đoàn đánh bọn này. Theo kế hoạch, tiểu đoàn 1 chặn đầu, tiểu đoàn 2 bọc hậu khóa đuôi và tiểu đoàn 3 đánh xuyên hông. Gọi tiểu đoàn nhưng tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 còn quân số khoảng 100, tiểu đoàn 2 có trên 300 cán bộ chiến sĩ. Tiểu đoàn 2 xuất kích mà như đi hội. Khoảng 16g45 thì súng nổ. Chiến sĩ ta và lính địch thấy nhau rất rõ. Mỗi bên đều dựa vào cây cao su để tấn công; bộ binh đánh với bộ binh, còn trực thăng và tiếp sau là pháo địch bắn vào ven rừng nhưng không có ai ở đó. Trận đánh diễn ra rất ác liệt vì thủy quân lục chiến là đơn vị thiện chiến của quân đội Sài Gòn. Nhưng vòng vây của chúng ta dần khép lại. Theo kế hoạch hiệp đồng và đã thực hiện “hiệp đồng theo tiếng súng”, một đơn vị nhỏ của quân ta đã thọc vào phía sau địch ngay bộ phận chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng thủy quân lục chiến bị bắn gục, cố vấn Mỹ bị thương, bị bắt sống, trận đánh kết thúc vào lúc 18g15 ngày 31-12-1964. Theo tin cuối cùng, tiểu đoàn này chạy thoát trên 10 tên.

Hồi ký của Westmoreland Tường trình của một quân nhân có viết: “...Trong cuộc chiến đấu đó, các tiểu đoàn biệt động quân và thủy quân lục chiến gần như bị tiêu diệt sạch...”. Như vậy trong ba ngày chiến đấu xung quanh ấp chiến lược Bình Giã, trung đoàn 1 đã tiêu diệt sạch hai tiểu đoàn địch, bắt sống ba cố vấn Mỹ. Hai trận liên tiếp này đánh dấu sự trưởng thành của một trung đoàn chủ lực miền, xứng đáng là một quả đấm của lực lượng quân giải phóng miền Nam.

Trước đó, ngày 9-12-1964 trung đoàn 2 phát huy truyền thống “đánh là dứt điểm” đã đánh tiêu diệt hoàn toàn một chi đoàn xe M113 (14 chiếc) trên đường hành quân giải tỏa ấp chiến lược Bình Giã.

Vì chiến dịch diễn biến xung quanh ấp chiến lược Bình Giã nên chiến dịch mang tên là “Chiến dịch Bình Giã” và trung đoàn được danh dự mang tên trung đoàn Bình Giã.

Sau chiến dịch Bình Giã, trung đoàn lại lập công xuất sắc trong chiến dịch Đồng Xoài, Dầu Tiếng và trong nhiều chiến dịch đánh quân Mỹ xâm lược.

NGUYỄN VĂN TÒNG Nguyên chính ủy trung đoàn Bình Giã (1964-1965), nguyên giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2008

Hình ảnh trong chiến tranh

Xe tăng của tàu

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008

TRẬN TIẾN CÔNG A6b (VỊ XUYÊN - HÀ TUYÊN)

TRẬN TIẾN CÔNG A6b (VỊ XUYÊN - HÀ TUYÊN) của đại đội 5, tiểu đoàn 5, trung đoàn 567, sư đoàn 322, quân đoàn 26 Quân khu 1. Ngày 31-5-1985. (Nguồn : KNCĐ). ĐỊA HÌNH Mỏm A6 thuộc sườn đông dãy núi đá 400 (cao khoảng 200m), cách biên giới Việt Trung (mốc 12-13) khoảng 1,5km về phía đông nam. Tiếp giáp về phía đông A6 có đồi đá Pháp; từ đông bắc sang tây bắc có đồi Đài, đồi Cô X, đồi chuối, đồi Cây Khô, mỏm A5, A23; phía tây mỏm A22 (A6 cách các mỏm trên khoảng 200-300m); phía nam có hang Gió (cách 200m), hang Dơi, hang Mán, hang Làng Lò (500-100m) thuận lợi cho giấu quân. Mỏm A6 là núi đá tai mèo không liền khối, rộng 70m, dài 130m, phía đông và tây dốc gần như thẳng đứng, phía nam và bắc dốc thoài. Từ sườn nam sang tây bắc dốc thẳng đứng hình thành 2 tầng, khó phát triển khi tấn công (phải đi vòng sang đông nam). A6 gồm 2 mỏm, nối với nhau bằng một yên ngựa thấp, địch chiếm A6b, ta chiếm A6a cao hơn không đáng kể. Cây cối đã bị pháo 2 bên bắn trụi. TÌNH HÌNH ĐỊCH Từ tháng 4-1984 địch tiếp tục mở rộng phạm vi lấn chiếm sang đất ta nhưng bị chặn lại ở khu vực bắc suối Thanh Thuỷ. Phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với ta ở A6b-A5-đồi Chuối-Cây Khô là tiểu đoàn 2 và ở 400-233 là tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 595 sư 199, quân đoàn 67 Đại quân khu Tế Nam của TQ. Sư đoàn 199 vào thay phiên từ 18-5-1985 vẫn lấy phiên hiệu đơn vị phòng ngự cũ là sư đoàn 40 quân đoàn 14 Đại quân khu Tế Nam. Địch bố trí phòng ngự ở A6b như sau : Phía nam : ổ số 1 có 3-4 tên. Ổ số 2 có 4-6 tên. Ổ số 3 có 3-4 tên, có 1 trung liên. Phía bắc và đông bắc : ổ số 4 có 7-10 tên, trang bị 1 trung liên, 1 đại liên, 3 khẩu B41, 2 giá H12 ứng dụng mỗi giá 2 ống, 1 máy VTĐ, 1 ống nhòm hồng ngoại. Ổ số 5 có 4-5 tên, trang bị 1 trung liên, 1 khẩu B41, 1 giá H12 ứng dụng 2 ống. Ổ số 6 có 7-10 tên là sở chỉ huy đại đội, có 3 máy VTĐ, 1 ĐT. Phía bắc và phía tây : ổ số 7 có 3-4 tên, trang bị 1 cối 60mm. Ổ số 8 có 4-5 tên. Ổ số 10 có 2-3 tên. Trên đỉnh có ổ số 9, có 4-5 tên, trang bị 1 đại liên có tầm kiểm soát rộng, 1 B41. Ổ số 3 và 4 là ổ cảnh giới. Tổng cộng địch có 40-55 tên, trang bị 2 đại liên, 4 trung liên, 5 B41, 3 giá H12 ứng dụng 6 ống. Mỗi ổ ngoài trang bị AK còn có hàng trăm lựu đạn, mìn, mặt nạ phòng độc, thiết bị thông tin... Công sự của địch là bao cát hoặc xếp đá cao khoảng 0,4m, khoét lỗ bắn và thả lựu đạn. Bên ngoài công sự buộc lựu đạn giật nổ. Trước công sự 8-10m địch cài mìn ĐH dưới đất, trên cây, trên nhũ đá... phía tiếp xúc với ta gài mìn đè nổ và vướng nổ chống bộ binh cả loại chế sẵn và ứng dụng (nhét 6 thỏi TNT vào ống bơ và gắn bộ phận gây nổ). Ban ngày địch hạn chế đi lại (có lúc phải bò), ban đêm phái 3 tổ cảnh giới ra phía tiếp xúc với ta, tung thám báo, biệt kích, tiếp tế cho A6b. Trong quá trình chiếm đóng địch bị ta bắn tỉa, tập kích nên tinh thần binh lính đã xuống thấp. TÌNH HÌNH TA Trung đoàn 567, sư đoàn 322 vào thay phiên từ 4-4-1985, lấy phiên hiệu trung đoàn 982, sư đoàn 313. Phía ta, phòng ngự ở đồi Pháp, đồi Cô X, đồi Đài, A6a, 200, A21 tiếp xúc với địch là tiểu đoàn 4 và 6 của trung đoàn 567, sư đoàn 322, quân đoàn 26 Quân khu 1, tiểu đoàn 5 là lực lượng cơ động. Để thực hiện đánh chiếm A6b, ta đã huấn luyện đại đội 4 tiểu đoàn 5. Nhưng từ 4 đến 7-5-1985, địch tấn công lấn chiếm trận địa ta, đại đội 4 được đưa vào phòng ngự. Nhiệm vụ được trao cho đại đội 6, trong quá trình triển khai, đại đội 6 gặp nhiều khó khăn, quyết tâm không cao, một số chiến sĩ bỏ ngũ... vì vậy cuối cùng nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ lại A6b được giao cho đại đội 5. Đại đội 5 tham gia chiến đấu 83 đồng chí (3 trung đội + 2 cối 60mm) trên tổng số 111 người, đại đội huấn luyện khá, quyết tâm cao, đoàn kết và kỉ luật tốt. Đại đội 5 được tăng cường 1 phân đội trinh sát, 1 tiểu đội công binh, 1 tổ hoá học (4 người với 32 quả đạn M72 cháy), 1 tiểu đội vô tuyến điện có nhiệm vụ đánh chiếm A6b và chốt lại. Nhiệm vụ : Trung đội 1 : 21 đồng chí, tăng cường 3 công binh, 3 trinh sát, 2 hoá học, 2 thông tin (cộng 31 người), trang bị 5 B41, 1 B40, 2 M72, 27 AK, 6 quả MĐH10, 6 ống bộc phá. Chia làm 6 tổ (1 tổ dự bị) đánh từ hướng đông nam diệt ổ số 4, 5, phát triển diệt ổ 6, 9, chiếm sườn đông bắc A6b, chặn quân phản kích từ đồi Cây Khô và A5. Trung đội 2 : 17 đồng chí, tăng cường 3 công binh, 3 trinh sát, 2 hoá học, 2 thông tin (cộng 27 người), trang bị 2 B41, 1 B40, 2 M72, 12 AK, 4 quả MĐH10. Chia làm 2 tổ đánh từ nam tây nam diệt ổ 1, 2, 3, phối hợp với trung đội 3 diệt ổ 7, 8, chiếm sườn tây nam A6b, chặn quân phản kích từ A22 (400). Trung đội 3 (thiếu tiểu đội 9) : 14 đồng chí, tăng cường 3 công binh, 3 trinh sát, 2 thông tin (cộng 22 người), trang bị 3 B41, 9AK, 4 quả MĐH10. Chia làm 2 tổ, đánh từ tây bắc diệt ổ 7, 8, chiếm sườn bắc và tây bắc A6b, chặn quân phản kích từ A5, A22, A23. Tiểu đội 9 : 13 đồng chí, tăng cường 2 thông tin (cộng 15 người), trang bị 1 B41, 1 B40, 8 AK bố trí ở phía đông A6a làm dự bị. Đạn dược : B41 7 viên/khẩu, M72 8 viên/khẩu, AK 150 viên/khẩu, mỗi chiến sĩ trang bị 6 thủ pháo và 20 lựu đạn. Hoả lực yểm trợ của tiểu đoàn 4 và 6 từ 5 điểm tựa xung quanh có nhiệm vụ kiềm chế đồi Chuối, Cây khô, A22, A23 gồm : 9 cối 60mm, 3 khẩu ĐKZ82, 17 B41, 4 khẩu 12,7mm, 3 khẩu MK19, 1 đại liên. Hoả lực của cấp trên có : 20 súng cối 82mm của trung đoàn 567, 6 khẩu pháo 76,2mm, 19 khẩu pháo 105mm và 122mm. Đại đội 6 tiểu đoàn 4 đảm nhiệm vận tải đạn, gạo, nước và thương binh tử sĩ. Đại đội 11 tiểu đoàn 6 đảm nhiệm chuyển gỗ, bao cát làm công sự. DIỄN BIẾN Ngày 22-5-1985 Đại đội 5 vào tập kết ở hang Làng Lò cách A6b 1km. Ngày 28 và 29/5/1985 Đại đội 5 triển khai ở A6a, hang Gió, Cây si, A21 đúng kế hoạch, an toàn. Trong quá trình trinh sát ta phát hiện thêm ổ số 10. Trong ngày hôm đó, tiểu đoàn 4 dùng ĐKZ bắn sang 400 diệt 6 công sự và 1 tổ cảnh giới của địch. Ngày 30/5/1985 Địch ở A6b bắn súng cối sang A6a làm ta hy sinh 1 và bị thương 2 đồng chí. Mũi chủ yếu trung đội 1 phải dồn lực lượng lại thành 5 tổ (1 tổ dự bị). 24h00 : đại đội trưởng kiểm tra các bộ phận lần cuối và báo cáo với tiểu đoàn. Ngày 31/5/1985 03h00 : đại đội 5 bắt đầu chiếm lĩnh trận địa. 04h45 : ta hoàn tất việc chiếm lĩnh trận địa, chậm 30 phút so với kế hoạch do trung đội 3 vướng bãi mìn phải đi vòng. Trung đội 1 cách bãi MĐH của địch 10m, 2 tổ cách địch 40m. Trung đội 2 bố trí hàng dọc cách địch 20m. Trung đội 3 bố trí hàng dọc cách địch 70m. 04h47 : trung đoàn phát lệnh bằng VTĐ, hoả lực của ta bắn xuống các điểm tựa của địch. Từ A21, ĐKZ của ta bắn vào ổ số 8 làm chuẩn cho trung đội 3. Cối 60mm từ đồi Cây Gạo bắn xuống 400, A6b, đồi Cây Khô, đồi Chuối. Cối 82mm tây 673 (trận địa Phong Lan) bắn vào đồi Cây Khô 1 quả đạn sáng làm hiệu lệnh Địch bị bất ngờ không phán đoán được ý định của ta nên không phản ứng được gì. Trên các hướng ta dùng B40, B41, M72 bắn vào các mục tiêu mở đường. 04h55 : Ta xung phong. Hướng trung đội 1, MĐH không nổ. Ta dùng 5 ống bộc phá đánh để mở đường. Do sót mìn, khi xung phong có 1 đồng chí bị thương. Hai toán địch cảnh giới bên ngoài không còn. Tổ 1 đi đầu đánh ổ số 4, địch ném lựu đạn ra, ta tung thủ pháo vào, sau 5 phút chiếm được tầng trên. 3 tên địch nằm chết ngoài công sự. Ta đánh tiếp xuống tầng dưới, diệt 3 tên và bắt sống 1 tên, thu 3 khẩu B41 và 1 máy VTĐ, 1 ống nhòm hồng ngoại. Tổ 3 đánh ổ số 5. Sau khi B41 bắn sập kè đá, trung đội trưởng chỉ huy đánh lướt qua dùng B41 yểm trợ cho tổ 2 đồng chí Tuyến và Quang theo hào đá dùng thủ pháo đánh tiếp ổ số 9. Đồng chí Quang chiếm được khẩu đại liên bắn truy theo bọn địch đang chạy về ổ số 6. Địch ở đồi cây Khô bắn cối 60mm chặn ta. Lúc này ta chưa chiếm được ổ số 6 và 8, địch từ đó phản kích lên ổ số 9, tổ 2 người của ta phải rút về ổ số 5. Sau khi chiếm lại ổ số 9, địch chia làm 2 mũi, mỗi mũi nửa tiểu đội tập trung phản kích 4 lần vào ổ số 4, 5 đều bị ta dùng lựu đạn đánh lui. Hướng trung đội 2, sau khi MĐH nổ, ta xung phong không ai bị thương vong. Đồng chí Thêm dùng B41 bắn vào ổ số 2. Địch ở 400 dùng ĐKZ bắn tới, đồng chí này hy sinh. Tiểu đội trưởng Kha lên thay bắn tiếp cũng bị trúng đạn hy sinh. Sau khi diệt toán cảnh giới, đánh chiếm được ổ số 3. Ta dùng B41, B40 bắn tiếp vào ổ số 1, 2 chi viện cho bộ binh đánh vào. Khi sục vào không còn địch. Liên lạc với đại đội trưởng bị gián đoạn. Đồng chí Thu đại đội phó chính trị phán đoán trung đội 1 gặp khó khăn lệnh cho trung đội 2 để một bộ phận giữ khu đã chiếm, còn lại phát triển lên bình độ trên nhưng gặp vách đá và mìn không đi được. Lực lượng trung đội 2 chuyển sang hỗ trợ trung đội 1 và 3. Hướng trung đội 3, MĐH không nổ. Ta dùng B41 bắn vào bãi mìn để mở đường. Khi xung phong mìn nổ làm đồng chí Khánh trung đội phó 3 chiến sĩ bị thương (sau đó 2 đồng chí hy sinh). Lúc xung phong chia làm 2 mũi cùng đánh ổ số 8 và 10. Chiếm được ổ số 10 trước còn ổ số 8 vì vách đá cao không lên được. Bị mất liên lạc với đại đội trưởng, đồng chí Khiêm đại đội phó ra lệnh cho trung đội 3 để lại một tổ giữ ổ số 10 số còn lại chuyển sang hướng ổ số 4 (trung đội 1 đã chiếm) để đánh tiếp sang ổ số 8. 05h15 : đại đội 5 đã làm chủ ổ số 1, 2, 3, 4, 5, 10, địch còn cố thủ chống cự ở ổ số 6, 7, 8, 9. Đại đội trưởng quay về ổ số 4 báo cáo tiểu đoàn và điều lực lượng vào đánh tiếp. Chiến sĩ ta xuống báo trong ổ số 6 địch đang gọi điện. Sau khi B41 bắn, tổ 4 do đại đội phó Khiêm chỉ huy đánh ổ số 6, tổ 5 đánh ổ số 9 và 8. 5 phút sau ta chiếm được. Địch nằm chết quanh các hốc đá. Ổ số 6 còn 2 xác chết và nhiều vũng máu, 3 máy VTĐ vẫn có tiếng nói. Bọn còn sống chạy về A5. Trong khi ta tấn công, địch ở ổ số 7 bỏ chạy ta không biết. Đến 5h35 ta vào chiếm nốt ổ số 7. Trận đánh chiếm A6b kết thúc. Ta nhanh chóng triển khai phòng ngự. 7h00 : pháo địch bắn trùm lên A6b, địch tổ chức tấn công Cô X, đồi Đài. 07h30 - 21h00 : địch từ A5 và A23 theo 2 hướng 5 lần tấn công A6b. Mỗi hướng từng đại đội địch thay phiên nhau xung phong liên tục. Từ 1-6 đến 3-6-1985 địch tấn công tiếp 7 lần nữa. Các đợt xung phong đều bị đại đội 5 (ngày 31-5 và 1-6) và đại đội 7 (ngày 2 và 3-6) đẩy lui. Hoả lực ta phát hiện sớm đánh nhiều lần vào quân địch khi chúng đang tập kết hoặc cơ động. Các toán vào gần được bị bộ binh ta đánh lui. Đêm 1/6/1985 đại đội 5 bàn giao trận địa cho đại đội 7 tiểu đoàn 4. KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU - Trận tấn công A6b (31-5-1985): Địch bỏ lại 25 xác. Đài quan sát của ta còn phát hiện ở hướng đồi Cây Khô địch khiêng ra 28 cáng. Ta : hy sinh 4 và bị thương 15 đồng chí. Ta bắt 1 tù binh, thu 1 đại liên, 2 trung liên, 3 súng B41, 4 AK, 3000 lựu đạn, nhiều đạn AK, B41, 4 máy VTĐ, 1 điện thoại, 1 ống nhòm hồng ngoại. - Trận chống địch phản kích (31-5 đến 1-6-1985) : đại đội 5 hy sinh 13 đồng chí và bị thương 24 đồng chí. Không thống kê được số thiệt hại của địch. - Tiêu thụ đạn dược (trong cả 2 trận): M72 : 32 quả; B40, B41 : 280 quả. Bộc phá ống : 8 ống; MĐH10 : 8 quả. Thủ pháo : 65 quả; lựu đạn : không thống kê được. Cối 60mm : 5000 viên, cối 82mm : 5200 viên. ĐKZ : 70 viên, đạn pháo : 5920 viên. 12,7mm : 4000 viên; K56 : 9000 viên; Đại liên : 9000 viên. Riêng trong trận tấn công bắn 500 viên đạn cối 82mm, 98 viên đạn 76,2mm, 494 viên đạn 105mm và 122mm.

Về trận đánh đầu tiên trên đỉnh 1509 - Lão Sơn

Về trận đánh đầu tiên trên đỉnh 1509 - Lão Sơn. Phần lớn thông tin lấy từ china-defense.com. Núi Lão Sơn, cao 1.422m so với mực nước biển nằm trong lãnh thổ VN, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang), có cao độ lớn nhất trong toàn chiến trường Thanh Thủy. Đỉnh 1509 của nó nằm ngay trên đường biên giới, sống núi nằm dọc theo hướng tây bắc. Sau cuộc chiến năm 1979, 1509-Lão Sơn được quân đội VN xây dựng thành một vị trí phòng ngự quan trọng, từ đó họ có thể mở các cuộc đột kích vào lãnh thổ TQ (tất nhiên điều này do TQ nói). Ở 1509, lực lượng phòng ngự của VN theo phía TQ là ở cấp tiểu đoàn. Tuy nhiên, điều này có thể là phóng đại, lí do là địa hình khu vực khá hiểm trở không thể cho phép bố trí một số quân lớn như vậy chỉ trên một đỉnh (thực tế các trận địa phòng ngự khác của VN đều ở cấp đại đội trở xuống). Năm 1984, quân đội TQ tiến công đánh chiếm 1509. Sự kiện này được coi là chính thức mở màn cuộc chiến biên giới Việt-Trung lần thứ hai. 05h50 ngày 28-4-1984, trung đoàn bộ binh 118 thuộc sư đoàn bộ binh 40, quân đoàn 14, Đại quân khu Côn Minh được pháo binh chi viện với mật độ cao tấn công đỉnh 1509. Ngoài ra quân TQ cũng tổ chức đánh chiếm một số cao điểm khác ở xung quanh. 06h24, bộ binh TQ bắt đầu xung phong. Phía TQ đánh giá là chỉ vấp phải sức kháng cự yếu. Tuy nhiên qua nhiều thông tin của phía TQ thì không hoàn toàn như vậy. Trung đoàn 118 của TQ phải đến 15h30 mới hoàn toàn chiếm được đỉnh 1509 sau khi đơn vị phòng ngự hy sinh đến người cuối cùng. Đặc biệt, có 4 nữ chiến sĩ cố thủ trong hang đá, không chịu đầu hàng và lính TQ đã phải dùng súng phun lửa mới tiêu diệt được những cô gái kiên cường này. Quân TQ cũng bị thương vong nặng : trung đoàn 118 bị chết 198 lính cùng một số bị thương. Trong đó một tiểu đoàn của trung đoàn này có tới 70% quân số bị loại khỏi vòng chiến. Tiếp sau đó là những đợt phản kích của VN. Ngày 11-6-1984, lúc 03h00, một lực lượng cấp tiểu đoàn của VN đã tấn công 1509. Mặc dù bộ đội VN đã đột kích được vào trong trận địa địch nhưng sau đó đã bị đẩy lùi. Ngày 12-7-1984, được coi là trận đánh lớn nhất của giai đoạn 1984-1991. Theo phía TQ, phía VN đã huy động 6 trung đoàn bộ binh thuộc các sư đoàn bộ binh 312, 313, 316 và 356 để tấn công 1 trung đoàn bộ binh TQ phòng ngự ở 1509. Quân TQ được sự yểm trợ của hàng vạn quả đạn pháo đã đẩy lui cuộc tấn công. Theo phía TQ thì VN bị tổn thất rất lớn, riêng số xác bỏ lại trận địa là 3.700 ! Một con số chưa bao giờ có kể cả trong các trận đánh với Mỹ. Đối chiếu với thông tin do bác phaphai cung cấp, thông tin trên là quá phóng đại. Trên thực tế, toàn bộ chiến trường Thanh Thủy chỉ có diện tích 5-6km2, không thể bố trí được một lực lượng quá khổng lồ như vậy (hãy so sánh với trận ĐBP, phía VN có 10 trung đoàn trong lòng chảo Mường Thanh, nhưng đó là một chiến trường rộng hàng trăm km2). Theo thông tin của VN, trung đoàn bộ binh 982 của sư đoàn bộ binh 313 đã tái chiếm thành công 1509. Nhưng sau đó bộ phận phòng ngự vì nhiều lí do đã tự ý bỏ chốt và TQ chiếm được 1509 lần thứ hai. Kể từ đây không có thêm trận phản kích nào nữa. Từ 1509, quân TQ lấn xuống tới bình độ 1200 thì bị chặn lại, bộ đội VN giữ được từ bình độ 1100 trở xuống. Các trận giành giật tiếp tục diễn ra, chủ yếu với quy mô đại đội, ác liệt nhất trong những năm 1984-1987. Từ đó trở về sau, giao tranh bộ binh ít dần, hai bên chủ yếu sử dụng pháo. Trận đụng độ bộ binh cuối cùng diễn ra ngày 13-2-1991. Sau đây là những thông tin khá thú vị về trận đánh A6b từ phía TQ (nguồn : www.china-defense.com) Trong ảnh, kí hiệu C là mỏm 211-tức A6b của ta. Trong trận chiếm A6B sáng 31-5, theo phía ta, địch bỏ lại 25 xác chết và bị bắt 1 tên; ta hy sinh 4, bị thương 15. Theo phía TQ, ngoài 211 (A6B) ta còn tấn công vào các điểm 140, 142, 156, 166 thất bại, thiệt hại hơn 300 người (?!), đây là chiến dịch phản kích mang tên N-1 của trung đoàn 982. Điểm cao 211 ta chiếm được 2 vị trí TQ trên đó, vị trí thứ 3 địch vẫn giữ được (?!). , điểm cao 156 ta chiếm được nhưng địch rút xuống hầm và phản kích chiếm lại. Trong tất cả các trận trên TQ chết 21, bị thương 81, bị bắt 1. A6b, vị trí 1 và 2 do ta chiếm. (Có lẽ hơi khó tin là suốt thời gian dài như vậy ta không chiếm nốt được vị trí 3, hoặc địch còn giữ được như thế mà không phản kích chiếm lại được. Chưa kể tiếp tế cho số quân trên đó). Sau đó quân TQ nhiều lần phản kích chiếm lại A6B, nhưng đều bị quân ta đánh lui. Theo phía ta, từ 1 đến 3-6-1985, ta hy sinh 13, bị thương 24, không rõ số thương vong của địch. Theo phía TQ thì địch mở nhiều đợt phản kích trong 44 ngày, dùng cả đặc nhiệm nhưng đều thất bại và bị thiệt hại nặng, từ 1 đến 11-6-1985 quân TQ bị chết 120 tên, bị thương một số lớn. Trung đoàn 595 (sư đoàn 199, quân đoàn 67) TQ bị tê liệt. Phía VN cũng nhiều lần tiến công và bị chết hơn 300 người (?). Ngày 8-9-1985, TQ chiếm lại A6B chỉ với 1 chết, 3 bị thương (?). Trong suốt 11 tháng chiếm đóng, sư đoàn 199 bị chết hơn 300 tên. Trận đánh chiếm và phòng ngự A6b là một trận đánh xuất sắc, gây cho địch nhiều thiệt hại, được phía ta đánh giá cao và bản thân TQ cũng tốn khá nhiều giấy mực về trận đánh.

TRẬN PHÒNG NGỰ Ở PHA HÁN (HÀ TUYÊN)

TRẬN PHÒNG NGỰ Ở PHA HÁN (HÀ TUYÊN) của đại đội 5, tiểu đoàn 3, trung đoàn 2, sư đoàn 328 Đặc khu Quảng Ninh. Từ 23-9-1985 đến 26-9-1985. (Nguồn : KNCĐ) ĐỊA HÌNH Nơi xảy ra chiến đấu chính ở bình độ 400-500 bên phía sườn đông nam điểm cao 1310, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. Nơi đây là núi đá, độ dốc 35-40 độ, phía bắc toàn là đá, độ dốc lớn hơn, khó làm công sự. Phía nam có một số lèn đá xen lẫn đất, cấu trúc công sự được. Trong khu này có nhiều hang hốc tự nhiên, có thể cải tạo thành công sự. Phía tây và tây nam giáp sông L địa hình trống trải, bị hoả lực địch khống chế. Nơi phòng ngự ở thấp hơn địch, địch quan sát rõ trận địa ta. TÌNH HÌNH ĐỊCH Địch đối diện là một bộ phận thuộc quân đoàn 14. Từ tháng 4-1984 địch lấn sang ta, bố trí ở A5, M13, A6, A7, Z1, Z2... xây dựng thành các điểm tựa có công sự vững chắc (các tên này là mật danh do bộ đội đặt, không có trên bản đồ). Hàng ngày pháo cối bắn không thành quy luật sang phía ta. Bố trí phòng ngự cụ thể, công tác chuẩn bị tấn công của địch ta chưa nắm được. TÌNH HÌNH TA Trung đoàn 2, sư đoàn 328 Đặc khu Quảng Ninh vào thay phiên phòng ngự từ tháng 4-1985, lấy phiên hiệu trung đoàn 983, sư đoàn 314. Đại đội 5, tiểu đoàn 5 trước khi vào phòng ngự đã được củng cố, huấn luyện bổ súng. Biên chế 3 trung đội bộ binh và 2 tiểu đội hoả lực. Quân số các trung đội từ 21-23 người. Riêng trung đội 1 có 21 người (trung đội trưởng,tiểu đội 1 : 5 người, tiểu đội 2 : 8 người, tiểu đội 3 : 7 người) được tăng cường 1 y tá, 1 thông tin, 8 xạ thủ M79, cối, đại liên và có 2 đại đội hó đi cùng. Tổng quân số 33 người. Trang bị của đại đội thiếu và chưa đồng bộ. Công sự : chịu được đạn pháo 122mm, có một số hầm bê tông và giao thông hào về phía sau. Vật cản : bãi mìn chống bộ binh ở phía bắc trung đội 1. Đơn vị bạn : bên phải ở bình độ 600-700 là đại đội 6, chếch về bên phải phía sau là đại đội 7. Bên trái là các đơn vị thuộc sư đoàn 313. Nhiệm vụ : Đại đội 5 được tăng cường 1 khẩu 12,7mm, 1 ĐKZ 82mm và hoả lực cấp trên chi viện, phòng ngự hướng thứ yếu ở bình độ 400-50, ngăn chặn địch tấn công từ A5, A6, A7. - Trung đội 1 tăng cường 1 M79, 1 đại liên, 1 khẩu cối 60mm, 1 máy VTĐ 2W phòng ngự hướng chủ yếu ở bình độ 400-500. - Trung đội 2 và 3 phòng ngự phía sau (500-600m) ở bình độ 300-500. - Hoả lực gồm ĐKZ, súng 12,7mm, đại liên, cối 60mm đi cùng trung đội 2, 3 do đại đội nắm chi viện chung. DIỄN BIẾN Từ 13-9 đến 22-9-1985 Pháo địch ở Na Ma, Ma Tiên, cối phía sau M13 bắn phá thường xuyên cả ngày đêm vào trận địa phòng ngự tiểu đoàn và sở chỉ huy trung đoàn. Riêng trận địa trung đội 1 (đại đội 5) từ 18-9 đến 22-9 địch dùng pháo bắn thẳng, cối 100mm và 160mm, pháo lựu bắn đạn khoan tập trung vào các ổ chiến đấu ở tiền duyên và đường hào cơ động về phía sau nhằm phá huỷ công sự, sát thương lực lượng ta, chặn đường tiếp tế và gây tâm lý căng thẳng cho bộ đội. Bộ binh địch ở A5, A6, A7, Z1, Z2, M13 củng cố công sự, ban đêm bắn súng, ném lựu đạn voà những nơi nghi ngờ. Chiều 22-9-1985, vận tải trung đoàn đưa gỗ lên, địch dùng pháo 85mm bắn, ta hy sinh 8 đồng chí và bị thương 16 đồng chí. Ngày 23-9-1985 Pháo địch bắn cầm canh vào đại đội 5, đại liên, 12,7mm ở M13, A7 bắn nhiều vào trận địa tiểu đội 1 và 3. 04h30 : pháo địch bắn dồn dập vào trung đội 2, 3 và đường hào từ đại đội lên trung đội 1. Trong khi đó bộ binh địch bí mật tiế cân trận địa trung đội 1, khắc phục mìn ta không phát hiện. 04h45 : trên hướng tiểu đội 3, một chiến sĩ đi lấy nước về bị địch bám theo nhưng không biết. Tại vị trí gác, đồng chí Xá phát hiện nhiều bóng người. Hỏi người lấy nước biết không ai đi cùng nên đồng chí Xá khẳng định là địch, ra hiệu cho đồng chí lấy nước nằm xuống và ném lựu đạn về phía các bóng đen. Lựu đạn nổ và không thấy tên nào nữa. Nghe tiếng nổ, đồng chí Minh tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội ra chiếm lĩnh công sự, bắn 5 viện đạn vạch đường về hướng đại đội, tiểu đoàn báo cáo địch tấn công. Cùng lúc đó, pháo cối địch bắn sâu vào trận địa phía sau và sở chỉ huy trung đoàn. Đại liên, 12,7mm, ĐKZ, pháo bắn thẳng ở đường biên bắn vào trung đội 1. Trên hướng tây bắc tiểu đội 1 và 3 đã thấy địch triển khai trước tiền duyên. Tại hang chỉ huy số 13, đồng chí Sơn y tá gác nghe tiếng súng phía tiểu đội 3 và đạn vạch đường đã báo cáo đồng chí Thu đại đội phó. Đồng chí Thu báo động cho các bộ phận phía sau, cho bắn 10 quả đạn cói 60mm trước trận địa tiểu đội 3, phái đồng chí Thái trung đội trưởng lên chỉ huy tiểu đội 1 và cho liên lạc bắn 5 phát đạn vạch đường về hướng đại đội 6 thông báo địch tiến công. 05h05 - 06h00 : bộ binh địch xung phong. Hướng thứ nhất phía tiểu đội 3 khoảng 1 đại đội đánh vào khu bắc : 2 trung đội đánh hang số 2 và vu hồi chia cắt nơi tiếp giáp khu bắc và khu nam, 1 trung đội đánh vào công sự số 1. Hướng thứ hai phía tiểu đội 1 khoảng 1 đại đội đánh vào khu nam : 1 trung đội đánh vào hố gác và công sự số 7, 2 trung đội đánh vào công sự đại liên số 10 và vu hồi chia cắt phía sau, đánh vào trận địa cối 60mm, ngăn chặn đường cơ động từ đại đội ra. Các tiểu đội đã ra vị trí chiến đấu. Cối 82mm, 60mm bắn vào phía trước tiền duyên chi viện trung đội 1. Pháo binh bắn vào A5-Z2. Hướng tiểu đội 3 : ngăn chặn được các mũi xung phong, diệt nhiều tên. Đến 06h00 tiểu đội hy sinh 3 đồng chí, địch ào lên bám sát công sự số 1 và cửa hang số 2. Chiến sĩ ta lợi dụng ngách đá bắn chặn, yểm hộ nhau lui về giữ các hang phía sau. Hướng tiểu đội 1 và khẩu đội đại liên, địch vào sát hố gác phía trước trận địa, ta lui về công sự bắn chặn. Tiểu đội trưởng hy sinh. Trung đội trưởng cử tiểu đội trưởng tiểu đội 2 lên thay và cho người về hang 13 báo cáo, đại đội hó cho cối 60mm bắn chi viện. Sau khi chiếm hố gác, địch đưa ĐKZ, B41 bắn vào công sự 7 và trận địa đại liên 10. Lúc 06h00, tiểu đội 1 hy sinh 2 và bị thương 3 đồng chí, khẩu đội đại liên hy sinh 3 đồng chí. Số còn lại phải yểm hộ nhau lui về giữ hang 8 chặn địch. Địch chiếm được công sự 7 và 10. Hướng khẩu đội cối 60mm : chiến sĩ thấy trước chiến hào có người đã báo cáo, đại đội phó chính trị kiểm tra biết rõ là địch đã ra lệnh nổ súng chiến đấu. Lúc này địch đã áp sát trận địa, sau ít phút đánh trả ta hy sinh2 và bị thương 2 đồng chí, còn lại phải lui về hang chỉ huy 13. Địch tràn lên chiếm được trận địa cối lúc 06h00, một bộ phận địch chốt lại trên một đoạn hào từ đại đội ra trung đội 1, cắt dây điện thoại. Phía tiểu đội 2 : đồng chí đại đội phó chỉ huy anh em ngăn chặn được địch phát triển, giữ vững trận địa. Tóm lại đến 06h00 địch đã đột nhập trên cả 3 hướng, chiếm khu bắc công sự 1 và hang 2, khu nam công sự 7, 10 và trận địa cối 60mm, một đoạn hào về đại đội. Ta hy sinh 12 và bị thương 5 đồng chí, mất 1 đại liên và 1 cối 60mm, đạn dược tiêu hao nhiều. Tiểu đội 1 còn 2 đồng chí, tiểu đội 3 còn 4 đồng chí, tiểu đội 2 còn 8 đồng chí, và một số cán bộ trung, đại đội, y tá, thông tin. Tổng cộng trên dưới 20 người (trong đó một số bị thương) đã lui về giữ các cửa hang chặn địch. Cùng lúc này bị mất liên lạc với đại đôi. 07h30 : pháo cối địch bắn chi viện cho bộ binh chúng đánh bên trong cứ điểm. Trên khu bắc, địch bám vào hang 3, 4 và cho một mũi đánh sang tiểu đội 2 ở hang 14, 15. Tiểu đội 3 vẫn ngoan cường chặn địch. Sau 2 giờ chiến đấu bị hy sinh thêm 1 đồng chí, 3 anh em còn lại đều bị thương vẫn dùng M79 và lựu đạn đánh trả, đạn ít, địch đông nên phải yểm họ nhau lui về phía tiểu đội 2. Trên khu nam địch tập trung B41, đại liên bắn mạnh vào hang 8, bộ binh từ 2 phía đánh tới. Tiểu đội 1 còn 2 đồng chí vẫn chiến đấu đến 07h45 lui về hang 13 cùng tiểu đội 2 và chỉ huy đại đội chiến đấu. 08h00 : địch chiếm hang 8, một bộ phận phát triển đánh hang 13 phối hợp với một bộ phận từ trận địa cối đánh lên. Tại hang 13 còn 2 cán bộ đại đội và 4 chiến sĩ. Địch bắn B41, AK, ném lựu đạn kết hợp gọi hàng. Ta chống trả quyết liệt. Địch không vào được nhưng vây chặt bên ngoài. Đại đội phó quyết định phá vây rút về hang 14 cố thủ. Hai cán bộ đại đội vượt trước sang được hang 14, còn 4 chiến sĩ không sang được. Sau đó địch dùng bộc phá đánh sập cửa hang, 4 đồng chí này hy sinh. Trung đội 1 chỉ còn giữ được hang 14 do 5 đồng chí tiểu đội 2 và cán bộ đại đội cố thủ. Vài chiến sĩ tiểu đội 1 và 3 còn lại lợi dụng ngách đá ẩn nấp chờ trời tối rút. Sau khi cơ bản chiếm được mục tiêu, pháo địch bắn thưa dần và rút bớt bộ binh. 11h30 : địch đánh hang 14. Ta đánh trả. Đồng thời sư đoàn bắn 3 phát B72 xung quanh hang, buộc địch phải lui về. Pháo cối ta vẫn bắn vào trước trận địa trung đội 1 và vào A5-M13-A6. 19h00 : số anh em tiểu đội 3 về đại đội báo cáo. Đại đội trưởng báo cáo trên và đề nghị pháo cối bắn trùm lên vị trí yểm hộ cho quân ta rút. Lợi dụng kết quả pháo cối bắn, số anh em còn lại đã rút về được. Ngày 24-9-1985 Sau khi chiếm điểm tựa, lực lượng địch bố trí phòng ngự khoảng 1 đại đội : khu bắc trước đây tiểu đội 3 giữ có khoảng 2 trung đội, khu nam trước đây tiểu đội 1, 2 giữ có 1 trung đội. Đại đội 5 được tăng cường 1 trung đội của đại đội 10 được lệnh phản kích, có hoả lực cấp trên chi viện gồm 2 đại đội cối 120mm và 160mm, 1 đại đội pháo 85mm, 2 tiểu đoàn háo 105mm và 122mm. Bộ phận chủ yếu có 13 đồng chí do tiểu đoàn phó chỉ huy, đánh hang 13, 8. Bộ phận thứ yếu 1 có 1 đồng chí do đại đội trưởng chỉ huy đánh hang 14, 15, chặn địch từ khu bắc phản kích. Bộ phận thứ yếu 2 có 7 đồng chí do trung đội trưởng trung đội 1 chỉ huy đánh công sự 10, 7. Bộ phận dự bị có 1 trung đội của đại đội 10 (tiểu đoàn 6). Bộ phận hoả lực gồm 1 cối 60mm và 1 đại liên. 24h00 : đại đội hoàn tất công tác chuẩn bị. Ngày 25-9-1985 03h00 : các bộ phận vào chiếm lĩnh vị trí triển khai. Đến 04h23 hoàn tất. 05h00 : hoả lực chi viện bắt đầu bắn, bộ binh còn cách địch 200m. Tiểu đoàn hó cho các bộ phận vào tiếp, còn cách trận địa cối cũ 50m không còn giữ được bí mật nên đã nổ súng tấn công. 06h00 : Bộ phận chủ yếu chiếm được trận địa cối cũ, phát triển chiếm hang 13. Bộ phận thứ yếu 1 chiếm được hang 14. Bộ phận thứ yếu 2 tiến qua vọng gác phía tây nam không thấy địch đã vào đánh chiếm được công sự 10. 3 mũi bị hoả lực địch ngăn chặn, chưa phát triển được. 06h10 : Đại liên, ĐKZ địch bắn ngăn chặn ta, đồng thời lực lượng tại chỗ chia làm 3 mũi phản kích. Ta dựa vào khu vực đã chiếm đánh trả và gọi pháo cối bắn trùm lên đội hình địch. Quân phản kích phải chạy về A5 và hướng đông bắc. Hoả lực ta chuyển sang các mục tiêu ở đường biên và bắn vào khu bắc kiềm chế địch. Các bộ phận phát triển : bộ phận chủ yếu chiếm hang 12, chi viện thứ yếu 2 chiếm hầm9, 7, hang 8, thứ yếu 1 chiếm hang 15, chiếm đầu đoạn hào ngang giáp khu bắc chặn địch phản kích sang. 08h00 : ta chiếm lại khu nam, hy sinh 4 và bị thương 7 đồng chí. 08h00 - 10h00 : địch dùng pháo cối bắn và cho 1 tiểu đoàn vận động từ A5, A6 xuống bình độ 500 (khu bắc). Đại đội 5 củng cố công sự, sẵn sàng chiến đấu, lùng sục các hang hốc và đề nghị tăng cường lực lượng để hôm sau đánh tiếp. Pháo 2 bên vẫn bắn cầm canh. Đại đội 5 thỉnh thoảng bắn sang khu bắc kiềm chế địch. 20h00 : trung đoàn ra lệnh cho đại đội 10 chiếm khu bắc trong đêm. Ta tổ chức trinh sát nhưng gặp định gác không vào sâu được. Tiểu đoàn 5 đề nghị sáng 26-9 tấn công. Pháo ta vẫn kiềm chế vị trí địch dọc đường biên. Ngày 26-9-1985 04h03 : trinh sát trung đoàn lên nắm lại tình hình địch, nhưng địch đã rút lúc 03h00 mà tiểu đoàn 5 không biết do bộ phận thu tin kĩ thuật báo chậm. Sau khi kiểm tra, tiểu đoàn cho lực lượng vào phòng ngự lại. KẾT QUẢ Ngày 23-9-1985 : ta diệt 100 tên địch. Bên ta hy sinh 17 và bị thương 8 đồng chí, mất 1 đại liên và 1 cối 60mm. Ngày 26-9-1985 : ta diệt 100 tên địch, thu 2 AK, 300 viên đạn K56, 34 viên đạn B41 và ĐKZ, 40 quả lựu đạn, 15kg thuốc nổ, 10 xẻng bộ binh, 2 bộ quân phục. Bên ta hy sinh 4 và bị thương 7 đồng chí.

TRẬN PHÒNG NGỰ Ở BÌNH ĐỘ 1100 (VỊ XUYÊN - HÀ TUYÊN)

TRẬN PHÒNG NGỰ Ở BÌNH ĐỘ 1100 (VỊ XUYÊN - HÀ TUYÊN) của đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 2, sư đoàn 3, quân đoàn 14 Quân khu 1. Ngày 2-12-1985. (Nguồn : KNCĐ). ĐỊA HÌNH Nơi xảy ra chiến đấu là bình độ 1100 nằm trên dãy núi đất 1509, cách đỉnh 1,5km. Giữa bình độ 1100 và 1000 là mỏm 1050. Phía tây bắc bình độ 1100, cách 50m là đồi tiền tiêu, chỉ cách địch 100m là nơi hai bên thường tranh chấp, bên trái đồi tiền tiêu là đồi chè địch có thể đánh vào sườn trái trận địa. Ngang với đồi chè, cách 800m về phía tây, giữa bình độ 1200 và 1100 là đồi Không Tên, có thể ngăn chặn địch vu hồi vào sườn trái hoặc luồn vào phía sau. Trong khu vực pháo hai bên bắn phá nhiều nên bề mặt đất tơi vụn, chỉ còn ít cây cối. Hàng ngày thường có sương mù từ chiều đến 7-8 giờ sáng, hôm tác chiến có sương mù cả ngày. TÌNH HÌNH ĐỊCH Tháng 4-1984, sau khi chiếm 1509 và 722, địch tiếp tục lấn sang đất ta đến bình độ 1200 phải dừng lại, xây dựng trận địa phòng ngự tiếp xúc với ta. Địch thường xuyên bắn pháo, tung biệt kích, thám báo sang trinh sát trận địa ta. Ngày 30-5-1985 địch bắn hàng ngàn quả đạn pháo trong suốt 24 tiếng và cho 1 trung đoàn bộ binh từ đỉnh 1509 đánh xuống 1100, bản Nậm Ngặt, đồi Không tên nhưng bị ta đánh thiệt hại nặng, phải chạy về 1509. Từ 11-6 đến 7-10-1985 địch thường xuyên bắn phá, dùng cả đạn hoá học và nhiều lần tấn công cả ban ngày và ban đêm nhưng đều bị ta đánh lui. Mùa khô năm 1985, lực lượng địch vào thay phiên. Phòng ngự ở 1509 là trung đoàn 603, sư đoàn 201, quân đoàn 67 Đại quân khu Tế Nam. Địch tổ chức đánh lấn trên toàn tuyến nhằm cải thiện thế trận, phá thế xen kẽ, lấn dũi trên hướng Nậm Ngặt của ta. Cuối tháng 11-1985 địch tăng cường bắn phá, trinh sát. Trong 4 ngày từ 28-11 đến 1-12-1985 địch bắn 3.000 viên đạn pháo và hoả tiễn vào khu núi đá phía đông và khu núi đất. Riêng 1100 ngày 28-11-1985 địch bắn 300 viên, ngày 29-11 và 30-11 mỗi ngày bắn 100 viên. Ngày 1-12-1985 địch không bắn vào 1100. TÌNH HÌNH TA Trận địa ta ở 1100 và 1050 có hầm kèo bằng gỗ và bê tông, chịu được đạn cối 120mm. Hệ thống công sự, giao thông hào, chiến hào đảm bảo tốt cho chiến đấu. Hào cơ động giữa các trung đội và về tiểu đoàn đảm bảo đi lại thuận tiện trong mọi tình huống. Giữa 1100 và 1050 có một đường hào đi lại, cấu trúc đặc biệt để ngăn chặn địch phát triển (đặc biệt thế nào thì không nói được hè hè). Hệ thống vật cản là các bãi mìn chống bộ binh trên hướng đồi tiền tiêu, nhưng địch bắn phá đã làm mất tác dụng.Tháng 2-1985, cấp trên tăng cường trung đoàn 2, sư đoàn 3 cho mặt trận. Ngày 22-4-1985 thay phiên phòng ngự, lấy phiên hiệu là trung đoàn 981, sư đoàn 356 Quân khu 2. Tiểu đoàn 1 được lệnh hòng ngự hướng núi đất xã Thanh Đức, phía tây Thanh Thủy. Đại đội 2, tiểu đoàn 1 tham gia chiến đấu với quân số 80 người. Vũ khí có 2 khẩu cối 60mm, 2 khẩu đại liên, 9 khẩu trung liên, 6 khẩu B40 và B41, 2 khẩu M79, còn lại là AK. Được tăng cường 1 khẩu cối 60mm và 1 khẩu 12,7mm. Chiến sĩ đa số nhập ngũ năm 1983, 1984, một số năm 1981. Cán bộ chiến sĩ được huấn luyện tốt, tinh thần, quyết tâm cao, đã nắm được nhiệm vụ, phương án chiến đấu và đã có kinh nghiệm sau gần một năm phòng ngự. Sau đợt chiến đấu ngày 7-10-1985 đại đội 2 vào phòng ngự ở 1100, 1050 thay đại đội 1. Một trung đội và 1 đại liên ở đồi tiền tiêu và Gò chè. Hai trung đội và 2 khẩu cối 60mm phòng ngự phía sau ở 1100. Một trung đội và 1 cối 60mm, 1 khẩu 12,7mm, 1 đại liên phòng ngự ở 1050 và làm lực lượng cơ động. Đơn vị bạn trong khu vực : bên phải là đại đội 5, tiểu đoàn 5, trung đoàn 153 ở trận địa lấn dũi bản Nậm Ngặt, bên trái alf đại đội 3 ở đồi Không Tên, phía sau là đại đội 1 thiếu ở bình độ 1000 đến 900. Trong chiến đấu đơn vị được hoả lực tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tiểu đoàn 1, 2 và trung đoàn 153 chi viện gồm : 2 tiểu đoàn pháo 76,2mm và 122mm gồm 18 khẩu, 2 đại đội cối 106,7mm và 120mm gồm 4 khẩu; 2 đại đội và 1 trung đội cối 82mm gồm 10 khẩu. Ngoài ra có pháo binh quân khu. DIỄN BIẾN Từ 28-11-1985 đến 1-12-1985 Pháo địch bắn phá. Đại đội đôn đốc các phân đội tăng cường cảnh giới, ẩn nấp bảo vệ lực lượng, sửa chữa công sự. Sẵn sàng chiến đấu. Ngày 2-12-1985 Địch tiến công trên cả 3 khu vực : Pha Hán, đông bắc 685 (khu núi đá) và bắc Thanh Đức (khu núi đất). 03h00 : bộ phận trực chiến ban đêm (50% quân số) ở đồi tiền tiêu và gò chè nghe tiếng động trước tiền duyên, dùng cối 60mm và M79 bắn vào những nơi đó. ĐỊch không phản ứng. 04h00 : bộ đội ra vị trí trực chiến 100%. 06h30 : trời vẫn còn sương mù dày đặc, tầm quan sát hạn chế nhưng pháo cối địch bắt đầu bắn chuẩn bị trên toàn hướng phòng ngự của trung đoàn. Riêng phạm vi từ bình độ 1100 đến 700 địch bắn 20.000 viên đạn pháo cối trong 2 giờ. Nhiều công sự của ta bị sụt lở. Trong lúc pháo bắn chuẩn bị, 2 tiểu đoàn bộ binh địch từ 1509 triển khai tấn công : Hướng chủ yếu : mũi 1 khoảng 1 tiểu đoàn từ 1200 theo sống núi đánh xuống đồi tiền tiêu, mũi 2 khoảng 1 đại đội tăng cường từ sườn tây đánh gò chè. Hướng vu hồi : mũi 3 khoảng 1 đại đội tăng cường theo sườn đông bắc (tây Nậm Ngặt) đánh vào 1050 cắt phía sau 1100. Hướng phối hợp : 1 mũi khoảng 1 đại đội từ hía bắc đánh xuống trận địa lấn dũi của đại đội 5 ở Nậm Ngặt, 1 mũi khoảng 1 đại đội từ tây 1400 đánh xuống đồi Không tên. 2 mũi này bị ta đánh lui. Từ lúc pháo bắn, tuy bị mất liên lạc với phân đội phòng ngự nhưng trung đoàn phán đoán địch tấn công nên đã cho súng cối bắn chặn trước tiền duyên 1100, gò chè, bắc Nậm Ngặt và vào trận địa địch ở 1200 đến 1300 và 1509, đồng thời báo cáo sư đoàn, đề nghị pháo binh sẵn sàng chi viện. 08h30 : cuối giai đoạn pháo bắn chuẩn bị, địch bắn đạn nổ không mảnh vào 1100 từ 7-10 phút (từ 1050 xuống vẫn bắn đạn sát thương). Đồng thời bộ binh của hai mũi hướng chủ yếu nhanh chóng tiếp cận trận địa ta, chiến sĩ cảnh giới không phát hiện nên bộ đội vẫn ở trong hầm tránh pháo. Khi đã vào sát chiến hào, cùng một lúc địch xung phong bất ngờ và đột nhập trận địa. Đồi tiền tiêu và 1100 ta bị hy sinh 2 và bị thương 7 đồng chí. Gò chè hy sinh 7 đồng chí, chỉ còn 2 đồng chí chiến đấu. Sau khi đột nhập, địch phát triển đánh vào bên trong. Mũi 1 chia làm 2 bộ phận đánh sang sườn đông và lên đỉnh nơi bố trí đại liên. Mũi 2 chia làm 2 bộ phận đánh vào sườn tây nơi có hầm chỉ huy đại đội và bọc phía nam 1100. Lúc này pháo cối ta vẫn bắn chặn trước tiền duyên và trên đỉnh 1509. Đại đội trưởng đang ở đồi tiền tiêu thấy địch đã kịp thời báo cáo tiểu đoàn đồng thời ra lệnh cho bộ đội chiến đấu. Trung đoàn nắm được tình hình đã tập trung toàn bộ súng cối của trung đoàn, tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 5 trung đoàn 153 (sắp vào thay phiên) bắn mãnh liệt bao bọc quanh tiền duyên từ tây gò chè đến đông 1050, yêu cầu pháo sư đoàn và quân khu bắn từ bình độ 1200 trở lên. Hoả lực ta từ cối 82mm trở lên bắn cách mép hào 100m, cối 60mm bắn sát mép hào rất chính xác đã chia cắt lực lượng địch phía sau, cô lập bọn đã đột nhập trận địa. Bên trong điểm tựa, bộ đội ta chiếm giữ các cửa hầm đánh địch. Mũi 1 nhiều tên bị diệt, số còn lại không phát triển được. Mũi 2, một toán 7-8 tên mang bộc phá tới gần hầm đại đội trưởng, chiến sĩ trong hầm phát hiện, dùng lựu đạn tiêu diệt. Cùng lúc đó, đại liên và 12,7mm của ta ở 1050 bắn mãnh liệt vào đội hình địch diệt nhiều tên, số còn sống phải chạy trở ra (1 tên bị thương nằm sát mép hào phía tây, chiến sĩ ta kéo xuống một lcú sau thì chết). Pháo cối của ta vẫn bắn chặn địch. Tiểu đoàn và trung đoàn đã điều động lực lượng lên tăng viện : đại đội 1 (thiếu 1 trung đội) tăng cường 1 trung đội của đại đội 6 (lên tăng cường cho tiểu đoàn 1 từ lúc pháo địch bắn chuẩn bị) lên 1050 thực hành phản kích sang 1100. Bộ phận phản kích triển khai thành 3 mũi phối hợp với đại đội 2 đánh bật quân địch ra khỏi trận địa, lúc tháo chạy địch phải bỏ lại nhiều xác. Sau khi khôi phục trận địa, đại đội 2 được tăng cường trung đội của đại đội 6 tiếp tục phòng ngự ở 1100, còn đại đội 1 (thiếu 1 trung đội) phòng ngự ở 1050. Trong lúc đại đội 1 phản kích, trung đoàn điều đại đội 6 (thiếu 1 trung đội) tăng cường cho tiểu đoàn 1 bố trí ở bình đọ 900-1000 làm lực lượng cơ động và điều 1 trung đội của đại đội 7 lên bố trí ở trận địa đại đội 6, sẵn sàng tăng cường cho tiểu đoàn 1. 09h00 - 13h40 : địch tổ chức 4 lần xung phong, mỗi lần cách nhau từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Trước khi xung phong địch dùng pháo cối bắn chế áp và vẫn chia làm 3 mũi như lần một. Cả 4 lần địch đều bị lực lượng ta, có pháo cối chi viện đánh ngay trước trận địa không để vào gần chiến hào. Chúng chỉ kịp lấy xác đồng bọn rồi rút ngay. 15h00 : sau lần xung phong thứ 5 bị ta đánh lui, địch phải rút về 1509 và ngừng bắn pháo. Ban đêm địch bắn 43 quả pháo sáng để thu dọn chiến trường. Đại đội 1 ra thay phiên cho đại đội 2. KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU Ta diệt 170 tên, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn và 1 đại đội của trung đoàn 603 địch, thu một số vũ khí, quân trang. Địch bỏ lại 30 xác trước chiến hào tiền duyên, 7 xác trong trận địa và trên nóc hầm đại đội trưởng. Bên ta hy sinh 11 đồng chí, bị thương 21 đồng chí. Tiêu thụ đạn dược : Đạn pháo các loại : 2.350 viên. Cối 106,7mm và 120mm : 1.120 viên. Cối 82mm : 3.400 viên. Cối 60mm : 990 viên. Lựu đạn : 1.000 quả.

Bài học quân sự 1979.

Năm 1938, Mao giải thích như sau quan điểm của Lê nin về chiến tranh: "Khi chính trị mở rộng đến mức không còn tiến tới được bằng đường lối thông thường thì chiến tranh bùng nổ để san bằng các trở ngại gặp phải". Lê nin từng viết: "Chiến tranh chỉ là chính trị nối tiếp bằng những phương tiện khác". Câu này dựa vào ý kiến của Karl Von Clausewitz: "Chiến tranh không phải là hành vi đơn giản của chính sách mà là một lợi khí chính trị đích thực, một sự tiếp tục của hoạt động chính trị với phương thức khác". Cuộc chiến để sát phạt VN, dù núp dưới danh xưng phản công tự vệ, được khởi xướng đúng theo chủ trương trên đây. Các lãnh tụ Trung quốc đã cân nhắc quyết định của họ hai năm (1977-1979), với hy vọng bình thường hóa bằng võ lực mối bang giao Hoa - Việt. Muốn thành đạt, chiến tranh nhân dân cần hội một số điều kiện: đảng và quân thống nhất, quần chúng hỗ trợ, đất nước hậu tiến, vũ khí quy ước, kỹ thuật lạc hậu, ngoại xâm đe dọa và đấu tranh trường kỳ. Trước tháng 2.1979, Trung quốc có 3,600.000 quân nhân tại ngũ và 175 sư đoàn tại 11 vùng chiến thuật. Võ khí gồm có 10.000 chiến xa, 20.000 giàn phóng hỏa tiễn, 16.000 cà nông và phương tiện chuyên chở rất lạc hậu. Hải quân có 30.000 thủy thủ, 75 tiềm thủy đỉnh. Hạm đội Bắc Hải có 300 chiến hạm, Đông hải: 450 và Nam hải: 300. Lực lượng không quân có 400.000 phi công, 5000 chiến đấu cơ cũ và lỗi thời, loại Mig 15,17,19 và 80 Mig 21. Đặng Tiểu Bình là Tổng Tư lênh hành quân, với 2 phụ tá Xu Xiangqian và Nie Rongzhen, tướng Gen Biao giữ chức Tham mưu trưởng. Về phía VN, tổng quân số lên đến 600.000 phân chia 200.000 tại Cam bốt, 100.000 tại Lào, 100.000 tại Nam Việt, và 200.000 ở Bắc Việt. Xung quanh Hà nội có 5 sư đoàn và 4 lữ đoàn. Dài theo biên giới Trung hoa, VN có 150.000 dân quân tổ chức thành 6 sư đoàn địa phương và một trung đoàn. Không lực Việt có 300 chiến đấu cơ (70 Mig 19, 21 Mig 17, và một số F 5 tịch thu của Mỹ năm 1975). Hải quân Việt có 2 chiếc PETYA Sô viết với hỏa tiến chống tiềm thủy đỉnh, và 60 tàu tuần tiễu. Cuộc "hành quân sát phạt" kéo dài 16 ngày, chia thành 2 giai đoạn: 1)- Từ 17 đến 26.2.1979. Ngày 17 thàng 2, lúc 5 giờ sáng, theo chiến thuật "biển người", 100.000 Tàu, được chiến xa hỗ trợ, tràn vào Lạng Sơn, (phía Đồng Đăng), Cao Bằng, Đồng Khê, Mông Cáy, và Lào Cai sau khi pháo kích mãnh liệt. Sự tiến quân, mau lẹ lúc dầu, lần hồi bị địa phương quân Việt chận lại và bao vây. Các đơn vị chính quy VN tập trung về phía Nam Cao Bằng và Lạng Sơn để đánh tiêu hao những sư đoàn đối phương. Số tổn thương của hai bên đều nặng nhưng khó kiểm chứng. Phía Trung quốc chiếm được Lào Cai, Cao Bằng và chuẩn bị tấn công Lạng Sơn nhưng không có ý định tiến về Hà nội. Đồng thời, Bắc Kinh công bố sẽ rút quân đội "sau khi hoàn tất mục tiêu". Trong thời khoảng đó, Liên Sô đưa 7 chiến hạm tuần tiễu dài theo hải phận VN và ngày 21 tháng 2, gởi tuần dương hạm Sverdlov và một khu trục hạm Krivak vào Nam Hải. Vũ khí Nga được không vận từ Calcutta và một phái đoàn quân sự sô viết bay qua Hà nội. Mạc Tư Khoa yêu cầu Tàu rút binh. 2)- Từ 27.2 đến 5 tháng 3. Chiến cuộc tiếp diễn ở Lào Cai, Cao Bằng và Mông cáy nhưng tập trung mạnh nhất vào Lạng Sơn, cách Đèo Hữu Nghị lối 10 dặm và Hà nội 85 dặm. Với hai sư đoàn mới đến từ Đồng Đăng và Lộc Bình, Trung vất vả tấn công các ngọn đồi quanh tỉnh. Việt chống cự mãnh liệt và còn đột nhập vào ba thị trấn Guangxi, Malipo và Ninping ở bên kia biên giới. Ngày 3 tháng ba , Lạng Sơn thất thủ. Đồng Đăng và Cẩm Dương bị san bằng nhưng các đơn vị Việt tiếp tục đánh tại Lộc Bình và Mông cái. Ngày 5 tháng 3, Chính quyền Bắc Kinh một mặt công bố đã chiếm được các tỉnh lỵ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và 17 quận, gây thiệt hại nặng cho 4 sư đoàn Việt và mặt khác, cảnh cáo Hà nội không được cản trở sự rút lui của Quân đội Nhân dân Trung quốc. Cùng một ngày, Bắc bộ phủ tổng động viên toàn quốc. Ngày 7 tháng 3, VN xác nhận đồng ý cho đối phương rút quân "để tỏ thiện chí hòa bình". Tại Nga, Thủ tướng Kosygin và Tổng bí thơ Brezhnev cực lực lên án Trung quốc, tiếp tục cho không vận võ khí và canh chừng hải phận VN. Cuba cho biết sẵn sàng gởi quân trợ chiến Hà nội. Tại Liên Hiệp Quốc, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, khối Asean kiến nghị đòi "các lực lượng ngoại quốc rút ra khỏi khu vực" mà không lên án Bắc Kinh. Ngày 16.3.1979, không còn đơn vị Tàu cộng nào ở VN. Theo tinh thần kiến nghị Asean thì VN tại Cam Bốt cũng phãi hồi hương quân đội chiếm đóng. Hội Đồng An ninh LHQ rốt cuộc không có ra quyết nghị nào. Một nhà ngoại giao chua chát phê bình: "Khi tranh chấp xẩy ra giữa các đại cường, Liên Hiệp Quốc biến mất!". +Thẩm lượng "bài học quân sự 1979 1.- Thiệt hại của đôi bên. Dưới đây là bản kê khai thiệt hại căn cứ vào tài liệu mỗi phía, trích từ quyển sách "China''''''''''''''''s War With Việt Nam, 1979" của Gs King G. Chen , trang 114: Trung Quốc Việt Nam Tử thương 26.000 30.000 Bị thương tích 37.000 32.000 Tù chiến tranh 260 1.638 Chiến xa, quân xa 420 185 Bích kích pháo, súng 66 200 Giàn hỏa tiễn 0 6 Hoa lẫn Việt đều tuyên bố thắng trận nhưng không xứ nào hoàn thành mục tiêu chính yếu. Trung quốc không hủy được một sư đoàn Việt nào, không chấm dứt được xung đột tại biên giới, không ép được các đơn vị Việt rút khỏi Cam Bốt và củng không thuyết phục nổi VN thay đổi chính sách đối với Hoa kiều. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gây ra tại Hà nội sự nghi ngờ về thực tâm của Mạc Tư Khoa can thiệp bằng võ lực để chống Trung cộng ở VN. Mặt khác, khối Asean đã lên tiếng ủng hộ Tàu trong cố gắng chận chủ nghĩa bành trướng của CS Việt tại Đông Á và, dưới khía cạnh này, gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt không ít. Ngày 26.3.1979, Jiefangjun Bao viết trong bài xã luận: "Cuộc chiến 1979 đã làm sáng tỏ những ý kiến sai lệch về vấn đề chiến tranh và một số vấn đề khác". Không thấy báo xác định rõ vấn đề gì. Sáu tháng sau, nhân lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cộng hòa Nhân Dân Trung quốc, Tổng trưởng Quốc Phòng Xu Xiangqian trình bày quan điểm trong tạp chí "Quân Đội": "Như chúng ta biết, trong lịch sử chiến tranh, có nhiều cuộc thất trận không vì nhân lực yếu hay võ khí kém, nhưng bởi tư tưởng quân sự lạc hậu và chỉ huy sai lầm. Một kết luận thực tế là năm 1979, tại VN, các lãnh tụ Trung Hoa vừa dạy đối phương và vừa thu thập một bài học hữu ích: Quân đội Trung Hoa không thể thắng một cuộc chiến tân tiến trước khi được hiện đại hóa về võ khí và chiến lược. Đối với VN, hậu quả của cuộc chiến nặng nề hơn, về nhiều phương diện: 1) Trong vòng một năm, 1979-1980, vì lý do an ninh và cũng vì nhu cầu chiếm đóng Miên và Lào, ngân sách quốc phòng tăng rất mạnh. Lục quân vượt từ 600.000 bộ binh lên một triệu, Hải quân từ 3.000 thủy thủ lên 12.000 và Không quân từ 12.000 phi công lên 15.000. không kể ngân khoản khổng lồ để mua võ khí, tàu chiến và phi cơ. ....................... 3) Về kinh tế, hai kế hoạch ngũ niên 1976- 1980 và 1981- 1985 thất bại thê thảm. Đồng bạc phá giá 100%. Giá sinh hoạt tăng phi mã. Lợi tức đầu người dưới 300 mỹ kim năm 1984. Ngày 30.4.1984, tại phiên họp ở La mã, Chương trình Liên Hiệp quốc về Thực phẫm cắt bỏ 5,3 triệu đô la viện trợ cho VN. 2- Hậu quả quốc tế. A) Thái độ của Khối Asean: Từ 1979, chính sách của Asean có tính cách liên tục. Trong thời gian tháng 2 đến tháng 8, 1979, phần đông các nước thành viên âm thầm tán đồng cuộc hành quân của Bắc Kinh nhưng sau đó kêu gọi chính thức chấm dứt xung đột. Từ tháng 9 đến tháng 6.1982, Asean khuyến cáo VN rút quân khỏi Cam Bốt để quốc gia này tổ chức bầu cử tự do. Việc Trung quốc ngưng xô xát với VN giúp xúc tiến giải pháp. Từ tháng 6.1982 về sau, Asean vận động thành lập một liên minh chính trị do Sihanouk lãnh đạo trong khi vẫn áp lực Hà nội. Kết quả là tháng 7.1982, Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Đông Dương ra thông cáo đề nghị rút một phần quân Việt khỏi Cam Bốt, lập một hành lang an ninh giữa Thái và Miên và tổ chức Hội nghị Đông Á. B) Các quốc gia khác trên thế giới - Khi chiến tranh Hoa-Việt nổ lớn, Tiệp khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Bulgarie, Cuba và Lào chỉ trích mạnh Bắc kinh. Nhựt và Tây Đức cắt viên trợ vì VN chiếm Cam Bốt. Ấn độ công nhận Chính phủ Heng Samrin để phản đối Trung quốc. Nam và Bắc Hàn im lặng, giữ thế trung lập. Mỹ có cảm tình với Đặng Tiểu Bình vì lo ngại Liên sô bành trướng, theo dõi tình hình và khuyên hai đối phương tự chế. +++ Ba yếu tố căn bản đã ảnh hưởng sâu đậm cuôc chiến 1979: Quyền lợi quốc gia và chiến lược - Ý thức hệ CS và Lòng ái quốc. Một số vấn đề đã khích động nhóm người lãnh đạo có trách vụ quyết định. Tuy nhiên không một ai nghĩ rằng nước Tàu thực sự bị đe dọa về mặt an ninh vào thời khoảng đó. Trung quốc và Việt Nam không đi đến chiến tranh toàn diện vì cả hai thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Tinh thần yêu nước và "mặc cảm huynh trưởng tự tôn" thúc đẩy Bắc kinh đòi hỏi đất đai, với mong ước tái lập ảnh hưởng cũ trong vùng. Tình anh em lâu đời giữa hai quốc gia láng giềng ngăn họ kéo dài một cuộc chiến đẫm máu. Bởi thế, sự đọ sức được giữ ở mức trung, may thay! Điểm khác đáng lưu ý là vai trò của lãnh đạo. Đúng thế, lãnh đạo đẻ ra chính sách. Và chính sách vẽ đường cho ngoại giao. Nhân cách Đặng Tiểu Bình chi phối cuộc khủng hoảng 1979 được mệnh danh "chiến tranh của Đặng Tiểu Bình". Đặng mưu trí, nhẫn nại, liều lĩnh và thực tiễn. Đối diện là Lê Duẩn, không có kinh nghiệm sâu sắc về nước Tàu vì ở tù ngoài Côn đảo trong giai đoạn Việt Minh kháng chiến 1940 - 1950 với sự ủng hộ duy nhất và nhiệt tình của Bắc Kinh. Một bài học quân sự thứ hai: Tháng 4.1985, Quân đội VN tảo thanh biên giới Thái - Miên, Son Sann hù dọa Hà nội rằng Trung quốc chuẩn bị một bài học khác. Mùa đông 1984- 1985, VN thành công dẹp phiến loạn Miên. Lại có tin đồn giống như thế. Tại Bắc kinh, Đặng Tiểu Bình, Lý Chấn Nhiệm và Hoàng Hoa không bỏ hẳn ý định này. Giới truyền thông Tây phương, chính giới Hoa Kỳ và Nghị sĩ Henry Jackson cũng tiên đoán bi quan. KẾT LUẬN: Trung Hoa - thành công hay thất bại - mãi mãi sẽ là mối ám ảnh của nước Việt Nam bé nhỏ. Ngược lại, Việt Nam luôn luôn là khúc xương khó nuốt của anh chàng khổng lồ phương Bắc. Đồng sàng nhưng dị mộng. Buộc phải sống chung hòa bình. LÂM LỄ TRINH

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

Khả năng hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam

Điểm nổi bật của đợt hiện đại hóa quốc phòng lần này là sự gia tăng rất đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng của các loại chiến xa, tàu chiến, tàu ngầm, chiến đấu cơ, máy bay vận tải và tàu đổ bộ loại lớn. Phần lớn các chiến cụ này đều nhập từ nước ngoài, nhưng về tàu chiến, tàu đổ bộ và các loại súng ống khác thì một số đã được sản xuất tại chỗ. Sau đây là một vài số liệu tóm lược về các loại trang thiết bị quân sự nhập từ năm 2000 đến 2006 (The World Defence Almanach 2006 và Jane's Fighting Ships 2006-2007). Điều đáng để ý là từ năm 2000 Việt Nam bắt đầu dồn sức trang bị cho hải quân và không quân để có thể đối đầu với các loại vũ khí hiện đại của các nước lớn. Việt Nam đã mua rất nhiều chiến thuyền mới của Nga như 10 tàu phóng ngư lôi, 2 tuần dương hãm 1.900 tấn, v.v. Ngoài ra Việt Nam còn mua thếm các loại máy bay chiến đấu của Nga như 22 chiến đấu cơ Su-22M, 12 chiến đấu cơ Su-27, 8 oanh tạc cơ Su-30 MK, 10 máy bay tuần tiểu NV-28. Như vậy tầm hoạt động của hải quân và không quân Việt Nam có thể triển khai từ Đài Loan đến Vịnh Thái Lan, có khả năng trinh sát thường xuyên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thêm vào đó lực lượng phòng không cũng được trang bị thêm các dàn hỏa tiễn địa đối không S-300 PMU1 có khả năng nghênh kích phi cơ địch từ xa 100 km. Từ trước đa số các vũ khí trang bị cho quân đội Việt Nam đều mua từ Nga hoặc Trung Quốc, nhưng gần đây nguồn cung cấp này đã được đa dạng hóa. Năm 2006, bộ binh Việt Nam được trang bị thêm 150 chiến xa T-72 của Serbia-Montenegro, không quân được trang bị thêm 22 oanh tạc cơ Su-22M4 của Ba Lan. Nếu chịu khó quan sát, lần này Việt Nam không đặt mua vũ khí của Trung Quốc mặc dù Trung Quốc tìm đủ cách để bán rẻ, hay trả bằng nguyên nhiên liệu. Một dữ kiện khác nữa là chính quyền cộng sản Việt Nam chấp nhận ký kết với các quốc gia không thuộc phe cộng sản cũ là khối Commonwealth (Anh, Úc, Tân Tây Lan, Canada) và Nhật qua trung gian của Singapore để sử dụng Cam Ranh để hiện đại hóa quân đội, hay chấp nhận tham gia các cuộc diễn tập quân sự chung trên biển cả.
oanh tạc cơ Su-30 MK
Một yếu tố tích cực khác nữa là từ năm 2004 Việt Nam chấp nhận công bố sách trắng về quốc phòng, qua đó người ta nhận xét trong nhiều năm liên tiếp Việt Nam đã chi mỗi năm 1,15 tỉ USD cho quốc phòng, khoảng 2,5% GDP. Theo The World Fact Book 2002-2005, chi phí quốc phòng thực sự của Việt Nam trong khoảng thời gian đó là 12,95 tỉ USD, riêng năm1998 chỉ 6,5 triệu USD. Sở nghiên cứu chiến lược của Anh (IISS) trong Military Balance cho biết chi phí quốc phòng thực sự của Việt Nam trong năm 2004 là 3,17 tỉ USD, khoảng 6,9% GDP, túc gấp ba lần con số của sách trắng quốc phòng của Việt Nam. Trong cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á này, những quốc gia còn nghèo khó như Việt Nam đã rất mệt nhọc. Nhưng dù sao chấp nhận gia tăng kinh phí quốc phòng với những điều kiện khó khăn để hiện đại hóa quân đội vẫn là một tín hiệu tốt. Càng tốt hơn là chính quyền Việt Nam đang cố gắng tìm các nguốn cung cấp vũ khí khác với khối cộng sản cũ. Sự độc lập nào cũng có một giá phải trả. Nguyễn Minh (Tokyo)

Lớp đệm êm ái giữa sự thù địch Việt Nam Trung Quốc

Lớp đệm êm ái giữa sự thù địch Việt Nam Trung Quốc HÀ NỘI – Khó cho người ngoài cuộc hiểu được sự thù địch đa số người Việt dành cho Trung Quốc. Hiếm khi nói ra ở chỗ công cộng, nhưng sự thù địch này tha hồ tuôn ra trong những buổi nói chuyện riêng tư với một sự sôi nổi đáng ngạc nhiên. Chữ nghĩa tuôn ra miên man và nhanh, và ngôn ngữ thì thẳng thừng, trần trụi. Ngay sau khi đến đây (Việt Nam) vào tháng Sáu năm 2006, tôi đã gặp một viên chức cấp bộ qua lời giới thiệu của một người bạn ở Hoa Thạnh Đốn (Washington). Sau một tuần trà ở một khách sạn thuộc loại sộp nhất ở Hà Nội, anh ta hỏi loại chuyện gì ở Việt Nam mà tôi thích và muốn tìm hiểu. Tôi nói với anh ta rằng, giữa những điều tôi muốn biết, thì mối quan hệ giữa nước của anh ta và Trung Quốc sẽ là một chủ đề chính.
Mối quan hệ môi hở răng lạnh giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam trở nên thắm thiết khi gần 250,000 lính Trung Quốc đánh tràn qua biên giới Việt Nam để "dạy cho Hà Nội một bài học" vào ngày 17 tháng Hai năm 1979. Nguồn: Times.com
Cả hai ông láng giềng đều có nền kinh tế đang phát triển tốt đẹp, cùng hai hệ thống chính trị giống nhau như đúc và cùng là điểm sáng chói đang lên trên chính trường quốc tế, thế nhưng quan hệ song phương lên lên xuống xuống như thủy triều. “Đó là một mối quan hệ quyến rũ của thương và ghét,” tôi nói. Anh ta đanh lại, và nói: “Anh nói (một quan hệ gồm) thương và ghét, nhưng nói thẳng với anh, không có cái thương trong mối quan hệ này.” Trong 18 tháng qua, tôi nghe cái cảm nghĩ đó vô số lần, lập đi lập lại bởi đảng viên, thương nhân, những chuyên gia trong ngành giáo dục, sinh viên và ngay cả người nông dân chân lấm tay bùn. Mới tuần rồi, ông Bùi Văn Thắng, một thương gia trẻ ở một công ty xuất nhập cảng rượu ở đây, giải thích vì sao anh ta không thích người Trung Quốc: “Họ cố thống trị chúng tôi và lấy lãnh thổ của chúng tôi.” Thực ra, sự phản kháng ở đây là hậu qủa của quan điểm cho rằng Trung Quốc đã cướp lãnh thổ của Việt Nam và họ cự tuyệt một cách tàn nhẫn những nỗ lực đòi lại (của Việt Nam). Lãnh thổ đang tranh chấp giữa hai nước bao gồm hai quần đảo - Trường Sa và Hoàng Sa – nằm chồm lên những mỏ dầu và khí đốt lớn, nhiều hải sản và những hải tuyến có tính chiến lược nằm ở biển Nam Hải, mà người Việt Nam gọi là biển Đông. Ông Nguyễn Trấn Bạt, chủ tịch của Investconsult Group, một trong những công ty tư vấn thương mãi lớn nhất Việt Nam nói rằng: “Trung Quốc nên hiểu những hành động của họ ở biển Đông đã làm phật lòng chính phủ chúng tôi và làm người nước tôi giận điên lên. Rất nhiều người Việt Nam không muốn đi du lịch Trung Quốc nữa. Tôi đã có ý định đi, nhưng sau những biến cố này, tôi đã hủy dự định đi của mình.” Mới mấy tháng gần đây, Trung Quốc thành lập một trung tâm quản trị hành chánh cho những đảo này, tiết lộ kế hoạch phát triển kỹ nghệ du lịch và cũng đã tập trận quân sự trong khu vực này. Những điều này đã khích động Hà Nội và đã tạo nên những cuộc phản đối ồn ào trước mặt Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống thông tin của nhà nước cũng nhập cuộc, thường xuyên cho đi những tin tức về chủ quyền của Việt Nam trên những quần đảo này, sự thường với hình ảnh của những chiến sĩ trẻ nóng lòng muốn trở lại những đơn vị đồn trú trên những quần đảo này. Tháng rồi, Thanh Niên, là một trong hai tờ báo có số bán chạy nhất trong nước, đã cho chạy tít lớn chiếm cả trang nhất với hàng chữ: “Hoàng Sa, máu và thịt của Việt Nam.” Phía dưới, bài báo nói: “Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa hơn 30 năm qua, nhưng quần đảo này là thân thiết cho tất cả người Việt Nam, những người mong mỏi một ngày nào đó sẽ có thể thăm viếng những quần đảo này.” Lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công phía Việt Nam ngày 19 tháng Một năm 1974 và đã chiếm quần đảo này từ đó. Với nội dung như vậy, cho chạy lớn trên trang nhất nhân kỹ niệm ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa chỉ có thể làm được với sự cho phép của những nhà lãnh đạo đảng cao cấp ở đây. Tuồng như trọn ngày đầu tiên khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm viếng Trung Quốc vừa rồi là nhằm thảo luận về vấn đề chủ quyền. Hà Nội thì cho rằng quần đảo này thuộc về Việt Nam trên báo chí Việt Nam và với Bắc Kinh thì trước sau cho rằng những quần đảo này là của Trung Quốc không thể bàn cãi, chẳng ai ngạc nhiên khi cuộc thương thảo giữa hai bên chẳng đi đến đâu. Nhưng cả hai bên đồng ý là tiến trình “giải quyết đứng đắn” những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ là phương cách tốt nhất để hướng tới. Thế nhưng, cả hai đều không ai chịu nhường một ly và cứ cho mình có chủ quyền lịch sử đối với những quần đảo này. Mặc dù thù địch và không mấy có thiện cảm với nhau, thế nhưng nó vẫn có đôi điều lạc quan. Sự thường khi hai bên đồng ý chấp nhận tiến trình “giải quyết đứng đắn” vấn đề, nó có nghĩa cả hai phía ngụ ý là sẽ cố tránh những xung đột quân sự. Ông Bạt cho rằng: “Cả hai chính phủ đều khôn ngoan đủ để giữ tình huống này đừng trở nên tồi tệ. Họ biết là họ chả ăn được cái giải gì nếu gây nên một tình trạng bất ổn lúc này.” Chắc chắn, những cuộc phản đối chống Trung Quốc và bài báo có tính khiêu khích trong tờ Thanh Niên đã được bảo hòa với sự tiếp đón ân cần và công khai một phái đoàn Trung Quốc thăm viếng hữu nghị mới gần đây. Báo chí nhà nước Việt Nam cũng vừa cho loan tải những tin tức lạc quan nhân kỹ niệm lần thứ 58 ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Và đồng thời cũng đang có một nỗ lực nhấn mạnh đến mối quan hệ kinh tế ngày càng tốt đẹp giữa hai nước. Việt Nam nhập cảng hầu hết các mặt hàng của mình từ Trung Quốc, với mối quan hệ song phương đạt đến con số kỷ lục 15 tỉ Mỹ kim trong năm rồi. Và nó sẽ tăng hơn nữa khi những đồ án hạ tầng kiến trúc được kích hoạt. Hiện Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đang cho Việt Nam vay 890 triệu Mỹ kim để xây một xa lộ dài 244 kilô mét từ Hà Nội đi Lao Cai, là một thành phố nằm ngay ở biên giới Việt Trung. Xa lộ này sẽ nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc qua một đường cao tốc hiện đã xây xong hai phần ba. Khi hệ thống xa lộ và đường cao tốc này hoàn tất, nó sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa được vận tải nhanh chóng giữa thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Yunnan) và thành phố cảng Hải Phòng. Một con đường cao tốc khác, nối liền Nanning và Hải Phòng, hiện đang được thi công.
Liệu mối thù địch giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tan theo thời gian như "người ta hy vọng khi xa lộ nối liền hai nước trơn tru êm ả, người dân hai bên đi qua lại như nước chảy mây trôi" và Trung Quốc độc quyền bơm dầu và khí từ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa? Nguồn: Bbc.com
Đến lúc đó, khi hàng hóa và người dân trong nước đi về thông suốt giữa hai bên, và biên giới Việt Trung trở nên trơn tru, êm ả, người ta hy vọng rằng những sự thù địch xa xưa sẽ tan theo theo thời gian và hai nước láng giềng sẽ trở nên, ừm, trở nên - hai nước láng giềng sống trong hòa thuận.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

Việt Nam và Mỹ

Mỹ bán trang thiết bị quân sự cho Việt Nam

HÀ NỘI 23-3 (TH) - Hoa Kỳ hy vọng gia tăng hợp tác với Việt Nam về mặt quân sự và đang dự tính bán cho nước này một số trang bị quốc phòng không thuộc loại võ khí giết người, theo lời một viên chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Mỹ đang có mặt ở Hà Nội.

Trước đây, Hoa Kỳ từng mời đại diện quân sự Việt Nam đến quan sát các cuộc thao diễn hành quân hỗn hợp giữa Mỹ và Thái Lan. Nay dự tính bán cho Việt Nam một số cơ phận trực thăng và máy bay tuần biển, Chuẩn Tướng John Toolan, giám đốc văn phòng Á Châu Thái Bình Dương trong văn phòng Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, nói.

“Chúng tôi đang từ từ xây dựng mối quan hệ để bán cho họ các trang bị và kỹ thuật mà họ cần.” Ông nói như thế và cho biết thêm rằng điều này có thể gồm cả võ khí quân sự.

Hiện Mỹ và Việt Nam đang hy vọng mở các cuộc tìm kiếm người Mỹ mất tích trên biển thời chiến tranh Việt Nam. Một số phi cơ Mỹ đã bị bắn rơi và thi hài phi công có thể nằm trong lòng biển Ðông, theo lời Chuẩn Tướng Toolan.

Một tàu khảo cứu của hải quân của Mỹ sẽ cung cấp dữ kiện hải dương và khí hậu để tìm kiếm tới 400 phi công đã bị bắn rơi trên vùng biền thời chiến tranh.” Chuẩn Tướng Toolan cho hay trong cuộc họp báo ở Hà Nội nhân chuyến thăm viếng 4 ngày.

Hoa Kỳ cũng hy vọng giúp Việt Nam khả năng tìm kiếm và cứu người cũng như phát triển hơn nữa chương trình huấn luyện Anh ngữ cho quân nhân Việt Nam.

Chuẩn Tướng Toolan nói rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam không nhằm chống lại Trung quốc mà Mỹ không có chủ trương kềm chế. Ông cũng nhìn nhận rằng Hà Nội luôn luôn coi trọng các quan hệ với Bắc Kinh.

Nhiều lần trước đây, Hà Nội tỏ ý cho thấy muốn có sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ðông Nam Á như một đối lực cân bằng hầu giới hạn sự bành trướng của Bắc Kinh.

“Họ có chung biên giới với Trung Quốc nên tôi nghĩ rằng họ không muốn có các quyết định gì mà không cân nhắc có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.” Chuẩn Tướng Toolan nhận xét.

Ông cũng nói Mỹ khuyến khích Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh khu vực, kể cả Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN.

Với chiều dài biển rất dài, Việt Nam có thể trở thành một đóng góp to lớn trong các nỗ lực chống khủng bố khi theo dõi cũng như ngăn cấm các tàu có thể chở võ khí giết người hàng loạt, ông nói.

Hồi năm ngoái, nhiều lần, khi được hỏi Hoa Kỳ có thể bán võ khí cho Việt Nam hay không, đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Marine đã phủ nhận là không có chuyện đó.

Theo bản tin của AP đăng trên mạng: Cho biết Tổng Thống Bush đang xin viện trợ quân sự cho Việt Nam. Tuy rằng viện trợ quân sự này có thể sẽ tới VN trễ hơn năm 2008, nhưng thấy rõ là ván cờ Biển Đông có thể sẽ giúp cho Việt Nam đứng vững hơn, và độc lập hơn đối với các áp lực từ Trung Quốc. Bản tin cho biết TT Bush đề nghị ngân quỹ 500.000 Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Việt Nam. Đây chắc chắn chỉ là bước dạo đầu của hai phía và hứa hẹn vào sự hợp tác quân sự của hai bên sẽ phát triển hơn nữa. Cùng với các viện trợ quân sự là chính phủ Mỹ đã hợp tác với phía VN để dọn dẹp các vùng bị nhiễm chất độc mầu da cam.

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2008

Một Việt Nam "lột xác"

Ngày nay, thế giới nhắc đến VN không chỉ với câu chuyện chiến tranh mà là phát triển, dựng xây, không phải với câu chuyện về cái đói, cái nghèo mà câu chuyện về vượt nghèo, về doanh thương và địa điểm của những cơ hội làm ăn. Một Việt Nam đang chuyển mình, "lột xác" trong mắt bạn bè quốc tế.

Nước có tiềm năng trên sân khấu địa chính trị thế giới

Cách đây hơn chục năm, Việt Nam đã được cho là sẽ trở thành con hổ châu Á vĩ đại tiếp theo. Đảng cộng sản đã mở cửa ra thế giới bên ngoài và người ta coi nơi đây như một cơ hội đầu tư lớn nhất chỉ sau Trung Quốc. - Theo BBC
8 năm trước, năm 2000, một giảng viên ĐH Seoul trước khi lên đường sang Việt Nam du lịch còn "thủ sẵn" hai chiếc đèn pin trong hành lí. Cô nghĩ, Việt Nam năm 2000 vẫn còn nghèo khổ, và tối tăm và chắc chắn không thể có điện. Vị Giáo sư đến Việt Nam với tâm lí tò mò về một vùng đất vừa bước ra khỏi chiến tranh, một hình ảnh trong mắt cô gần với một nửa còn lại của bán đảo Triều Tiên.

8 năm sau, cái tên Việt Nam và câu chuyện về Việt Nam đã trở nên quen thuộc trên xứ sở kim chi từ câu chuyện về sự trỗi dậy đầy ấn tượng của nền kinh tế, về thành tích xóa đói giảm nghèo... đến cả câu chuyện "nhật kí vàng anh"... Những quán phở Việt, nón lá, áo dài truyền thống của Việt Nam... đã quá quen thuộc đối với người Hàn Quốc hôm nay.

Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã thực sự "lột xác". Người ta nhắc đến vùng đất hình chữ S không chỉ với câu chuyện chiến tranh mà gắn với câu chuyện phát triển, dựng xây. Người ta nhắc đến Việt Nam không phải với câu chuyện về cái đói, cái nghèo mà câu chuyện về vượt nghèo, về doanh thương và địa điểm của những cơ hội làm ăn.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam bây giờ cứ như một cái "mốt" vậy. Ảnh: LAD.

Chuyên gia nghiên cứu các thị trường mới nổi Profit Hunter cho rằng: "Việt Nam hiện đại là một nền kinh tế trẻ đang phát triển năng động với vô vàn năng lượng; là nơi bạn có thể im lặng tiến vào, trong khi những người khác vẫn còn đang "chúi mũi" vào những danh sách FTSE 100 (Financial Times Stock Exchange) (một trăm DN có mức vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán London - pv) và cuộc khủng hoảng cho vay nhỏ ở Mỹ..."

Tháng 11/2006, lần đầu tiên tới Việt Nam, sau khi đánh tiếng cồng mở cửa sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Tổng thống Mỹ G.W.Bush bày tỏ chân thành: "nếu còn trẻ, tôi sẽ tìm đến Việt Nam để doanh thương". Trong mắt ông, "sự phát triển của Việt Nam giống như một con hổ trẻ".

Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu, Tổng giám đốc Pascal Lamy hào hứng: "Tôi tin tưởng rằng trong một thời gian ngắn sau gia nhập, Việt Nam sẽ trở thành một ngôi sao đang lên của nền kinh tế thế giới". Như đã tiên liệu, đầu năm 2008 này, thế giới đang nhắc tới Việt Nam với hình ảnh một "ngôi sao đang lên" (The Economist), "ngôi sao mới nổi ở ĐNA" (ADB)...

Tăng trưởng nhanh, cộng với giá nhân công và người dân cần cù lao động đã biến phát triển kinh tế ở Việt Nam trở thành một trong những câu chuyện thành công lớn nhất ở châu Á

- Theo Financial Times
Trong số đặc biệt của The Economist cuối tháng 12/2007, tạp chí kinh tế hàng đầu này đã đưa Việt Nam nằm trong danh sách 18 quốc gia châu Á quan trọng nhất, những nền kinh tế hoặc có tiềm năng, hoặc có ảnh hưởng đến cuộc chơi chung trên sân khấu địa chính trị thế giới.

Theo khảo sát công bố giữa tháng 12/2007 của công ty tư vấn AT Kearney, Việt Nam là 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư ở châu Á. Tạp chí Economist còn cho rằng, hiện nay, xu hướng đầu tư đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam bây giờ cứ như một cái "mốt" vậy", một nhà đầu tư Mỹ cho biết.

"Lên sàn" xếp hạng chỉ số hội nhập

Mốc son đáng nhớ nhất về hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế có lẽ là bước ngoặt "lên sàn" xếp hạng chỉ số hội nhập lần đầu tiên trong 7 năm xuất hiện chỉ số này do Tạp chí Foreign Affairs và công ty tư vấn AT Kearney đưa ra.

Chỉ số toàn cầu hóa xếp hạng 72 nước và vùng lãnh thổ, đại diện cho 88% dân số và 97% GDP thế giới, được đánh giá dựa trên 12 tiêu chí bao gồm: hội nhập kinh tế, giao lưu nhân lực, kết nội công nghệ và tham gia chính trị thế giới.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn
Năm 2007, lần đầu tiên Việt Nam "lên sàn" xếp hạng chỉ số hội nhập.

Lần đầu tiên "lên sàn", Việt Nam đã được xếp thứ 48 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn các nước láng giềng Thái Lan và Indonesia cũng như 2 thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc mặc dù những căn cứ xếp hạng là của năm 2005, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO và chưa được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ..

Bản thân việc được xếp hạng đã là sự ghi nhận của quốc tế vào mức độ hội nhập sâu vào khu vực và thế giới của Việt Nam. Nói khác đi, thế giới đã ghi nhận việc Việt Nam thực sự tham gia vào "sân chơi chung" với những tiêu chuẩn phù hợp quy chuẩn và luật lệ quốc tế.

Việt Nam có nhiều điểm thu hút các quốc gia khác: sự nổi danh từ cuộc đấu tranh giành độc lập, sự chuyển đổi thành công trở thành một nền kinh tế bùng nổ - Joseph Nye - cha đẻ của khái niệm "sức mạnh mềm".

Với những đánh giá khả quan, Việt Nam đã thực sự "ghi điểm" trong mắt bạn bè quốc tế. Ngày 1/1/2008, Việt Nam chính thức có quyền bỏ một trong 15 lá phiếu ủng hộ hay không ủng hộ đối với mọi quyết định trọng đại liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế tại HĐBA LHQ, sẽ tham gia mọi hoạt động của HĐBA với tư cách một thành viên đầy đủ. Tháng 7/2008, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của tổ chức quan trọng này.

Đất nước "lột xác", đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn nhưng cũng dễ tổn thương hơn. Ngôi sao Việt Nam đang tự tin và cẩn trọng chuyển sang một quỹ đạo phát triển năng động và bền vững. Thời cơ không xuất hiện nhiều lần. Lịch sử đặt ra những đòi hỏi gắt gao phải dứt khoát lựa chọn chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đất nước bước sang thời kỳ cất cánh. Việt Nam phải tận dụng cơ hội để mấy chục năm sau, chúng ta không phải ân hận về "một bữa tiệc dọn trong 60 năm" như quá khứ.

  • Phương Loan (VNN)