Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

Đài liệt sĩ Việt Nam tại Đông Hưng

Tại thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) có một đài liệt sĩ Việt Nam (xem ảnh). Đài đặt giữa một khuôn viên cây xanh, cao hơn 10 mét. Mặt chính thân dài, khắc song song hai hàng chữ Việt – Hán: “Đài kỷ niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt – Trung”, trên bệ khắc một bia, tiếng Việt “Nhân

dân Việt Nam đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc. 1956, Đảng Lao động và Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban hành chính huyện Hải Ninh”.

Năm 1949, theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tư lệnh Biên khu Việt – Quế (Quảng Đông – Quảng Tây), Bác Hồ và Bộ Tổng tư lệnh ta phái một lực lượng vũ trang sang giúp bạn “xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung–Long – Khâm liền với biên giới Đông Bắc ta, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Đại quân Nam Hạ” (Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 23-4-1949).

Tháng 6 năm đó, lực lượng ta chia làm hai hướng: một sang Long Châu (Quảng Tây), một sang Khâm Châu (Quảng Đông) dưới sự chỉ huy chung của Bộ chỉ huy chiến dịch, được gọi là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn. Hướng thứ nhất vượt biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn, sang hoạt động một thời gian ngắn, giúp bạn tiêu diệt hơn một trung đoàn địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng quanh Long Châu. Hướng thứ hai, hoạt động dài ngày, đã lập công xuất sắc. Đầu tháng 6, bộ đội ta xuất phát từ một làng nhỏ thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang), tiến lên vùng Đông Bắc, vượt qua đường số 4 (khi đó còn do quân Pháp chiếm đóng, kiểm soát), băng qua biên giới, vượt tiếp qua dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn quả núi lớn), ranh giới tự nhiên giữa Quảng Tây và Quảng Đông, cao hơn 1.000m, rồi đổ xuống địa phận huyện Khâm Châu (Quảng Đông), hình thành một mũi dao nhọn bất ngờ thọc sau lưng địch, khiến chúng hốt hoảng rút bỏ ngay một số đồn bốt lẻ ở chân Thập Vạn Đại Sơn. Riêng việc hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn đã là một chiến tích. Nhân dân địa phương kể lại rằng chưa từng thấy ai, kể cả quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, vượt qua được dãy núi này, vừa rất hiểm trở, vừa là căn cứ lâu đời của bọn phỉ khét tiếng tàn bạo.

Bộ đội ta, khi đó, vừa mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trang bị còn thô sơ, có độc một khẩu 12,7mm là vũ khí hiện đại nhất vừa đoạt được của giặc Pháp trong một trận phục kích cuối tháng 3-1949 trên đường số 4. Hoạt động trên đất bạn, trong vùng hậu phương địch, không có nguồn tiếp tế hậu cần nào khác ngoài những thứ mang vác được từ quê nhà, bộ đội ta đã trải qua vô vàn khó khăn gian khổ, dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa hạ, nắng cháy mưa nguồn, trong vùng rừng núi, có lúc bị bệnh quáng gà tới 15% quân số vì thiếu ăn, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương bạn, đánh tan quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, mở rộng một khu căn cứ giải phóng dọc biên giới Việt – Trung, từ dãy Thập Vạn Đại Sơn trải dài hàng trăm ki-lô-mét ra tận vùng Phòng Thành, bờ biển Khâm Châu. Đến tháng 10-1949, gặp đại quân Nam Hạ từ phía bắc đánh tràn xuống, bộ đội ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bàn giao lại cho bạn nhiều kho tàng, vũ khí và rút về trước.

Trải qua hơn 4 tháng hoạt động, thấm nhuần sự giáo dục của Đảng và lời căn dặn của Bác Hồ về tình hữu nghị quốc tế, bộ đội ta đã chiến đấu dũng cảm, kỷ luật nghiêm trong tiếp xúc với dân, được nhân dân địa phương mến mộ, từ chỗ e dè, thậm chí có lúc còn sợ sệt như đối với quân Quốc dân đảng, tới chỗ họ, dù đời sống còn rất nghèo khó, đã hết lòng giúp đỡ, dẫn đường, tải thương, tiếp tế và khen ngợi “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường, ác liệt”. Khi tiễn biệt, một vị đại diện Bộ tư lệnh biên khu Việt-Quế đã nắm chặt tay đồng chí Tư lệnh bộ đội Việt Nam, nghẹn ngào: “Cảm ơn các đồng chí Việt Nam. Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Cảm ơn các bạn, tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, đã sang giúp chúng tôi”. Đó là một mốc son trong quan hệ hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt-Trung.

Năm 1956, chính quyền địa phương và một số cán bộ bạn cùng hoạt động trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã giúp đỡ nhiệt tình trong việc xây dựng đài và quy tập hài cốt liệt sĩ ta về chôn cất dưới chân đài. Việc lập đài kỷ niệm chính là để ghi công, tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh tại chiến trường này.

PHẠM QUÝ theo báo Quân đội nhân dân

Không có nhận xét nào: