Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2008

Một chiến sĩ người Đức đã hy sinh ở vùng biên ải Lạng Sơn

Các cựu chiến binh tiểu đoàn Lũng Vài năm xưa giữ mãi những kỷ niệm đẹp về những “Chiến sĩ Việt Nam mới” người Đức trong đơn vị có tên là Tai-dơ và Găn-tơ. Găn-tơ, có tên Việt là Lê Thanh Cường, được bổ sung về đại đội của chính trị viên Nguyễn Hữu Tài (sau là Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu) là “đại đội độc lập” về tiễu phỉ vùng bắc Cấm Sơn-Lạng Sơn. (Về sau đơn vị này thuộc đại đoàn 308)... Sau đại thắng Biên Giới, Găn-tơ được hồi hương đã trở về Đức... còn Tai-dơ, được phiên chế về phân đội trợ chiến của tiểu đoàn 48, có tên Việt Nam là Hồ Chí Cường...

Tiểu đoàn 48 lúc đó cũng là một đơn vị độc lập chiến đấu đánh địch và xây dựng lực lượng du kích ở các làng xã ven đường 4A thuộc Lạng Sơn; có hậu cứ ở Bình Gia. Tai-dơ người Đức da trắng, lại cao lớn nên đi đâu cũng dễ nhận ra, bà con các dân tộc thường gọi đơn vị này là “Bộ đội người Tây”. Anh được biên chế về phân đội trợ chiến-hỏa lực, tức phân đội bom mìn-ba-dô-ca, lúc đó do anh Phạm Thiệu chỉ huy. Trận đầu tiên Tai-dơ được trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đồng đội Việt Nam là ngày 16-3-1948 khi tiểu đoàn 48 phối hợp với đại đội độc lập và du kích Bắc Sơn phục kích địch ở Bản Nằm, thuộc xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, cách thị trấn Thất Khê chừng 8km. Đây là trận Bản Nằm lần một. (Trận Bản Nằm lần hai là vào ngày 15-9-1949). Trận địa phục kích được bố trí trải dài chừng 300m từ bắc điểm cao 304 đến đông điểm cao 220. Hỏa lực của toàn tiểu đoàn lúc này mới có một khẩu ba-dô-ca, một cối 60mm và 2 đại liên, còn chủ yếu là súng trường khai hậu, mã tấu. Đây cũng là trận tập kích đầu tiên của phân đội trợ chiến này trên chiến trường Việt Bắc. Qua mấy ngày phục kích chờ đợi, hôm ấy khi một đoàn 7 xe của quân Pháp lọt vào trận địa, Tai-dơ là chiến sĩ rất bình tĩnh, luôn mang theo khẩu thom-sơn bên mình, đã nổ súng yểm trợ kịp thời cho tổ ba-dô-ca, ngay viên đạn đầu đã bắn trúng xe chỉ huy, diệt toàn bộ địch trên xe, trong đó có một quan ba, một quan hai Pháp, tạo điều kiện cho đơn vị chặn đầu, khoá đuôi, xông lên diệt địch... Địch cho quân đến ứng cứu bị đơn vị đánh trả cho tan tác. Trận này đơn vị giành thắng lợi lớn: diệt 88 tên địch (có 6 sĩ quan), làm bị thương 54 tên, diệt và thu 7 xe cơ giới, một súng 20mm, một trọng liên 12,7mm, một súng cối, một máy VTĐ... Thắng lợi của trận đánh đã thực hiện tốt nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược là cắt đứt đường vận chuyển để cô lập các cứ điểm của địch trên tuyến phòng thủ biên giới Việt Bắc. Vì vậy sau trận này địch ở khu vực Lạng Sơn rất hoang mang, nhiều tên địch ra đầu hàng, đào ngũ, trong đó có 3 lính người Đức cùng một số ngụy binh ở thị xã mang súng chạy sang hàng ngũ Việt Minh...

Sau chiến dịch thu-đông 1947, Bộ tổng tư lệnh chủ trương lập một trung đoàn chủ lực mạnh trực thuộc Bộ, thì trung đoàn 140 được tăng cường và trung đoàn 147 ra đời, các tiểu đoàn cũng mang phiên hiệu mới: 39, 42, 45 và một số đơn vị trực thuộc. Tiểu đoàn 39 thời gian này do đồng chí Thái Dũng (tức Trần Dũng Thái) người Tày ở thị xã Cao Bằng chỉ huy, mà đồng bào các dân tộc trìu mến gọi đơn vị này là bộ đội “Xíp xi cẩu” (39)… Tiểu đoàn 223 và 239 hợp nhất thành tiểu đoàn mới (có lúc lấy phiên hiệu là d29) là đơn vị độc lập của Bộ. Còn tiểu đoàn 48 của Tai-dơ sau khi một số bộ phận sáp nhập với tiểu đoàn 39, các bộ phận phiên chế tổ chức lại. Tiểu đoàn 29 mới có tên gọi Lũng Vài vì tiểu đoàn 223 từng giành thắng lớn trong trận phục kích ở Lũng Vài, được Bác Hồ và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, tặng danh hiệu này. Tiểu đoàn 29 cũng là đơn vị độc lập của Bộ tổng hoạt động ở khu vực Thái Nguyên, nay tăng cường cho mặt trận đường 4 trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng; phối hợp với trung đoàn 28 Lạng Sơn và 74 Bắc Cạn. Sau khi về vùng Đồng Me, Phủ Liễn, Tam Dương huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và phân đội nhỏ tập đánh công kiên, đơn vị của Tai-dơ lên đường tham gia chiến dịch Đông Bắc mở màn ngày 8-10-1948. Là đơn vị hỏa lực-trợ chiến, Tai-dơ có mặt trong mũi tấn công đột kích do Nguyễn Quốc Trị (về sau là Anh hùng LLVT nhân dân) chỉ huy khi tấn công căn cứ An Châu. Tai-dơ đã cùng các đồng đội Việt Nam dùng thang, bên dưới có buộc tấm phên đan bằng nứa để vượt qua hàng rào thép gai vào trong khu đồn địch, chiến đấu rất dũng cảm, diệt nhiều địch...

Sau hơn nửa tháng chiến đấu liên tục, các đồn Đồng Dương, Đồng Khuy của địch đều bị diệt; riêng khu căn cứ An Châu ta mới làm chủ được 2/3 rồi phải rút lui. Nhưng chiến dịch này ta diệt được trên 150 địch, trong đó có tên quan tư Pháp Vi-try; hơn 200 lính ngụy ra hàng; ta phá hủy 2 xe bọc sắt, 3 súng 12,7mm, thu gần 60 súng các loại trong đó 6 khẩu trung liên... Tai-dơ chiến đấu dũng cảm, mưu trí được anh em rất quý mến. Khi đơn vị tham gia phối hợp đánh đồn Đồng Khay, Tai-dơ là người đi cùng tổ với anh Nguyễn Quốc Trị trong mũi tấn công đột kích, đã nhanh chóng diệt gọn lô cốt chính của cứ điểm, góp phần cho trận đánh nhanh chóng giành thắng lợi diệt gọn đồn địch...

Nhưng vào đêm 28-1, đơn vị của Tai-dơ được lệnh hành quân gấp về bao vây tấn công tiêu diệt căn cứ phỉ ở làng Phạ Khả, gần đồn Chi Ma, khu Chi Lăng. Trong đêm chiến đấu ấy, Tai-dơ đã bị trúng đạn ngã xuống bên cạnh tiểu đội phó Đặng Tịnh. Sau khi diệt căn cứ phỉ, đơn vị đã tổ chức an táng thi hài hai anh ngay trên cánh đồng phía tây nam của làng Phạ Khả gần biên ải, thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn... Đến nay hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, không ai biết quê quán, địa chỉ gia đình của Tai-dơ bên nước Đức của anh để liên lạc... Các cựu chiến binh tiểu đoàn Lũng Vài năm xưa-một đơn vị tiền thân của đại đoàn Quân Tiên Phong, mãi mãi nhớ tới “Chiến sĩ Việt Nam mới” Tai-dơ-Hồ Chí Cường là một đồng đội thân yêu đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến của Việt Nam, đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam-quê hương thứ hai-như anh thường nói-ở vùng biên giới Lạng Sơn, mãi mãi là một Anh bộ đội Cụ Hồ!

Đắc Phan

Không có nhận xét nào: