Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008

Bài học quân sự 1979.

Năm 1938, Mao giải thích như sau quan điểm của Lê nin về chiến tranh: "Khi chính trị mở rộng đến mức không còn tiến tới được bằng đường lối thông thường thì chiến tranh bùng nổ để san bằng các trở ngại gặp phải". Lê nin từng viết: "Chiến tranh chỉ là chính trị nối tiếp bằng những phương tiện khác". Câu này dựa vào ý kiến của Karl Von Clausewitz: "Chiến tranh không phải là hành vi đơn giản của chính sách mà là một lợi khí chính trị đích thực, một sự tiếp tục của hoạt động chính trị với phương thức khác". Cuộc chiến để sát phạt VN, dù núp dưới danh xưng phản công tự vệ, được khởi xướng đúng theo chủ trương trên đây. Các lãnh tụ Trung quốc đã cân nhắc quyết định của họ hai năm (1977-1979), với hy vọng bình thường hóa bằng võ lực mối bang giao Hoa - Việt. Muốn thành đạt, chiến tranh nhân dân cần hội một số điều kiện: đảng và quân thống nhất, quần chúng hỗ trợ, đất nước hậu tiến, vũ khí quy ước, kỹ thuật lạc hậu, ngoại xâm đe dọa và đấu tranh trường kỳ. Trước tháng 2.1979, Trung quốc có 3,600.000 quân nhân tại ngũ và 175 sư đoàn tại 11 vùng chiến thuật. Võ khí gồm có 10.000 chiến xa, 20.000 giàn phóng hỏa tiễn, 16.000 cà nông và phương tiện chuyên chở rất lạc hậu. Hải quân có 30.000 thủy thủ, 75 tiềm thủy đỉnh. Hạm đội Bắc Hải có 300 chiến hạm, Đông hải: 450 và Nam hải: 300. Lực lượng không quân có 400.000 phi công, 5000 chiến đấu cơ cũ và lỗi thời, loại Mig 15,17,19 và 80 Mig 21. Đặng Tiểu Bình là Tổng Tư lênh hành quân, với 2 phụ tá Xu Xiangqian và Nie Rongzhen, tướng Gen Biao giữ chức Tham mưu trưởng. Về phía VN, tổng quân số lên đến 600.000 phân chia 200.000 tại Cam bốt, 100.000 tại Lào, 100.000 tại Nam Việt, và 200.000 ở Bắc Việt. Xung quanh Hà nội có 5 sư đoàn và 4 lữ đoàn. Dài theo biên giới Trung hoa, VN có 150.000 dân quân tổ chức thành 6 sư đoàn địa phương và một trung đoàn. Không lực Việt có 300 chiến đấu cơ (70 Mig 19, 21 Mig 17, và một số F 5 tịch thu của Mỹ năm 1975). Hải quân Việt có 2 chiếc PETYA Sô viết với hỏa tiến chống tiềm thủy đỉnh, và 60 tàu tuần tiễu. Cuộc "hành quân sát phạt" kéo dài 16 ngày, chia thành 2 giai đoạn: 1)- Từ 17 đến 26.2.1979. Ngày 17 thàng 2, lúc 5 giờ sáng, theo chiến thuật "biển người", 100.000 Tàu, được chiến xa hỗ trợ, tràn vào Lạng Sơn, (phía Đồng Đăng), Cao Bằng, Đồng Khê, Mông Cáy, và Lào Cai sau khi pháo kích mãnh liệt. Sự tiến quân, mau lẹ lúc dầu, lần hồi bị địa phương quân Việt chận lại và bao vây. Các đơn vị chính quy VN tập trung về phía Nam Cao Bằng và Lạng Sơn để đánh tiêu hao những sư đoàn đối phương. Số tổn thương của hai bên đều nặng nhưng khó kiểm chứng. Phía Trung quốc chiếm được Lào Cai, Cao Bằng và chuẩn bị tấn công Lạng Sơn nhưng không có ý định tiến về Hà nội. Đồng thời, Bắc Kinh công bố sẽ rút quân đội "sau khi hoàn tất mục tiêu". Trong thời khoảng đó, Liên Sô đưa 7 chiến hạm tuần tiễu dài theo hải phận VN và ngày 21 tháng 2, gởi tuần dương hạm Sverdlov và một khu trục hạm Krivak vào Nam Hải. Vũ khí Nga được không vận từ Calcutta và một phái đoàn quân sự sô viết bay qua Hà nội. Mạc Tư Khoa yêu cầu Tàu rút binh. 2)- Từ 27.2 đến 5 tháng 3. Chiến cuộc tiếp diễn ở Lào Cai, Cao Bằng và Mông cáy nhưng tập trung mạnh nhất vào Lạng Sơn, cách Đèo Hữu Nghị lối 10 dặm và Hà nội 85 dặm. Với hai sư đoàn mới đến từ Đồng Đăng và Lộc Bình, Trung vất vả tấn công các ngọn đồi quanh tỉnh. Việt chống cự mãnh liệt và còn đột nhập vào ba thị trấn Guangxi, Malipo và Ninping ở bên kia biên giới. Ngày 3 tháng ba , Lạng Sơn thất thủ. Đồng Đăng và Cẩm Dương bị san bằng nhưng các đơn vị Việt tiếp tục đánh tại Lộc Bình và Mông cái. Ngày 5 tháng 3, Chính quyền Bắc Kinh một mặt công bố đã chiếm được các tỉnh lỵ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và 17 quận, gây thiệt hại nặng cho 4 sư đoàn Việt và mặt khác, cảnh cáo Hà nội không được cản trở sự rút lui của Quân đội Nhân dân Trung quốc. Cùng một ngày, Bắc bộ phủ tổng động viên toàn quốc. Ngày 7 tháng 3, VN xác nhận đồng ý cho đối phương rút quân "để tỏ thiện chí hòa bình". Tại Nga, Thủ tướng Kosygin và Tổng bí thơ Brezhnev cực lực lên án Trung quốc, tiếp tục cho không vận võ khí và canh chừng hải phận VN. Cuba cho biết sẵn sàng gởi quân trợ chiến Hà nội. Tại Liên Hiệp Quốc, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, khối Asean kiến nghị đòi "các lực lượng ngoại quốc rút ra khỏi khu vực" mà không lên án Bắc Kinh. Ngày 16.3.1979, không còn đơn vị Tàu cộng nào ở VN. Theo tinh thần kiến nghị Asean thì VN tại Cam Bốt cũng phãi hồi hương quân đội chiếm đóng. Hội Đồng An ninh LHQ rốt cuộc không có ra quyết nghị nào. Một nhà ngoại giao chua chát phê bình: "Khi tranh chấp xẩy ra giữa các đại cường, Liên Hiệp Quốc biến mất!". +Thẩm lượng "bài học quân sự 1979 1.- Thiệt hại của đôi bên. Dưới đây là bản kê khai thiệt hại căn cứ vào tài liệu mỗi phía, trích từ quyển sách "China''''''''''''''''s War With Việt Nam, 1979" của Gs King G. Chen , trang 114: Trung Quốc Việt Nam Tử thương 26.000 30.000 Bị thương tích 37.000 32.000 Tù chiến tranh 260 1.638 Chiến xa, quân xa 420 185 Bích kích pháo, súng 66 200 Giàn hỏa tiễn 0 6 Hoa lẫn Việt đều tuyên bố thắng trận nhưng không xứ nào hoàn thành mục tiêu chính yếu. Trung quốc không hủy được một sư đoàn Việt nào, không chấm dứt được xung đột tại biên giới, không ép được các đơn vị Việt rút khỏi Cam Bốt và củng không thuyết phục nổi VN thay đổi chính sách đối với Hoa kiều. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gây ra tại Hà nội sự nghi ngờ về thực tâm của Mạc Tư Khoa can thiệp bằng võ lực để chống Trung cộng ở VN. Mặt khác, khối Asean đã lên tiếng ủng hộ Tàu trong cố gắng chận chủ nghĩa bành trướng của CS Việt tại Đông Á và, dưới khía cạnh này, gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt không ít. Ngày 26.3.1979, Jiefangjun Bao viết trong bài xã luận: "Cuộc chiến 1979 đã làm sáng tỏ những ý kiến sai lệch về vấn đề chiến tranh và một số vấn đề khác". Không thấy báo xác định rõ vấn đề gì. Sáu tháng sau, nhân lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cộng hòa Nhân Dân Trung quốc, Tổng trưởng Quốc Phòng Xu Xiangqian trình bày quan điểm trong tạp chí "Quân Đội": "Như chúng ta biết, trong lịch sử chiến tranh, có nhiều cuộc thất trận không vì nhân lực yếu hay võ khí kém, nhưng bởi tư tưởng quân sự lạc hậu và chỉ huy sai lầm. Một kết luận thực tế là năm 1979, tại VN, các lãnh tụ Trung Hoa vừa dạy đối phương và vừa thu thập một bài học hữu ích: Quân đội Trung Hoa không thể thắng một cuộc chiến tân tiến trước khi được hiện đại hóa về võ khí và chiến lược. Đối với VN, hậu quả của cuộc chiến nặng nề hơn, về nhiều phương diện: 1) Trong vòng một năm, 1979-1980, vì lý do an ninh và cũng vì nhu cầu chiếm đóng Miên và Lào, ngân sách quốc phòng tăng rất mạnh. Lục quân vượt từ 600.000 bộ binh lên một triệu, Hải quân từ 3.000 thủy thủ lên 12.000 và Không quân từ 12.000 phi công lên 15.000. không kể ngân khoản khổng lồ để mua võ khí, tàu chiến và phi cơ. ....................... 3) Về kinh tế, hai kế hoạch ngũ niên 1976- 1980 và 1981- 1985 thất bại thê thảm. Đồng bạc phá giá 100%. Giá sinh hoạt tăng phi mã. Lợi tức đầu người dưới 300 mỹ kim năm 1984. Ngày 30.4.1984, tại phiên họp ở La mã, Chương trình Liên Hiệp quốc về Thực phẫm cắt bỏ 5,3 triệu đô la viện trợ cho VN. 2- Hậu quả quốc tế. A) Thái độ của Khối Asean: Từ 1979, chính sách của Asean có tính cách liên tục. Trong thời gian tháng 2 đến tháng 8, 1979, phần đông các nước thành viên âm thầm tán đồng cuộc hành quân của Bắc Kinh nhưng sau đó kêu gọi chính thức chấm dứt xung đột. Từ tháng 9 đến tháng 6.1982, Asean khuyến cáo VN rút quân khỏi Cam Bốt để quốc gia này tổ chức bầu cử tự do. Việc Trung quốc ngưng xô xát với VN giúp xúc tiến giải pháp. Từ tháng 6.1982 về sau, Asean vận động thành lập một liên minh chính trị do Sihanouk lãnh đạo trong khi vẫn áp lực Hà nội. Kết quả là tháng 7.1982, Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Đông Dương ra thông cáo đề nghị rút một phần quân Việt khỏi Cam Bốt, lập một hành lang an ninh giữa Thái và Miên và tổ chức Hội nghị Đông Á. B) Các quốc gia khác trên thế giới - Khi chiến tranh Hoa-Việt nổ lớn, Tiệp khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Bulgarie, Cuba và Lào chỉ trích mạnh Bắc kinh. Nhựt và Tây Đức cắt viên trợ vì VN chiếm Cam Bốt. Ấn độ công nhận Chính phủ Heng Samrin để phản đối Trung quốc. Nam và Bắc Hàn im lặng, giữ thế trung lập. Mỹ có cảm tình với Đặng Tiểu Bình vì lo ngại Liên sô bành trướng, theo dõi tình hình và khuyên hai đối phương tự chế. +++ Ba yếu tố căn bản đã ảnh hưởng sâu đậm cuôc chiến 1979: Quyền lợi quốc gia và chiến lược - Ý thức hệ CS và Lòng ái quốc. Một số vấn đề đã khích động nhóm người lãnh đạo có trách vụ quyết định. Tuy nhiên không một ai nghĩ rằng nước Tàu thực sự bị đe dọa về mặt an ninh vào thời khoảng đó. Trung quốc và Việt Nam không đi đến chiến tranh toàn diện vì cả hai thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Tinh thần yêu nước và "mặc cảm huynh trưởng tự tôn" thúc đẩy Bắc kinh đòi hỏi đất đai, với mong ước tái lập ảnh hưởng cũ trong vùng. Tình anh em lâu đời giữa hai quốc gia láng giềng ngăn họ kéo dài một cuộc chiến đẫm máu. Bởi thế, sự đọ sức được giữ ở mức trung, may thay! Điểm khác đáng lưu ý là vai trò của lãnh đạo. Đúng thế, lãnh đạo đẻ ra chính sách. Và chính sách vẽ đường cho ngoại giao. Nhân cách Đặng Tiểu Bình chi phối cuộc khủng hoảng 1979 được mệnh danh "chiến tranh của Đặng Tiểu Bình". Đặng mưu trí, nhẫn nại, liều lĩnh và thực tiễn. Đối diện là Lê Duẩn, không có kinh nghiệm sâu sắc về nước Tàu vì ở tù ngoài Côn đảo trong giai đoạn Việt Minh kháng chiến 1940 - 1950 với sự ủng hộ duy nhất và nhiệt tình của Bắc Kinh. Một bài học quân sự thứ hai: Tháng 4.1985, Quân đội VN tảo thanh biên giới Thái - Miên, Son Sann hù dọa Hà nội rằng Trung quốc chuẩn bị một bài học khác. Mùa đông 1984- 1985, VN thành công dẹp phiến loạn Miên. Lại có tin đồn giống như thế. Tại Bắc kinh, Đặng Tiểu Bình, Lý Chấn Nhiệm và Hoàng Hoa không bỏ hẳn ý định này. Giới truyền thông Tây phương, chính giới Hoa Kỳ và Nghị sĩ Henry Jackson cũng tiên đoán bi quan. KẾT LUẬN: Trung Hoa - thành công hay thất bại - mãi mãi sẽ là mối ám ảnh của nước Việt Nam bé nhỏ. Ngược lại, Việt Nam luôn luôn là khúc xương khó nuốt của anh chàng khổng lồ phương Bắc. Đồng sàng nhưng dị mộng. Buộc phải sống chung hòa bình. LÂM LỄ TRINH

Không có nhận xét nào: