Trong bài viết, ông Carl Thayer phân tích các hình thức hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước trong các thập niên gần đây.
BBC đã phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer về các điểm ông đề cập trong bài viết này.
Giáo sư Carl Thayer: Việc Liên Xô sụp đổ bất ngờ khiến Việt Nam ở vào thế bị động. Các khoản viện trợ quân sự ngưng toàn bộ và ngay lập tức Việt Nam phải dùng ngoại tệ mạnh để mua thiết bị quốc phòng của Liên Xô. Vào thời điểm đó Việt Nam cũng đối diện các mối đe dọa từ Trung Quốc tại khu vực biển Đông. Với giai đoạn đầu của chính sách Đổi mới về kinh tế, Việt Nam bắt đầu đi tìm các đối tác mới trên thế giới. Thế nhưng rồi Việt Nam lại thấy cần phải quay lại với đối tác cũ. Đối tác chính vẫn là Nga và đối tác lớn kế tiếp là Ukraina, hay Belarus và các nước Đông Âu. Kinh tế của Việt Nam trong những năm vừa qua tiếp tục phát triển và Việt Nam hiện nay chi tương đối nhiều cho quân sự. Thế nhưng về cơ bản thì quân đội nhân dân Việt Nam thiếu các phương tiện và thiết bị quân sự qui mô. Vũ khí cũng đã và đang cũ dần và thiếu phụ tùng thay thế. Và hiện nay Việt Nam đang hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
BBC: Giới quan sát nói rằng 60%-70% kho vũ khí của Việt Nam đã bị lỗi thời. Vậy sự lựa chọn của Việt Nam là gì?
Giáo sư Carl Thayer: Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, Việt Nam đã thực hiện việc điều chỉnh về qui mô và có tính chiến lược về quốc phòng. Họ phải bớt chi cho quốc phòng. Vào năm 1987 có tới 1.2 triệu lính trong các đơn vị chính qui và cho tới nay chỉ có chưa tới 500 ngàn lính. Rồi họ cũng phải làm tất cả mọi thứ trong giai đoạn khó khăn như việc đại tu thiết bị và bảo dưỡng hết sức cẩn thận để phục vụ cho các trung đoàn hay đơn vị ở vị trí sẵn sàng chiến đấu. Khi chúng ta nói đến vũ khí lỗi thời, chẳng hạn như xe tăng, thì xe tăng mà Việt Nam còn có từ trước có thể là cũ nhưng thiết bị ngắm bắn và bộ điều khiển bắn vẫn còn hoạt động khá tốt. Trong chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất, các chuyên gia quân sự của Việt Nam đã quan sát tỷ mỉ những diễn biến trên chiến trường và thấy rằng không có sự lựa chọn nào tốt hơn là phải hiện đại hóa quân sự. Họ từng bước mua thiết bị quốc phòng. Chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam còn thua xa các nước tại khu vực Đông Nam Á.
BBC: Ông có thể nói rõ thêm về việc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam?
Giáo sư Carl Thayer: Ngoài việc mua sắm tàu chiến, máy bay, ..thì việc hiện đại hóa có thể hiểu rằng họ tham gia cùng sản xuất, tức là có việc chuyển giao công nghệ. Có hai yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất là tàu chiến và chiến đấu cơ là hạ tầng quốc phòng. Thứ hai các thiết bị đưa lên máy bay chiến đấu hay tàu chiến để tăng khả năng công phá của chúng. Chẳng hạn như không lực của Việt Nam với phản lực MiG21. MiG21 là chiến đấu cơ thế hệ cũ, thế nhưng có thể nâng cấp thiết bị điện từ thông qua hợp tác với Israel, Ấn độ, Nga hay Ukraina. Tức là có thể gửi các thiết bị đó sang những nước này để nâng cấp rồi lại mang về Việt Nam.
BBC: Ông nói về các đối tác quân sự truyền thống của Việt Nam như Nga hay Ukraina. Theo ông những thay đổi về chính trị tại những nơi như Ukraina có tạo những ảnh hưởng trong quan hệ về hợp tác quân sự với Việt Nam hay không?
Giáo sư Carl Thayer: Tất nhiên là có. Nếu ta nhìn một bức tranh lớn hơn tại Đông Âu thì việc chủ nghĩa xã hội sụp đổ tại đây. Chúng ta thấy có những thay đổi về dân chủ và quốc hội các nước này đã thông qua luật hạn chế bán một số thiết bị cho những nước vi phạm nhân quyền. Cộng hòa Czech là một trong những nước như vậy. Và Hungary không có liên hệ quân sự với Việt Nam. Về góc độ hợp tác giữa Ukraina và Việt Nam, hầu hết các thiết bị Việt Nam mua của Ukraina được xem là chủ yếu dùng cho mục đích quốc phòng chứ không phải làm thay đổi cán cân quyền lực. Tức là không được dùng để đàn áp các nhóm trong nước như các nhóm cỗ vũ cho dân chủ hay các nhóm đấu tranh cho tự do tôn giáo. Do đó nếu có những sức ép tại Ukraina nhằm hạn chế hợp tác quân sự với Việt Nam vì các lý do về nhân quyền thì người ta có thể biện luận rằng không có thiết bị hay vũ khí nào mà Việt Nam mua của Ukraina tạo ra những ảnh hưởng về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam trong khi Việt Nam tự bảo vệ mình. Thế nhưng những đối tác giàu tiềm năng như tôi vừa đề cập là Cộng hòa Czech và Hungary đã cấm bán thiết bị quân sự và vũ khí cho Việt Nam.
BBC: Ông đề cập rằng việc chấm dứt xung đột Campuchia đã mở ra giai đoạn hợp tác quân sự mới cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là xung đột tại Campuchia đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi về góc độ nâng cấp thiết bị quốc phòng và hợp tác với các nước trong khu vực?
Giáo sư Carl Thayer: Xung đột Campuchia đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi. Việt Nam bị cô lập và nhiều nước không muốn quan hệ với Việt Nam. Thế nhưng cho tới khi Việt Nam đồng ý rút quân khỏi Campuchia và tỏ ý đi đến một thỏa thuận chính trị tại Campuchia thì Thái Lan là nước đã khởi đầu trong khối ASEAN. Thủ tướng Thái lúc đó tuyên bố rằng muốn thấy chiến trường trở thành thương trường. Tức là lúc đó Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại trở lại với Thái Lan trước khi Việt Nam trước khi Việt Nam chính thức rút quân khỏi Campuchia. Nó cũng đánh dấu việc các nước láng giềng khác bắt đầu quan hệ lại với Việt Nam.
BBC: Nếu chúng ta nhìn vào số các đoàn quân sự các cấp của Việt Nam ra nước ngoài cũng như các phái đoàn quân sự nước ngoài viếng thăm Việt Nam thì số các đoàn của các nước trong vùng là khá cao. Điều đó chứng tỏ quan hệ với các nước láng giềng là khá quan trọng?
Giáo sư Carl Thayer: Có nhiều dạng trao đổi quân sự giữa Việt Nam và các nước trong vùng. Giữa Thái Lan và Việt Nam thì việc bàn luận chủ yếu là những biến cố tại vùng lãnh hải giữa Thái Lan và Việt Nam. Nơi đây có các ngư dân của nước này đánh bắt cá trong vùng nước của nước kia và rồi có cả tàu hải quân tham gia bắt ngư dân và gây ra các tranh chấp. Chúng ta thấy hai phía tổ chức tuần tiễu chung tại khu vực là khoảng 9 lần. Thế nhưng trong khi hai bên tỏ ý muốn giải quyết vẫn đề này thì những nghi ngại vẫn tồn tại. Quan hệ quân sự giữa hai nước cũng có những điểm khá lạ, chẳng hạn như trước đây tôi được biết rằng phía Thái Lan nói có thể cung cấp cho Việt Nam các thiết bị thay thế mà họ mua được của Trung Quốc. Và để đổi lại thì Thái Lan muốn Việt Nam trao cho Thái Lan các thiết bị mà Việt Nam giữ được của Hoa Kỳ hồi năm 1975. Theo tôi thì đề nghị này không được thực hiện. Quan hệ quân sự của Việt Nam với Lào là quan hệ gần gũi nhất. Lào là nước duy nhất Việt Nam hỗ trợ và đào tạo quân sự. Quan hệ quân sự với Campuchia rất ít. Sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia tạo ra bất bình do đó Việt Nam cũng không muốn đao to búa lớn tại đây. Nước láng giềng nữa là Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Họ chủ yếu cử các phái đoàn chính trị sang thăm lẫn nhau để nói về hệ tư tưởng. Nói về việc đảng làm sao kiểm soát được quân đội. Và vai trò của quân đội trong việc xây dựng kinh tế. Thế nhưng về quan hệ quốc phòng giữa hai nước theo nghĩa hẹp thì Việt Nam và Trung Quốc không trao đổi và hợp tác gì.
BBC: Ngoài việc Việt Nam hiện đại hóa quân sự thì chúng ta thấy việc trao đổi các chuyến viếng thăm của phái đoàn quân sự của Việt Nam với các nước và ngược lại. Hoạt động đó được xem là ngoại giao quốc phòng đúng không?
Giáo sư Carl Thayer: Trong quá khứ Việt Nam là thành viên của khối Sô Viết và thấm nhuần tư tưởng là Chủ nghĩa Xã hội bị Chủ nghĩa Đế quốc tấn công và lựa chọn đi theo chiến lược quân sự của Liên Xô cũ, theo hiệp ước Warsaw và Việt Nam quan hệ với Ấn độ và Cuba. Vào đầu thập niên 1990, tức là sau khi Việt Nam rút khỏi Campuchia, Việt Nam được xem là một nước “bình thường”. Hòa nhập với các nước trong vùng. Và các liên hệ giữa bộ quốc phòng các nước đôi khi cũng qua bộ ngoại giao. Tức là từ lúc Việt Nam có quan hệ quân sự với dưới 20 nước thì nay đã có liên hệ quốc phòng với hơn 60 nước. Việt Nam cử 24 tùy viên quân sự sang các nước và có 34 nước cử tùy viên quân sự sang Việt Nam. Chúng ta thấy Việt Nam có khẩu hiệu quen thuộc đó là kết hợp giữa phát triển kinh tế với quốc phòng. Kết hợp giữa quốc phòng với ngoại giao. Và kết hợp quốc phòng với an ninh. Do đó với khuôn khổ này thì Bộ Quốc Phòng đang đóng vai trò rất năng động. Ngoài liên hệ với các đối tác truyền thống thì nay chúng ta thấy có cả các đối tác rất mới như Brazil, Nam Phi, Bỉ, …
BBC: Trong nghiên cứu của mình ông cũng nói rằng Việt Nam áp dụng chiến lược cân bằng các quan hệ hoặc đôi khi đi theo nước lớn hoặc đi theo đa số nhằm đảm bảo vị thế của mình. Thế nhưng điều đó được thể hiện thế nào trong tranh chấp tại quần đảo Trường Sa?
Giáo sư Carl Thayer: Chúng ta đang nói tới sức mạnh của Trung Quốc với hình bóng quân sự bao trùm lên khu vực Biển Đông. Có một số học giả cũng bàn luận về sự lựa chọn của Việt Nam xích gần lại với Trung Quốc để khỏi bị ảnh hưởng xấu. Đối sách cân bằng theo các nhà hoạch định chiến lược của Hoa Kỳ là việc thúc giục Việt Nam dựa vào Hoa Kỳ bởi họ đều chia sẻ lợi ích chung là khống chế Trung Quốc. Thế nhưng các phân tích gia quân sự của Việt Nam nói rằng lịch sử của Việt Nam với cường quốc phương bắc cũng không cho thấy chính sách theo nước lớn là có lợi.Trong khi đó lịch sử của Việt Nam dựa vào thế mạnh quân sự của Liên Xô cũ quá mức cũng cho thấy những điểm bất lợi. Do đó trong bài viết của mình tôi đề cập việc Việt Nam sử dụng nhiều cách tiếp cận nhằm có các giải pháp thay thế hoặc dự phòng. Tức là một mặt thì vẫn xây dựng quan hệ hữu hảo và hợp tác với Trung Quốc. Mặc khác thì Việt Nam cũng triển khai tàu chiến và không lực tại khu vực như mối răn đe đối với Trung Quốc. Nếu đọc kỹ Sách Trắng ra năm 2004 thì chúng ta thấy Việt Nam có những quan ngại lớn tại khu vực họ gọi là Biển Đông tuy những quan ngại này không lớn như nói hồi năm 1988 khi Việt Nam dùng thuật ngữ điểm nóng. Tôi nói chuyện với nhiều tuỳ viên quân sự của Việt Nam tại các nước. Trong các cuộc nói chuyện riêng tư, họ luôn băn khoăn không biết Trung Quốc sẽ làm gì tại biển Đông. Và hiếm khi thấy một tuỳ viên quân sự Việt Nam nào lại bình luận về những điểm tích cực đối với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.
BBC: Điều đó có nghĩa là tranh chấp tại Biển Đông sẽ vẫn còn là vấn đề trong tương lai chứ không có giải pháp nào hay thỏa thuận nào?
Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam không đứng lẻ loi. Một khi Việt Nam là thành viên của ASEAN thì tranh chấp tại đây là vấn đề của cả ASEAN. ASEAN và Trung Quốc đã mất nhiều năm đàm phán cố gắng có được bộ luật ứng xử. Rốt cùng thì họ có được một đích ngắn hơn mục đích đề ra. Tức là chỉ có được tuyên bố của các bên theo đó các bên nói duy trì hiện trạng và không dùng vũ lực chống lại lẫn nhau. Sách Trắng của Việt Nam cũng như các nước ASEAN luôn nói rằng tuyên bố này chỉ là bước khởi đầu của bộ luật ứng xử thôi, thế nhưng Trung Quốc phản đối vì họ cho là bộ luật ứng xử sẽ có bản chất ràng buộc về pháp lý kìm hãm hành động của Trung Quốc. Một mặt thì Việt Nam đưa du khách ra theo các tour du lịch, mặc khác thì Trung Quốc và Philippine tuyên bố cùng thăm dò dầu khí, theo luật quốc tế thì các hoạt động cho mục đích kinh tế trên khu vực đó sẽ là cơ sở để nói đó là lãnh thổ và chủ quyền. Do đó có những căng thẳng và tức tối nào đó. Thế nhưng bộ máy quân sự đang lớn dần của Trung Quốc có nghĩa rằng cuối cùng thì biển Đông sẽ trở thành cái hồ của Trung Quốc do vị thế và sức mạnh quân sự nổi trội của Trung Quốc. Việt Nam có thể có khả năng răn đe về quân sự nhưng không có khả năng chiếm giữ. Nước duy nhất có thể đối trọng được với Trung Quốc là Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét