Nước có tiềm năng trên sân khấu địa chính trị thế giới
Cách đây hơn chục năm, Việt Nam đã được cho là sẽ trở thành con hổ châu Á vĩ đại tiếp theo. Đảng cộng sản đã mở cửa ra thế giới bên ngoài và người ta coi nơi đây như một cơ hội đầu tư lớn nhất chỉ sau Trung Quốc.
- Theo BBC |
8 năm sau, cái tên Việt Nam và câu chuyện về Việt Nam đã trở nên quen thuộc trên xứ sở kim chi từ câu chuyện về sự trỗi dậy đầy ấn tượng của nền kinh tế, về thành tích xóa đói giảm nghèo... đến cả câu chuyện "nhật kí vàng anh"... Những quán phở Việt, nón lá, áo dài truyền thống của Việt Nam... đã quá quen thuộc đối với người Hàn Quốc hôm nay.
Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã thực sự "lột xác". Người ta nhắc đến vùng đất hình chữ S không chỉ với câu chuyện chiến tranh mà gắn với câu chuyện phát triển, dựng xây. Người ta nhắc đến Việt Nam không phải với câu chuyện về cái đói, cái nghèo mà câu chuyện về vượt nghèo, về doanh thương và địa điểm của những cơ hội làm ăn.
Tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam bây giờ cứ như một cái "mốt" vậy. Ảnh: LAD. |
Chuyên gia nghiên cứu các thị trường mới nổi Profit Hunter cho rằng: "Việt Nam hiện đại là một nền kinh tế trẻ đang phát triển năng động với vô vàn năng lượng; là nơi bạn có thể im lặng tiến vào, trong khi những người khác vẫn còn đang "chúi mũi" vào những danh sách FTSE 100 (Financial Times Stock Exchange) (một trăm DN có mức vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán London - pv) và cuộc khủng hoảng cho vay nhỏ ở Mỹ..."
Tháng 11/2006, lần đầu tiên tới Việt Nam, sau khi đánh tiếng cồng mở cửa sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Tổng thống Mỹ G.W.Bush bày tỏ chân thành: "nếu còn trẻ, tôi sẽ tìm đến Việt Nam để doanh thương". Trong mắt ông, "sự phát triển của Việt Nam giống như một con hổ trẻ".
Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu, Tổng giám đốc Pascal Lamy hào hứng: "Tôi tin tưởng rằng trong một thời gian ngắn sau gia nhập, Việt Nam sẽ trở thành một ngôi sao đang lên của nền kinh tế thế giới". Như đã tiên liệu, đầu năm 2008 này, thế giới đang nhắc tới Việt Nam với hình ảnh một "ngôi sao đang lên" (The Economist), "ngôi sao mới nổi ở ĐNA" (ADB)...
Tăng trưởng nhanh, cộng với giá nhân công và người dân cần cù lao động đã biến phát triển kinh tế ở Việt Nam trở thành một trong những câu chuyện thành công lớn nhất ở châu Á - Theo Financial Times |
Theo khảo sát công bố giữa tháng 12/2007 của công ty tư vấn AT Kearney, Việt Nam là 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư ở châu Á. Tạp chí Economist còn cho rằng, hiện nay, xu hướng đầu tư đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam bây giờ cứ như một cái "mốt" vậy", một nhà đầu tư Mỹ cho biết.
"Lên sàn" xếp hạng chỉ số hội nhập
Mốc son đáng nhớ nhất về hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế có lẽ là bước ngoặt "lên sàn" xếp hạng chỉ số hội nhập lần đầu tiên trong 7 năm xuất hiện chỉ số này do Tạp chí Foreign Affairs và công ty tư vấn AT Kearney đưa ra.
Chỉ số toàn cầu hóa xếp hạng 72 nước và vùng lãnh thổ, đại diện cho 88% dân số và 97% GDP thế giới, được đánh giá dựa trên 12 tiêu chí bao gồm: hội nhập kinh tế, giao lưu nhân lực, kết nội công nghệ và tham gia chính trị thế giới.
Năm 2007, lần đầu tiên Việt Nam "lên sàn" xếp hạng chỉ số hội nhập. |
Lần đầu tiên "lên sàn", Việt Nam đã được xếp thứ 48 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn các nước láng giềng Thái Lan và Indonesia cũng như 2 thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc mặc dù những căn cứ xếp hạng là của năm 2005, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO và chưa được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ..
Bản thân việc được xếp hạng đã là sự ghi nhận của quốc tế vào mức độ hội nhập sâu vào khu vực và thế giới của Việt Nam. Nói khác đi, thế giới đã ghi nhận việc Việt Nam thực sự tham gia vào "sân chơi chung" với những tiêu chuẩn phù hợp quy chuẩn và luật lệ quốc tế.
Việt Nam có nhiều điểm thu hút các quốc gia khác: sự nổi danh từ cuộc đấu tranh giành độc lập, sự chuyển đổi thành công trở thành một nền kinh tế bùng nổ
- Joseph Nye - cha đẻ của khái niệm "sức mạnh mềm". |
Với những đánh giá khả quan, Việt Nam đã thực sự "ghi điểm" trong mắt bạn bè quốc tế. Ngày 1/1/2008, Việt Nam chính thức có quyền bỏ một trong 15 lá phiếu ủng hộ hay không ủng hộ đối với mọi quyết định trọng đại liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế tại HĐBA LHQ, sẽ tham gia mọi hoạt động của HĐBA với tư cách một thành viên đầy đủ. Tháng 7/2008, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của tổ chức quan trọng này.
Đất nước "lột xác", đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn nhưng cũng dễ tổn thương hơn. Ngôi sao Việt Nam đang tự tin và cẩn trọng chuyển sang một quỹ đạo phát triển năng động và bền vững. Thời cơ không xuất hiện nhiều lần. Lịch sử đặt ra những đòi hỏi gắt gao phải dứt khoát lựa chọn chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đất nước bước sang thời kỳ cất cánh. Việt Nam phải tận dụng cơ hội để mấy chục năm sau, chúng ta không phải ân hận về "một bữa tiệc dọn trong 60 năm" như quá khứ.
-
Phương Loan (VNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét